Đôi khi ký ức xưa ùa về thực khó tả- phải chăng là dễ chịu xen lẫn tiếc nuối. Bạn hãy post vào đây để chia sẻ với mọi người.
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
. TÔI LÀ ĐỨA TRẺ ĐẾN TỪ ĐỒNG RUỘNG...
Tháng Năm gõ cửa bằng con mưa đầu Hạ một chiều đi làm về, ướt nhẹp, chẳng cần lôi áo mưa ra khỏi túi, cứ thế đầm mình cùng mưa…Hoa phượng đỏ rực chỉ còn trong ký ức bởi thành phố quá chật chội, chẳng đủ chỗ để màu đỏ ấy thắp lửa tháng Năm...
Ta lật trang lưu bút ngày cũ …
“Rồi lại đến cái mùa hoa phượng đỏ
Kỷ niệm xưa chìm khuất ở nơi nào
Tiếng ve vỡ ra trăm ngàn mảnh nhỏ
Em không về nhận mặt tháng Năm sao?”
Lao xao cơn gió đầu Hạ, ta nhớ ai đó đã cùng ta một chiều lên đồi, ngồi dưới gốc đại thụ và ngắm nhìn những chùm phong lan đong đưa trong gió, ta nhớ lời nhắn gửi trong thư của một người bạn đến từ vùng đất huyền bí Champa - Phan Rang, ta nhớ, ta là đứa trẻ đến từ đồng ruộng…
Mùa hè, với đám trẻ ruộng đồng luôn bắt đầu bằng một chút bối rối bởi hôm nay đã là lễ tổng kết năm học, đã hết năm, phải xa những gương mặt cũ, xa chỗ ngồi, xa biết bao nhiêu trò nghịch phá trên khoảng sân trường rợp đỏ phượng vĩ, cả những bậc thang đất leo lên sân trường bị nước mưa bào chỉ còn trơ lại những gờ đất hững hờ …Nhưng rồi những xao xuyến ấy qua nhanh khi ta được trở về với chính ta, ta – đứa trẻ đến từ đồng ruộng….
Mùa hè tha hồ đi bắt dế. Những luống đất mới được cày vỡ, cố lật tới lật lui thế nào cũng thấy những chú dế đen chũi, óng ả trốn đâu đó. Đám con trai thường chơi đá dế, con gái không thích vậy, nó cưng nựng những chú dế bằng cách nhốt chúng vào những cái túi nilon hay ống lon và chẳng hiểu sao, dế chết! Con trẻ thường chẳng buồn lâu vì chúng biết cách quên đi những cái không đáng nhớ! Chúng thả diều. Diều dán bằng giấy tập học sinh, nham nhám, xam xám chứ không trắng tinh, thẳng thớm, thơm tho như vở học sinh bây giờ. Với ta bé bỏng đến từ đồng ruộng, được đi học là cả một hạnh phúc lớn lao nên ta hầu như chẳng bao giờ quan tâm và hỏi tại sao ta chỉ có những cuốn vở đen để viết khi đó, bởi ta yêu chúng biết nhường nào!
Cắt giấy dán diều, vót nan tre, cột lại. Dây chẳng biết kiếm từ đâu ra nhưng chẳng phải là những cuộn dây dù tinh tươm như bây giờ, nhưng ta chẳng quan tâm, diều vẫn cất lên cùng với gió đồng mát rượi. Tha hồ mày chạy, tha hồ thả, tha hồ vừa chăn trâu, vừa tung tăng thả diều, thi xem diều của đứa nào bay cao hơn…Con diều ấy đôi khi vẫn được thả lên ở một miền quê nào đó, trong miền ký ức nào đó, tôi tin như thế!
Mùa hè, tha hồ đi …ăn cắp và đánh lộn!
