Trang trong tổng số 4 trang (32 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đan Hạ

ĐIỀU ƯỚC
      20/10, khi xung quanh tôi là những tiếng chúc tụng, những bó hoa bọc giấy bóng kiếng sặc sỡ, bất chợt nhớ đến quê nhà. Trái tim khẽ thầm thì, những điều ước được gởi theo những chiếc đèn giời thả lung linh trên bầu trời Hà Thành của ngày này:
        Ước không còn nghe tiếng thở dài, mệt nhọc của mẹ trong điện thoại. Mẹ ơi! Đừng ốm nữa, đừng bệnh nữa... Ước gì những đứa con trên thế gian này, cũng như tôi, khi lớn lên, khi đi xa, cha mẹ ở nhà sẽ luôn bình an. Dẫu biết ước chỉ là ước, nhưng tôi vẫn ước cho những ban mai thức giấc, tôi nhớ đến những người thân yêu của mình để sống có nghị lực hơn, để đừng ích kỷ xúc cảm riêng mình. Mỗi chúng ta ai cũng phải trưởng thành, ai cũng có những lúc nghĩ đến mình quá nhiều, quên đi những người đang đứng sau, ủng hộ và lúc nào cũng mong cầu tốt lành đến với mình. Để đừng nói những câu sến, sáo như tôi hôm nay, ngày mai, là hành động, phải không? Và tôi cũng mong mình đừng yếu đuối nói tiếng "ước gì", cái gì cần làm thì bắt tay làm thôi. Thời gian chả khi nào đứng lại để chờ đợi ai. Ngoài hai mươi, mỗi người đều có trong tay chìa khóa để mở những con đường phía trước, mở thế nào đây? Đừng nói ước gì, mà thiết thực nghĩ suy đi...
Giờ thì tôi lại ước chi cho mình đừng quá thông minh để phải suy nghĩ, nên yếu đuối thử ước thế này này, để ngốc ngốc một chút, khờ khờ một chút, biết rơi nước mắt một chút, biết cười đúng lúc một chút, biết ngô nghê thể hiện cảm xúc thật một chút. Nén lòng hoài chỉ làm hằn thêm vệt lo âu, lạnh ngắt trong mắt. Tôi đôi khi cũng muốn mình biết gắt gỏng một chút, cáu cũng được, thậm chí là đến một góc vắng, tối, khuất, để hét lên cho nhẹ đi những khắc khoải tâm trạng. Tìm đến với tâm tư của mình - chả phải đó cũng là ước mơ quá xa vời hay sao? Rồi tôi ước, là thôi mà! Thảo nguyên không nên ước, trên trời nhấp nháy sao, ngôi nào cũng sẽ xanh, cũng sẽ sáng, sẽ chớp, rồi sẽ lóa, làm sao để ánh hy vọng chỉ nhạt mờ, không tắt lụi vĩnh viễn. Thông kia còn có thể mọc trên đá, huống chi trái tim của những người vùng cao...
        Còn điều ước cuối cùng, tôi mong những điều vu vơ mình ước đủ sức mạnh thắp nụ cười trên môi những người tôi hằng yêu mến, tất cả, chỉ một nụ cười lướt nhẹ qua như gió, để tôi biết, phút giây này tôi nhớ đến mọi người, và yêu cuộc sống này xiết bao…


@Cô Nguyệt Thu  ơi!
Cháu xin lỗi cô vì cháu chưa thực hành được theo chỉ dẫn của cô ạ!
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huongnhu

.
Thế nhân một đoá Vô thường, hiếm hoi!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

DƯ VỊ ẨM THỰC XỨ “MƯỜNG TRỜI”
Đến xứ “mường Trời”- Lai Châu, thưởng thức các món ăn dân tộc, dư vị đậm đà của mỗi món ăn sẽ níu chân du khách. Để dù đi xa, mỗi người vẫn muốn trở lại trong vòng xòe đoàn kết, muốn đi thăm lễ hội: Nàng Han, Then Kin Pang, Căm Mương, Gầu Tào... Muốn nhìn thấy cô gái má ửng hồng kẹp cá trên bếp than mời khách quý nơi xa...  – đó là lời tâm sự không của riêng ai nếu có dịp đến với mảnh đất phên dậu Tổ quốc.
Ở nơi đây, du khách sẽ được tận hưởng cảm giác yên bình khi sống giữa những bản làng văn hóa, bao quanh là trập trùng đồi núi. Con suối nhỏ róc rách chảy đầu bản, những người dân hiếu khách thường “trổ tài” làm món ăn đặc sản quê mình thết đãi bạn phương xa. Đến với dân tộc Thái ở xã Mường So (huyện Phong Thổ), du khách được tận mắt xem các mế tìm thân tre để làm cơm lam, những chàng trai vạm vỡ quăng chài bắt cá bên suối. Em gái nhỏ nhanh tay giã mắc khén làm “chẩm chéo” và khéo léo mổ, nhồi rau thơm vào bụng cá rồi dùng kẹp tre nướng trên than hồng, mùi cá nướng thơm nức cả gian bếp. Ở miền “đất gió” này, không thể không kể đến vị mát ngọt của bát canh rêu và món rêu nướng. Rêu phải là loại được lấy ở các dòng nước chảy trong vắt nơi thượng nguồn con suối. Các bà, các chị đập rêu trên tảng đá nhẵn bên suối cho đến khi rêu hết sỏi, sạn rồi rửa lại nhiều lần. Sau đó rêu được xé tơi, nấu thành canh hoặc ướp mắc khén, tỏi, ớt, gừng, sả, lá chanh và gói trong lá dong đem nướng. Thực khách lần đầu thưởng thức thì lạ miệng, ăn quen sẽ “nghiền” lúc nào không biết. Bên chén rượu ngô thơm nồng, chủ khách quý mến gắp cho nhau miếng rêu nướng, đậm tình núi rừng.
Từ huyện Phong Thổ, quý khách nên đi tiếp đến cao nguyên Sìn Hồ. Trong không khí mát mẻ của vùng đất cao hơn 1.600m so với mực nước biển; khách sẽ được gia chủ mời món thịt gà nấu với gừng, bánh chưng đen, bánh mật... những món ăn đã từ lâu dân tộc Dao, Hoa thường kỳ công chế biến mỗi khi có khách quý đến thăm nhà. Ở các bản dân tộc Mông, quý khách lại được thưởng thức món thịt ba chỉ lợn xông khói cả tảng, sau đó người dân mới thái mỏng, xào trên bếp lửa, ăn cùng cơm gạo đỏ. Hơi ấm nóng của các món ăn rất phù hợp với cái se lạnh đặc trưng của đất trời nơi đây. Còn nếu đến với huyện Mường Tè, các cô gái Hà Nhì lại trổ tài bằng món thịt lợn luộc giã cùng lá chua chát, món thịt trâu, thịt bò sấy trên gác bếp, sau đó ủ tro nướng, xé thớ uống rượu để lại hương vị đặc trưng riêng của vùng đất xa xôi. Dòng sông Đà nước chảy xiết nổi tiếng với giống cá lăng nấu canh chua tuyệt ngon, càng ngon hơn nếu chủ nhà hiếu khách trổ tài làm món gỏi cá chiêu đãi khách.
Trở lại thị xã Lai Châu và huyện Tam Đường với món thắng cố đượm mùi thảo quả, món xôi nhuộm màu tím, đỏ, vàng bằng lá cây rừng... Xôi chín, đổ chõ xôi ra, hương thơm của gạo quyện với mùi núi rừng tỏa lan cả mâm cơm. Rồi hương rượu Xà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ), rượu Sùng Phài (huyện Tam Đường) uống cùng với măng rừng luộc, nấm hương xào làm du khách say tình người, say lòng mến khách. Quyến luyến mãi bước chân chẳng nỡ ra về.
Về đến huyện Than Uyên, du khách gặp những nụ cười niềm nở trên môi người hái chè, người trồng lúa. Dòng Nậm Mu hiếu khách tiếp đón bằng món quà của suối: tôm Nậm Mu ngọt đậm đà, cá suối Nậm Mu rán giòn, thơm ngậy...
Các món ăn như ngon hơn dưới bàn tay khéo léo của gia chủ tẩm ướp các gia vị được chế biến từ thiên nhiên. 22 dân tộc anh em xứ này ai cũng quý người nên mỗi dịp có khách đến, cả nhà thường nấu những món ăn đặc biệt và lạ miệng đón khách phương xa. Bên bếp lửa bập bùng nơi nhà sàn, người chủ ân cần tiếp đãi khách, các bà, các mẹ miệng móm mém cười, kể cho khách nghe những huyền tích về vùng đất mình sinh sống... không khí ấm cúng, vui vẻ, chất phác như chính tâm tình con người miền núi.
Không đơn thuần là những món ăn ngon, ẩm thực Lai Châu còn chứa cả nét văn hóa của mỗi dân tộc, chứa đựng tình người, tình đất nơi đây.
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

MĂNG RỪNG
Sau những cơn mưa hè, các mẹ, các chị thường đeo lu cở vào rừng đào măng. Lẩn khuất dưới thân tre, trúc thẳng đứng là những mầm tre mập mạp mới bật nhú khỏi mặt đất. Từ những đọt măng non ấy với sự khéo léo có thể chế biến thành nhiều món ăn đậm đà hương vị vùng cao.
Măng củ non được bóc bớt lớp vỏ ngoài, lộ ra lớp măng trắng ngần bên trong. Sau đó phần giữa củ măng được cắt thành từng miếng vuông vức luộc trên bếp củi. Khi ăn, miếng măng có vị rôn rốt, ngòn ngọt và đậm đà hương vị núi rừng. Phần ngọn măng được xắt miếng dài, mỏng để ngâm trong vại, sành, sứ (muốn măng có vị chua thì ngâm muối, măng có vị ngọt thì lọc nước tro để ngâm cùng). Các loại măng này có thể để được vài tháng, khi ăn mang ra nấu canh cá, canh gà rất ngon. Phần gốc củ măng sần sật cũng được tận dụng thái miếng, ngâm nước ấm cho khỏi he rồi gạn sạch nước, bỏ muối, ớt, cà dại vào ủ chung sẽ được lọ măng chua thơm ngon. Mỗi bữa ăn chủ nhà mang ra ít măng ớt chấm thịt ba chỉ, rau luộc. Ai ăn thử cũng phải xuýt xoa vì vị hăng hăng, cay nồng hấp dẫn thật khó chối từ...
Ngoài ra không thể không kể đến món măng xào với rau mùi tàu. Không chỉ sử dụng măng tươi, các gia đình còn bảo quản măng bằng cách bào mỏng măng củ rồi phơi khô cất đi để ăn dần.
Vừa chế biến măng, bà Đèo Thị Sớp – tổ 9, phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu vừa tâm sự: “Món đặc sản ngon nhất từ măng ngọt mà tôi thường đãi khách là món nộm măng gà. Làm món ăn này khá cầu kỳ: gà, măng luộc chín, xắt thớ nhỏ rồi vắt thêm chanh, đường, lá húng, cà trộn đều, trước khi ăn trộn thêm lạc rang. Mỗi mùa măng, tôi thường thu mua khá nhiều và chế biến để cả gia đình cùng thưởng thức bởi đây là món ăn mang nét đặc trưng của dân tộc Thái quê mình”.
Bên cạnh măng ngọt, măng đắng là món ăn thường ngày của người miền núi, cũng là món đặc sản du khách hay hỏi các nhà hàng khi đến với Lai Châu. Cách làm măng đắng khá đơn giản: bóc bớt lớp vỏ ngoài của măng sau đó đổ nước sâm sấp các cây măng và luộc chín tới, chấm với chẩm chéo. Món ăn từ măng đắng chỉ giản đơn vậy, nhưng thực khách sẽ nhớ mãi hương vị là lạ - quà của núi.
Nếu có dịp đến Lai Châu, khi dừng chân nơi bản nhỏ, ngồi quây quần quanh bếp lửa nướng măng trên than hồng, du khách mới cảm nhận rõ vị đắng, ngọt từ măng.
Hiểu rằng măng tre, nứa, sậy… gắn bó với người vùng cao không chỉ vì chúng là vật liệu làm nhà cửa, chuồng trại sản xuất, mà còn chắt chiu hương đất tạo nên vị núi rừng...
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

THÁNG BA
Trên con đường ngập ngừng màu nắng tháng ba, chút thảng thốt hiện về trong mắt, bất chợt nhận ra: tháng tư đã sắp xa. Tôi nhớ, tôi yêu… miên man niềm thương với thất thường khí hậu, khi cái nóng chỉ mới dâng lên nhàn nhạt, đủ để cảm giác, đã gặp cơn mưa bất chợt lạnh…
Tháng ba, cái tháng mong manh, gợi trong tôi biết bao xúc cảm. Biết yêu những câu thơ tuyệt diệu, ngọt ngào nhạc điệu giao mùa, biết loay hoay, vụng dại viết những ngôn từ ngô nghê trên trang giấy. Chẳng phải là thứ ngôn ngữ thực tế được chắt lọc từ mênh mông cuộc sống, chẳng phải công việc vừa để thỏa mãn lòng khao khát, vừa để dâng trào say mê, vừa để mưu sinh, xô đẩy như bao người. Tôi cứ cắm cúi viết… chẳng phải vì những nguyên nhân thường ngày, chỉ… vì yêu tháng tư, vì viết ra chẳng để làm gì cả. Chỉ muốn giữ lại riêng mình cái thinh lặng của một thời… vì tôi biết có những tháng tư đi qua, cánh tay nhỏ bé không tìm lại nổi, không kịp ôm lại những yêu dấu mỏng manh đến diệu vợi ấy...
Tháng ba, tháng trở về những huyền thoại mùa cổ tích. Tháng có thật nhiều, thật nhiều những ngày ý nghĩa trong cuộc đời cô gái vừa qua tuổi đôi mươi. Tháng có ngày sinh nhật của người mẹ tôi vẫn hằng tôn thờ, kính trọng. Người mẹ đã hy sinh những ước vọng lớn lao tuổi thanh xuân để cùng cha tôi đến những vùng xa xôi nhất. Người mẹ đặt tên con theo niềm nhớ khôn nguôi về biển – người mẹ cho tôi hai chữ tình yêu ngay từ thủa tôi mới lọt lòng… Tháng ba, tháng có ngày tôi cần phải cảm ơn một người mẹ nữa – người đã sinh ra anh. Không có anh, trái tim lạnh lùng của tôi nào biết trên thế gian này còn rất nhiều điều cần tin, cần nghĩ. Anh – người tặng cho tôi chữ N, để cái góc nhỏ yếu đuối, TỰ TI trong tôi thêm TỰ TIN ở dòng đời. Người giúp tôi hiểu thế nào là tình người, mọi cung bậc cảm xúc, để dẫu mai này, khi tôi đến bất kỳ nơi nào, đều thấy lòng mình vững vàng vì có một điểm tựa – nơi mà tôi vẫn thường thì thầm, thấy đời bình yên… Tháng ba, tháng có mùa thi tôi đã từng gục ngã, tháng dạy cho tôi biết ngã ở đâu thì phải đứng lên ngay từ chỗ ấy. Tháng tôi như con tằm lột xác, đau đớn bỏ cái kén lại để non nớt đứng lên. Tháng tôi nhận ra bên cạnh mình có rất nhiều những người bạn tuyệt vời: một người chị hiểu tôi hơn chính bản thân tôi, một người em mà tôi có thể sẻ chia hết tâm sự của mình… và còn gì nữa, tôi yêu tháng ba và tôi tin tháng ba cũng yêu tôi, như tình yêu song phương cần sự đáp đền để tình cảm theo nấc số nhân nhân lên mãi.
Tháng ba. Tôi đi xa những con phố cũ. Tôi đi xa tàng cây hoàng điệp vẫn ngày ngày ngạo nghễ trổ hoa trên con đường đến lớp. Tôi đi xa những tháng năm chứa đầy mộng mơ, hoài vọng. Tôi đến những vùng đất mới, biết khát khao một cuộc sống có ý nghĩa hơn khi truyền tải chúng đến với bạn đọc. Biết đau đáu, trăn trở mỗi đêm về những đề tài bắt gặp trên từng chặng đường. Tháng ba… tôi tin ngọn lửa tình yêu của tôi với mùa chưa từng lụi tắt. Giống như hòn than kia, vẫn rực đỏ âm ỉ trong tàn tro mùa mới. Tháng ba… tôi nhớ cô bé một thời trèo cành phượng, hái lá me, hát tình ca và viết những đoản khúc mùa chớm hạ…
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

LỐI VỀ
Trong những câu chuyện tôi đọc trên sách báo, luôn có hình ảnh lối về trong góc hẻm tâm hồn mỗi con người. Tôi tin, giống như người lữ hành sau chặng đường mệt nhoài luôn muốn bước về ngôi nhà bình yên của mình. Tôi cứ nhắm mắt lại tưởng tượng, tuổi thơ của tôi nói rằng ngôi nhà ấy thật đẹp, nó bình dị bên con suối róc rách gõ nhạc, bên rừng cây xanh có loài chim dù bay tới phương trời nào vẫn về tổ trong buổi hoàng hôn...
Lớn thêm một chút, tôi thích xa nhà. Dường như ai cũng có một tuổi trẻ như thế! Hứng khởi với những chuyến đi xa, thật năng động, những điều mới mẻ trải dài ngút tầm mắt. Cuộc vui và những tiếng cười cuốn chúng tôi đi, chẳng còn nhớ phút giây nào mình cất tiếng khóc chào đời nơi làng quê với những cây rơm, gốc rạ, con bù nhìn trông ruộng dưa gương mắt nhìn chỉ là ký ức xa lạ, xa rất xa...
Lớn thêm một chút, tôi buộc phải xa nhà. Trong trái tim chợt dâng niềm xúc cảm. Tôi nhớ lắm cái ngõ gạch quen thân, chẳng biết ở nhà bố đã láng xi chưa? Dáng mẹ tôi sau mỗi buổi chợ chiều cứ liêu xiêu, chiếc xe chở hàng nặng trên ngõ gạch khấp khểnh. Tôi nhớ góc vườn, chứa một phần tuổi thơ tôi, nơi có buổi chơi đồ hàng bán hoa, thứ cây nào cũng thành món ăn trong mắt trẻ. Tôi nhớ con cún vện có lần tha dép bị tôi đuổi theo, cán chổi chưa kịp phang xuống thì nghe giọng mẹ nhỏ nhẹ: "Với vật nuôi trong nhà con phải nhẹ nhàng chứ?". Bài học yêu động vật đầu tiên tôi học như thế! Tôi nhớ từng con đường nhỏ quê tôi, nỗi nhớ thiết tha không ngùn ngụt dâng lên mà ngấm dần, ngấm dần... ướt gối. Tuổi thiếu nữ hay khóc! Tôi khóc vì lối về luôn trong tâm trí. Quê hương và cha mẹ, tuổi thơ là những lối về. Tôi về đến nhà rồi! Cha mẹ, quê hương đây, nhưng tuổi thơ thì xa ngái. Mới biết thời gian không có ngõ để về. Chỉ còn một con ngõ nhỏ, với những ký ức tuổi thơ mãi còn trong tiềm thức tôi...
Về trường cũ, trải dài bông điệp, tôi nhìn mái trường rêu phong, thảng thốt gọi "cô ơi!", dáng cô tôi hòa trong màu nắng, nhòe cặp kính trễ.
Về dòng sông xưa, lấp loáng nắng, nhưng tôi không còn háo hức như những ngày đầu bắt chuồn chuồn cắn rốn tập bơi. Tôi lớn thật rồi, ừ, đã lớn!... vậy mà nẻo về nào cũng chất ngất nhớ trong suối nguồn hồn tôi...
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

MẸ, EM, VÀ MÙNG 8/3
       Mùng 8/3, tôi đến nhà anh bạn cùng lớp, thấy hai bố con thi nhau rửa bát, quét nhà, nấu cơm chờ bác gái về. Chia tay cảnh sinh hoạt gia đình đầm ấm ấy, tôi ra đường. Phố phường hôm nay đông đúc và ồn ào: những hàng hoa, hàng quà chật ắp người. Cánh đành ông, con trai dường như đều tìm cách thể hiện tình thương với ngày đặc biệt của “một nửa thế giới”. Tôi mua một bó viôlét và tất tả đến nhà người yêu. Mở cửa cho tôi, nhìn bó hoa, cô ấy hỏi: “Anh tặng gì cho mẹ rồi? Đã gọi điện chúc mừng mẹ chưa?” Tôi ngớ người …
        Tôi chưa nói với em, quê tôi, xứ ấy sương mù trắng xóa. Sương giăng giăng phủ che những vách đá tai mèo, sương lạnh rợn từng hạt đất, từng lá cỏ. Xứ ấy, những người đàn bà dân tộc Hmông như mẹ tôi bấm mười đầu ngón chân xuống đá sỏi, gieo cho cây ngô lớn, gieo cho hạt lúa nảy mầm xanh. Quanh năm người phụ nữ quê tôi tần tảo, lam lũ, thương chồng, nuôi con, chẳng nghĩ đến thân mình, chẳng quản gì mưa nắng. Sau này, từ những hạt thóc gạo quê hương ấy, tôi lớn lên, đi xa, mới biết sở dĩ ngày mùng 8/3 được nhân loại biết đến bởi người ta đã có sự bình quyền nam - nữ. Quê tôi, hoa không trồng theo hàng, theo lối, hoa chỉ dung dị mọc trên đá như hoa ban, hoa cải. Nhớ đến mẹ, bỗng chạnh lòng, ngậm ngùi, tôi muốn chạy bổ về, ra ngoài rẫy, hái một mớ rau dền, nấu nồi cơm gạo đỏ, chờ mẹ đi nương về ăn. Hoặc hái một bông hoa chuối đỏ tươi tặng mẹ - vẻ đẹp, niềm vui nơi núi rừng chỉ có vậy, dung dị mà chất phác biết bao.
        Tôi chưa nói với mẹ, là tôi, thằng con mà mẹ đặt cả niềm tin và hy vọng, đã yêu thương mẹ nhiều lắm! Từ ngày bắt đầu biết nhận thức, đi học, tôi giấu diếm tình yêu thương đó đi, không thốt nổi thành lời. Tôi giấu bạn bè về xuất thân, về nguồn gốc. Bao lần mẹ tủi hờn, bao lần mẹ ngồi thái chuối nấu cám cho lợn mà lặng lẽ khóc vì sự vô tình của tôi, vì những ngày cha bê tha uống rượu. Tôi cũng nào hay biết. Mà cũng có thể, người phụ nữ dân tộc vùng cao mạnh mẽ như cỏ, ngã rạp, đau nhói, nhưng vẫn vươn thẳng trên đá. Hình ảnh cuối tuần mẹ thồ ngựa mang rau ra chợ bán, lúc về ngựa thồ cha say rượu men theo đường về bản là hình ảnh vốn rất quen thuộc với tôi, vậy mà khi nghe bài hát có hình ảnh đó, tôi vẫn vờ như ngạc nhiên. Hôm nay, trong ngày mỗi người đều nhớ đến hình ảnh người phụ nữ của đời mình, tôi nhớ về hình ảnh đôi tay mẹ. Đôi tay xoa đầu tôi, bú mớm. Đôi tay chốc chốc ngừng cuốc nương để chạy ra xoa xoa hai má bầu bĩnh của đứa con thơ ngủ bên góc ruộng. Đôi tay gạt nước mắt để tôi đi xa, đôi tay chắn cho tôi khỏi ngã. Đôi tay ấy giờ chai sần lắm, in rõ những mệt mỏi tháng ngày, những cực nhọc hôm sớm. Tôi lần đầu kể với em về mẹ, lần đầu biết, hơn hai mươi tuổi, trong trái tim tôi có hai người phụ nữ để hướng về trong ngày 8/3: là mẹ và em. Em nhìn tôi, ánh mắt hồn hậu, bàn tay nắm chặt tay tôi: “Mùng 8/3 năm nay trùng vào dịp cuối tuần, tuy đã muộn mất một ngày, nhưng em vẫn muốn cùng anh về thăm mẹ, thăm vùng đất sinh ra anh.” Cặp vé xe khách Khánh Thủy chuyến Hà Nội – Lai Châu nằm trọn trong tay tôi. Tôi nhìn em, cười ấm áp, dù ngoài trời, rét nàng Bân mang theo khí lạnh ôm trọn Hà Thành.
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

“THẦY GIÁO” DẠY MÔN BÓNG BÀN

Bố tôi là một người đàn ông nghiêm nghị và có phần khô khan nhưng tôi luôn rất thần tượng bố. Bố đã hy sinh cho mẹ con tôi rất nhiều, năm tháng trôi qua, mẹ vẫn kể những câu chuyện về bố với cái mở đầu "ngày xưa". Nội dung câu chuyện hầu như đều nhắc đến quãng thời gian mẹ đi học xa, bố một mình chăm nom cho 3 anh em tôi với bao nhiêu là vất vả, nhọc nhằn.

Ông anh trai thứ hai của tôi - luôn rất ngang tàng, lúc nào cũng nhắc lại thủa ấu thơ bắt đầu từ "câu chuyện bóng bàn". Anh kể hồi đó bố làm hiệu trưởng, bố vẫn thường dẫn anh và anh cả lên trên trường để dạy đánh bóng bàn. Cũng nhờ những buổi trưa hè chăm chỉ luyện tập ấy mà anh cả tôi mang theo niềm tin đến tận các đấu trường... từ trong cái huyện bé xíu ra thi ở thành phố, rồi ở tỉnh. Còn với ông anh trai thứ hai, thì : "môn bóng bàn í mà, anh chỉ học để biết cho oách thôi!". Cũng vì nghĩ "chỉ cho oách thôi", mà theo như lời bố tôi nói, anh chẳng bao giờ vượt mặt được lũ trẻ con trong xóm, chứ đừng nói đến chuyện ngang tầm với "sư phụ bóng bàn" là bố tôi.

Thời gian trôi qua. Đến nay các anh tôi đều đã có gia đình, và đều lập nghiệp xa nhà. Tôi đương nhiên trở thành đứa nhóc duy nhất trong nhà, tha hồ nhõng nhẽo và giận dỗi. Bố mẹ cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu và sống một cuộc sống rất êm ả, ổn định, không còn lo lắng chuyện bon chen chức tước, địa vị trong xã hội nữa. Bố nhớ ngày xưa nên mua bàn bóng bàn về kê ở góc sân, thi thoảng bố lại dạy tôi và mẹ "những pha cầu cơ bản", chẳng để làm gì cả, chỉ để tốt cho sức khỏe, vậy thôi!

Anh hai tôi đi công tác rẽ qua nhà. Bố tôi nổi hứng rủ anh "thầy - trò tập luyện bóng bàn như xưa" và nhắc đến câu chuyện anh tôi hiếu thắng, mỗi lúc thua mặt mày bí xị, thậm chí bỏ bữa, và cả khóc lóc tức giận nữa. Có lẽ vì thế mà anh không tham gia thi đấu ở bất kỳ giải gì. Nghe lại những câu chuyện ấy, anh cười - nụ cười hiền và điềm đạm. Công việc, thời gian, gia đình đã giúp anh chín chắn hơn rất nhiều so với ngày trước.

Trận giao đấu bóng bàn trở nên căng thẳng. Tôi làm trọng tài cũng nín thở với từng pha bóng gay cấn. Một điều dễ nhận thấy là bố tôi - người đàn ông đã gần 60 tuổi - vẫn còn những đường bóng linh hoạt, sắc sảo lạ thường. Nhưng làm sao bì được với sức trẻ như anh hai. Những cú bóng xoáy, đập bóng uyển chuyển, nhẹ nhàng của anh có vẻ như rất hiệu quả. Bố luống cuống thấy rõ, tình thế rõ ràng đảo ngược, cả 5 trận bố chỉ thắng có một, với sự "nhường nhịn" có thể thấy rõ từ anh tôi.

Đến tận lúc ngồi bên ấm trà, tôi hỏi:
- Sao anh không cười đắc thắng khi thắng được "sư phụ bóng bàn", đó chẳng phải mong ước của anh từ hồi bé đó sao?
Anh lắc đầu, trầm ngâm:
- Không hiểu sao anh lại cảm thấy buồn. Khi chúng ta lớn lên... thì cha mẹ lại yếu đi. Có một cái gì như là sự xót xa, mất mát vậy.
Tôi ngẩng lên. Mắt đã ươn ướt, chén trà bỗng đắng ngắt trong miệng.
Thầy giáo bóng bàn ơi!
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

VÞ QU£
Ai trong ®êi còng cã mét miÒn quª, ®Ó mçi khi nhí vÒ lßng l¹i ngËp trµn bao xóc c¶m. Cã mét mïa xu©n kh«ng quªn trong t©m thøc t«i. Khi mÑ dÞu dµng nãi: “N¨m nay nhµ m×nh vÒ ¨n tÕt ë quª cha”.
“Quª cha, ®Êt tæ”, khi c« gi¸o d¹y ®Õn c©u thµnh ng÷ Êy, t«i thÊy c« nãi víi giäng ®iÖu rÊt tr©n träng. Kh«ng hiÓu sao lÇn nµy, khi nghe mÑ nh¾c ®Õn “quª cha”, t«i bçng thÊy lßng b©ng khu©ng, xao xuyÕn l¹, dï t«i ch­a mét lÇn ®Æt ch©n ®Õn m¶nh ®Êt n¬i cha t«i cÊt tiÕng khãc chµo ®êi.
Cho ®Õn khi ngåi trong ng«i nhµ tr×nh t­êng Êm cóng. ThÝm t«i – mét ng­êi phô n÷ Dao hån hËu nh×n t«i c­êi, ®­a cho t«i chiÕc b¸nh ch­ng ®en vµ nãi: ¨n ®i, ch¸u, b¸nh ch­ng d©n téc m×nh cã h­¬ng vÞ ®Æc biÖt l¾m! T«i trßn xoe m¾t nghe thÝm kÓ vÒ c¸ch lµm chiÕc b¸nh ch­ng dµi dµi, be bÐ, xinh xinh trong lßng bµn tay m×nh.
T«i lµm quen víi thÝm rÊt nhanh. ThÝm t«i lµ mét ng­êi tµi n¨ng, khÐo lÐo, ®i theo thÝm, t«i nhanh chãng hßa nhËp víi c¸ch sèng cña ng­êi d©n xø l¹nh. T«i vÉn nhí nh÷ng lêi thÝm c¨n dÆn: Ng­êi d©n quª m×nh cã thó Èm thùc rÊt ®éc ®¸o, mµ bÊt kú ai dï ®i xa còng lu«n nhí ®Õn. Trong nh÷ng ngµy tÕt ®¸ng nhí Êy, t«i cã dÞp ®­îc häc ë thÝm, ë nh÷ng ng­êi phô n÷ Dao quª m×nh nhiÒu mãn ¨n l¹ miÖng. T«i nhí ®ªm ba m­¬i tÕt ngåi xem thÝm vµ b¸c t«i lµm c¸c lo¹i b¸nh: b¸nh ch­ng ®en ®­îc lµm tõ nh÷ng h¹t g¹o nÕp tr¾ng, mÈy. Khi gãi, t«i thÊy thÝm trén g¹o víi than c©y mµng tang gi• nhá. Hãa ra h­¬ng vÞ ®Æc biÖt t«i ®• c¶m nhËn khi ®­îc ¨n b¸nh ch­ng do d©n téc m×nh lµm chÝnh lµ tõ thø c©y rõng nµy. Nh©n b¸nh lµ mét miÕng thÞt mì th¸i dµi ®­îc ­íp th¶o qu¶, khi ¨n ®Ó l¹i n¬i ®Çu l­ìi vÞ bÐo ngËy. Lóc gi• b¸nh dµy, t«i thÊy thÝm trén bét g¹o nÕp víi võng rang ®Ó g¹o khái dÝnh ë cèi vµ t¹o vÞ th¬m bïi. Mãn b¸nh mËt quª t«i ®­îc lµm b»ng bét g¹o nÕp xay nhuyÔn trén víi ®­êng phªn råi ®å lªn, sau ®ã ®æ ra phªn ®Ó c¾t tõng miÕng ¨n dÇn trong dÞp tÕt. HÇu hÕt trÎ con chóng t«i ®Òu thÝch mãn b¸nh báng ®­îc lµm tõ g¹o nÕp næ trén víi ®­êng phªn ®• ®un kü, r¶i trªn m©m vµ Ðp chÆt thµnh b¸nh, c¾t miÕng võa b»ng bao diªm.
Thó Èm thùc cña chó t«i còng nh­ cña nh÷ng chµng trai n¬i xø nói trong dÞp tÕt h×nh nh­ chÝnh lµ nguyªn nh©n ®Ó nh÷ng bµn tay con g¸i Dao quª t«i khÐo lÐo thÓ hiÖn nh÷ng mãn ¨n ®Çy tinh tÕ trªn bµn cóng tæ tiªn. Trong dÞp xu©n vÒ, trªn nh÷ng bµn cç kh«ng thÓ thiÕu nh÷ng mãn ¨n vèn ®­îc ­a thÝch, phï hîp víi tiÕt trêi se l¹nh: mãn canh gõng ®Ëp dËp nÊu víi thÞt gµ chÆt miÕng to; ®Ëu phô th¸i h×nh tam gi¸c råi nhåi thÞt b¨m ®• ­íp gia vÞ vµ ®­îc r¸n vµng ­¬m; g¹o nÕp, tiÕt sèng, bét th¶o qu¶ trén ®Òu råi nhåi vµo lßng lîn sau ®ã mang ®i luéc.
Còng trong dÞp tÕt n¨m Êy, chó t«i – mét ng­êi d©n g¾n bã c¶ cuéc ®êi víi miÒn cao nguyªn s­¬ng muèi ®­a t«i ®i dän dÑp mé tæ, c«ng viÖc mµ gia ®×nh nµo còng lµm tr­íc mçi dÞp tÕt. Sau ®ã ra sau v­ên h¸i cµnh mËn, cµnh ®µo ®Ó trang trÝ bµn thê tæ tiªn. Tr­íc cÆp m¾t nöa nh­ tß mß, nöa nh­ h¸o høc cña t«i, chó th¾p h­¬ng tr­íc gèc c©y ®Ó xin léc. Theo quan niÖm, nh÷ng cµnh ®µo, cµnh mËn cã nhiÒu chåi, bóp sÏ cho nhiÒu léc trong n¨m míi, chó t«i b¶o së dÜ bµn thê ph¶i c¾m c¶ hai lo¹i hoa lµ v× hoa ®µo t­îng tr­ng cho linh hån ng­êi n÷ - mµu ®á, hoa mËn, hoa lª t­îng tr­ng cho linh hån ng­êi nam – mµu tr¾ng. ChiÒu ba m­¬i tÕt, t«i ®­îc dù b÷a c¬m sang träng nhÊt trong nh÷ng ngµy tÕt cña d©n téc Dao. TÊt c¶ nh÷ng ng­êi hä hµng th©n thÝch ®Òu ph¶i sum häp ®Ó «n l¹i kÕt qu¶ cña c«ng viÖc trong n¨m. Qua ®ã, t«i míi hiÓu thªm vÒ nh÷ng ng­êi trong gia ®×nh m×nh, nh÷ng ng­êi mµ trong nh÷ng n¨m th¸ng xa quª, t«i thËm chÝ cßn ch­a gÆp mÆt lÇn nµo. §ªm ba m­¬i, chó dÆn t«i ph¶i thøc qua 12 giê ®Ó cßn ®ãn tæ tiªn vÒ ¨n tÕt víi gia ®×nh. Ngµy tÕt cña d©n téc Dao kÐo dµi ®Õn 5 ngµy, nh­ng ngµy mïng 1 lµ ngµy ph¶i kiªng nhiÒu nhÊt: kiªng kh«ng ¨n rau ®Ó n¨m sau cá kh«ng mäc nhiÒu trªn ®ång ruéng, trªn c¸i n­¬ng, c¸i rÉy; kiªng kh«ng ¨n canh v× sî khi cÊy lóa sÏ gÆp m­a; kiªng kh«ng ®i ch¬i xa vµ kh«ng ¨n c¬m ë nhµ ng­êi kh¸c “Cã thê, cã thiªng, cã kiªng, cã lµnh”, t«i tin nh­ vËy, vµ nh÷ng ng­êi d©n ch©n chÊt, thuÇn hËu quª t«i còng thÕ! Trong t©m linh mçi ng­êi ai còng cã mét miÒn quª ®Ó nÝu lßng sau nh÷ng vÊt v¶ m­u sinh.
L¹i mét mïa xu©n míi s¾p vÒ trªn cao nguyªn, tuy chó thÝm t«i kh«ng cßn n÷a, song trong t©m trÝ t«i, hä vÉn cßn m•i nh­ nh÷ng mïa ®i qua, nh÷ng mïa míi ®Õn. Nh­ nhÞp tr¸i tim båi håi, vÞ quª v­¬ng vÊn m•i theo t«i.
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Hạ

CON ĐƯỜNG NGÀY MAI

Tôi (của ngày hôm nay) nhìn lại hôm qua. Ồ! Mới đây thôi mà đã là ký ức. Những viên gạch kỷ niệm đóng một lớp bụi đỏ mờ mờ. Quá khứ có những gì?... Thật nhiều niềm tiếc nuối: một ánh mắt mẹ yêu thương, bàn tay cha truyền thêm những nghị lực, nụ cười bạn bè thân thiện, tiếng trầm ấm giảng bài của thầy trên góc giảng đường quen thân...
Quá khứ có những gì? Thật nhiều những lỗi lầm thơ dại: một vài lời nói dối, một vài lần trốn học đi chơi. Trẻ con không suy nghĩ nên thường gây ra nhiều điều khiến người lớn mất vui. Đôi khi tôi hỏi mình, rằng nếu thời gian trên chiếc đồng hồ và cuốn lịch kia quay ngược, thì những điều ấy có lặp lại hay không?
Một người lớn đã nói với tôi rằng: nếu cứ "giá như", "biết thế", em sẽ chẳng thể nào trưởng thành. Cứ muốn sống mãi trong khu vườn cổ tích của em thôi! Cô nhóc khờ khạo!
Tôi - đứng giữa ngày hôm nay, cánh cổng trường khép lại phía đằng sau, tiếng trống reo vui không còn khiến lòng mình rộn ràng, hồi hộp... Chỉ còn chút liên tưởng về một ngày khai trường mùa thu, ánh nắng hiền hòa nô giỡn trên áo trắng học trò tinh khôi. Tôi - bước về phía ngày mai, hai tiếng "trưởng thành" thiêng liêng vẫy gọi, với những trách nhiệm không chỉ thuộc về bản thân mình, mà còn cả với cộng đồng nữa. Tôi - một cánh én nghiêng chao trên bầu trời lồng lộng, với cái nhìn đầy háo hức nhưng chưa đủ sâu sắc về một ngày mai.
Ngày mai - ai trong mỗi chúng ta cũng đều hướng về, bởi ngày mai luôn làm ta nghĩ đến những điều tốt đẹp hơn của cuộc sống. Nhìn xung quanh bạn xem: chú ong cần mẫn gom từng hạt phấn để ngày mai nên giọt mật ngọt ngào, nụ hoa uống những hạt sương sớm trong trẻo để ngày mai bung nở, góp đẹp cho đời; bác nông dân cần cù không quản ngại nắng mưa, giọt giọt mồ hôi ướt đẫm lưng áo để trên cánh đồng ngày mai, bông lúa sẽ trĩu nặng, cong oằn như mảnh trăng lưỡi liềm trong vụ mùa bội thu... Vậy còn ta? Còn bạn?
Ngày mai... Không phải là một câu hỏi khó, càng không phải là một lời đánh đố... Vì chúng ta có thể tìm thấy cây trả lời cho bài toán cuộc đời ngay trong ngày hôm nay, trong niềm tin kỳ diệu của loài người với cuộc sống.
"Kỳ thực, trên mặt đất làm gì có đường, do người ta đi mãi mà thành đường đó thôi!". Lỗ Tấn - nhà văn nổi tiếng của đất nước Trung Hoa từng nói như thế! Con đường nào cũng có những truân chuyên, không nề hà gian khổ với con đường duy nhất mình đã chọn, đó chính là con đường mở ra ánh sáng khởi nguồn của hạnh phúc, con đường của ngày mai...
Dạo này, những ngôn từ tôi viết có vẻ giáo huấn quá! Chông chênh giữa hiện thực và sách vở. Một nửa rơi về phía thực tế đời thường, một nửa bước chập chững, ngô nghê trong chập chờn suy ngẫm. Những bước đi rụt rè như đứa trẻ lần đầu lẫm chẫm tập đi. Song tôi tin, tin về một con đường ngày mai... Dẫu khi tập đi ai cũng có đôi lần vấp té...
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (32 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối