Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Đúng rồi, "dù có đi bốn phương trời", dù xa Hà Nội đã thật nhiều năm, hoặc chỉ mới xa vài ngày thôi, ta vẫn có thể có một nỗi nhớ về Hà Nội - có thể quay quắt đến mức "không chịu nổi", mà cũng có thể nhè nhẹ thôi, để thi thoảng thấy mình đứng ngẩn ngơ giữa đám đông, hay thức khuya hơn ngày thường một chút.

Mình lập topic này, gửi vào đây những bài viết về HN, văn xuôi nên không dám đưa vào chung với topic của Đêm sông Hồng lập ra, để kể về những gì mình vẫn nhớ về Hà Nội - Hà Nội của mình, của những ngày tháng cũ.

Chắc hẳn bạn cũng có một Hà Nội của riêng bạn trong lòng, để có thể cùng bồi hồi như mình vậy.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Leng keng leng keng... Tàu điện ơi!
(Thư gửi bạn hiền Hoa Phong Lan và Biển Nhớ :P)

Bạn có cùng ký ức tuổi thơ với mình... Về tiếng tàu điện leng keng buổi trưa, buổi chiều trên các con đường Hà Nội. Trục đường tàu điện mình đi là từ Mơ lên Bờ Hồ. Mình xuống ở Hàng Bài, guốc gỗ gõ lọc cọc trên đường, đi bộ từ Hàng Bài qua một con đường dài để đến bệnh viện Việt Xô thăm ông nội hàng ngày. Năm ấy mình 8 tuổi, ít nói lắm (không như bây giờ). Mình nhớ tiếng tàu điện leng keng và đúng, hình như "người bán vé áo bành tô cũ nát" như trong bài thơ của Phan Vũ vậy. Nhưng Phan Vũ còn viết:

"Leng keng, leng keng,
Tiếng chuông reo hay lời kêu khổ..."


Thời ấy, có khi người lớn thấy khổ. Mà khổ thực. Một thời ăn chẳng đủ no. Bo bo, mì sợi đong thay gạo. Người lớn ai cũng hốc hác. Nhưng trẻ con thì không thấy khổ. Tiếng tàu điện đối với mình là một khúc nhạc vui. Mình thích được đứng ở toa cuối, nhìn qua cửa sổ thông thống không có kính, xem hai bên người ta đạp xe theo tàu như thế nào, ngắm cái đường ray chạy theo mình ra sao. Mà hồi đó dốt lắm, thấy có đoạn đường ray tách nhau ra làm chỗ tránh tàu, thì cứ ngạc nhiên mãi không thôi... "Tại sao đường ray tự động tách ra nhỉ? Tại sao nó biết chỗ này sẽ có hai con tàu đi qua?" Đơn giản thế mà không hiểu được, mà cứ nghĩ mãi cho đến khi nào quên không nghĩ nữa..

Thường mình cứ phải cuốc bộ từ Bách Khoa xuống chợ Mơ, đợi tàu ở đó... Rồi khi về lại từ Mơ mà về Bách Khoa. Thế mới sinh ra một vụ nhảy tàu, tưởng chết. Qua Trại Găng, tàu đi chậm lại, mình thấy các thanh niên nhảy xuống, trông ngon ơ. Thế là quyết tâm bắt chước... Tàu đi qua cổng Bách Khoa ở Bạch Mai, nhảy oạch một cái xuống, ngã quay lơ... nằm ngay sát bánh sắt của tàu.. Eo ơi, nghĩ đến giờ vẫn còn run. Tức thì một đám đông xúm ngay đến. Người mắng mỏ, người xuýt xoa... Những người đi ngang qua đó bằng xe đạp chắc hẳn đã tưởng có tai nạn thật rồi.

Mình nhớ hồi ấy, vé tàu là một đồng, hay một hào nhỉ? Chỉ nhớ đơn vị là một đồng xu tròn. Mỗi lần đi, mẹ lại phát cho hai đồng xu tròn. Có một lần chú soát vé quên không thu tiền của mình. Thế là mình.. .tự thưởng cho mình một cái kem! Hư nhỉ? Nhưng mà kệ, hư cũng được, vì hồi ấy mình thèm ăn kem lắm. Đôi khi ngoan ngoãn mới được bố mẹ chở lên bờ Hồ ăn kem que. Cái kem thời bao cấp cũng ngon hơn bây giờ, mặc dù hình như bẩn hơn! Hồi đó bọn trẻ con cứ dọa nhau là kem làm bằng nước lã. Ôi, nước lã thì cũng chén được hết. Mình mê mẩn vị ngọt mát lạnh của que kem mùa đông!

Một lần có chú mình từ Đà Nẵng ra. Chú rủ hai chị em đi tàu điện tham quan thành phố. Một lèo ngồi tàu điện từ chợ Mơ lên đến bờ Hồ, rồi đổi tàu đi những đâu đâu nữa, mình chẳng nhớ nữa. Chỉ còn mãi một cảm giác vui sướng, trịnh trọng, vì mình đi "tham quan thành phố" chứ không phải là đi có việc gì nhé. Hà Nội hồi ấy màu xam xám, mình không hiểu sao rất nhớ tiết Đông, mùa Hè thì nóng nên quên rồi... Mình ở trong Bách Khoa, nơi có hoa có lá mọc bên bờ rào… cũng chẳng khác gì xứ quê, ra khỏi vòng bức tường thành là lên tỉnh. Lên chỗ phố cổ thì mê lắm, vì người ta đi lại đông vui, không vắng vẻ như ở trong khu mình thời đó.

Khi lớn lên, mình đi học bằng xe đạp đến Lò Đúc, thi thoảng đi ngang qua đường tàu điện. Bánh xe đạp chèn qua đó vẫn hay bung biêng dễ ngã. Mà sao thời ấy nhiều người bị tai nạn tàu điện thật đấy. Có lần mình thấy một chiếc xe đạp bị kéo sềnh sệch theo tàu một đoạn.
Người Việt mình từ thời ấy đến bây giờ hình như vẫn chưa có …luật giao thông. Năm trước về phép, thấy đèn đỏ mà dừng lại là y như rằng bị một số người nhìn như nhìn sinh vật lạ!

Cái hình ảnh trên kia, đúng là hình tàu điện trong ký ức của mình. Những buổi trưa đi thì đỡ đông, giờ tan tầm thì dân tình bám vào cạnh tàu như thế đấy, sợ thật! Con tàu tội nghiệp, thương thương... Mình không có được cảm giác của Trần Đăng Khoa khi nghĩ về tàu điện; "Người xuống và người lên - người nào trông cũng đẹp". Trần Đăng Khoa hồi đó đã biết "hư cấu", chắc vậy!

Tàu điện ở Hà Nội có từ thời Pháp thuộc. Năm 1900 bắt đầu mở tuyến đầu tiên từ Bờ Hồ đến Thụy Khuê. Đường Bờ Hồ - chọ Mơ của mình có từ năm 1906. Hồi đó, nghe bảo tàu điện được chia thành các toa hạng Nhất, Nhì, Ba. Sau này thì chẳng còn chia hạng vé nữa. Tàu có ba toa, đôi khi chỉ có hai. Trông xuề xòa, bụi bặm, màu sắc xanh đỏ cũng chẳng thắm lên đâu. Thế rồi năm 1991 là năm cuối cùng có tiếng leng keng trên những con đường Hà Nội. Mình cũng may mắn là người chứng kiến được một số cái cuối cùng: lần cuối đi tàu điện năm 91 và lần cuối đón Tết có pháo năm 94. Bọn nhóc 9x như cháu mình không được nếm trải những điều này. Nhưng chúng cũng chẳng biết để mà tiếc. Còn mình, mình tiếc vì những điều ấy là một phần của ký ức tuổi thơ.

Bắt đầu hay hoài cổ... Và thương nhớ đủ thứ trong đời. Thế, nên cứ hay gọi "... ơi!" là như vậy!

Giá bây giờ người ta phục hồi lại một đoạn đường tàu điện nào đó, ví như chung quanh bờ Hồ chẳng hạn, thì cũng thú!

Thụy Anh, từ LB Nga.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Người Hà Nội

Tôi không biết chắc bác có phải gốc gác Hà Nội không. Nhưng trong suy nghĩ của tôi, đó là một người rất Hà Nội, và nếu một ngày bác bảo tôi rằng không, bác không phải người Hà Nội, thì hẳn tôi sẽ rất ngạc nhiên.

Muốn lên đến nhà bác, tôi phải bắt tàu điện từ Mơ đi một lèo lên Bờ Hồ. Từ đó tôi đi bộ vào tiếp, qua hàng Dầu đầy dép guốc, là đến.

Một góc phố cổ. Phố Hàng Bè.

Phố ấy, thời tôi còn bé, cũng chưa từng vắng vẻ. Mỗi lần lên đó, tôi thấy cả một thế giới náo nhiệt, đông vui. Một căn gác bí ẩn! Đối với một đứa trẻ chỉ từng ở căn hộ tập thể như tôi, bất kỳ một ngôi nhà tầng nào cũng đã khiến tôi thấy thích thú. Riêng ngôi nhà gác nơi phố cổ lại lôi cuốn tôi hơn nhiều. Vì trên ấy, có gió từ Hồ Gươm thổi vào. Và từ trên đó có thể nhìn xuống một Hà Nội nho nhỏ không tĩnh lặng với dòng xe đạp bất tận trên đường hẹp, với tiếng rao lảnh lót của những gánh hàng rong không vắng mặt bao giờ trên đường, cho dù là sáng, trưa hay chiều tối, thậm chí là đêm muộn.

Bác tôi. Bác là một người quen, một người bạn của gia đình tôi. Nhưng từ lâu, từ cái thời xa xưa cũ kỹ nào đó, khi chúng tôi mỗi lần đau ốm, bố mẹ lại cậy nhờ đến bác, thì bác đã trở thành người thân của nhà tôi rồi.
Bác là trưởng nam của cụ Cao Cương, một thày thuốc Đông Y có tiếng. Bác làm trong ngành Bưu chính, nhưng ở nhà, bác vẫn giữ nghề gia truyền là bắt mạch, bốc thuốc. Bác gái cũng làm cùng ngành Bưu điện, một người phụ nữ phúc hậu, tóc vấn cao, chu đáo và khéo léo.

Một dạo tôi cứ hay nhảy tàu điện, một mình đến nhà bác, để bác chữa bệnh cho. Năm ấy tôi độ 10 tuổi, là một đứa bé ít nói và rụt rè. Nhưng hay quan sát và hay nhớ. Tôi nhớ, nhớ cho đến mãi sau này, cho đến bây giờ, những buổi chiều còn nắng, bác đón tôi bằng một ấm trà. (Tôi vốn thích uống trà vì từ nhỏ ở với ông nội!). Dường như, cái thủ tục pha trà của bác là một liệu pháp làm thần kinh tôi dịu đi. Đi qua một đoạn đường quá dài đối với tuổi tôi hồi đó, mồ hôi vẫn còn rịn trên trán và tim còn đập hào hển. Ngồi vào chiếc ghế cổ màu đen, theo dõi bàn tay người rót nước sôi tráng từng chiếc chén nhỏ, đoạn, đổ trùm nước nóng lên cả bên ngoài chiếc ấm sứ con. Làn nước trôi lọt xuống màng khay lọc, để lại ấm trà còn thoáng khói bốc lên. Chén trà rót ra từ chiếc ấm ấy bỗng như nóng bỏng hơn, mà cũng đượm màu hơn. Bác làm việc đó với vẻ khoan thai kỳ lạ. Vẻ điềm đạm ấy của bác khắc vào lòng tôi một cảm giác bình tâm. Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ, người Hà Nội là phải như thế. Điềm đạm, khoai thai, luôn trân trọng trong xử thế với người, hay khi làm một việc đơn giản là tráng ấm pha trà!

Chỉ sau một tuần trà, bác mới bắt mạch cho tôi, với một chiếc gối bé kê dưới cổ tay. Mạch của tôi khi ấy hẳn đã đập bình tĩnh, yên ổn.

Cảm giác bình tâm yên ổn luôn trở lại với tôi sau này, khi đã gần hai chục năm biền biệt xứ người, mỗi lần tôi nhớ về hai bác, về căn gác nhỏ ở góc phố hàng Bè, về sự yên tịnh kỳ lạ có được giữa những xôn xao hàng phố.

Thụy Anh, từ LB Nga.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Người Kinh Bắc

HOA HÀ NỘI
Tôi không sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Thành, nhưng không hiểu sao tôi lại yêu Hà Nội vô cùng. Để khi xa quê, nỗi nhớ nào trong tôi cũng hướng về Hà Nội. Ở nơi ấy bạn bè tôi đang sống, đang miệt mài học tập, đang làm việc và xây dựng tương lai. Ở nơi ấy họ đã yêu nhau và thành vợ, thành chồng. Ở nơi ấy người có một người con gái đợi chờ chàng trai đi xa, với đôi mắt buồn như Hồ Gươm chiều cuối Hạ.
“Hà Nội của tôi” là hương hoa sữa mùa thu ngọt ngào trên từng ngõ nhỏ, len vào mái tóc bồng bềnh của cô gái tuổi đôi mươi, cho tôi đan tay lên mái tóc dầy và tận hưởng cho mình một mùi hương nồng ấm. Hương của tình yêu, hương của của hoa, hương của người, hương của đất trời, đó là hương Hà Nội.
 Có chàng sinh viên khoác áo lính mộng mơ, ngắt cho mình một chùm hoa sữa, để nơi bàn học, những tưởng sẽ mang về cho căn phòng cả một trời Hà Nội yêu thương như bài hát nào đó người ta từng ca ngợi. Nhưng chàng trai đã không thể nào ngủ được suốt đêm, vì mùi hoa sữa quá nồng, quá đậm.Từ ngày đó,  có một người ghét Hoa Sữa Hà Nội vô cùng mặc dù bài thơ “Hoa Sữa” của Nguyễn  Phan Hách vẫn là những câu thơ mà chàng trai yêu thích nhất:
                   “... Tuổi mười lăm em lớn từng ngày
                         Một buổi sớm em bỗng thành thiếu nữ
                         Hôm ấy mùa thu, anh vẫn nhớ
                         Hoa sữa thơm ngây ngất ven hồ

                        Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
                        Mùi hoa sữa tan trong áo em và mái tóc…”
Chàng sinh viên quân đội vẫn mộng mơ, vẫn làm thơ và vẫn căm thù hoa sữa. Rồi một đêm trước lúc đi xa, cùng bạn bè thân thiết, chàng dạo bước trên những con đường nhỏ thân yêu, để chờ  đêm buông xuống, chờ thành phố lại lên  đèn, để tay trong tay đi giữa lòng Hà Nội. Giai điệu của bài hát thân quen vang lên :
                   “....Mai ta xa rồi, rời xa Hà Nội
                         Xa mỗi hàng cây góc phố thân quen,
                         Từng tiếng chuông chùa ngân nga chiều đổ
                         Mặt Hồ Gươm lung linh những ánh đèn…”
Con đường nhỏ đầy hoa sữa, hương thoang thoảng bay theo gió thu nhè nhẹ đã làm chàng trai thức tỉnh. Hoa sữa vẫn thơm và chàng lại yêu mùi hoa sữa. Chàng trai mang theo hương hoa sữa đi dưới trời Âu đầy tuyết trắng và giữ cho mình chút tình Hà Nội trong sâu thẳm trái tim.
 Rồi mùa nối mùa cũng đi qua, cái Tết thứ tư không được ở quê nhà cũng  đang đến rất gần. Có ai đi xa mà không buồn không nhớ quê hương mỗi độ xuân về?  Và để Hà Nội trong tôi bây giờ là sắc hoa đào,  nhẹ nhàng, mỏng mảnh, không hương nhưng sao tim nghe chộn rộn. Phố phường tất bật người đi, đâu đâu cũng là sắc hồng của hoa đào, và màu vàng của quất. Giọt mồ hôi lăn trên trán người đạp xích lô, “nốt chuyến này cũng phải về lo tết nhất”. Khuôn mặt xương xương đầy khắc khổ, anh xe ôm vẫn nở một nụ cười nhìn những cánh đào đang chúm chím mà lòng thấy yêu đời hơn bao giờ hết. Ven Hồ Gươm hai cô gái áo dài trắng thướt tha đang nhìn ngắm những cửa hàng hoa trên từng con phố. Em bé đánh giầy vẫn xách chiếc hộp đồ nghề dạo qua từng ngõ nhỏ, đôi mắt em vui, miệng em cười, vết xi đánh giầy quyệt dài ngang mũi, mà sao em vẫn đẹp lạ thường. Có phải vì hoa đào nở, màu hoa tôi yêu đang nở giữa trời Hà Nội nên tôi nhìn thấy ai cũng đẹp hơn?
Mùa xuân lại về, không biết năm nay những Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Ngọc Hà có còn nhiều hoa nở? Liệu gió sông Hồng có còn đem hương phù sa ươm vào từng cánh lá, để từ đó đơm hoa, để thành hương Hà Nội. Những công trình hiện đại, nhà máy nguy nga đang mọc ra, thành phố tôi yêu đang ngày càng lớn rộng, nhưng chạnh lòng tôi khi nghĩ đến một chiều, dạo bước trên triền đê, nhìn Nhật Tân  không còn màu hoa nữa. Cô gái Ngọc Hà không hát hết bài ca về “Làng lúa, làng hoa”  mà bao nhiêu năm đã đi vào tiềm thức.
    Bên ngoài kia tuyết lại rơi, mùa xuân chẳng về với tôi bên ngoài khung cửa sổ. Nhưng tôi sẽ nghĩ về Hà Nội của tôi. Một Hà Nội đầy hoa và những bài ca không bao giờ ngưng lặng trong tim  tôi, trong tim bạn bè, trong tim những người một đời yêu Hoa Hà Nội.
               “…Ước một ngày ta trở lại đây
                    Nhẹ bước bên em trên đường Hà Nội
                    Ta vẫn có mình như ngày xưa ấy
                    Xa nhau rồi, xa nhau rồi, lại gặp Hà Nội ơi…”

Moscow 17-01-2007
Người Kinh Bắc
"Bảng lảng mây chiều anh trở lại Bắc Ninh
Thăm con sông xanh chảy quanh câu quan họ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

@Người Kinh Bắc: cảm ơn bạn đã ủng hộ topic này. Topic bị chìm xuống làm mình bây giờ mới đọc được. Đã ở trong lòng Hà Nội mà mình vẫn thương nhớ một Hà Nội cũ xưa. Cảm ơn bài viết của bạn!
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Bánh cuốn không nhân

Không nhân, nghĩa là chỉ thấy chút hành và loáng thoáng vài chấm mộc nhĩ chưng mỡ hiện lên mờ mờ dưới làn bánh trắng mỏng. Tịnh không có mảy may hơi thịt nào. Nhưng vẫn đủ một đĩa xinh xinh gồm 6 cái bánh bé được kéo nhỏ tanh tách cắt làm đôi, một túm rau mùi thơm ngát đặt bên trên và một thìa hành khô phi vàng được cẩu thả rắc vào, kèm một bát nước chấm điểm ớt đỏ tươi reo vui trong mắt.

Thức quà này đối với tôi những năm 90 vẫn là xa xỉ. Và mỗi lần có được nó là một lần vui sướng, hân hoan. Năm thứ Nhất đại học, lần nào được nhận học bổng là cả lũ con gái lại rủ nhau tự thưởng cho mình món này.

Nhưng đó là thứ bánh cuốn không nhân cao cấp rồi.

Vào những năm 80, bánh cuốn không nhân của tôi cũng khác. Là thứ bánh cuốn của Hà Nội thời bao cấp. Là thứ bánh không mua bằng tiền mà đổi gạo. Bình dân hơn. Không ngon bằng. Nhưng bây giờ tưởng lại, thì thương và nhớ nhiều hơn. Nhiều nhất…

Sáng Chủ Nhật, sau buổi tổng vệ sinh khu phố, cả nhà thảnh thơi đến lạ. Bố loay hoay sửa lại nan chuồng gà bị mèo cậy xộc xệch cả. (Thuở ấy ở khu tập thể, ai chẳng nuôi gà, nuôi lợn dưới tầng một). Mẹ phơi quần áo một bên sân. Hai chị em tôi tha thẩn bắt bọ ngựa trong vườn. Thì bỗng:
- Ai… đổi bánh cuốn đê..ê.. ..ê…
Tiếng rao to, rõ ràng, kéo dài lê thê suốt cả dọc dãy nhà, tưởng chừng nhà nào cũng phải bật dậy vì nó. Giọng rao người tỉnh khác, luyến láy đến là vui tai. Hai chị em dỏng tai nghe rồi chẳng ai bảo ai, hấp tấp chạy ra cửa.
- Bánh cuốn ơi…!
Hai đứa vừa gọi, mẹ đã ra theo, tay giữ cái rá đựng ít gạo để sẵn từ sớm đợi hàng bánh. Thứ gạo vàng vàng, đo đỏ, nhiều sạn… đem đi đổi thứ bánh trắng muốt, cho dù lá bánh dày khồm khộp chứ không mỏng manh như bánh cuốn Thanh Trì, thì cũng vẫn cứ là lãi! Cô hàng bánh sau khi mặc cả lấy lệ “Một cưn ăn cưn bảy”, thì thoăn thoắt hạ gánh hàng xuống, giở một bên mủng, lật lớp lá sen bên trên, bốc một tệp bánh mềm mại, bản to bằng cả bàn tay người lớn, để lên lá chuối, đặt vào cân tay.  Ngay lập tức, cái mùi đặc trưng của bánh cuốn không nhân dậy lên, hơi chua chua như mùi men bột, nhưng là vị chua dễ chịu, hứa hẹn nhiều điều vui thú. Cô hàng trút vào rá cho mẹ rồi lại quày quả gánh hàng đi, giọng rao vẫn vang vang rộn ràng, thoắt cái đã sang đến K5, K6, rồi đi xa hơn nữa… Hai chị em tôi đứng ngóng theo, thoáng nghe những tiếng “ơi” của nhà nào đó gọi bánh, lòng tự nhiên thấy vui vui.

Vào đến nhà, đã thấy mẹ thái hành khô. Tôi nhanh nhảu phụ mẹ đặt chảo lên bếp, cho một thìa mỡ trắng vào, ngắm nhìn mỡ tan ra, tỏa mùi thơm ngầy ngậy. Một vốc hành khô làm gian bếp sực lên mùi ăn uống, mùi thức ngon, mùi vui sướng và hạnh phúc. Bởi trưa Chủ Nhật nào gia đình tôi cũng quây quần quanh mâm bánh cuốn như thế. Đối với tôi khi ấy, chẳng còn gì hạnh phúc hơn!

Xếp từng lớp bánh cuốn lên đĩa to, rưới hành phi lên trên mỗi lớp bánh, trịnh trọng đặt lên mâm nhôm. Bát nước chấm cũng đã sẵn sàng, hăng nồng mùi ớt và hạt tiêu. Một ít rau mùi rau thơm làm xanh một góc mâm, cũng đang khe khẽ tỏa hương, góp thêm vào mâm bánh cuốn một thứ vị không thể thiếu. Không có chả quế vỏ đỏ tươi, nhân vàng vàng điểm mỡ hạt lựu cắt từng miếng hình quả trám đâu! Món đó sau này mới có, khi ăn bánh cuốn không nhân “cao cấp” của những năm 90!
Lúc này, chỉ là một mâm bánh cuốn tráng dày, thô, trắng mỡ màng, lẫn lộn đủ thứ mùi vị: chua chua, cay cay, hăng hăng, thơm thơm… Thế thôi cũng đủ làm hai đứa bé háo hức, hai người lớn tủm tỉm cười.

Thế thôi cũng khiến một buổi trưa Chủ Nhật thêm đủ đầy niềm vui.

Thế thôi cũng đủ cho tôi nhớ suốt cả một đời.

Thụy Anh, từ LB Nga.  16-6-2008
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]