Trang trong tổng số 1 trang (3 bài viết)
[1]
Ngày gửi: 25/03/2008 23:44
Số lượt xem: 1313
Đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Hoa Phong Lan vào 25/03/2008 23:52
Trương Duy Cường http://www.quochochue.net...ion/index.php?t15404.html(*) Quảng Ngãi còn có tên là Quảng Nghĩa, chú thích của HPL
Lúc tôi còn học ở lứa tuổi học sinh, sinh viên mỗi khi đi xa xứ Quảng, thường bị bạn bè quen thân đọc hai câu thơ để "chọc quê" tôi:
Nào là:
"Học trò trong Quảng ra kinh
Thấy cô gái Huế muốn rinh về nhà"
Nào là:
"Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế, chân đi không rời"
Nào là:
"Học trò trong Quảng ra thi,
Mấy o gái Huế, bỏ đi không đành"
Có nhiều lúc cũng những câu thơ đó, người ta không những chỉ "áp dụng" cho dân Quảng Nam mà có lẽ vì không rõ xuất xứ của câu thơ nên dùng luôn cho dân Quảng Ngãi (Quảng Nghĩa) (*) nữa.
Cũng may là hai câu thơ nầy, viết rõ ràng, chứ không thì còn “cầm nhầm” nhiều nữa vì Việt Nam ta có nhiều xứ Quảng:
Quảng Yên (Quảng Ninh), Quảng Bình, Quảng Trị,
Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Quảng Ðức.
Tác giả dùng chữ ra, nên đã loại bớt mấy tỉnh vô (Huế) như Quảng Yên, Quảng Bình, Quảng Trị.
Tác giả sáng tác bài thơ này thuộc lớp Thi Sĩ Tiền Chiến (trước 1945) nên lại loại thêm ra được Quảng Tín, Quảng Ðức là mấy tỉnh mới được thành lập sau 1962.
Vậy còn hai Quảng được xem xét kỹ lại, đúng là Quảng nào: Quảng Nam hay Quảng Ngãi? (Hai Quảng này đã từng biết đến qua câu: (Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co…)
Ở Việt Nam ta có nhiều thi sĩ, sáng tác nhiều bài thơ rất hay được in ra, nhưng đa số độc giả chỉ nhớ tên tác giả, tên tập thơ, mà không nhớ được một bài thơ, thậm chí một hai câu thơ nào của nhà thơ đó.
Trái lại, hai câu thơ đã dẫn chứng trên đây nhiều người biết nhưng có lẽ vì truyền khẩu nên đã bị tam sao thất bản! Ða số không ai nhớ tên tác giả là ai, câu thơ này nằm trong thi phẩm nào?
Trước đây, nhiều lần tôi vào các thư viện lớn kể từ 1950 để mong đọc được toàn tập Thi Phẩm có hai câu thơ này, nhưng không được toại nguyện, vì các thư viện không có thi phẩm này. May ra, chỉ thấy Hoài Thanh và Hoài Chân, tác giả Thi Nhân Việt Nam xuất bản 1942, giới thiệu hai câu thơ trên trích trong tập thơ "Lời Tim Non" của Xuân Tâm xuất bản 1941.
Thi sĩ Xuân Tâm có tên thật là Phan Hạp.
Ông sinh năm 1916 tại làng Bảo An, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông học trung học tại trường Quốc Học Huế. Sau khi tốt nghiệp bằng Thành Chung (Diplome) - tức Trung học đệ nhất cấp, ông đi làm công chức ở Ðà Nẵng. Thời gian đi tản cư 1946-1947, ông bị kẹt lại ở Liên Khu 5 và từ 1954 tập kết ra Bắc.
Ngoài hai câu thơ lục bát nổi tiếng trên mà nhiều lúc chúng ta tưởng như đọc ca dao, Xuân Tâm còn có một bài thơ mà thập niên 50-60 các học sinh đã học thuộc lòng và thường chép lại trong các tập Lưu Bút Ngày Hè mỗi khi mùa hoa phượng nở:
NGHỈ HÈ
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!
Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay; sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.
Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ.
Nhớ làm chi, Thầy Mẹ đợi, em trông.
Trên đường làng huyết dụ nở thành bông,
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.
Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót;
Rương chật rồi, khó nhốt những niềm vui.
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi,
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
(Lời Tim Non)
Khi ở Hội An, tôi có quen biết với bà Phạm Hạp (cô giáo dạy ở trường Nữ Tiểu Học Hội An), có lần hỏi bà về Thi Phẩm Lời Tim Non, cũng như trọn vẹn bài thơ có hai câu thơ trên, nhưng bà Phạm Hạp trả lời không còn giữ tập thơ đã in và không nhớ bài thơ tôi đã hỏi.
Sau 1975, tôi nghĩ rằng tác giả Xuân Tâm có thể đã trở về lại quê hương Quảng Nam, nhưng liệu có ai hỏi về tác giả về bài thơ đó không?
Riêng tôi, tôi vẫn thắc mắc, không biết cô Tôn Nữ nào hoặc cô Nguyễn Khoa Diệu… nào đã làm cho cậu học trò đa tình xứ Quảng say mê mà trở thành thi sĩ? Người đẹp xứ Huế đó chính là La Muse, chính là nàng Elvire, là Nàng thơ của Xuân Tâm vậy. Mà cũng nhờ thế mà ngày nay chúng ta có hai câu thơ để đời… Bây giờ, chúng ta nên trả lại cho cậu học trò xứ Quảng – thi sĩ Xuân Tâm Phan Hạp hai cẫu thơ "chính bản":
"Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành”
Tôi ước mong từ nay mỗi khi chúng ta muốn “xử dụng” hai câu thơ trên, chúng ta nên dẫn chứng “y sao chính bản” để khỏi làm buồn lòng tác giả.
Ngày gửi: 26/03/2008 00:01
Đã sửa 3 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 26/03/2008 00:34
Ngày gửi: 26/03/2008 01:35
Trang trong tổng số 1 trang (3 bài viết)
[1]