Nguyễn Hữu Nghiêm 阮 有 嚴 sinh năm Tân Hợi (1491), người xã Thọ Khê (còn gọi là Phúc Khê, tên tục gọi là Làng Nét), huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Thọ Khê, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Năm 18 tuổi, Ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ, đệ tam danh (tức Thám hoa), khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ tư đời Lê Uy Mục (1508), cách nay đã 500 năm. Ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ, Chưởng Hàn lâm viện sự. Thời Quang Thiệu (1522), khi Lê Chiêu Tông chạy ra ngoài, Ông giữ chức Phó đô ngự sử, nhận mật chiếu cùng thày học là Đàm Thận Huy (1) về Bắc Giang khởi binh, đại phá quân Mạc ở bờ sông An Thường. Sau thế cô thua trận, phải rút quân về giữ thành Bảo Thọ (huyện Yên Thế), lại bị thua. Khi Đàm Thận Huy mất rồi, ông về nhà lạy từ biệt mẹ già, rồi cùng con trai chạy lên huyện Tam Nông (nay thuộc Phú Thọ). Quân Mạc đuổi kịp, bắt được hai cha con đem về Thăng Long. Ông chửi rủa nhà Mạc không ngớt, Mạc Đăng Dung dùng xe xé xác Ông, giết cả con trai Ông. Hôm đó là ngày 27 tháng 12 năm Ất Dậu (1525), lúc đó, ông mới có 35 tuổi. Năm Bính Ngọ (1666) triều vua Lê Huyền Tông đời Lê Trung Hưng, theo lời tâu của Tham tụng Phạm Công Trứ, triều đình tuyên dương 13 công thần tiết nghĩa đời Chiêu Tông (1516-1522), trong đó đã nêu rõ khí tiết và công của Ông và phong Ông là "Tiết nghĩa đại vương", cho dân làng được lập đền thờ. Thánh chế Việt sử tổng vịnh xếp Ông ở mục trung nghĩa. Hiện nay, đền thờ Ông ở thôn Thọ Khê đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá. Hà Nhậm Đại 何 任 大, tiến sỹ triều Mạc đã bình luận về ông như sau:
阮有嚴
世變情移恨也深,
夙宵圖報定臣心。
老夫不識曾知否,
一片忠誠付轉輪。
Phiên âm:
Nguyễn Hữu Nghiêm
Thế biến tình di hận dã thâm,
Túc tiêu đồ báo định thần tâm.
Lão phu bất thức tằng tri phủ,
Nhất phiến trung thành phó chuyển luân.
Dịch nghĩa:
Đời thay đổi, tình người chuyển dời, hận cũng sâu,
Sớm khuya toan báo đáp, đã định trong lòng kẻ làm tôi.
Lão phu chẳng hiểu rằng có ai biết cho mình không,
Một tấm lòng trung thành phó cho chiếc bánh xe lăn (*).
Chú thích (*): Nhà Phật có chữ “chuyển pháp luân” ý nói phép thiêng mầu nhiệm như chiếc bánh xe lăn đi, không còn có chướng ngại nào ngăn cản nổi. Ở đây tác giả (Hà Nhậm Đại) bình luận cái đức trung thành của Nguyễn Hữu Nghiêm cho rằng lòng trung thành của ông chỉ có trời phật chứng minh.
Dịch thơ:
Đời loạn, dân lìa, hận cũng ghê!
Đền ơn, những tỏ dạ trung nghì.
Biết chăng, chăng biết cho đầu bạc,
Một tấm lòng son được chứng tri!
(theo tài liệu [3])
Tương truyền vào đời Lê Hồng Thuận gặp năm đại hạn, vua sai thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm cầu đảo ở đền Phù Đổng. Đến đêm, Nguyễn Hữu Nghiêm mộng thấy thần bảo rằng: Hiện nay chỉ đền thần Hàm Sơn là có bầu nước, nên đến đó mà cầu ! Hữu Nghiêm theo lời đến cầu quả nhiên được mưa to. Vua liền cho một cái trống, năm ngàn viên gạch để dùng vào việc thờ cúng. Nay hãy còn. Bởi thế, mới có thơ rằng:
Vua Chờ còn mải giết trâu
Để cho vua Dốt xách bầu nước đi
Vua Chờ: chỉ thần Quý Minh được thờ ở đền Hàm Sơn (nay thuộc xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).
Vua Dốt: chỉ Thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm (Dốt là tên tục của làng cày bừa Đông Xuất, ngay cạnh làng Nét, có lẽ thời đó người ta đều gọi Thọ Khê, Đông Xuất, Đông Bích là Dốt). Khi Hữu Nghiêm tế lễ ở đền Hàm Sơn đã cho mổ nhiều trâu, vì vậy mà được mưa lớn.
Ngày nay kỷ niệm Nguyễn Hữu Nghiêm, trước hết chúng ta nhớ đến một vị trí thức khoa bảng đã đỗ đạt cao, làm tấm gương sáng về học vấn cho các thệ hệ sau noi theo. Ông đỗ thám hoa Khoa thi Mậu Thìn, năm Đoan Khánh thứ tư đời Lê Uy Mục - 1508. Đây là Khoa thi mà cả ba người ở hàng Tam khôi đều thuộc phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Đó là Nguyễn Giản Thanh người làng Me đỗ Trạng nguyên, Hứa Tam Tỉnh người làng Như Nguyệt đỗ Bảng nhãn, Nguyễn Hữu Nghiêm người làng Nét đỗ Thám hoa. Chúng ta còn nhớ đến Ông như một tấm gương trung liệt, trước sau giữ trọn khí tiết của nhà Nho: Uy vũ bất năng khuất. Ông thà chết chứ quyết không chịu đầu hàng nhà Mạc. Thày học của Ông là cụ Nghè Đàm Thận Huy, bạn học của Ông là Tiến sỹ Nguyễn Tự Cường người làng Tam Sơn cũng khởi nghĩa chống Mạc, đều tuẫn tiết cả, để lại tiếng thơm cho hậu thế.
Chú thích:
(1) Đàm Thận Huy: Người xã Ông Mặc (tục gọi là làng Me), huyện Đông Ngàn, Trấn Kinh Bắc. Nay là thôn Hương Mạc (cạnh thôn Thọ Khê), xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến Sỹ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức 21 (1490). Ông làm quan trải lục bộ Thượng thư, có chân trong Hội Tao Đàn nhị thập bát tú (do Lê Thánh Tông làm Nguyên suý, Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận làm Phó nguyên suý), từng đi sứ Trung Quốc. Khi Mạc Đăng Dung tiếm vị, Ông khởi nghĩa rồi tuẫn tiết (vợ Ông và hai người con gái cũng chết theo). Ngày nay, về quê Ông ở thôn Hương Mạc, ta có thể thấy ngôi đền thờ Ông (biển đề là "Tiết nghĩa từ") nằm ngay trên trục đường liên xã Hương Mạc - Phù Khê - Đồng Quang đi về trung tâm Thị xã Từ Sơn.
Tài liệu tham khảo
[1] Trần Hồng Đức, Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại Phong kiến Việt Nam, NXB Văn hoá - Thông tin, 2006.
[2] Nguyễn Quang Khải, Văn bia Văn miếu Bắc Ninh, NXB Văn hoá dân tộc, 2000.
[3] Bùi Duy Tân (chủ biên), Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 6, NXB Khoa học xã hội, 1997.
[4] Khổng Đức Thiêm - Nguyễn Đình Bưu, Phương Ngôn Xứ Bắc, Sở văn hoá thông tin và thể thao Hà Bắc xuất bản, 1994.
[5] Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thuý Nga - Nguyễn Hữu Mùi, Các nhà Khoa bảng Việt Nam (1075-1919), NXB Văn học, 2006.
Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.