Trang trong tổng số 44 trang (435 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [19] [20] [21] [22] [23] [24] [25] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Hi hi, hay quá, cảm ơn bạn. Tại nói đến chiện ông Nam ko liên lạc với mẹ con họ... mình nghĩ nhiều người giống nhau ghê. Nhưng cũng có thể do hoàn cảnh. Mà sâu xa họ cũng day dứt suốt đời, chẳng sung sướng gì... Cô tớ yêu ông Nga, một thời bị điệu ra máy bay về nước, hai bên công an áp tải, y như tội phạm ấy. Hic.

Xin phép mọi người post ké một truyện nhé. Sorry, vì em sợ mọi người đang đọc Flamingo đang phê, tự dưng em xen vào vô duyên, hic :(. Nhưng là thấy có cái giống nhau quá nên muốn ghé thôi ạ.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Gió trắng


Ký ức là một miền dữ dội xa xôi…



- Thu, xuống mau kẻo khách đợi nhé! Ở cửa Một, chỗ quán bà Tình ấy…
- Vâng, em xong ngay.

Không đợi thang máy, tôi nhảy 3 bậc một theo cầu thang bộ xuống quán bà Tình. Ông khách từ Việt Nam đang đợi tôi ở đó, bên đĩa mì xào õng mỡ, đặc sản của quán. Trong quán không còn ai khác ngoài bà chủ đang ngáp ngắn ngáp dài bên đống đồ khô, đa nem, măng miến mới nhập về.

Đó là một người đàn ông có gương mặt của U50, vóc dáng lại là U40. Hai vết sẹo kéo dài từ cằm về phía tai trái, nhưng được sắp đặt khéo léo thế nào đó khiến chiếc cằm bạnh ra lại càng có vẻ đàn ông. Dáng người thanh nhã, mặc quần bò áo phông xanh cộc tay cắm thùng, chân đi giày thể thao, đôi bàn tay mạnh mẽ, cơ nổi cuộn. “Show hàng thế!” – Tôi nghĩ thầm, phân vân không biết xưng hô thế nào cho phải. Trời này ở Nga mà mặc cộc tay thì cũng hơi chủ quan! “Em bảo cái gì chủ quan?” Người khách vừa hỏi vừa đứng dậy khỏi bàn, mỉm cười hơi tinh quái. “Không phải cái gì, mà là ai ạ… Cháu…. em bảo anh chủ quan. Trời lạnh rồi.”
- Hết 100 anh ạ. Anh có mua thuốc lá nữa không, lát tôi lấy về cả mấy tút cho. Vị chi cả thảy là… cộng với cái card điện thoại sáng nay anh lấy nữa… - Bà Tình lẩm nhẩm tính toán. Quán tên Tình mà vào chỉ thấy tiền. Khách Việt Nam vào đây thể nào cũng bị chém. Tôi nhớ ở ốp này có một gia đình rất nổi tiếng, bố mẹ tên là Châu, Bảo bán hàng ăn, hai đứa con trai là Lâm và Vận đi lấy thuốc lá, bao đóng hàng đổ cho các nhà bán lẻ ở Salut 3, bán đắt như cứa cổ. Mọi người hay truyền nhau câu: “Châu chém, Bảo băm, Lâm luộc, Vận vặt”. Tôi bất giác toét miệng cười.
- Em cười gì thế?
Tôi lúng túng chống chế:
- Thì em cười anh, mặc áo cộc trong khi ngoài đường, Tây còn phải khoác áo đơn áo kép.
- Em yên tâm, hôm nay trời sẽ ấm.
- Sao anh biết?
- Anh cảm nhận được. Anh ở xứ này hơn 20 chục năm cơ mà!
Nhiều đến vậy sao? Tôi phân vân tính nhẩm. Tôi mới ở đây 6 năm mà đã thấy thời gian dài dằng dặc như cả một đời người. Nếu không vì bố tôi ham cái bằng tiến sĩ (đương nhiên là cho tôi, nhưng tôi có cần đâu?) thì tôi đã không ở lại. Trước chỉ cắm đầu vào học, giờ tôi cũng túc tắc làm thêm. Học bổng nhà nước cho không đủ sống, ăn bám bố mẹ rồi ăn bám người yêu đến gần chục năm trong khi xung quanh bọn bạn đi chợ đi búa, mua công mua nhà ầm ầm, tôi cũng thấy ái ngại. Loay hoay chưa kiếm được việc gì khả dĩ hợp với đứa con gái tay chân mảnh khảnh yếu ớt lại lười nhác sợ ngồi văn phòng pha chè bưng nước như tôi thì cái Thúy hàng xóm gọi đi làm guide du lịch, chủ yếu đón khách Việt Nam sang hoặc đưa khách Việt ở Nga đi tua từ Mat xuống Len. Công việc không nặng, được đi đây đi đó, tôi rất khoái. Chỉ phải cái lịch trình hơi đơn điệu, một thời gian sau chân tôi đi cũng như cái máy. Có lúc đáng lẽ đi về ốp lại đi tuốt lên Quảng trường Đỏ hoặc vào bảo tàng Trechiankovskaya…

Tôi cùng người khách đi ra đường. Cánh cửa gỗ nặng trịch sập lại phía sau lưng, đóng lại một không gian chật chội tù túng, toàn mùi dầu mỡ nước mắm lẫn mùi khói thuốc. Một luồng không khí lạnh ẩm ùa vào mặt tôi, tỏa mùi của mùa Thu. Thật khó tả cái mùi ấy như thế nào, nhưng tôi ngỡ rằng đến mấy chục năm sau tôi vẫn còn có thể nhận ra mùa Thu nước Nga qua mùi hương kỳ lạ này. Cái mùi trong trong, hình như có chút hương hoa cuối mùa đang vội vàng khoe sắc lần cuối khi cành lá đã xiêu vẹo tả tơi vì mưa thu. Hình như có cả mùi của lá mục vẫn bị chổi rễ cây tấp lại đâu đó cuối vườn, giờ những cơn mưa lôi chúng lên, bắt chúng rón rén tỏa hương, không thơm, nhưng không khó chịu. Hình như có cả mùi hăng nồng thoáng qua của con bọ nào đó trên cây. Và mùi hương không lời của bầu trời sũng ướt len lỏi trong lá phổi của tôi, đang khiến tôi run khe khẽ.
- Em lạnh sao?
- Không ạ. Chú… Anh mặc thế còn không lạnh, em mặc áo khoác thì lạnh sao được.
- Vậy thì nghĩa là, em run vì sợ.
- Sợ?
- Sợ đi với anh.
- Có gì mà em phải sợ? – Tôi phì cười.- Em đi với biết bao người như anh, có thâm niên rồi. Em còn biết chắc chắn mình sẽ đi đâu bây giờ. Này nhé. Quảng trường Đỏ. Đồi Lenin. Quảng trường Chiến thắng. Hoặc quần thể nhà thờ Kolomen. Có thể nhà thờ Đấng cứu thế, nhưng mà hồi anh ở đây thì chưa xây nên anh sẽ không biết đến.
- Em tự tin nhỉ? Thế mà anh lại cảm thấy em run.
- Em run không phải vì đi với anh, mà vì điều khác.
- Điều gì?
- Vì mùa thu…- Tôi nói rồi im bặt, chợt thấy mình ngớ ngẩn quá. Nhưng người khách đã cười khẽ:
- Anh hiểu. Em run vì những điều ở trong tim em, mà em cũng không rõ là cái gì. Anh cũng thế đấy. Anh sẽ không đi theo lịch trình của em đâu, đó là lịch trình của cái đầu, em biết rất rõ. Anh sẽ đi theo lịch trình của trái tim, cái này anh cũng chưa rõ lắm. Mình cứ lên tàu rồi xem trái tim sẽ đưa anh em mình đi đâu nhé!
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Tôi hoang mang nhìn người đàn ông – khách hàng của tôi. Nhưng đồng thời cũng bắt đầu cảm thấy như đang tham dự vào một trò chơi thú vị. Lần đầu tiên trong nghề làm guide, tôi phải xóa bỏ lịch trình đã lên trong đầu để nhắm mắt đi theo khách hàng. Anh tự tin, quả quyết và có đôi chút áp đặt. Từ bấy giờ, anh không còn nói chuyện với tôi. Anh đi những bước nhẹ nhõm trong khí trời đã giá của mùa Thu nước Nga, gật đầu với những bà già đứng bán hoa, bán nấm bên đường, thản nhiên đi qua mặt các “chú” công an đang háo hức “tìm mồi”. Có lẽ tư thế của anh và những gì toát lên trên gương mặt anh nó kỳ lạ làm sao ấy, khiến các bà già gật đầu chào ran lên, còn mấy cái mũ kê-pi và dùi cui thì cụp xuống.
Anh dừng lại ở bến Park Kultury, nhìn quanh. Nói, như nói thầm: “Chính ở đây này, có một ông già bán báo bị mù.” Tôi im lặng nhìn theo tay anh chỉ, thấy một dãy những sạp báo quy củ, sạp và lều đều màu đỏ có in chữ đen.
Ông ấy mù mà hỏi tờ báo nào cũng lấy ngay được. Ông đeo kính nên anh không hề biết ông bị mù, cho đến một hôm, anh mua báo và trả bằng nắm tiền lẻ lủng củng vét trong túi áo. Ông lần nhặt từng đồng cho vào những ngăn riêng trên chiếc tạp dề đeo trước ngực. Tần ngần mãi rồi xòe ra trước mặt anh đồng xu bé xíu khác lạ so với những đồng Rúp bình thường,  hỏi:” Làm ơn nói cho lão biết, đây là mấy rúp?”. Đó là một đồng 25 cent người ta thối lại hôm anh đi qua Dubai, anh để lẫn vào túi…
Người đàn ông đi theo hành trình của trái tim cứ vừa đi vừa lầm rầm như thế. Tôi thì hấp tấp chạy bên cạnh anh, vì sải bước anh rộng tôi theo khó kịp. Tôi có cảm giác, với anh, mình đã tàng hình. Anh nhìn xuyên qua tôi, hướng về những chiếc cột đèn cũ kỹ nặng nề màu đen, đỡ những chao đèn tròn đang chạy dần về phía chúng tôi. Thang máy chậm rãi đưa “đoàn du lịch” lạ lùng xuống tầng ngầm đón Metro… Tôi đi không suy nghĩ. Anh có vẻ cũng vậy, hoàn toàn thả mình cho một người vô hình khác đang kéo anh đi. Qua những bến Met đường vòng tròn, chuyển “khốt”, sang tàu đường thẳng. Người chật như nêm. Đến bến Tulskaya, người ùa vào khiến tôi cảm thấy sắp ngạt thở, gồng người chống đỡ sức xô đẩy của đám đông. Rất tự nhiên, người đàn ông vòng tay ôm lấy tôi, xoay lưng ra bên ngoài che đỡ những tay những chân những túi đồ lủng củng. Hai cánh tay trần của anh lạnh buốt. Tôi bất giác áp nhẹ má vào đó để sưởi cho chúng ấm lên. Khi ấm lên rồi, tôi thấy tay anh chợt hơi run.

Thoát khỏi đoạn đường đông, anh buông tôi ra. Tôi bối rối tìm ghế ngồi, mặc cho anh đứng tựa vào cửa kính có dòng chữ “Không tựa vào cửa”, nhắm mắt, người lắc lư theo nhịp lắc của con tàu.

Rời bến Yuzhnaya, chúng tôi lên xe buýt đi về phía ngoại ô. Trời đã lại lất phất mưa. Con đường mở ra dài tít tắp đến chân trời, hai bên là những cánh rừng bạch dương thân trắng, lá màu vàng nhàn nhạt, cũ kỹ. Tôi ngồi bên cửa sổ, nhìn những đợt gió đang ẩn hiện trên những ngọn cây bạch dương, thấy buồn. Tôi nghĩ đến Dương, người yêu tôi. Anh học trên tôi hai khóa, giờ cũng sắp xong nghiên cứu sinh. Chúng tôi yêu nhau 3 năm. Anh bảo gắng đợi học xong hết đi đã rồi cưới. Tôi cũng chẳng ý kiến ý cò gì vì đằng nào chúng tôi cũng đã ở với nhau rồi. Cũng đã là một gia đình nhỏ, chỉ khác là bố mẹ ở nhà không biết nên chúng tôi chưa được phép có con. Đợt này Dương đi theo chân mấy người bạn sang Tàu đánh hàng, bỏ tôi lơ vơ một mình ở nhà suốt, mà không hiểu sao tôi cũng chẳng thấy buồn. Ba năm, thời gian ít ỏi thế mà chúng tôi đã kịp quá quen với nhau, đến mức có hay không có nhau ở bên cạnh cũng chẳng còn quan trọng nữa…
Bây giờ thì tôi chợt nhớ Dương thế cơ chứ. Vì người bạn đường đang ngồi cạnh tôi đây dường như chìm vào một cơn sóng tinh thần khiến những ai ở bên anh cũng bị ảnh hưởng, cũng muốn ngoái lại phía sau, để thấy cả một con đường nối dài với con đường phía trước đang chờ đón, như chưa hề có sự phân chia: quá khứ, hiện tại hay tương lai… Tôi những muốn chạy ào xuống xe để quay lại con đường đó, nơi có nắng và hoa bồ công anh vàng rực rỡ dọc đường. Lùi một chút, tôi nhìn thấy vạt hoa đã trắng, những bông trắng xoay xoay tan tác… Rồi một bụi cỏ lau cũng trắng xóa, chỉ nở vào mùa Thu… “Tiếc rằng mùa hè qua giữa chúng mình chẳng nên chuyện gì… Nhưng phía trước là mùa Thu… Anh cần em…” Hình như Dương từng hát cho tôi bài này, khi cả hội trường tôi có khoảng hơn chục đứa đi nướng shashlyk trong rừng. Anh cầm đàn và nghêu ngao hát. “Nụ hôn mùa thu”, bài Alla từng hát. Trường có 7 nữ. Nhưng anh chỉ hát cho riêng tôi.

Thường thì người ta chỉ cần nhau ít thôi, quãng độ cùng lắm là 3 năm. Tôi chua chát nghĩ. Hoặc có thể ít hơn.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Bây giờ tôi và Dương, nếu Dương không đi đánh hàng thì cũng chỉ gặp nhau ở bữa cơm chung buổi tối, nhưng cũng chẳng mấy khi chỉ có hai người. Chúng tôi ở ốp sinh viên, lần nào cũng có dăm ba người cùng ăn. Những bữa ăn cũng đầy đủ các thức, có rau muống mua ở ốp Cộng, có cà pháo trong lọ quả trắng chua chua, đôi khi õng nước, iu ỉu, có sấu đóng đá cậy ra từ tủ lạnh… Nhưng mà thiếu cái gì đó, chẳng rõ nữa, khiến những bữa ăn không còn “đi vào trái tim” như ngày trước Dương thường nói mỗi khi tôi xào mì cho anh ăn. Chúng tôi cũng ít kể chuyện ríu rít hơn, thường là tôi hỏi, Dương thích thì trả lời, không thì anh cứ lơ đi như không nghe thấy. Trên mạng cũng vậy. Anh đi Tàu, tôi và anh vẫn liên lạc qua chat. Thường nhắn off nhiều hơn. Anh cũng trả lời những câu anh thích trả lời, hoặc thông tin ngắn gọn, “lệnh” cho tôi làm một vài việc vặt liên quan đến hàng hóa. Còn cái gì anh cho là vớ vẩn phiền phức thì coi như tôi độc thoại. Thậm chí, tôi nhìn thấy anh sáng đèn mà không gọi, chỉ đợi khi anh out rồi mới bắt đầu viết. Như thế tiện hơn. Tôi sẽ không quá bứt rứt khi phải độc thoại mà anh vẫn ngồi đó…

Tự nhiên, khí lạnh từ đâu chạm vào gáy và má tôi, mà rõ ràng xe buýt rất kín và vẫn ấm sực. So vai lại, tôi bỗng thèm nói chuyện với người bạn đường. Tôi quay sang kể cho anh nghe về những bữa ăn sinh viên… Anh cười:
- Sướng nhỉ, các em bây giờ có đủ cả, chẳng thiếu gì, như ở Việt Nam ấy. Trước, anh toàn phải cán mì nấu phở. Nước dùng thì cho thêm vị phở Bách Khoa, thế là sang trọng lắm rồi.
- Anh có nghĩ, nếu chỉ cần thế thì tốt hơn là về Việt Nam mà ở, ở lại đây làm gì, không?
- Ừ… Có lẽ. Nhưng mà nếu em về Việt Nam rồi, như anh ấy mà, thì em lại thấy thiếu những cái khác, lại muốn có “nước Nga” ở trong nhà mình…
Anh đột ngột đổi đề tài:
- Em có biết mình đi đâu không?
- Em không biết.
- Thế mà cũng đòi làm guide! – Anh cười giễu cợt.
- Em chiều khách đấy chứ. Chứ theo nguyên tắc,…
- Anh biết rồi, theo nguyên tắc, anh phải đi theo tua lên lịch sẵn của em, nếu đi đâu khác hơn thì phải trả em thêm tiền.
- Đúng vậy… Nhưng em cũng đoán được, có thể anh đi Tula chăng? Ở đó có điền trang của Lev Tolstoy. Nhưng mấy bữa nữa vào Mùa hè rớt mới đẹp. Chứ bây giờ chỉ tổ ướt và lạnh thôi.
- Gần đúng. Anh đi gần hơn nhiều. Thành phố Serpukhov.

Tôi chưa đến đó bao giờ, nên cuối cùng chúng tôi đổi vị trí cho nhau. Anh làm guide, còn tôi là khách. Càng gần đến địa phận Serpukhov, anh càng hào hứng. Anh trìu mến ngắm những ngôi nhà gỗ bé nhỏ nép sau những dãy hàng rào xiêu vẹo màu xám, không ngớt kêu lên thán phục: “Trời ơi, trời ơi…”. Những ngôi nhà tỏa khói mờ trên nóc chắc không thể ngờ có người đang ngắm nghía chúng say sưa đến vậy. Bên vệ đường, những bà già để cái xô đựng đầy hoa cúc cuối mùa đủ màu sặc sỡ. Trời hình như đã hửng lên.

Người đàn ông đưa tôi lên một ngọn đồi. Trên đó mở ra một khoảng trời rất rộng, đã không còn ẩm ướt. Đi về phía Nam, nắng có vẻ nhiều hơn. Mặt trời đâu đó dưới đám mây lùa ra những tia nắng mỏng, trải khắp đồng cỏ hoa muộn, gió tưng bừng làm cỏ rối bời. Tóc tôi thì bay tứ tung, chắc nhìn như bờm ngựa, nên anh cứ ngó tôi mà cười cười. Nhà thờ trên đồi sơn màu trắng, nằm hiền lành bên một quần thể đá hoa cương to đẹp, khắc tên những chiến sĩ đã ngã xuống trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Một bản sơ đồ mặt trận chạy dọc bức tường thành. Một vài bóng ngựa lững thững trên triền dốc.
- Chạy theo anh, ra chỗ cái vòi nước…
- Cái vòi nước?
Tôi chưa kịp hiểu thì anh đã co chân chạy ngược lên đồi. Tôi chạy theo anh. Gió thổi từ rặng tử đinh hương rậm rì, hoa tàn mà cành lá vẫn xanh tươi, khẽ đẩy chúng tôi chậm lại. Theo mỗi bước chạy, tôi thấy gió chịu thua, thấy người mình như nhẹ bỗng đi. Lên đến đồi thì không còn trọng lượng, bay lên…

- Em ấn cái này xuống đi… Em còn nhớ không, đây là cái vòi nước cổ. Em vẫn chẳng thích nó mãi là gì! Hôm ấy em bị bọn chó canh nhà này đuổi khi mắm môi mắm lợi lấy nước… Nước mát quá, nhỉ? Sao gần 20 năm rồi mà vẫn thế, cứ như hôm qua… Vẫn rặng quả đỏ này, hôm đó anh nhảy lên hái cho em tí nữa thì trẹo chân… Ồ vẫn căn nhà có chái gỗ nuôi gà kìa. Có thể vẫn con gà mái đấy đang ấp trứng được không nhỉ? Hì…

Anh như rơi vào một cơn phấn khích, nói luôn miệng, âu yếm kéo tay tôi, chỉ cho tôi thấy những điều xinh xắn trong ký ức của anh mà không hề có dấu vết thời gian vùi dập.

“Tanhia…”
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Anh gọi tôi. Tự nhiên như tên tôi vốn thế. Tự nhiên như đã quen biết từ lâu rồi. Và còn tự nhiên hơn nữa, anh nhấc bổng tôi lên bờ hè đá, để tôi đối mặt với anh, và, anh vuốt tóc tôi, nước mắt chảy dài … “Tanhia, anh yêu em!”
Lần đầu tiên tôi thấy nước mắt đàn ông. Tim tôi thắt lại. Tôi nhìn thấy anh đang đi trên đồi cùng một người con gái Nga. Gió lạnh làm má cô ấy hơi ửng hồng. Họ đi, tay trong tay, say đắm. Mùa thu ẩm ướt quanh họ cũng ấm lên. Những bụi cỏ lau đã nở hoa nhòe đi thành từng vệt trắng bên sông. Nắng chiếu vào đỉnh đồng của nhà thờ lấp lánh.

Chiều tối, chúng tôi tìm vào khu nhà nghỉ của thợ mỏ, thuê hai phòng đơn. Khi ấy tôi mới biết tên anh. Là Phong. Bạch Phong. Tên anh lạ thế? Ừ, gió trắng. Giống như gió thổi qua đồng có lau ấy anh nhỉ, cũng thành gió trắng. – Tôi bỗng nhiên ví von rồi lại phải im bặt vì Phong chợt đăm chiêu khác thường. Lát sau anh bảo: Em nói đúng đấy, gió từ đồng cỏ lau màu trắng. Gió từ quá khứ cũng màu trắng. Tưởng không màu sắc mà muốn quên cũng không quên được…
Phong bảo tôi ở lại với anh ba ngày. Tôi hiểu anh cần tôi như một người đồng hành trong cuộc hành trình của trái tim này. Nhưng tôi không hiểu được vì sao tôi không thấy sợ mà đồng ý ngay lập tức. Đương nhiên không thể chỉ vì tiền. Một phần thôi. Anh trả một khoản tiền khá đủ để cho tôi liều mạng đi khỏi ốp của mình từng ấy ngày mà không báo lại với ai, kể cả Dương.

Anh cần một tuần. Và cũng chỉ có một tuần thôi. Để làm gì ạ? Để sám hối. Để sống lại. Ngày trước anh đã bỏ Tanhia lại đây. Bọn anh đã yêu, đã có những tháng ngày không quên được. Cô ấy cũng từng dùng má sưởi ấm bàn tay anh, cả cánh tay anh, vào mùa Thu như thế này… Má cô ấy luôn đỏ ửng, ấm và thơm…  Vậy mà anh về nước và đã quên cô ấy, quên rất nhanh... Nơi này này, dưới rặng tử đinh hương, anh đã hôn Tanhia. Robko… Robko? Ừ, nghĩa là rụt rè. Nghĩa là ngập ngừng. Không phải vì anh cả thẹn đâu. Vì anh sợ. Sợ gì ạ? Sợ vi phạm kỷ luật lưu học sinh, sợ bị đuổi học. A, em hiểu. Thế thì… thế thì đã có gì quá nặng tình đâu mà anh day dứt vậy?
Phong lắc đầu nhìn lên bầu trời xám. Gió từ phía sông thổi lên lồng lộng. Những bụi lau trắng ngả nghiêng. Có tiếng cười lan dài trên cánh đồng. Anh giật mình nhìn quanh. Em nghĩ thế nào mới là nặng tình? Sống thử, rồi có con với nhau, như lũ trẻ bọn em bây giờ ấy ư? Có con, chắc gì đã nặng tình!
Thực ra thì, anh đã định tiến xa hơn với Tanhia. Nhưng ông cậu anh viết thư nhắc nhở, rằng có thể về nhà không được phân việc. Thời ấy không có việc làm là chết, chứ không chạy loanh quanh làm tự do như bây giờ được. Anh đã về, đã bỏ Tanhia, không kèn không trống. Bây giờ anh về tìm chị ấy? Không, anh tìm mảnh hồn anh để lại nơi này. Phong dụi mắt đứng lên. Ba buổi chiều ở cạnh anh, tôi phát hiện ra, dường như anh rất sợ bóng chiều sập xuống. Những lúc ấy anh đi đứng loạng choạng, không còn tự tin hoạt bát như ban ngày. Anh yếu đuối như trẻ con, bám chặt lấy tay tôi. Và lại gọi nhỏ: “Tanhia…”. Tôi bảo, anh hét to lên đi, thì thào làm gì… Nhỡ đâu cô ấy nghe được. Ừ nhỉ, em nói đúng. Anh run rẩy nắn thẳng lưng, hít một hơi dài và kêu bằng chất giọng trầm trầm của mình: “Tanhia…”. Từ phía bến nước, nơi có cái đập chắn nước đang ào ào tung bọt dậy sóng và đám cá mình bạc thi thoảng lại vật mình bay lên, nơi mặt trời chiếu thành một tia dài như muốn chạm đến chỗ chúng tôi, có tiếng đáp mơ hồ: “Đa….a….a….”. Phong phấn khích kêu to: “Cô ấy, cô ấy đấy!”
Tanhia có gương mặt bầu bĩnh hiền hậu, tóc tết đuôi sam dài đến thắt lưng. Cô học cùng anh ở Matxcơva, nhưng gia đình ở thành phố này. Kỳ nghỉ, anh lại cùng cô về quê. Cả nhà quý anh lắm, lần nào cũng làm cơm thết đãi linh đình. Bánh blin nhân thịt, gà bỏ lò, rượu vodka ngâm táo, những bữa trà dùng cùng với mứt dâu tây và phúc bồn tử, bánh nướng nhân táo nhà trồng…  Nhưng anh thích nhất những buổi cùng Tanhia đốt lửa bên bến sông này… Đây này, vẫn còn tàn than đây, cái ghế băng dài này, cái gốc cây cụt, là nơi bọn anh ngồi nướng thịt. Anh vừa trở thịt nướng vừa kể. Một giọt nước rơi xuống khúc gỗ cây táo đang đượm lửa, kêu xèo một cái. Góc đằng kia có cái gorka bằng gỗ, cái cầu trượt trẻ con ấy mà. Anh từng bị dập mông ở đó. Tanhia thách anh trượt. Anh dại dột độn cái túi paket dưới mông… Anh cười to, có vẻ như đã lẫn lộn thời gian. Quá khứ, hiện tại và tương lai của anh, tất cả đang ở đây, bên dòng sông có bờ lau trắng…
Anh kể chuyện không ngừng. Tôi ngập trong những hình dung về Tanhia, cô gái Nga biết hát tiếng Việt của anh. Tanhia hát tiếng Việt rất hay. Phát âm hơi cứng một chút, nhưng giọng rất uyển chuyển. Cô ấy hát bài Làng tôi… Điệu vanlse. Bọn anh nhảy vanlse xoay với nhau ở trong rừng kia. Chung quanh lá rơi đều đều, như mưa… Sau này anh còn vẽ được một bức tranh, không, mới là phác thảo thôi, đặt tên là “Rừng say”… Ha ha ha… Anh cũng đang say đây này… Phong lại cười to. Anh kéo tôi đứng dậy, chọn khoảng đất trống… Và chúng tôi xoay. Phong nhắm mắt. Anh như không nhìn được nữa. Hoặc là nhìn bằng bộ phận nào đó trên cơ thể mà không phải bằng mắt. Tôi nghe thấy tiếng nhạc dìu dặt. Tôi xoay đến chóng mặt, vẫn cố bước khớp nhịp với điệu nhạc ấy. Rồi cả hai chúng tôi đứng dựa vào nhau, cảm thấy dưới chân mặt đất đang trôi chầm chậm. Muỗi mắt bay ra thành đám cung quăng, va cả vào chân rồi bật ra. Những ngọn cây tùng phía xa trở nên đen thẫm. Ở đây tuyệt diệu quá! Ừ, em có nhớ bài hát “Chiều ngoại ô Matxcơva không?”
Dòng sông vẫn cuộn trôi hay dừng bước lững lờ
Bàng bạc trăng suông chiếu sáng đôi bờ
Vẳng trong gió mơ hồ
Bài tình ca tha thiết
Tiếng ngân xa đêm hè lặng như tờ.

Này em gái người Nga sao lặng lẽ mơ màng
Nhìn nghiêng nghiêng mái tóc óng tơ vàng
Làm anh xốn xang lòng
Ngập ngừng không lời nói
                        Nói chi đây khi lòng chứa chan tình(1)
Anh khẽ hát. Trời, em biết bài này quá chứ. Nhưng lời Việt lạ thế, em chưa nghe bao giờ! Anh tự dịch đấy. Không có những buổi đi bên Tanhia, làm sao dịch được như thế. Đúng rồi, nghe có hồn lắm anh ạ… Cảm ơn em đã đi cùng anh. Phải cảm ơn trái tim anh chứ, nó đưa anh đến đây mà… Mà sao anh không đi tìm lại Tanhia thật? Anh không nhớ đường vào nhà cô ấy à? Nhớ chứ, phía sau nhà thờ kia kìa… Tính từ đầu làng đi vào đúng năm mươi bước chân. Bọn anh từng đếm rồi… Năm mươi bước chân và một nụ hôn… Robko? Ừ, robko… Anh không tìm cô ấy, vì cô ấy chết rồi. Sao? - Tôi thấy nghẹt thở. Buông anh ra, tôi ngã ngồi xuống nền đất lạnh. Khí lạnh xông lên nhức nhối cả lưng. Tiếng dế kêu ri ri trong cỏ khiến tôi rởn gai ốc.

Một lần bọn anh đi lễ nhà thờ. Cô ấy đội chiếc khăn có bông hoa đỏ rất to. Hoa Pion. Hoa ấy cô rất thích. Nó nở to thơm thảo, như tấm lòng cô ấy đối với anh vậy. Tanhia thắp nến cầu nguyện, rồi hỏi anh: “Anh có biết em cầu gì không?” “Có.”. Anh biết thật. Anh biết cô ấy muốn yêu anh, muốn có anh. Nhìn vào mắt cô ấy thì biết. Nhìn cả thân thể cô ấy thì biết. Tình yêu của một cô gái, của người phụ nữ, khó giấu lắm. Từ chiếc móng tay, từ sợi tóc, từ cả dáng đi… không điều gì không nói lên tình yêu cả. “Nếu anh không yêu em thì thôi. Nếu anh yêu em mà vẫn sẽ bỏ đi, thì chắc chắn em sẽ chết.” Tanhia nói như vậy khi bọn anh bước ra cổng nhà thờ, quay mặt hướng về gác chuông làm dấu thánh. Cô nói thêm: “Chết bằng thể xác hay chết tâm hồn cũng giống nhau thôi.”
Buổi chiều tà, tiếng chuông, cánh đồng cỏ lau bạt ngàn… và những lời ấy… Em không biết chúng vang lên mới sắc nét và ghê gớm thế nào đâu…
Trước khi về nhà nghỉ, tôi mới hỏi điều tôi băn khoăn suốt mấy hôm:
- Anh bảo anh ở đây hơn 20 năm, là sao ạ, em không hiểu? Anh về nước từ năm tám mấy cơ mà?
- Tám tư…. Nhưng anh vẫn ở đây suốt hơn hai mươi năm qua. Đúng thế đấy. Bây giờ thì anh sẽ về hẳn. Để sống cuộc sống thực của mình, không nợ nần gì ai…
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

***
Mấy năm sau, tôi về phép. Tự dưng muốn gặp lại người bạn đồng hành dạo ấy, tôi lần theo địa chỉ anh đưa thì đến được một căn nhà rất xinh trên khu phố vắng. Hà Nội bây giờ tìm được một nơi vắng vẻ như thế thật là hiếm. Tôi giật thót khi nhìn thấy những bông lau trắng rất to trồng sát hàng rào, trong đầu thoáng qua hình ảnh bờ lau xoay tròn trong điệu vanlse xoay ngày nào… Đúng là nhà anh Phong rồi… Bấm chuông. Một bác đứng tuổi thập thò ngó ra, dáng như người làm. Bác cho biết ông bà chủ đi chùa, đến chiều mới về.

Tôi đứng thẫn thờ một lúc rồi không hiểu sao lại qua quán chè chén gần đó ngồi. Bà quán hỏi tôi gặp ai, có việc gì, chắc lại nhờ vả gì ông Phong hả? Ông ấy làm to ở bộ X, nhưng mà có dạo bị điên đấy. Bị điên? Ừ, bị điên. A hay là thần kinh… gì nhỉ, thần kinh phân biệt gì đó. Thần kinh phân liệt? Ơ đúng rồi, sao cô biết? Mà thần kinh với điên thì khác gì nhau. Có khi quát tháo vợ con ầm ĩ cả phố. Có bận ghé vào đây uống nước mãi rồi mới về nhà, nói chuyện hay đáo để, thơ phú vui lắm nhé! Có hôm ông ấy còn ra bãi sông Hồng nằm ịch ra cát, cứ nằm thế cho đến khi nước lên ngập gần mũi mà không chết. Cao số thế! Còn bị quáng gà nữa cơ. Một dạo nghe nói sang Nga chữa bệnh… Thế là khỏi à bác? Ừ, khỏi. Bác sĩ Liên Xô thánh thật, chữa bách bệnh. Không khỏi thì có mà… có mà ăn cám. Trượt cái ghế sếp ngay. Nhưng mà phải cúng bái suốt thôi. Thôi thì có thờ có thiêng… Người ta bảo hồi trẻ ông này buôn bán làm ăn kinh lắm bên kia, thế mới tậu được nhà được vợ chứ. Vợ đẹp lắm!... Ông ấy cũng đẹp mà! Ừ, đẹp, nhưng không có tiền thì đẹp cái tép kho tương, kho đi kho lại nó trương phềnh phềnh! Sao bác biết ông ấy buôn bán? Thời ông ấy đi học làm gì có buôn với bán gì được! Là nghe mấy ông đến đây không gặp, ngồi hàng tôi buôn lại thế, tôi biết đâu. Một lần bị Maphia Liên Xô nó rượt, không có cô Tây nào ấy đỡ cho thì có mà chết đời tám hoánh! Cô Tây nào? Nào biết! Nghe bảo cô ấy lao vào bọn phia, xù lông như gà mái che con, bị bọn chúng đâm chết. Ông ấy chỉ bị thương và chết ngất vài ngày, tỉnh dậy ngớ ngẩn mất cả tháng.

Tôi nhấm trà từ chiếc chén sứ men vàng, thấy đắng ngắt đầu lưỡi. Đợi mãi không có vị ngọt dội về. Đi ăn trưa gần đó rồi lại trở về ngồi quán nước, không hiểu sao tôi cứ quyết đợi Phong. Để làm gì, tôi cũng không biết nữa. Chỉ thấy chân tay rã rượi, không đứng lên mà đi nổi.
Ông bà ấy về kìa. Bà quán lay tôi. Hóa ra, tôi dựa vào vách quán mà ngủ từ bao giờ. Tôi choàng dậy nhìn về bên kia đường, phía mặt trời đang chiếu một vài tia cuối cùng dài xuyên qua những bụi lau trắng, hắt vào cửa nhà đối diện, sáng lóa lên. Tôi đứng bật dậy chạy theo chiếc xe màu đen đang từ từ vào cổng. Người đàn ông có gương mặt đã trở nên quen thuộc với tôi, dù mới chỉ vài ngày gần gũi, hạ kính xe, ngó tôi qua tấm gương. Một vài giây. Tôi đứng bất động, hồi hộp. Người ấy nhíu mày. Một vài giây nữa. Rồi chiếc xe chui hẳn vào sân. Cửa sập lại. Tôi không biết ở trong đó, hay ở ngoài này, không gian nào chật chội và tù túng hơn. Có lẽ là ở ngoài này, vì tôi lại lên một cơn nghẹt thở.

Bụi lau trồng sát hàng rào bỗng rạp mình nghiêng ngả. Trong lòng tôi, hình như gió trắng tràn về…

Thụy Anh.



(1): Lời bài hát do nhà giáo ưu tú, dịch giả Vũ Thế Khôi dịch, chưa từng công bố.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Hết rùi. Sorry, tốn đất quá. Đừng cười nhé, Flamingo :P
Mà mình chỉ xin gửi một lần này thui, ko có lại loãng topic của Flamingo hí hí
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Hay quá HXT à. Nhưng buồn quá và như rất...thật nữa. Nếu lên Cẩm Phả, có một câu chuyện tình Nga-Việt cũng đáng được để HXT viết đấy. Cảm ơn LĐ và HXT về những truyện ngắn vừa đăng.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Thế hả bác? Có phải về cô dâu người Nga bán bia chăng?
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Flamingo

Hoa Xuyên Tuyết đã viết:
Hết rùi. Sorry, tốn đất quá. Đừng cười nhé, Flamingo :P
Mà mình chỉ xin gửi một lần này thui, ko có lại loãng topic của Flamingo hí hí
=D>=D>=D>
Một Thuỵ Anh mới, sắc sảo, nghiệt ngã hơn xưa nhưng nhân hậu, trăn trở ...vẫn như xưa.
Phải Spasibo HXT vì đã vinh danh đàn ông Việt.
Lần sau cứ thế nhá. Gửi nhiều nhiều truyện vào đây để bà con được thưởng thức cuộc sống dưới cái nhìn...nhân từ của phái nữ.
Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 44 trang (435 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [19] [20] [21] [22] [23] [24] [25] ... ›Trang sau »Trang cuối