CÁI XE CÚT KÍT
Hồi chiến tranh cuộc sống của người dân quê tôi thật là tù túng. Ban đêm ai ở nhà nấy không được ra đường. Nhỡ có điều gì nguy cấp xảy ra phải đốt đèn,đốt đuốc mang theo.Đã thế,vẫn bị bọn lính ngụy,bọn “nhân dân tự vệ ” hoạnh họe. Đến là phiền ! Tôi vẫn thường nghe người lớn nói : “Mong sao cho sớm đến ngày hòa bình, chừng đó dù có ăn muối, ăn khoai mà muốn đi đâu lúc nào thì đi, muốn về đâu lúc nào thì về thì cũng sướng”.Tôi chưa hiểu lắm về điều đó . Đến ngày đất nước được giải phóng, cuộc sống mới diễn ra trước mắt và ngay trong chính bản thân mình tôi mới vô cùng thấm thía cái giá trị của một cuộc sống tự do. Tuy vậy, chính trong cái sự bó buộc ngày ấy mà tôi có được một kỉ niệm đi theo mình cho mãi đến bây giờ vẫn chưa quên.
Chúng tôi đã biết thằng Hải bấy lâu nay học võ bùa, song chẳng mấy quan tâm. Bỗng dưng một hôm cả bọn xúm nhau yêu cậu Hải biểu diễn cho xem. Sau vài lần từ chối, Hải bước lên phía trước. Nó thò tay vào trong ngực áo, lấy ra một vòng dây chỉ ngũ sắc bện thừng luồn qua những hòn chì. Hắn quấn vòng dây vào hai bàn tay rồi đưa lên ngang mặt. Mắt lim dim, miệng lầm rầm “niệm chú”. Những giây im lặng trôi qua, toàn thân Hải chuyển động nhè nhẹ. Bỗng “Roạt” một cái,hai tay thằng Hải vung mạnh, vòng dây vun vút lúc tung ra, lúc thu vào; tay đấm chân đá, khi tiến khi lùi… Thật là điều chúng tôi chưa được mục kích bao giờ. Cả bọn chúng tôi trố mắt há mồm chiêm ngưỡng như thần tượng ở ngay trước mặt . Sau lần đó tôi và thằng Luận bám theo Hải nhờ nó “giúp đỡ” để được nhập môn làm đệ tử của võ phái.Thằng Hải nhận lời. Cái ngày hai đứa tôi dược thâu nạp cũng đã đến.Theo Hải truyền đạt lại thì các vị sư huynh được thầy ủy thác làm lễ bái tổ cho chúng tôi.Chúng tôi được dắt ra đứng trang nghiêm trước một bàn hương án. Các vị ấy trao chúng tôi mỗi đứa một vòng dây giống như của Hải và hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Đồng thời nói nhỏ vào tai mỗi đứa câu “ thần chú”.Các vị dặn dò làm thế…làm thế… niệm chú và kiên trì luyện tập. Chúng tôi kính cẩn nghe theo với một tấm lòng thành khẩn. Hai đứa tôi rất mong đến ngày được như thằng Hải nên sốt sắng luyện rèn. Mấy ngày đã đi qua mà chẳng thấy có gì đổi khác. Lúc ngồi xem mấy đứa khác cùng lứa như chúng tôi “luyện công” tôi nghe đây đó những lời nhận xét, bình phẩm: -Thằng này được tổ ưu ái nên “lên” nhanh quá! Hoặc: -Thằng này chưa được tổ chấp nhận nên ì ạch quá! Đến lượt mình,tôi muốn chứng tỏ là người được tổ đãi chứ đâu có kém ai.Tôi bắt chước thằng Hải cố ý uốn éo thân mình, vung tay đá chân lung tung.Tai tôi nghe: -Thằng này mới nhập môn mà “lên” nhanh quá! Tôi khoái lắm nên càng lúc,càng hăng.Lại có lời nhận xét: -Bộ pháp này chắc là sư tổ Âu Dương Phong nhập vào đây (!)(Kèm theo đó là những tiếng cười khúc khích) Ngày ấy tôi không biết Âu Dương Phong là ai. Sau này mới hay đó là một nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung,một người có lối đánh kì cục đến ngược đời. Về nhà tôi và Luận càng hăng luyện tập,nhưng lại ngại người khác trông thấy.Hai đứa trốn vào nhà bếp thằng Luận mà múa may. Trong một không gian chật hẹp đó tôi múa máy xiên xẹo thế nào mà vòng dây kẹp chì quất trúng vào cái gióng treo niêu cá mặn nhà thằng Luận. Cái niêu rơi xuống vỡ tan tành. Tôi thật thà tâm sự với thằng Hải, những mong nó truyền lại cho “bí kíp”. Thằng Hải ra vẻ sư huynh khuyên chúng tôi đừng nên nóng vội mà hãy kiên trì. Trông mặt nó dường như nó cố giấu một nụ cười bí hiểm. Một buổi chiều thằng Hải bảo với tôi và Luận : -Thầy gọi hai đứa mày tối nay đến làm lễ ra mắt. Tôi và Luận mừng như mở cờ trong bụng. Nhà chúng tôi cách nhà thầy một cánh đồng. Khi mặt trời vừa khuất núi, tôi và Luận đã có mặt tại nhà Hải. Ba đứa cùng nhau đến nhà thầy. Đi ngang qua ruộng dưa đang mùa cho quả, tôi láu táu nhảy xuống bứt một quả. Tôi vừa đi vừa nhai, vừa phun hạt, ném vỏ trên đường trong dáng vẻ hân hoan. Thầy thật là hiền từ, khác hẳn với điều tôi e dè, lo lắng. thầy ân cần bảo chúng tôi: - Thầy biết các con rất ham học võ. Đó là điều tốt. Song thầy cũng biết các con tính khí háo thắng,bốc đồng. Điều ấy lại thật là nguy hại. Ở đời, con người ta phải biết tự liệu sức mình. Việc gì ngoài khả năng thì không nên gượng ép.
Chao ôi! Vậy là việc truyền khẩu, niệm chú, dây ngũ sắc… thầy đặt ra chỉ là hình thức để thông qua đó nắm bắt tính khí của mỗi đứa học trò mà thôi. Thầy biết được đứa nào có nhược điểm gì sẽ có cách uốn nắn, giáo dục. Vậy là cái trò “loạn đả” của tôi lố bịch quá, xấu hổ quá ! Tôi và Luận thẹn thò đến đỏ mặt. Nhưng trước thái độ yêu thương của thầy chúng tôi biết mình phải làm gì. Tối hôm đó chúng tôi ngủ lại nhà thầy. Nằm ở ngoài hiên gió mát hiu hiu tôi đi vào giấc ngủ ngon lành. Đến giữa khuya tôi đau bụng và mót đi ngoài dữ dội. Tôi rón rén rời khỏi chỗ nằm, đi ra sân. Trời tối đen như mực. Tôi mò mẫm trong bóng đêm mà không biết mình chủ đích đi tìm cái gì. Chỉ biết cái của nợ trong tôi nó gào réo đòi ra gấp lắm. May mắn làm sao tay tôi sờ trúng một vật như là cái hòm gỗ nhỏ. Không nghĩ ngợi, tôi vội vàng “xổ” đại vào đó. Giải quyết xong, tôi úp cái hòm gỗ lại và quay về chỗ cũ. “Cái hòm úp xuống hơi hám sẽ không rò rỉ ra ngoài, sẽ không ai phát hiện được.”. Tôi nghĩ vậy và lấy làm yên tâm. Mấy ngày trôi qua một cách bình yên. Tôi vừa cảm thấy bớt căng thẳng thì thằng Hải hỏi: -Mày phải không? -Cái gì ? (Tôi hơi chột dạ nhưng cố gân cổ lên làm cứng). -Cái xe cút kít của thằng cu Tủn,cháu thầy. Mầy “ tương” vào đó, phải không ? -Sao mầy biết ? -Chiều hôm đó đứa nào ăn dưa sống, uống nước lã ? Thôi rồi, vậy là chết tôi rồi ! Tuy nhiên thầy vẫn không quở trách gì. Thầy vờ như không có chuyện gì xảy ra. Mấy mươi năm đã đi qua. Đến nay chúng tôi đều đã trưởng thành. Vì cuộc sống, vì sư nghiệp đứa đi đầu này, đứa đi đầu nọ. Hôm gặp nhau Hải hỏi tôi: -Ông còn nhớ cái niêu cá mặn, cái xe cút-kít không? -Làm sao mà quên được ? Nó “mặn” đến tận bây giờ và nó cũng “bốc mùi” đến tận bây giờ. Chúng tôi cùng cười với nhau thật là sảng khoái. Chuyện dại khờ của tuổi thơ mà, ai chấp nê làm gì. Chuyện võ nghệ thôi chẳng nói làm chi.Thật ra bài học quí nhất mà thầy đã dạy tôi là lời khuyên bảo ân cần trong lần đầu tiên ra mắt. Trong cuộc sống tôi luôn luôn tâm niệm bài học ấy. Nhờ vậy mà tôi đã có những thành công nhất định trong cuộc đời.
Vũ Ngọc Liêm
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
CÔNG ĐỨC SINH THÀNH
(Tặng Cha kính yêu nhân ngày mừng thọ 80)
Xuân này Ba tuổi tám mươi
Lên hàng thường thọ
Mừng thọ Ba
Chúng con không có lễ lạc linh đình
Bởi mẹ hiền đang mang trọng bệnh
Chúng con chỉ có chung một tấm lòng
Sau trước đinh ninh
Sắt son hiếu thuận
Làm quà mừng thọ Ba.
Các con, các cháu của Ba:
Hải, Phượng, Liêm,Vân,Tuyến, Lệ, Chi, Phước, Nghĩa
Cùng dâu thảo, rể hiền:
Mai,Trạng,Thìn, Đệ, Khai, Xinh, Minh
Cháu nội, cháu ngoại sum vầy
Dưới mái nhà thân thuộc.
***
Tám mưoi năm
Ba một đời lận đận
Lo cho con
và tất cả cho con
Tám mươi năm
Tinh lực hao mòn
Lưng còng gối mỏi
Chưa lần rảnh việc ngơi tay.
Hết việc dưới đồng, lên rừng phát rẫy,
Cấy lúa,trồng dưa
Lang, mì,bắp, cải…
Cùng với Ba,
Mẹ mua bán tảo tần.
Sáng sớm chợ xa,chiều tối chợ gần
Thắt lưng buột bụng
Nhịn miệng nuôi con
Kiếm được một đồng ,giữ lấy một đồng
Dồn sức, dốc lòng
Nuôi con ăn học.
Với riêng mình,
Chưa một cắt tiêu hoang!
Đường truông ra Đùng,
Đường ra Cây Da,
Đường vào đồng Ga,
Đường lên vườn cũ
Và biết bao con đường như thế nữa
Tám mươi năm cuộc đời
Ba đã giẫm chân qua?
Mỗi bước Ba đi
Bữa cơm nhà mình có thêm ngọn rau,lát củ.
Bao nhiêu đôi dép đã mòn?
Bao nhiêu giọt mồ hôi?
Những cán cuốc, cán rựa Ba cầm
Cái nào cũng lên nước thành ra bóng loáng;
Chúng con thường ngắm nghía mà rằng :
- Đẹp quá đi thôi!
Cuộc sống nhà mình tuy còn nhiều vất vả khó khăn
Dù là củ ,là khoai
Nhưng chúng con chưa bữa nào thiếu, đói.
Đến lớp, đến trường
Sách vở - áo quần
Dép giày – nón mũ vẫn tinh tươm.
Nhiều nhà trong thôn…
Cùng thế hệ như Ba
Không sao sánh được.
Có người đã nói ra: -
Ai mà sánh bì kịp với ông Bầu!
Chẳng có của chìm, của nổi nào đâu
Chỉ có đồng thuận vợ chồng dốc lòng vì con mà làm nên tất cả.
Các con của Ba
Từ khi còn nhỏ đã biết cùng nhau phụ việc gia đình.
Đứa nhỏ giữ em, đứa lớn đi làm.
Công việc ruộng đồng: làm cỏ, bón phân,
Tỉa đậu, đào khoai, cấy trồng, đập gặt.
Mùa hạ nắng nung, mùa đông giá rét
Theo chân Ba, con trẻ trưởng thành
Khôn lớn nên người, lập chí lập thân
Mà gốc rễ, cội cành từ mẹ cha tỏa rạng.
Tuổi thơ chúng con đâu phải là thiên đàng
Mà bạn bè đồng lứa, đồng trang không ai được thế.
Chúng con đứa nào cũng được học hành tử tế
Bước vào đời bằng niềm kiêu hãnh của tình mẹ, công cha.
Chúng con bây giờ
Dù đứa ở gần hay đứa đi xa
Dù ở phương trời nào thì nếp nhà vẫn giữ.
Đó là đức tính thật thà và trọng điều danh dự
Ăn thẳng,
Nói ngay
Không trái với lòng mình.
Chăm việc, Chăm làm trong cuộc sống mưu sinh;
Dù no - đói vẫn thơm,
Dù rách - lành vẫn sạch.
Đó là điều quan trọng nhất mà Ba vẫn hằng mong.
Và một điều này nữa
Chúng con nguyện ghi tạc đinh ninh:
Dù bất cứ thế nào cũng giữ tình máu mủ
Biển rộng, sông dài biết đâu là dư, là đủ
Đoàn kết, thật thà, đùm bọc, cưu mang.
***
Đến bây giờ đã tám mươi niên
Chắc là Ba có được niềm an ủi
Điều Ba mong chúng con ghi nhớ mãi
Đó là hành trang suốt cuộc đời và truyền lại cho cháu, con
Chúng con cầu chúc cho Mẹ và Ba:
THỌ TỈ NAM SƠN – PHÚC NHƯ ĐÔNG HẢI
Để chào đón một ngày NGŨ PHÚC LÂM MÔN.
Mồng 2 Tết Mậu Tý-2008- Vũ Ngọc Liêm
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook