Lưu Hữu Phước & mối tình dành cho cô gái Huế
(tiếp theo và hết)
Bài tình ca đầu tiên Thay vì gặp một Thu Hương, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đã gặp nhị Kiều xứ Huế lúc bấy giờ là L.L và L.Đ, cả hai đều là em của T. Nghe chàng sinh viên kiêm nhạc sỹ nổi tiếng Lưu Hữu Phước đang có mặt ở nhà L.L và L.Đ, khoảng trên ba mươi nữ sinh Huế đã tìm đến và thế là đã từng diễn ra một cuộc trình diễn nhạc Lưu Hữu Phước ở Huế cách đây 67 năm. Trước những tà áo tím ngưỡng mộ mình, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đã hứng khởi giới thiệu một số bài hát như “Bạch Đằng Giang”, “Hồn tử sỹ” và không thể thiếu bài
“Ta cùng đi” đã từng làm nên duyên nợ với Huế của chàng trai Nam bộ.
Những ngày sau đó, T. đưa nhạc sỹ Lưu Hữu Phước thăm viếng các lăng tẩm, hoàng cung, đi thuyền sông Hương và có lần L.L cùng L.Đ đưa Lưu Hữu Phước đi thăm quê ở ngoại ô thành Huế. Không tìm thấy Thu Hương ở Huế, nhưng tình cảm của chị em L.L, L.Đ đã làm cho Lưu Hữu Phước khuây khỏa. Mơ hồ như trong số họ có bóng dáng của Thu Hương.
Những ngày vui qua nhanh, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước từ biệt Huế mà lòng biết bao lưu luyến, trong tim canh cánh một nỗi niềm “Thu Hương-nàng là ai?”. Trở về Nam, nhạc sỹ đã sáng tác bài tình ca đầu tiên
“Hương giang dạ khúc” theo phong cách dân ca Huế. Từ Sài Gòn, bài tình ca đã được gửi ra Huế cho Thu Hương, đồng thời cho cả L.L và L.Đ. Cô em L.Đ đã dành giữ bức thư, còn người chị L.L đằm thấm hơn thì giữ lấy phong bì có đóng dấu bưu điện Sài Gòn. Bài
“Hương giang dạ khúc” có rất nhiều từ
“hương”, như vừa để nhắn gửi đến nàng Thu Hương, vừa gửi về xứ sở đã để lại trong tâm hồn nhạc sỹ nhiều ấn tượng quá đẹp. Trong đó có những câu da diết:
“Làn hương thu mờ trong bóng chiều, vờn run ánh ngà, nhẹ đưa đưa xa... Làn hương ơi! Làn hương mờ xóa bóng ai yêu kiều trong mơ...” Năm 1944, Mặt trận Việt Minh kêu gọi, lệnh chuẩn bị khởi nghĩa đến với những người sinh viên yêu nước. Lưu Hữu Phước hát vang bài “Xếp bút nghiên”, bỏ học đi về Nam. Trước khi lên đường, chàng nhạc sỹ Lưu Hữu Phước thức suốt đêm đốt hết tất cả những bức thư của Thu Hương cùng các thư từ kỷ vật đã lưu niệm từ mười năm qua. Không chỉ thế, khi về ngang Huế, nhạc sỹ đã cắt một đoạn bài hát “Xếp bút nghiên” gửi cho Thu Hương theo địa chỉ “Ngõ cụt Liêu Trai” mà mình đã đến tìm nhưng không gặp người. Đoạn cắt ấy là: “Hèn thay đời nhàn cư! Hèn thay vui yêu đương! Lúc quê hương cần người. Dứt làn tơ vương”... Những lời ấy nói thay cho nhạc sỹ một quyết tâm cắt đứt mối tình đầu để lên đường tranh đấu...
Thu Hương - nàng là ai? Những tưởng câu chuyện đến đó là kết thúc, thế nhưng mọi chuyện về người con gái xứ Huế bí hiểm mang tên Thu Hương đã dần dần sáng tỏ vào một ngày của năm 1948. Mai Văn Bộ kể lại, lúc ấy ông đang hoạt động bán công khai ở Sài Gòn - Chợ Lớn thì có người phụ nữ tìm đến gặp, tự giới thiệu là L.L. “Nàng có khuôn mặt hơi dài, trán cao, một cái nhìn rất sâu và rất tri thức sau cặp kính trắng”- Mai Văn Bộ tả. Rất tự nhiên, L.L cho biết là nàng đã có chồng và đang làm ăn buôn bán ở Sài Gòn, Hương Cảng, Singapore. Quanh co một hồi, L.L hỏi tin tức của Lưu Hữu Phước. Mai Văn Bộ cho biết là nhạc sỹ đang ở Việt Bắc và chưa có vợ. Ông nhớ là ông nhấn mạnh Lưu Hữu Phước chưa có vợ và cảm thấy như L.L muốn nói điều gì đó song lại thôi, vội vàng từ giã ra về. Ông Mai Văn Bộ đưa tiễn người đẹp ra ngõ, thế nhưng khi về đến nhà, ông mới giật mình vì một câu hỏi xoáy lên: “L.L có phải là Thu Hương không?”. Ông vội chạy ra ngõ tìm nhưng muộn mất rồi, không còn thấy bóng người đâu cả.
Sau Hiệp định Geneve, nhóm Hoàng Mai Lưu găp nhau ở Hà Nội. Lưu Hữu Phước kể cho mọi người nghe là năm 1946, nhạc sỹ đã gặp L.L ở Hà Nội. Lúc ấy nàng đã có chồng, thế nhưng L.L không những vẫn giữ thái độ thân tình của người quen cũ, mà còn tích cực giúp nhà xuất bản Hoàng Mai Lưu II ấn hành một số bài hát, trong đó có bài “Hương giang dạ khúc” của nhạc sỹ không tên, tặng cô Thu Hương. Nghe chuyện L.L tìm gặp Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước thở dài: “Yêu người trong mơ, gặp người cụ thể, chưa biết hẹn hò gắn bó thì người ta đã đi lấy chồng”.
Nói vậy nhưng có phải L.L đã núp dưới tên Thu Hương để mê hoặc Lưu Hữu Phước không? Câu hỏi ấy vẫn chưa dễ dàng kết luận.
Câu trả lời chỉ đến 18 năm sau đó, vào năm 1961. Ông Mai Văn Bộ kể: “Tháng 8 năm 1961, Trần Văn Khê dự Hội nghị Âm nhạc của Hội quốc tế nghiên cứu Âm nhạc (S.I.M) tại New York. Gần địa điểm Hội nghị, có một tiệm ăn Việt Nam. Thấy Khê đến, hai vợ chồng chủ tiệm đón tiếp rất niềm nở. Trước ngày Khê rời New York, hai vợ chồng, nhất là người vợ khẩn khoản mời Khê ăn một bữa bánh khoái, vì hai vợ chồng đều là người Huế.
Sau bữa ăn, người vợ tự giới thiệu là L.L. và hỏi Khê có còn nhớ bài hát “Hương Giang dạ khúc” của Lưu Hữu Phước. Dĩ nhiên là Khê còn nhớ bài hát và L.L đã đề nghị Khê hát.
Khê kể lại rằng khi L.L yêu cầu Khê hát bài
“Hương giang dạ khúc”, Khê bồi hồi nhớ lại cuộc đi thăm Huế một tuần lễ của Phước và nói : “Vâng, tôi còn nhớ và cũng còn hát được bài hát mà Phước viết sau chuyến thăm Huế cuối năm 1943 để tặng một bạn gái tên là Thu Hương’’.
L.L. không nói gì, nét mặt của nàng cũng không biểu lộ một điều gì. Nàng ngồi im, chờ nghe Khê hát.
Khê lại thoáng nghĩ L.L ắt có liên quan đến Thu Hương.
Với ý nghĩ trên đây, Khê hát bài “Hương giang dạ khúc” với tất cả tình bạn nồng nàn đối với Phước. Lúc đầu L.L còn nhìn Khê và nghe Khê hát. Nhưng sau đó, nàng nhìn xuống đất như để lẩn tránh cái nhìn của Khê vào mắt nàng.
Khê tiếp tục hát:
“...Làn hương ơi. Làn hương mờ xóa bóng ai yêu kiều trong giấc mơ” Đến đây, L.L gục xuống, ôm mặt khóc nức nở và nói qua hơi thở:
- Thu Hương ngày ấy là... em! Em xin lỗi anh Phước...
Người chồng - chắc có biết tâm tình vợ ôm hai vai vợ, tìm lời an ủi. Khê xúc động, cặp kính nhòa nước mắt.
Cuối cùng, tuy vì những lí do không giống nhau nhưng cả ba đều khóc”.
** L.L - Thu Hương không còn nữa. Khi trên đường bay về Việt Nam, một tai nạn máy bay đã đưa nàng ra đi vĩnh viễn, mang theo cuộc đời có quá nhiều uẩn khúc của nàng. Từ bức thư đầu tiên của Thu Hương gửi cho Lưu Hữu Phước đến khi L.L bật khóc và thú nhận “Thu Hương ngày ấy là em”, tính ra đã 18 năm đi qua. Còn mãi đến năm 1976, nhạc sỹ Trần Văn Khê gặp nhạc sỹ Lưu Hữu Phước và nhắc lại chuyện cũ, bấy giờ Lưu Hữu Phước mới biết chắc L.L là Thu Hương ngày ấy, thì cũng đã 33 năm đi qua.
Ở Huế, người ta thường hay nhắc đến mối tình của một người con gái gửi ảnh và những dòng thư cho nhà thơ Hàn Mặc Tử, để rồi nhà thơ có bài thơ bất hủ “Đây thôn Vỹ Dạ”. Thế nhưng chuyện những dòng thư của Thu Hương và xuất xứ của bài “Hương giang dạ khúc” và câu chuyện ly kỳ trên đây thì không phải ai cũng biết.
Xứ Huế thường có những bí ẩn bất ngờ dành cho những con người tài hoa rất mực một cách lạ lùng như thế.
Theo Tạp chí sông Hương
Nguồn:
http://www.khamphahue.com...atid=thonhac&nid=1064"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"