Ngày gửi: 14/06/2009 02:20 Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Nguyệt Thu vào 14/06/2009 02:44
PHÂN TÍCH TỐ TÂM – HOÀNG NGỌC PHÁCH Giai đoạn 1900-1930, xã hội Việt Nam ta là một xã hội thực dân nửa phong kiến, một xã hội mang tính giao thời vừa có phong kiến vừa có tư bản, vừa có yếu tố dân tộc, vùa có yếu tố ngoại lai. Nền văn hóa Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa cũ vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển; bên cạnh đó những giá trị văn hóa mới bắt đàu hình thành, nhất là ở đô thị. Cùng với sự giao thời của xã hội đầu thế kỷ XX, văn học Việt Nam cũng bất ngờ có một cuộc chuyển mình và gia nhập với dòng văn chương thế giới. Nền văn học Việt Nam trong bước đầu hiện đại hoá này đã làm một cuộc cách tân cả về nội dung lẫn hình thức, nó đã vượt qua những ràng buộc gò bó, chật hẹp của mẫu hình văn học Trung Quốc cũ với hệ thống niêm luật chặt chẽ. Trong số đó, đặc biệt nhất là thể loại tiểu thuyết, từ chỗ ảnh hưởng tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc nó đã chuyển sang tiếp nhận tiểu thuyết phương Tây. Đó là hàng loạt các tiểu thuyết như: Truyện thầy Lazaro Phiền (Nguyễn Trọng Quản, 1886), Hoàng Tố Anh hàm oan (Trần Chánh Chiếu, 1910), Truyện nàng Hà Hương (Lê Hoằng Mưu, 1912), cùng hàng loạt các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh: Ai làm được (1912), Cay đắng mùi đời (1923), Nhân tình ấm lạnh (1925), Ngọn cỏ gió đùa (1926-1928), Vì tình vì nghĩa (1929)… Nhưng xét về chất lượng của thể loại tiểu thuyết thời kỳ này, phải đặc biệt kể đến sự “tự ngời sáng” của “Tố Tâm”- tiểu thuyết đầu tay và duy nhất trong sự nghiệp văn chương của Hoàng Ngọc Phách (1896- 1973). “Tố Tâm” được Hoàng Ngọc Phách viêt năm 1922, khi ông học năm cuối trường Cao đẳng sư phạm. Ngay từ lúc chào đời “Tố Tâm” đã tạo nên sự quan tâm đặc biệt của dư luận, “nó đã gây nên hiệu ứng xã hội không ngờ, làm lung lay cả luân lí hàng ngàn năm”. Tác phẩm kể về câu chuỵên tình thơ mộng nhưng đầy bi thương của đôi trai tài gái sắc: Đạm Thuỷ- Tố Tâm, qua lời dẫn truyện của nhân vật kí giả. Đạm Thuỷ- một chàng sinh viên cao đẳng rất giỏi văn chương- kể cho bạn (nhân vật kí giả) nghe câu chuyện tình đau khổ của mình. Trong một chuyến về quê, vì mất ví Đạm Thuỷ đã đến trình quan sở tại và được tiếp đãi rất nồng nhiệt; sau về trường chàng đươc nhắn đến nhà bà Án, chị của quan để nhận lại ví. Chính vì thế chàng đã kết thân với cậu Tân con của bà Án, và cũng qua dịp này chàng đã gặp và thầm yêu chị của Tân là nàng Nguyễn Thị Xuân Lan, cô gái đẹp nhất phố, nết na, hiền thục, tuy có phần kiêu kỳ. Đạm Thuỷ đã đặt biệt hiệu cho nàng là Tố Tâm. Tố Tâm là một cô gái mới, thông thạo cả chữ Nho lẫn chữ Tây, say mê văn chương, hay đọc sách báo, đã thầm yêu Đạm Thuỷ qua thơ văn và bài báo của chàng. Gia đình Đạm Thuỷ đã hỏi vợ cho chàng và giục chàng về xem mặt cô dâu, yêu Tố Tâm nhưng Đạm Thuỷ không muốn làm trái ý cha mẹ. Tố Tâm yêu Đạm Thuỷ nhưng cũng không muốn làm phật ý gia đình và làm vợ chưa cưới của chàng đau khổ. Lúc này, mẹ Tố Tâm bỗng dưng ốm nặng, nên gia đình buộc nàng lấy chồng, Tố Tâm kiên quyết khước từ. Vì quá yêu Tố Tâm, Đạm Thuỷ có ý định bỏ trốn xây dựng hạnh phúc nhưng nghĩ đến gia đình, chàng đã từ bỏ ý nghĩ ấy. Mẹ Tố Tâm không thúc ép nhưng cũng muốn lo chuyện cho xong. Phần vì chữ hiếu, lại thêm những bức thư Đạm Thuỷ gởi đến khuyên nhủ, Tố Tâm đành chịu lấy cậu Tú B. Lấy chồng nhưng bị bệnh nặng, lại bị chồng phát hiện ra những bức thư mà nàng và Đạm Thuỷ đã qua lại trước ngày cưới, Tố Tâm đã thú nhận và trả lời rõ ràng tình yêu của nàng và Đạm Thuỷ. Rồi Tố Tâm qua đời sau 36 ngày lên xe hoa. Tố Tâm để lại cho Đạm Thủy một hộp kỷ vật, trong đó có cuốn nhật ký của nàng. Đọc nhật ký, Đạm Thuỷ vô cùng thương xót, hối hận mà thành bệnh. Sau được anh trai kịp thời khuyên bảo, an ủi nên quyết tâm học hành, và vẫn giữ trong lòng mối tình nồng nàn, cao thượng với Tố Tâm. “Tố Tâm” được ra đời trong thời điểm xã hội Việt Nam có nhiều đổi thay, với những cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai khuynh hướng tân tiến và bảo thủ, giai cấp tư sản và tiểu tư sản phát triển, lối sống của lớp trí thức thị dân ngày càng Tây phương hoá. Do đó, họ cũng mang những quan niệm mới về tự do, tự do trong đời sống, tự do trong tình yêu. Nó đã đối lập hoàn toàn với nề nếp đạo lý phong kiến. Những mối quan hệ cha – con, vợ - chồng, anh – em đã từng bước bị những làn gió mới của xã hội tác động vào. Từ sự tiếp nhận dè dặt lối sống và nền văn minh đô thị ấy, “Tố Tâm” đóng vai trò là tác phẩm mở đường cho “những mũi nhọn thăm dò đầu tiên trong mối quan hệ yêu đương nam nữ thanh niên” lúc giờ. Trong giai đọan xã hội mà “chuyện hạnh phúc lứa đôi hoàn toàn phụ thuộc vào quyền cha mẹ, sự tiếp xúc của nam nữ trong xã hội còn bị hạn chế, tình yêu nam nữ gắn liền với nghĩa vụ hơn là niềm vui và hạnh phúc thì Tố Tâm và Đạm Thuỷ đã tìm đến với nhau” ( Hà Minh Đức) Tố Tâm đem lòng yêu Đạm Thuỷ từ khi còn chưa biết mặt chàng “em chưa biết người, biết mặt, em chỉ xem văn chương, tính tình, tư tưởng của anh mà em yêu”. Lúc này đây tình yêu mà Tố Tâm dành cho Đạm Thuỷ như cái tình dành cho nhau của những kẻ tri âm tri kỷ, hiểu rất rõ về nhau, nàng đọc văn Đạm Thuỷ dù không đọc tên thì cũng biết được, dù xem không hiểu hết ý “ nhưng cứ đọc giọng văn anh lên là em đủ biết, sao anh hợp tâm lý của em làm vậy”. Tố Tâm từ yêu văn đã đến yêu người, nàng yêu Đạm Thuỷ từ chỗ mến mộ cái tài năng của Đạm Thuỷ, từ lúc trộm nhớ thầm mong đến khi gặp gỡ ý hợp tâm đầu. Còn về phần Đạm Thủy, chàng cũng si tình như thế, một chàng trai trí thức Tây học lại giỏi văn chương, mến Tố Tâm ngay từ ánh nhìn đầu tiên.Thấy được ý thích và khiếu văn chương của nàng, Đạm Thủy đã tận tình chỉ dẫn, “ tôi hay đem những ý tưỏng Tân học mà giảng cho nàng”. Từ đó, hai người như thân nhau hơn, từ mến mộ cái tài, hai người đã trở nên quyến luyến. “tôi với nàng thường hay đàm luận về văn chương và thế sự”. Tình yêu của Đạm Thủy và Tố Tâm là như thế đấy. Đó là một thứ tình yêu trong trắng như đóa hoa ban giữa rừng tỏa hương thơm ngát. Trong lòng của đôi trai gái yêu nhau ấy vẫn không khi nào vượt qua “khỏi vòng huynh đệ”, dù cho lửa tình có chợt nhiên nhóm sáng cũng phải cố gắng mà nén xuống ngay chứ không dám để lộ cho nhau biết. Yêu nhau, Tố Tâm và Đạm Thủy cùng giữ ý cho nhau mà cách nhau một bức tường ngăn “nàng thì còn e mình là con nhà nề nếp, vả phận đào tơ phải giữ ngọc gìn vàng…lương tâm tôi vẫn có cái e lệ tự nhiên, tôi còn thích làm một ông anh, trong lòng còn có một cái thú của người thích điều quảng đại đem lòng nam tử mà che chở cho người yếu ớt hơn mình”. Và “thứ tình yêu thầm mong trộm nhớ” cũng phải tự nó mà bộc lộ rõ ra khi bản thân Đạm Thủy và Tố Tâm cảm thấy mình sống mà không thể thiếu nhau được. Cái bức tường ngăn cách mà hai người đã tự tạo ra dường như đang ngày càng thấy “lỡ dần ra”: “lắm lúc tôi thấy lý thuyết của tôi nghĩ ra để giữ được vững bền thì tương lai bị lý thuyết khác của lòng đánh đổ”, khi làm việc gì “quá bạo” thì Đạm Thủy lại tìm ngay cái lẽ phải để mà tự thứ lỗi cho mình, “áp đặt” cho chính lòng Tố Tâm cũng như lòng mình “Tôi chắc lòng nàng cũng như vậy, nhưng nàng không dám lấn mạnh như tôi.” Chính vì yêu, Đạm Thủy đã không dám ngỏ lời với Tố Tâm vì không muốn mình đa mang tội lỗi với người mình yêu, vì “cha mẹ đã định cho tôi một nơi đi lại đã ba năm nay, chỉ đợi xong việc nhà trường là lo bề gia thất”.
Tố Tâm lại càng đau khổ hơn khi yêu mà không dám ngỏ, biết nhớ biết thương nhưng chẳng thể làm gì vì người mình yêu đã “định bề gia thất”. Nhưng thử hỏi một đôi trai gái quen nhau, lại hợp tính tình nhau, mến mộ nhau làm vậy mà lòng thì cũng chẳng “vướng bịu nơi nào”, trái lại “ để gần nhau luôn”, gặp nhau luôn thì làm sao có thể tránh khỏi sinh tình luyến ái. Là một đôi nam nữ tân tiến, Tố Tâm và Đạm Thủy đã tự tìm đến với nhau, tự do yêu nhau. Tố Tâm được sống theo lối mới, được học chữ Tây, được tự do tiếp xúc với báo chí, tự do tiếp xúc với bạn bè khác giới. Nhưng rồi nàng vẫn phải ôm mối hận tình mà chết, bởi phải sống trong một gia đình còn giữ nề nếp gia phong. Mà Đạm Thủy thì cũng không thể làm trái ý cha mẹ mình trong việc hôn nhân. Biết lòng đương rất yêu Tố Tâm nhưng Đạm Thủy vẫn nghe theo “lẽ phải” mà quên nàng. Không những thế còn làm cho Tố Tâm đừng yêu chàng nữa “xét cho kỹ thì bởi lòng tôi yêu nàng một cách chân thực, thủy chung nên tâm trí tôi mới đánh nhau cả ngày như vậy”, Đạm Thủy luôn tìm cách để gợi cho Tố Tâm thất vọng mà tìm cách xa chàng. Cuộc đấu tranh ấy phải trải qua một sự giằng xé đau đớn lắm “ tôi viết rồi lại xé…ba lần mới xong bức thư…tôi ôm đầu đến hàng giờ”. Nghĩ lòng người cũng thật là kỳ lạ! Nhưng ở đời cái gì ta càng cố né tránh bao nhiêu, cố tạo khoảng cách bao nhiêu thì lại càng dễ phải đối mặt với nó bấy nhiêu, nhất là tình yêu, giữa Tố Tâm và Đạm Thủy cũng như vậy, “dù muốn nhận làm anh em hay bè bạn, muốn nói những thứ tình viễn vông đâu cũng là ảo tưởng cả”. Đạm Thủy càng cố tạo ra khoảng cách để trốn tránh tình cảm của mình, cố làm cho người mình yêu đừng yêu mình thì càng làm cho khoảng cách vô hình tự tạo ra càng có nguy cơ tan biến một cách nhanh chóng. Đó là sức mạnh của ái tình, mà chính Đạm Thủy cuối cùng cũng phải thốt lên rằng: “Thôi ! từ nay bức tường ngăn giữ ngày trước của hai bên đã đạp đỗ đi rồi”. Chính cái tâm trạng nửa vời từng giây từng phút gặm nhấm tâm hồn Đạm Thủy luôn băn khoăn tự hỏi “sao người bảo yêu không yêu, người không cho phép yêu lại yêu” ấy như thế mới là trái ngang, cái trái ngang trong sự bướng bỉnh khó bảo của con tim một kẻ đang yêu bởi “ cái yêu cái ghét ở trong lòng người ta mà hình như ở đâu đưa đến ta không thể bảo được, mà cũng không ai bảo được… Cho nên đã yêu là yêu, đã ghét là ghét, lắm lúc muốn lấy lại tấm lòng mà không được, có lúc biết điều phiền mà vẫn bắt mình làm…”. “Tình luyến ái đó sẽ có ảnh hưởng to lớn cho cuộc đời hai đứa chúng tôi. Nhưng bây giờ thì không sao ngăn được nữa, trong cách dẹp ái tình không gì dở bằng đương đằm thắm mặn nồng mà đem ngăn lại, không gì vô ích bằng giảng đạo đức”. Quả đúng như vậy, Đạm Thủy càng cố che giấu thì cái quyến luyến vì ái tình càng dễ bộc lộ ra. Nay lần mai lỡ rồi đến khi mà không thể rời nhau được nữa, Tố Tâm đã tự viết thư bộc lộ tâm tình với Đạm Thủy. Hoàng Ngọc Phách đã tạo cho nhân vật của mình một chỗ đứng hoàn toàn khác, hoàn toàn mới mẻ trong “giới” văn chương nước nhà lúc bấy giờ, Tố Tâm đã vượt qua cái e lệ kín đáo của người con gái gia giáo mà tỏ cái tình của mình cho người yêu biết; nhưng nói đúng hơn, Tố Tâm đang góp phần giảm bớt áp lực tinh thần cho Đạm Thủy. Là một cô gái mới của lớp trí thức Tây học song Tố Tâm không thuộc loại nữ lưu tân tiến mà mạnh dạn tiến công vào đạo lý cũ, vào luân lý phong kiến cổ hũ vẫn còn phảng phất tàn dư trong xã hội lúc giờ, Tố Tâm yêu Đạm Thủy một tình yêu trong sáng “em hạ bút viết thư này cho anh nghĩ cũng tủi nhưng lòng em thực, tình em ngay, nên em nói hết với anh…em yêu anh bởi tâm tình tự nhiên, em biết yêu là yêu, còn những chuyện đời dính dáng xung quanh anh em không thể nghĩ đến”. Không phải vô tình, Tố Tâm hoàn toàn ý thức được suy nghĩ, tình cảm và việc làm của chính mình. Nàng hiểu, nàng không thạo lẽ đời nhưng với tâm trạng như bao tâm trạng của kẻ đang yêu, Tố Tâm không thể làm chủ được trái tim của mình, nàng yêu Đạm Thủy cũng chỉ tại vì yêu mà thôi chứ không hề có lý do gì khác. . Những sự “xô xát” trong tâm lý nhân vật làm cho người đọc phải xót xa, ngậm ngùi. Với tình yêu mãnh liệt ẩn giấu sau sức mạnh tiềm tàng đã giúp Tố Tâm vươn lên “giành lấy hạnh phúc” cho mình. Tuy vậy, Tố Tâm vẫn phải âm thầm chịu đựng bao nỗi xót xa tủi cực “em buồn vì cuộc đời của em là đời vẩn vơ, ái tình của em là ái tình vô hi vọng”. Biết yêu Đạm Thủy là tự mang vào mình sự đớn đau; thế nhưng,Tố Tâm vẫn “giữ vững nhất quán” cái mối tình mà nàng dành cho người yêu “em thật lòng với anh mới viết đến những thư này”. Tố Tâm lại thường khẳng định tình yêu của mình rằng “em đã yêu anh thì không thể yêu ai được nữa, mà cũng không muốn yêu ai. Đã không yêu thì không lấy…”. Lúc này, Tố Tâm cũng như Đạm Thủy đều nhận ra rằng ý nghĩa cuộc sống chẳng còn là gì nữa nếu họ phải chia lìa xa cách “thư từ không thể làm cho nguôi được nhớ thương, phải gặp nhau, phải trông thấy nhau, phải cùng nhau trò chuyện để nghe tiếng cười tiếng nói của nhau mới yên dạ”. Nhưng, vốn kiến thức tân thời vẫn không thể nào đánh lùi được dòng tư tuởng Nho gia đã ăn sâu vào lòng người, Đạm Thủy coi cái lệ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” hiển nhiên là một lẽ phải, là phận làm con thì phải theo lời cha mẹ. Đối với chàng, “người mà nhà đã định cho, đó chỉ có kính mà chưa yêu,… lòng kính đó là do cái kính với gia quyến mà ra. Tôi coi người sẽ tính cuộc trăm năm kia như một báu vật của nhà sẽ ban cho tôi, trong chàng cái tình gia quyến là mạnh mẽ vô cùng không gì có thể đánh đổ được “phàm những việc gì thuộc về gia quyến đều thiêng liêng cả”. Đạm Thủy như bước vào con đường cùng của sự lựa chọn nên theo hay nên bỏ?. Như vậy ta đã thấy được sức mạnh của những ràng buộc trong luân lý đạo đức phong kiến đã tồn tại như thế nào trong tư tưởng người dân trong xã hội đương thời. Thảm thương thay cho mối tình của một đôi trai tài gái sắc. Ngay trong thời kỳ đấu tranh quyết liệt để giành lấy tình yêu thì ở Tố Tâm và Đạm Thủy đã thấy sự có mặt của những dấu hiệu tiên đoán cái điều không may giữa họ sẽ đến bất cứ lúc nào. Đó chính là cái lễ, là cái cung cách, là lối xử sự mà hai người đối đãi với nhau, sống trong môi trường thành thị, Tố Tâm vẫn không theo lối sống đua chen phù hoa của đô thành, nàng vẫn bít khăn tua đen, vẫn đi xe bánh sắt, vẫn thường mời Đạm Thủy miếng trầu để “mở đầu câu chuyện”. Nàng cũng rất giữ cái khoảng cách nghĩa cũ “có khi cả gan nghĩ đến chuyện tính cách gặp anh…nhiều lúc em muốn viết thư cho anh để tiếp chuyện…nhưng nhi nữ đâu đã dám làm lối tối tân ấy”. Còn hành động của Đạm Thủy khi chinh phục Tố Tâm cũng hoàn toàn hợp với suy nghĩ, tâm lý của một anh con trai trí thức Tây học vẫn luôn muốn khẳng định mình với người khác phái, vẫn hả hê khi chiếm được lòng người đẹp nhưng rốt cuộc vẫn phải quy phục cường quyền phong kiến, viết thư khuyên người yêu nên nghe theo chữ hiếu mà giữ gìn, lấy điều hiếu mà hành động, đem tình yêu và hạnh phúc của mình đẩy vào vòng số phận may rủi của nhân gian “em phải sớm liệu mà vâng lời những lời giáo huấn để yên chuyện gia đình…sinh ra gái mưa sa làm phận, rủi may âu cũng sự trời…một mình em ở đời như chiếc bách giữa dòng, chống sao cho nổi những khi mưa sa gió táp, chi bằng em theo cái lệnh đặt đâu ngồi đấy là hơn”. Chính những điều đó đã làm nên bi kịch tình yêu trong cuộc đời của Tố Tâm – Đạm Thủy. Tố Tâm phải ngậm ngùi lên xe hoa vui duyên mới với kẻ nàng không yêu, nhớ thương tình cũ lâm bệnh mà qua đời, ôm nặng mối hận tình yêu dang dở. Một Đạm Thủy tài hoa, sống trong cảnh hối hận muộn màng, thương xót cảnh người xưa mà sinh bệnh. Qua đó ta thấy được “sự tầm thường của luân lý nước nhà vì nó mà một vị giai nhân phải giã thế từ trần để lại một bậc tài tử phải sống mà nuốt lệ” (Thiếu Sơn).
Hoàng Ngoc Phách đã để cho Đạm Thủy và Tố Tâm gằng co giữa hai con đường: một là chạy theo tình yêu, hai là chấp nhận cái đạo đức phong kiến lễ giáo mà quên nhau. Đạm Thủy khuyên Tố Tâm đi lấy chồng để nàng đựoc vẹn chữ hiếu mà chàng được giữ chữ tín, nhưng lòng thì vẫn không muốn rời xa Tố Tâm “Tôi tiếc nàng, tiếc vì đóa hoa yêu quý của tôi mà lại rơi vào tay người khác…rồi tôi sợ nàng quên tôi mà không muốn buông nàng ra nữa…nếu nàng quên tôi thì tôi giận nàng lắm, thành ra khi nghe chuyện gì dính dáng đến việc cưới nàng…thì tôi không thể chịu được”. Nhưng rồi cả hai đều đem tình yêu ra mà đặt trước chữ hiếu để cân nhắc, chọn lựa. Cả hai đều có những giấc mơ yêu đương đầy chất lãng mạn, tự do, cùng mạnh dạn đến với nhau qua những lần hò hẹn, gặp nhau trên bãi biển trước cảnh trời nước mênh mông hay những miền quê với nhiều cảnh chùa chiền. Họ cũng đã từng nghĩ đến việc đem nhau đi trốn ở một nơi “thâm sơn cùng cốc, hay góc bể chân trời nào không ai biết để cùng nhau hưởng cuộc ái ân trăm năm. Thế mà cuối cùng họ cũng để cho tình gia quyến đánh đỗ. Như thế mới biết, người “người tuân thủ đạo đức truyền thống đã không có hạnh phúc trong chế độ đại gia đình phong kiến, mà người muốn sống hết mình cho tự do cũng không thể đón nhận hạnh phúc trong tình yêu. Cả đôi đường đều không thể trọn vẹn, con người đều bị lâm vào bế tắc”. Đó là kết quả của tình trạng lưỡng phân, giao thời của xà hội đương thời. Ở đây, cái tôi tư sản đã được đặt bên cạnh lễ giáo phong kiến. Cũng chính vì vậy mà trong một hoàn cảnh khá phức tạp và căng thẳng, khi bị chồng bắt được lá thư của Đạm Thủy gửi cho Tố Tâm, Tố Tâm vẫn bình tĩnh và chân thật trả lời “tôi được làm bạn với cậu là bởi đôi bên bác mẹ bằng lòng mà cũng ân xưa nghĩa cũ của hai nhà đi lại…tôi xin thưa thực cùng cõi lòng tôi đưa gửi cho Đạm Thủy đã ba bốn năm nay rồi, chỉ vì một chuyện riêng mà hai bên không thể kết duyên được. Tôi về hầu cậu là bởi tôi vâng lời mẹ tôi lúc vạn tử nhất sinh, tôi thương mẹ tôi không dám trái lời thành để thiệt đến cậu…Tôi cũng biết là tôi có lỗi nhưng cậu là người có học thức hẳn cậu cũng biết nỗi éo le của lòng người, tôi vẫn muốn quên những chuyện xưa để xử với cậu cho đôi đường trọn vẹn, thôi thì hầu hạ cậu như một người tôi tớ không dám nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng cho trọn một đời tôi. Tôi chỉ khiến được lòng kính trọng mà không khiến được lòng yêu. Lòng tôi thực thì xin cứ thực mà thưa. Nếu cậu hiểu được khuất tình của tôi, cho tôi là một thiếu nữ quá chung tình thì tôi xin cảm lòng, nếu xét theo lối thường đời cho là một gái nguyệt hoa thì tôi cũng vâng chịu”. Đây là một trong những đoạn văn hay nhất của Tố Tâm, con người từ tốn và hiểu biết, tấm lòng chung tình và chân thật của Tố Tâm đã bộc lộ rõ qua những câu nói tuyệt vọng mà vẫn thẳng thắn, vững vàng. Cái kết cục bi thương của một tác phẩm thực là khó chấp nhận trong dư luận xã hội đương thời lúc bấy giờ. Đó là một mối tình nằm ngoài khuôn phép đạo đức dẫn đến cái chết đau thương chưa đền đáp được công ơn cha mẹ; Hoàng Ngọc Phách vô cùng mạnh dạn khi đi theo con đường mới này mà dũng cảm đưa vào “Tố Tâm” những cải cách tân tiến vô cùng mới mẽ, mới trong cả tư tưởng lẫn tình cảm của những đôi nam nữ yêu nhau lúc này. Về Tố Tâm, ông xem nàng như là người thiếu nữ chung tình, tính tình đằm thắm, biết chịu thiệt mình, là một hạng người ít có thật đáng quý mà cũng thật đáng thương, “tính tình ấy dùng vào đâu cũng là bậc trên cả, đem dùng vào nhà thì thành con hiếu, đem dùng với nước thì thành tôi ngay, đem dùng vào cảnh vợ chồng đẹp đôi thì thành vợ thuận tức là mẹ hiền. Nhưng tiếc thay! Chỉ vì quá mơ màng những ngoài vòng đời, đã lỡ lầm vào một cuộc tình ái nên việc đời chênh lệch mà thành như mây tan, như khói tỏa mà lại không được ích gì, cảnh huống ấy, bọn thanh niên nên lưu ý”. Lời căn dặn ấy dường như đã được ông kết hợp nhuần nhuyễn vào cảm nghĩ của chính nhân vật của mình, đó là những trang nhật ký, những lời nhắn gửi của Tố Tâm dành cho Đạm Thủy “em xin nhắn với những cô thiếu nữ cùng một tính tình như em đừng theo em mà đi vào một lối. Muốn hưởng cuộc ái ân đằm thắm trong cảnh vợ chồng thì tìm lấy mà biết sự thực ở đời, những chuyện viễn vông mơ màng toàn là thứ ruợu ngọt, ngon thơm mà rất công phạm, nhấp vào thì ngà ngà say, trong người thấy nhẹ nhàng, phấn chấn, nhưng dần dần đốt cháy hết ruột gan người. Dù có nói gì đi chăng nữa, thì quả thực thì “Tố Tâm” có cứng mới đứng đầu gió”. Nếu như ở truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ là tiếng kêu đau thương, khát khao quyền sống, quyền hạnh phúc của con người thì đến Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách đã khẳng định một cách rõ ràng về vị trí cá nhân, quyền sống của con người trước uy quyền còn khá kiên cố của lễ giáo phong kiến khắc nghiệt. “Tố Tâm” đã lên tiếng báo hiệu thời đại mới đã bắt đầu, con người được quyền sống với tư cách là con người cá nhân của mình. Tuy còn nhiều hạn chế, song chúng ta phải đặt Tố Tâm vào đúng vị trí của nó ngay những năm 30 đầu thế kỷ XX mà soi xét và phân biệt rạch ròi. Sự kết hợp giữa hai yếu tố cũ và mới trong hai phương diện nội dung và nghệ thuật đã làm nên một “Tố Tâm” hoàn toàn mới mẻ và tân tiến, mang nhiều yếu tố pha tạp giữa giá trị truyền thống và hiện đại. Là một tác phẩm được sáng tác bằng phương pháp lắp ghép nghệ thuật viết văn của nhà nho với nghệ thuật sáng tác của người nghệ sĩ hiện đại với lối văn tiểu thuyết, kết cấu mới, kết thúc không có hậu,… “Tố Tâm” đã thực sự trở thành một cuốn tiểu thuyết vang bóng một thời. Trong Văn học Việt Nam thì nó xứng đáng là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn đầu tiên, nó đã đặt nền móng cho sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ mới, đánh dấu bước phát triển trong văn xuôi từ thời kỳ cận đại sang hiện đại.