Trang trong tổng số 3 trang (25 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3]

Ảnh đại diện

bachhophoa

Cái từ "toạ lạc" em thấy người ta hay dùng khi quảng cáo nơi du học ý chị nhỉ, nghe cứ tây tây.

Còn từ "nằm ở" em cũng vẫn thích dùng hơn, thấy nó không kén như từ "toạ lạc" kia, lắm lúc nghe buồn cười sao sao ý :))
Slow dancing with the moon.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

"Hãy dịch bằng lòng say mê”




(Toquoc)- “Hãy dịch bằng lòng say mê”- đó là điều cơ bản nhất mà nhà thơ Hữu Việt cho là cần để có một tác phẩm dịch thơ hay. Một niềm đam mê cộng với một sự hiểu biết ngôn ngữ và một bản gốc hay.


 
Báo điện tử Tổ Quốc đã có một buổi trò chuyện cởi mở cùng anh về dịch thơ, và rộng hơn một chút là về việc giới thiệu văn học nước ta ra thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Những ý kiến của anh khá khách quan, đáng để suy ngẫm. Cái tên Hữu Việt - người vừa đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007 với tác phẩm dịch thơ của tác giả Mattie J.T Stepanek, “Khúc hát trái tim” - còn khá mới lạ trong giới văn học dịch Việt Nam. Anh nói với tôi mình chỉ là “tay mơ” trong làng dịch thuật. Việc dịch tác phẩm này xuất phát từ sự yêu thích, say mê, khâm phục tác giả của nó - một thần đồng thơ, "hoàng tử nhỏ" trên thi đàn nước Mỹ.




PV: Cái duyên của anh với "Khúc hát trái tim" đã đến như thế nào?

Nhà thơ Hữu Việt: Năm 2004, khi tác giả Mattie J.T Stepanek ra đi ở tuổi 14, dịch giả Phó Thiên Tùng (tiếng Trung) đã có một bài viết về em trên báo Tiền phong Chủ nhật, nơi tôi làm việc. Đọc bài viết dưới góc độ người biên tập, tôi đã rất xúc động. Sau đó, qua một người bạn Mỹ, tôi đã nhờ mua hộ 5 tập thơ của Mattie. Cũng nên nói rõ, tôi không phải là một dịch giả chuyên nghiệp. Là người sáng tác, học hỏi thêm ở các nền văn học khác là việc cần thiết, cần làm, với ai cũng thế. Được đọc và đọc được một tác phẩm văn học nước ngoài qua nguyên bản là điều kiện lý tưởng. Mới đầu, tôi đọc các tập thơ của Mattie cũng chỉ để tìm hiểu, thưởng thức thôi. Đọc xong thì thấy rất thích và tôi đã bắt tay vào dịch các tác phẩm đó. Tôi thật may mắn khi có sự đồng cảm và ủng hộ của Nhà Xuất bản Kim Đồng.

PV: Tuy là một người dịch nghiệp dư, nhưng anh đã có một bản dịch rất xúc động, đọc mà không cầm được nước mắt. Theo anh, để có một tác phẩm dịch thành công như thế, điều quan trọng nhất là gì?

Nhà thơ Hữu Việt: Các dịch giả chuyên nghiệp sẽ có quan niệm riêng về việc dịch tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt. Cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu người sáng tác mà dịch tác phẩm thuộc thể loại sáng tác của mình thì sẽ có cơ may thành công nhiều hơn. Theo logic đó, nhà thơ nên dịch thơ, nhà văn dịch văn xuôi và các nhà nghiên cứu nên dịch các tác phẩm lý luận phê bình. Dĩ nhiên, còn cần những điều kiện tối thiểu như có trình độ ngoại ngữ nhất định và tiếng Việt của anh phải nhuần nhuyễn. Trong đó tiếng Việt đóng vai trò quan trọng hơn.

Tôi là một người dịch nghiệp dư, nên cũng chỉ đưa ra những "ý kiến nghiệp dư" của mình, mong rằng các dịch giả chuyên nghiệp không giận. Theo tôi, để có một tác phẩm thơ dịch thành công thì trước hết cần phải có một tác phẩm gốc hay. Thứ hai là người dịch có một sự đồng cảm với tác phẩm đó và dịch nó với một niềm cảm hứng, sự say mê, không hề tính toán là mình dịch tác phẩm ấy để được nổi tiếng, hay để được các nhà xuất bản để ý tới và sẽ được nhiều tiền… Bởi nếu tính toán như thế thì chẳng ai lại chọn đi dịch thơ ở thời buổi này. Cứ quan sát trên thị trường sách dịch thì thấy thơ dịch rất hiếm, có chăng thì chỉ là những tác phẩm tái bản của những tác giả cổ điển. Dịch thơ không phải là thời thượng bây giờ. Và một yếu tố thứ ba là dịch những lĩnh vực anh am hiểu và có đầu tư thì sẽ có nhiều cơ may thành công hơn.

PV: Vậy anh có cho là dịch thơ thì nhất thiết phải là nhà thơ dịch mới hay được?

Nhà thơ Hữu Việt: Không nhất thiết. Tôi chỉ nghĩ rằng, nhà thơ dịch thơ thì có cơ may thành công nhiều hơn, chẳng hạn, Ngô Tất Tố dịch thơ Đường rất hay. Nhà thơ đi dịch thơ có một cái thế mạnh riêng. Như Tản Đà dịch thơ Đường thì mọi người bảo là hình như không phải lúc nào sát nghĩa, nhưng dịch ra cái thần thái của bài thơ đó thì không ai có thể sánh nổi với Tản Đà.

PV: Dịch "Khúc hát trái tim", anh có lợi thế là một nhà thơ và có trong tay một bản gốc rất hay. Song, anh đã ngoài bốn chục tuổi khi dịch tác phẩm của một em bé mới hơn chục tuổi (trong đó có những bài viết lúc mới lên ba). Sự chênh lệch tuổi tác như vậy có đặt ra rào cản nào đối với anh không?

Nhà thơ Hữu Việt: Cũng có khó khăn. Nhưng nó không nằm ở cảm xúc. Mattie là một cậu bé, nhưng thơ của em không chỉ viết cho thiếu nhi mà còn viết cho cả người lớn nữa. Đó là một hiện tượng đặc biệt ở một trí tuệ hết sức đặc biệt. Khó khăn nhất mà tôi gặp khi dịch tác phẩm nằm ở một số ngôn từ trẻ con, một số trò chơi trẻ con. Cũng rất may là trong thời đại Internet, mình có thể tra cứu trên mạng hoặc hỏi các bạn bè nước ngoài khá dễ dàng.

(Còn tiếp)
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

PV: Anh có thể kể lại một kỷ niệm đáng nhớ gắn với "Khúc hát trái tim"?

Nhà thơ Hữu Việt: Tôi còn nhớ đã đọc trong blog của nick dongvy, người mẹ đã viết một cái entry Quà sinh nhật cho con thế này:

"Đã lâu tôi không mua một tập thơ nào. Hôm nay là sinh nhật Thuyên. 3 tuổi. Quà sinh nhật của mẹ là một tập thơ, mặc dù con chưa đọc được chữ nào cả. Tôi cũng sẽ không đọc cho Thuyên nghe vì con chưa thể hiểu. Nhưng một ngày nào đó, tôi sẽ kể con nghe về món quà này. Một ngày nào đó, tôi sẽ trao cho Thuyên món quà sinh nhật này.

Con hãy sống yêu thương, chia sẻ, hãy biết lắng nghe những "khúc hát của trái tim" con, hãy cố gắng thấu hiểu những nỗi đau có thể hiện hữu trong cõi người, và hãy sử dụng hết những khả năng mà Thượng đế có thể ban cho, để sống một cuộc đời hữu ích.

Nhưng hãy nhớ rằng, vào ngày sinh nhật một tuổi của con, mẹ đã không mong con biết đi và biết nói sớm hơn những đứa trẻ khác. Vào ngày sinh nhật ba tuổi của con, mẹ đã không mong con biết đọc chữ và làm thơ như một thần đồng.

Mẹ cầm trên tay cuốn sách tuyệt vời của Mattie, và chỉ ước mong con của mẹ sống khỏe mạnh và hạnh phúc, từng ngày một trong suốt cuộc đời dài."

(link: http://blog.360.yahoo.com...k1Xc-?cq=1&p=353)

Với tôi đây cũng là món quà cho công việc dịch thuật của mình. Bởi vì hình như, thơ của Mattie đã và sẽ mang lại cho các em thiếu nhi Việt Nam một cái gì đó.

PV: Được biết, trước "Khúc hát trái tim", anh đã từng đoạt giải dịch thơ. Anh có thể nói rõ hơn?

Nhà thơ Hữu Việt: Lâu rồi. Tôi có tham gia một cuộc thi dịch thơ do tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn tổ chức và được giải A. Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nhà thơ Bằng Việt, đánh giá cao sự phá cách trong bản dịch của tôi, lấy cái thần thái là chính, chứ không phải sự bám sát ngôn từ. Đó là bài thơ Topol (Cây dương) của nhà thơ Nga Rubtsov. Vào mùa hè, cây topol phát tán nhưng chùm bông bay đầy trời. "Lìa cành chiếc lá bông bay/ Cho hay cái lẽ xưa nay của trời/ Nếu em thương lá mồ côi/ Sao không xót chút tình tôi dịu dàng...". Một cảnh tượng rất đẹp mà tôi còn nhớ mãi mùa hè từ hồi học ở Nga. Nói cái này để thấy là nếu mình cảm nhận bài thơ bằng những cái gì mà mình được nhìn thấy tận mắt thì tự nhiên sẽ có lợi thế, giúp mình dịch ra được cái thần thái của bài thơ. Tôi nghĩ, hồi đó, Ban Giám khảo cũng đánh giá tôi ở cách cảm nhận riêng về bài thơ và sự truyền tải cái thần thái của nó. Chứ tôi nghĩ mình dịch cũng bình thường như mọi người thôi.

Giải thưởng về văn học dịch năm nay của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho bản dịch "Khúc hát trái tim" khiến tôi khá bất ngờ. Trong thị trường sách dịch đồ sộ hiện nay, có rất nhiều tác phẩm hay, được dịch một cách công phu bởi những dịch giả tên tuổi. Nhà thơ Hữu Thỉnh khi trả lời phỏng vấn có nói rằng, trao giải cho tập thơ dịch này vì: "gu thẩm mỹ của người dịch rất tốt. Tập thơ hiện đại, mở ra tư duy thơ mới. Tập thơ có tác động kích thích về sự đổi mới thơ ca hiện nay." Có lẽ bản dịch tập thơ được giải vì đáp ứng được tiêu chí trao giải của Hội Nhà văn năm nay. Thế thôi.

PV: Sau giải thưởng này, anh có dự định đi sâu hơn vào lĩnh vực dịch văn học, đặc biệt là dịch thơ không?

Nhà thơ Hữu Việt: Tôi không có dự định gì cả. Tôi vẫn sẽ làm những việc mà tôi đang làm. Còn đến một lúc nào đó gặp được tác phẩm hay và thấy thích thì tôi sẽ dịch. Thực ra tôi vẫn thường dịch thơ, nhưng chỉ dịch cho mình thôi.

PV: Vậy, ngược lại, anh có ý định dịch thơ của anh ra tiếng nước ngoài?

Nhà thơ Hữu Việt: Rất khó. Theo tôi biết, ngay cả các nhà văn biết tiếng ngoại ngữ tốt hầu hết đều phải nhờ các dịch giả khi dịch tác phẩm của mình ra tiếng nước ngoài. Khi tham dự một chương trình viết văn ở Mỹ, tôi cũng đã nhờ một người bạn là Việt kiều Canada chuyển ngữ giúp một số bài thơ của mình. Theo tôi, để đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài, trong một thế giới cởi mở và có độ tương tác lớn thế này, cách tốt nhất là nên thu hút các nhà văn Việt kiều cùng hợp tác trong việc chuyển ngữ. Tôi tin là các nhà văn Việt kiều luôn sẵn lòng quảng bá văn học Việt Nam ra với thế giới.

PV: Nhưng đó mới chỉ là cái phương tiện để đưa văn thơ của Việt Nam ra thế giới. Còn việc liệu nó có được người nước ngoài đón nhận không, và có đứng vững được ở nước ngoài không nữa. Anh nghĩ gì về việc này?

Nhà thơ Hữu Việt: Dịch là một việc, các nhà xuất bản và bạn đọc nước ngoài có đón nhận tác phẩm văn học của ta hay không lại là việc khác. Cái này tuân theo quy luật thị trường, bỏ qua yếu tố thị trường thì sẽ khó thành công. Khi các nước muốn đưa văn học của họ vào Việt Nam, họ đã có những quỹ hỗ trợ cho việc dịch thuật và in ấn. Có thể kể đến các quỹ của Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch, Nga… Người in sách phải tính toán đến yếu tố thị trường, người đọc sách lại tìm đọc sách thời thượng. Trong khi để giới thiệu, quảng bá một nền văn học thì phải mang đến cho người đọc cái nhìn tổng thể, nghĩa là sẽ có những cuốn sách không tuân theo quy luật thị trường. Vì vậy, Nhà nước cần có nguồn tài chính (thông qua các quỹ), có các dự án đầu tư nghiêm túc cho việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Làm từng bước, trong một thời gian dài thì hy vọng đến lúc nào đó, thế giới sẽ có sự tiếp cận đầy đủ nền văn học của chúng ta.

PV: Nhưng cũng theo “logic thị trường” mà anh vừa nói, thì tư nhân đóng vai trò quan trọng trong thị trường ấy, họ sẽ tự tìm đến với những tác phẩm hay, phù hợp với gu đọc sách của độc giả nước ngoài. Như vậy, sự thiếu vắng sách của Việt Nam trên thị trường sách quốc tế phải chăng là do mình chưa có nhiều tác phẩm được đánh giá cao?

Nhà thơ Hữu Việt: Đúng là đa số tư nhân chỉ chọn những cuốn sách bán chạy, sinh lời nhiều. Những sách không bán được thì họ không chọn. Ở Việt Nam cũng vậy thôi. Người ta chỉ dịch những cuốn sách bán chạy mà độc giả Việt Nam sẽ đón đọc. Nhưng, không nên căn cứ vào đó mà cho rằng văn học Việt Nam không có độc giả ở nước ngoài. Tôi muốn nhấn mạnh đến cái lộ trình, để giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, điều cần nhất là tập hợp được trí tuệ của người Việt Nam sống ở khắp nơi trên thế giới và phải có sự hỗ trợ, đầu tư về tài chính cho những người làm công việc này.

Đừng tự vấn là mình chưa có các tác phẩm hay ở tầm quốc tế. Trên thế giới cũng không có nhiều lắm các trung tâm văn học lớn. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Vì vậy, hãy cố gắng làm những gì thuộc phạm vi của mình trong việc quảng bá văn học của chúng ta ra với thế giới.

Vâng, văn học không thể và không bao giờ giống với các sản phẩm tiêu dùng khác, nó cần được chăm sóc đặc biệt và giới thiệu trong một tổng thể. Có thể cần rất nhiều thời gian để dựng nên một diện mạo đầy đủ về văn học Việt Nam khi đưa ra thế giới. Nhưng đó và việc cần thiết phải làm và cần được đầu tư lâu dài. Xin cảm ơn nhà thơ Hữu Việt về những tâm sự cởi mở anh dành cho độc giả báo Tổ Quốc.


BẠCH DƯƠNG (thực hiện)







Nguồn: http://www.toquoc.gov.vn/vietnam/viewNew.asp?newsId=31099&rd=20071105sr5351&zoneId=70
Báo Điện tử Tổ Quốc.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Jean Sary - nhà thơ Pháp dịch Hồ Xuân Hương


Nét độc đáo của Hồ Xuân Hương là nghệ thuật chơi chữ và ẩn dụ. Ẩn sau mỗi bài thơ của bà là một bài thơ khác, vừa rõ ràng vừa không thể nắm bắt. Do vậy dịch thơ Hồ Xuân Hương, nhất là sang các thứ tiếng phương Tây, là công việc khó khăn và mạo hiểm. Tuy nhiên, dường như Jean Sary đã vượt qua được những thử thách to lớn này.

Jean Sary không phải là người nước ngoài đầu tiên yêu thích và dịch thơ Hồ Xuân Hương. Với những bài thơ táo bạo, kết hợp tài tình trí tuệ và nhục cảm, Bà chúa thơ Nôm là một trong những nữ sĩ độc đáo nhất của VN và thế giới.
Trong danh sách những người hâm mộ bà có những cái tên lừng lẫy như R. Tagore, H. Lopes (nhà văn, cựu Thủ tướng Congo), và không thể không nhắc đến M. Durand, nhà Việt Nam học lỗi lạc, tác giả cuốn "L'oeuvre de la poétesse vietnamienne Hồ Xuân Hương" (Sự nghiệp của nữ sĩ Việt Nam Hồ Xuân Hương) dang dở. Xin nói thêm, Jean Sary coi việc dịch thơ Hồ Xuân Hương một cách tưởng nhớ Maurice Durand.
Dịch thơ Hồ Xuân Hương sang các thứ tiếng phương Tây, là công việc mạo hiểm. Khó khăn dễ thấy là sự khác biệt ngôn ngữ và văn hoá, trong khi nét độc đáo của Hồ Xuân Hương là nghệ thuật chơi chữ và ẩn dụ: sau mỗi từ, mỗi sự vật của bà thường có một từ, một sự vật khác, gắn liền với thân thể và nhục cảm. Thành thử, ẩn sau mỗi bài thơ của bà là một bài thơ khác, vừa rõ ràng vừa không thể nắm bắt. Làm sao dịch được điều đó?
Nhưng còn có một khó khăn khác. Trong thế kỷ XX, ở phương Tây, "cách mạng tình dục", và trong chừng mực nào đó cả phong trào nữ quyền, dường như đã phá bỏ mọi cấm kỵ. Người ta đã tận hưởng, phơi bày, khai thác hết, nếu không nói là thái quá, mọi khía cạnh liên quan đến nhục dục. Nhiều chuyện khó nói đã thành chuyện thường ngày, nhiều từ tục tĩu đã thành từ cửa miệng. Khi ngay cả những bài thơ nhục dục phơi bày của Pierre Lous - nhà thơ, nhà văn Pháp - cũng đã trở nên "nhẹ cân", vậy - liệu nhục cảm tinh tế và nghệ thuật biểu đạt xa xôi (l'art du détour) của Hồ Xuân Hương có thể gây xúc động cho người đọc?
Những bản dịch của Jean Sary trong tạp chí IF (Marseille, số 25, 2004) là câu trả lời khẳng định. Nhưng anh đã phải làm rất nhiều để có được câu trả lời đó. Anh đã bỏ nhiều năm học tiếng Việt để cảm được âm nhạc và sự tinh tế của nó.
Điều này thấy rõ trong phần chú giải. Chẳng hạn, anh giải thích câu "Dao cầu/ thiếp/ biết/ trao/ ai nhỉ": "Ngoài ẩn dụ về chiếc dao cầu của ông lang, tác giả còn thêm vào một cách chơi chữ: nếu đổi dấu thanh của chữ thứ hai, ta sẽ có dao cấu, đọc như giao cấu". Nếu lưu ý rằng quê Hồ Xuân Hương ở Nghệ An, chúng ta sẽ thấy lý giải của Jean Sary rất thú vị.
Hay khi anh viết về những "từ ấn tượng" (l'impressif): "Trong bài Hang Cắc Cớ, ta phải hiểu từ phập phòm như thế nào? Nhìn chung, nó mô tả tiếng sóng. Nhưng, đó cũng là tiếng gió quất vào cành thông. Chữ "phập" mô tả một cú đâm dứt khoát, tựa như tiếng mũi tên cắm gọn vào bia. Nhưng bạn nghe thấy hay nhìn thấy? Bạn nhìn thấy. Nó có vẻ nghiêng về thị giác. Còn chữ "phòm" lại nghiêng về thính giác. Nó không thể đứng riêng rẽ, mà đóng vai trò một hậu tố. Thanh huyền của nó dường như mô phỏng một tiếng thở dài. Của gió? Không, của cây thông ngất ngưởng trong gió bão".
Jean Sary cũng là một nhà thơ, nhờ vậy, anh tìm được cách biểu đạt tương đương trong tiếng Pháp mà không bị cầm tù bởi những hình ảnh và cách biểu đạt trong nguyên bản - điều gần như không thể tránh khỏi ở các bản dịch do người Việt thực hiện. Nhiều chỗ, anh tránh được lối nói "chắc như đinh đóng cột" của các thứ tiếng tổng hợp châu Âu và tìm được hình thức biểu đạt khá gần gũi với tiếng Việt - một ngôn ngữ phân tích.
Chẳng hạn, hai câu "Mỏng dày chừng ấy chành ba góc/ Rộng hẹp đường nào cắm một cay" được anh dịch như sau: "Mince épais il s'ouvre son triangle impeccable/ Large étroit quelque forme on enfonce un tenon", hay câu "Hồng hồng má phấn duyên vì cậy/ Chúa dấu vua yêu một cái này" được anh dịch: "Peau rosée joues rouges encollées de kaki/ Le Roi aime et la Cour vénère pour la chose".
Tuy nhiên, việc Jean Sary chọn hình thức thơ tự do gần với thơ văn xuôi để dịch bài  Quan Thị, theo tôi, không thật đắc địa. Không phải là anh không biết rằng bài  Quan Thị  có hình thức thơ Đường. Cũng không phải anh không biết các đặc điểm của thơ Đường luật - anh đã dành hẳn một mục để giải thích các đặc điểm của nó.
Rõ ràng, anh định tìm một lối biểu đạt khác. Nhưng anh đã quên rằng vẻ đẹp thơ Hồ Xuân Hương còn ở sự tương phản giữa niêm luật chặt chẽ của thơ Đường với sự phóng túng trong ý tưởng và khả năng dường như vô hạn của tác giả trong việc vượt thoát khỏi nhà tù hình thức.
Trong chú giải cuối cùng, Jean Sary viết nửa đùa nửa thật rằng trong tiếng Việt "dịch" vừa có nghĩa là "dịch thuật" vừa có nghĩa là "dịch bệnh", và hy vọng bản "dịch" của anh sẽ không bị nằm trong vòng "kiểm dịch" mà lây nhiễm đến nhiều người.
Dĩ nhiên, anh mắc dịch đầu tiên. Tôi tin rằng tình yêu đối với Hồ Xuân Hương là một "căn bệnh mãn tính".

Ngô Tự Lập

(Nguồn: Lao động)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

iris tran

xin lỗi mọi người, mình là thành viên mới nên không biết đăng bài ở đâu.
cho mình hỏi ở đây có ai có bản dịch Tiếng Việt của bài thơ: The rainbow (my heart leaps up when i behold) của tác giả wordsworth không? nếu có thì cho mình xin nha. mình đang làm một bài thuyết trình về bài này nhưng tìm chưa ra bản dịch Tiếng Việt. mình đăng bài thơ nhá, mong các cao thủ ra tay giúp đỡ, xin chân thành cảm ơn:-)

my heart leaps up when i behold
a rainbow in the sky:
so was it when my life began;
so is it now i am a man;
so be it when i shall grow old,

or let me die!

the child is father of the man;
and i could wish my days to be
bound each to each by natural piety.
                       Thân,
                      Iris Tran
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 3 trang (25 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3]