Chẳng biết những đứa trẻ đến từ thành phố có thế không nhưng với đám trẻ đến từ đồng ruộng, ăp cắp không phải là xấu, chỉ là một trò nghịch mùa hè mà thôi! Vườn nhà cũng đầy đủ xoài, chuối, thơm, đu đủ, mít. Mía trồng thành vườn. Tuy nhiên, đi ăn cắp vẫn là một thú vui …khó bỏ! Hăm he vườn nhà đứa nào có thứ cây trái mình thích là bẻ chứ không hẳn vì nhà không có nên đi …ăn trộm! Nướng khoai lang trộm mới thú làm sao! Những cái rễ to to, những củ khoai chồi lên khỏi mặt đất, cứ thế mà moi trộm vài củ rồi đem lùi trong bếp than. Một lát moi ra, khoai đã chín, vỏ bong ra, thơm nức! Có hôm mải chơi, quên mình đã lùi khoai trong bếp, lúc nhớ ra thì khoai đã trở thành cục than đen sì, tiếc hùi hụi! Đánh lộn đánh lạo vì nhiều lẽ mà những lẽ đó là gì thì … chẳng đứa nào biết! Sáng ghét thì đuổi về, không cho nó qua nhà mình chơi, nó không về thì nhảy vô đánh nhau, nắm tóc, giựt áo. Chiều, lại kiếm tụi nó chơi như thường vì không chơi với đám trẻ ấy thì chơi với ai, bầy trò nghịch với ai suốt những tháng hè! Giờ ngồi đây, thèm một củ khoai nướng và một tiếng í ới khe khẽ, rúc rích cảu đám con nít ngoài bờ rào…
Đứa trẻ ta đến từ đồng ruộng ngày bé rất thích bắt cá và đi câu. Câu cá rô, có hôm cả trăm con. Bắt cua cũng thế, chỉ cần lấy nắm lá sắn cột lại, lấy một cái que giữ đám lá cho chắc rồi cắm xuống đồng. Cua tìm nơi trốn nóng bu ngay vào đám lá sắn, thế là ta chỉ còn việc lâu lâu đi …thăm lá, nhấc lên, bắt cua là xong! Đến những ngày giữa hè, mưa nhiều hơn, nước về lênh láng, ta lại có cái thú lội tong tong trên con đường trước nhà đã bị nước tràn qua cùng bố và các chị đi đặt vó bè. Cái vó to và nặng được kéo bằng một sợi dây thừng chắc. Nước chảy, cá lòng tong, cá rô, cá lóc thi nhau bơi theo dòng nước, kéo vó lên và hốt là xong! Vài năm nữa, khi ta lớn, con đường trước nhà được tôn cao, cống đã làm lại, điều phối nước bằng mương thủy lợi, ta chẳng còn được đi cất vó bè…
Thế nhưng ngày hè với ta vẫn còn dài lắm, với những đứa trẻ đến từ đồng ruộng cũng thế, hẳn ai cũng cất giữ trong mình cả kho ký ức về những tháng ngày ấy. Ta cũng thế. Một hôm thức dậy, nước đã trắng xóa cánh đồng phía sau nhà, hai chị “đặc cách” dắt theo đứa em bé nhất nhà lội bì bõm ra cánh đồng phía sau nhà đi …lượm trứng vịt đẻ hoang! Chị bảo rằng mưa xuống, tôm cá nhiều, vịt ăn no, mắc đẻ là đẻ chứ không cần chờ tới tối. Chúng đẻ hoang ngoài đồng và phần đó tất nhiên thuộc về …chị em tôi! Có hôm, ba chị em mang hẳn cái rá đi lượm trứng, kha khá đấy!
Rồi một hôm nữa chị Nga cho theo vào ruộng. Ruộng xa nhà, mang em nhỏ theo phải bế khi nó mỏi chân nên các chị ít cho đi. Ngày xưa chẳng có trâu cày, bố, mẹ và 3 chị lớn hì hụi cuốc đất đến nhừ tay để gieo lúa một vụ, trồng bắp một vụ và trồng đậu một vụ. Tôi chẳng nhớ nữa, chỉ nhớ khi ấy trời lâm thâm mưa, cả nhà chen chúc trong chiếc lều dựng trên nền ụ mối san phẳng với nồi bắp luộc nghi ngút khói. Sau này lớn lên, tôi vẫn thích ăn bắp nhưng chẳng còn bắt gặp hương vị bắp bốc lên giữa đồng trong một sáng mưa, quay quần xung quanh là bố, mẹ, các chị và em nhỏ nhất là tôi. Mùi hương ấy lâu ngày tôi đã quên nhưng hình ảnh ấy, khung cảnh ấy vẫn rất rõ ràng, gần gũi, tưởng có thể nhìn thấy và nắm ngay lấy được.
Lại đến tháng Năm, mùa hè. Đứa trẻ tôi đến từ đồng ruộng khao khát được về lại tuổi thơ mình. Tôi đã đặt sẵn cho mình chiếc vé về ga Tuổi Thơ, ai đó đã nhắn lại rằng “hãy giữ chiếc vé đó trong túi áo để bất cứ lúc nào muốn, bạn hãy ra ga và đặt một chỗ trên chuyến tàu đi Tuổi Thơ. Chuyến tàu ấy không có người soát vé!”…
Nguồn: Blog TIỂU KIỀU
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
. HOA CÚC QUỲ
..."Em đến bên đời, hoa vàng rực rỡ
Nào dễ chóng phai, trong lòng nỗi nhớ
Ngày tháng trôi qua, cơn đau mịt mù...
Em đến nơi này, bao điều chưa nói,
Lặng lẽ chia xa, sao lòng quá vội,
Một cõi bao la, ta về ngậm ngùi..."
-Hoa vàng mấy độ (Trịnh Công Sơn)-
Tình cờ chiều nay, một chiều đầu thu đầy nắng, cái nắng dịu dàng, thanh khiết chứ không bỏng rát như thường thấy ở Huế, đọc "Cúc quỳ" của tác giả Hồ Thị Hải Âu, chợt thấy nhớ vô cùng những đóa hoa cúc quỳ khoe sắc vàng trong đất trời đầy nắng và gió của phố núi. Ngày xưa, hoa cúc quỳ nhiều lắm. Mọc đầy hai bên con đường mòn vào xóm. Trên những khu đất trống. Và khu vườn thênh thang sau nhà. Rực lên một màu vàng thách thức dưới cái nắng khô hanh gió mùa xơ xác của những ngày thu cao nguyên. Trong cái khung cảnh tiêu điều, khô khốc ấy, cúc quỳ mới mạnh mẽ và đầy sức sống làm sao. Một màu vàng rực trải dài, miên man, miên man hai bên đường, miên man khoảnh đất sau nhà, miên man trong nỗi nhớ- tuổi thơ tôi.
Hoa cúc quỳ, cái tên mà người dân quê tôi gọi loài hoa mong manh mà mãnh liệt ấy, cái tên nghe dân dã và gần gũi hơn "dã quỳ", cái tên mà khi nhắc đến, những người yêu sự tinh khiết, giản dị của hoa sẽ nhìn thấy những đồng hoa vàng trải dài dưới nắng thu; những người không thích thì khó chịu khi thấy thoảng đâu đây cái mùi hăng hắc, nồng nồng, ngai ngái, cái sự chen chân, lấn sâu vào những khoảng đất trống thành từng vạt, từng dải, có muốn phá bỏ cũng khó vì chỉ cần một cơn mưa đầu mùa, cúc quỳ lại bật lên, đầy sức sống.
"Nhiều tháng trôi qua, những khẩu hom cây Ba ươm, giờ đã biến khu vườn nhà tôi thành một ốc đảo hoa vàng. Rực rỡ. Thách thức. Mặc cho nắng và gió Lào quê tôi thiêu đốt. Mặc cho bờ dứa dại vươn những cánh tay dài ngoằng, như muốn nhấn chìm trong mớ gai góc xanh rì của chúng, sự sống vừa mới trỗi dậy của loài hoa vàng. "
"Từ bé, tôi đã sợ cô đơn...Tôi về với những bông hoa vàng, lòng bình yên như về với mẹ.
Nó không đẹp. Cánh hơi thô. Sờ vào thấy ráp. Nhị tỏa ra một mùi hăng hắc, nồng nồng. Có người bảo, mùi nó hôi. Thế mà tôi vẫn thích. Đơn giản vì nó làm tôi yên lòng. Quên đi nỗi sợ.
Tháng Chạp rét căm căm.
Đêm.
Sương muối chụp xuống xóm hồi cư tấm lưới khổng lồ, giá buốt. Những ngọn đèn dầu leo lét trong mỗi căn nhà, dường như càng trở nên yếu đuối, nhạt nhòa hơn trong màn sương đặc quánh, quện vào bóng đêm mịt mù. Tiếng chó eo óc sủa. Tiếng ếch nhái râm ran. Bầy đom đóm lặng câm di chuyển lập lòe...Tất cả, khiến cho xóm hồi cư thêm lẻ loi, đơn độc. Từng thớ thịt, đường gân trong tôi căng thẳng, nhậy cảm nhận biết tất cả trong nỗi sợ bản năng của một con mồi đơn lẻ. Toàn thân mệt nhoài trong nỗi ám ảnh đêm. Giấc ngủ của con bé 5 tuổi nối lại với nhau bằng những cơn mê không đầu, không cuối. Chập chờn những hoang phế, điêu linh. Đôi khi, tôi ngủ vùi trong giấc mộng hoa vàng. Lộng lẫy và chứa chan cảm xúc. Tôi thấy mình được bay lên với đôi cánh vàng rực. Lồng ngực đầy căng niềm hạnh phúc. Và, trái tim hát vang những nốt nhạc màu hoa.
Ngày.
Mặt trời bừng lên. Tan chảy màn sương muối. Gió hanh hao xua đi phần nào buốt giá, thổi bùng lên sắc và mùi hoa. Nắng và hoa trộn lẫn vào nhau. Vàng ươm, chói mắt. Gió bật tung nhụy hoa, rải mùi hăng hắc nồng nàn lan xa trong không gian. Thứ mùi thuốc nam, thuốc bắc ấy làm bớt đi cái lạnh lẽo của hoang phế và điêu linh còn sót lại."
Thật lạ là tôi luôn cảm thấy ấm áp khi nghĩ về hoa cúc quỳ, không hẳn là màu vàng rực của nó trong những ngày đầu mùa khô trên cao nguyên, mà là mùi hương rất đặc trưng của hoa. Thứ mùi đăng đắng, tinh khiết lan xa trong không khí, trong đất trời rộng lớn, bao la. Thứ mùi làm ta thấy ấm.
"Mặc cho mọi phũ phàng. Khen chê. Yêu ghét. Hoa vàng vẫn nở. Rực rỡ. Bao dung."
Tôi yêu hoa quỳ. Tinh khiết. Mạnh mẽ. Đầy sức sống. Nương vào nhau thành từng vạt. Những cành cây khẳng khiu xanh thẫm chắt lọc từng chút sự sống trên đất cằn đá sỏi để một ngày kia, bất ngờ ta nhận ra, những cánh hoa mỏng manh đã dệt thành một thảm hoa vàng bồng bềnh trong gió. Tôi yêu hoa quỳ còn vì một lẽ. Hoa quỳ gắn bó với cả tuổi thơ tôi. Với hình ảnh Ba tôi. Vàng rực màu quỳ.
"Nỗi nhớ sắc vàng của loài hoa, thô ráp và không phù phiếm. Tự dưng, thấy lòng yên ổn...Có phải vì yêu mà suốt bao nhiêu năm nay, tôi vẫn cố tìm khắp thành phố nơi tôi ở. Tìm mà không thấy, một loài hoa không người mua và bán. Cúc quỳ..."
Người ta nói hoa cúc quỳ chính là hình ảnh của nàng Bờ Nga Ang, cô gái Jarai không thể sống cạnh người mình yêu khi bị bắt làm nô lệ. Nàng chết đi, nắm tro tàn theo gió bay về, trở thành những bông cúc quỳ vàng rực, bỏng cháy yêu thương. Cúc quỳ, phải chăng cũng chính là hiện thân của những người con gái cao nguyên, dịu dàng nhưng mạnh mẽ, tinh khiết mà nồng nàn, rực rỡ một cách giản dị, và sống hết mình cho tình yêu. Âm thầm, lặng lẽ chờ đợi, chờ đợi một ngày nở hoa. Sống hết mình trong khí trời Tây Nguyên.
"Hoàng hôn buông nhè nhẹ phía chân trời...Hôm ấy, có một hoàng hôn lộng lẫy đến khó tin. Khung trời chợt vàng lên sắc thắm của loài hoa hoang dại."
Nỗi nhớ sắc vàng của loài hoa không phù phiếm. Tự dưng thấy hạnh phúc...Trong một buổi chiều hanh hao, nhẹ tênh sắc vàng...Nỗi nhớ...cũng hanh hao...
Hoa cúc quỳ...tôi ơi...
Chỉ là loài hoa dại mọc ven đường
Em vẫn ngẩng cao đầu kiêu hãnh
Mang nắng ấm đến trong đông giá lạnh
Một màu vàng khắc khoải buổi tàn thu...
Ngọn lửa vàng xua hết những âm u
Anh biết không dã quỳ là em đấy
Em đem cả trái tim mình đốt cháy
Dám hiên ngang thách thức cả đất trời
Dù ngả ngiêng trong gió lạnh chơi vơi
Em vẫn cứ khoác áo vàng rực rỡ
Xa quê hương mang trong lòng nỗi nhớ
Đông đã về...
...thương lắm dã quỳ ơi!!!
Nguồn: Blog TRẦN THUÝ QUỲNH MY
(Tôi là một người hạnh phúc...vì tôi biết cách đem lại cho mình những niềm vui mỗi ngày...dù không phải lúc nào cũng dễ dàng^_^)
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook