Trang trong tổng số 2 trang (12 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nguyễn Phúc Duy

Tay cầm tay và mắt soi trong mắt : lần đầu tim ta ghi nhận nhau.
Một đêm tháng ba trăng sáng ; ngọt ngào hương tóc ai thơm ; cây sáo tôi nằm quên mặt đất và vòng hoa em kết chưa xong.
Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca.
Mắt tôi say màu khăn em vàng hoa nghệ thắm.
Tim rộn ràng lời ngợi ca từ vòng hoa nhài em kết tặng.
Trò chơi cho đi và giữ lấy, hé ngỏ rồi lại che dấu ; khi mỉm cười lúc thẹn thùng, và đôi lần tranh giành nhau vẩn vơ ngọt ngào.
Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca.
Không bí ẩn nào ngoài phút giây này ; không cố gắng đạt điều bất khả ; không bóng tối nấp sau điều quyến rũ ; không lần bước đi trong đêm sâu.
Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca.
Không lạc ngoài ngôn từ vào vùng lặng im vĩnh cửu
không với tay tới hư vô để níu kéo những vô vọng.
Cho và nhận của nhau là đủ.
Không ép kiệt trái hân hoan vắt thành rượu đau khổ.
Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca.

Nào cùng bàn luận nhé ! Bài này mỗi khi đọc qua là cảm xúc dâng trào nhưng khi bình tĩnh lại thì chẳng biết vì sao cảm xúc mình dâng trào nữa. Có phải lời lẽ quá trong sáng ? Hay là khung cảnh và tình yêu thật thơ mộng ? hay là ...
Bạn nào yêu thơ tình Thagòre thì vào đây cùng bàn luận với mình nhé !
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

kay

ngôn từ trong sáng và giàu sức biểu cảm. Quả thật, khi đọc rất nhiều cảm xúc. Tình yêu trong bài thơ cũng thật thuần khiết: " Cho và nhận của nhau là đủ "
Losing you is like living in a world with no air
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nh0crua_mt

Tui cũng có bít bài thơ này của Thagore, hình như là bài thơ số 16, trong tập thơ: " Người làm vuờn", chỉ có điều bài thơ mình bít lại hơi khác 1 chút, 1 bài là của Đỗ KHánh Hoàn , còn 1 bài là của Nguyệt Ánh.......
Tay trong tay và mắt vương vấn mắt; ấy lần đầu tiên tim mình nhận được ra nhau.
Đó là đêm trăng sáng tháng ba, hương tóc ngọt ngào thoảng trong không gian; tôi bỏ quên cây sáo, hoa em kết nào xong.
Tình yêu của hai ta giản dị như bài ca
Mắt tôi say khăn em màu nghệ thắm
Vòng hoa nhài em kết khiến tim tôi run rẩy lời ca
Đó phải chăng là một trò chơi của cho và nhận, của hé lộ rồi lại che dấu, của một vài nụ cười bối rối đôi khi, rồi cả những tranh đấu ngọt ngào nhưng vơ vẩn.
Tình yêu của hai ta giản dị như bài ca
Chẳng có bí ẩn nào ngoài phút giây hiện tại, chẳng phải nỗ lực giành lấy cái không thể có được bao giờ; cũng chẳng hề có bóng đen ẩn dấu sau say mê; ta cũng chẳng hề phải dò đường trong lòng đêm sâu thẳm.
Tình yêu của hai ta giản dị hệt như một bài ca
Không huyễn hoặc ngoài ngôn từ lạc lối vào cùng lặng im vô tận; không giơ tay với lấy hư vô để kiếm tìm vô vọng
Thế là đủ, những gì ta cho và nhận của nhau.
Không nghiền nát nỗi vui để chiết thành rượu khổ
Tình yêu giản dị giống như một bài ca.
(Nguyệt Ánh)
Tay xiết trong tay, mắt vờn theo mắt, từ đó lịch sử tâm tình đôi ta bắt đầu. Đêm ấy là đêm trăng đầu Xuân; hoa ben-na thơm ngạt ngào lan trong không khí. Chiếc sáo anh thổi nằm trơ trên mặt đất; vòng hoa em kết vẫn chưa xong. Tình yêu đôi ta đơn sơ như một bài ca.

Màn em che mặt màu vàng cam làm mắt anh ngất ngây; vòng hoa nhài vì anh em kết thôi thúc tim anh rung lên từng nhịp như lời ngợi ca. Đây là trò chơi cho đi đòi lại, bộc lộ rồi lại phủ che; vài nụ cười tươi duyên, vài thẹn thùng nho nhỏ, vài giận hờn nhè nhẹ, vài giành giật bâng qươ. Tình yêu đôi ta đơn sơ như một bài ca.

Ngoài hiện tại không có gì huyền bí. Việc chi mà tìm kiếm điều chẳng thể kiếm tìm; sau vẻ đẹp chẳng có bóng mờ nào hết; việc chi mà lần mò trong bóng tôi thâm u. Tình yêu đôi ta đơn sơ như một bài ca.

Chúng mình không miên man nói mãi để rồi chìm vào im lặng triền miên; chúng mình không qườ tay với khoảng không để tìm điều ngoài hy vọng. Thật đủ rồi cái ta cho và cái ta được. Chúng mình đã không bóp nghẹt nguồn vui, thật nghẹt để vắt ra men rượu đau thương. Tình yêu đôi ta đơn sơ như một bài ca.

Bản dịch của Đỗ Khánh Hoan

"Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca", nó bổng hay trầm, hay là sao nhỉ?........
"Cái giàu nghèo của nó là vô biên. Niềm vui nỗi buồn của nó là trường cửu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Phúc Duy

Bản dịch của Nguyệt Ánh mang 1 chút âm hưởng của thi ca ảnh hưởng phong cách lãng mạn phương Tây, cách dùng từ hơi bay bổng thái quá với những từ như "vương vấn","run rẩy",..., chưa đem được nét GIẢN DỊ của bản tiếng Anh vào được. (Giọng thơ này hơi giống Xuân Diệu)
Bản dịch của Đỗ Khánh Hoan tốt hơn nhiều nhưng nếu so với bản tôi đưa ra ở trên thì có lẽ chẳng làm tôi ngơ ngẩn bằng
Bản dịch tôi nêu trên là của Hàn Thủy, cách dùng từ ngắn gọn, nhẹ nhàng nhưng vẫn giàu hình ảnh, mang 1 nét gì đó rất giản dị, rất Ấn Độ chứ ít pha trộn nét lãng mạn phương Tây vào như 2 bản dịch kia.
Cũng phải nói thêm là ngày nhỏ mê mẩn truyện "Nghìn lẻ một đêm" cũng chính là bởi người dịch truyện ấy đã truyền tải được 1 cái gì đó rất Ấn Độ qua giọng văn của mình, và cho đến khi đọc lại bài này tôi đã ngỡ ngàng khi nhận ra 1 giọng thơ cũng tương tự như vậy, có thể Hàn Thuỷ không dịch truyện tôi đã đọc nhưng dịch giả đã mang giọng văn của mình đưa tôi về thuở ấu thơ với những tình yêu giản dị giữa cô công chúa và kẻ ăn mày trong "Nghìn lẻ một đêm"
Và tình yêu chỉ đơn giản là tình yêu, là 1 bài ca mà mỗi "nhạc sĩ" "sáng tác" theo một cách riêng, và Thagore đã chọn cho mình 1 phong cách "sáng tác" rất giản dị, chân thành.

Ps: Và theo cá nhân tôi thì tình yêu của Thagore qua 2 bài "Bài thơ số 28" trong tập "Người làm vườn" và bài thơ "Giản dị như bài ca" xứng đáng xếp trên tình yêu của Puskin trong bài "Tôi yêu em", thế mà chương trình học phổ thông lại chỉ cho bài số 28 đọc thêm, thật là phí cả 1 bài thơ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nh0crua_mt

Có thể tôi đồng ý zới ý kiến của bạn NPD ở trên vì theo tôi biết những bài thơ nước ngoài sau khi dịch ra tiếng việt số lượng dị bản hok phải là ít nhưng cái dòng p/s thì cần phải coi lại đã, đành rằng theo ý kiến của bạn "Bài thơ số 28" hay "Giản dị như bài thơ" có hay thật nhưng theo hok nên so sánh giữa Puskin với Thagore như thế, "Tôi yêu em" của puskin có cái hay khác hẳn với tư tưởng mà Thagore gửi gắm vào thơ của mình........Bạn cho 2 bài đó hay và xứng đáng được xếp trên " Tôi yêu em" của Puskin thì ý kiến mang tính cá nhân quá, vô hình chung làm những ai yêu thơ puskin cảm thấy khó chịu.
"Cái giàu nghèo của nó là vô biên. Niềm vui nỗi buồn của nó là trường cửu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng vũ cửu thiên

Là một người có sự nghiệp dịch được vài bài của Tagore, em thấy hơi bị ức chế về cái tên Thagore từ đầu topic tới giờ. Em muốn xin hỏi tí về cái tên viết kiểu ấy. Không biết có phải là phiên âm từ tiếng Bengal theo tiếng Pháp không?

Theo em biết, Tagore viết là thế này, nhưng đọc là [ʈʰakuɾ] là chuẩn, đọc là ta-go cũng tạm chấp nhận. Còn Thagore hay Thagòre thì em chưa thấy bao giờ.
Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

PandaKid

"Thagore" viết như thế này theo giới hạn hiểu biết của PandaKid có thể là sai chính tả, cũng có thể là một phần trong cái tên Pythagoras (có người viết Pythagore), tên một nhà triết học Hy Lạp tiền Socrates và nhà toán học nổi tiếng với định lí bộ ba số nổi tiếng a2+b2=c2, a,b,c là 3 cạnh trong tam giác. Còn Rabindranath Tagore viết theo tiếng Anh thì không hề có chữ "h" giống như PVCT đã viết.
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu...
              ***
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Y Như

@PandaKid: a,b,c là 3 cạnh tam giác vuông chứ anh :D
Môn toả hoàng hôn,
Nguyệt tẩm mai hoa lãnh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

PandaKid

@Diệp Y Như: à, ờ, thì.... vuông:d. Hì hì...
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu...
              ***
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Phúc Duy

Ừ, quả đúng là Tagore thật. Do em nhớ lan man với cái này này Rabindranath Thakur. Mấy anh chị em thông cảm giùm nha

http://vi.wikipedia.org/wiki/Rabindranath_Tagore
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (12 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối