Trang trong tổng số 1 trang (5 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

chiêu dung

Đầu tiên cho mình nói 1 tí lời mở đầu nhé!
Đây đích thị là một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử mà mình đang ngày đêm hoàn thành! Nó là hoài bảo đầu tiên của đời mình!
Nó không chỉ là một câu chuyện sơn tinh thủy tinh bình thường, mà nó có rất nhiều nhân vật lịch sử đã đi vào huyền thoại. Mình tin chắc khi đọc nó bạn sẽ có thêm rất nhiều kiến thức về lịch sử, nhất là thời kì Hùng Vương. Ngoài ra nó còn chất chứa nhiều mối tình éo le..( bởi nó là truyện vừa mang tính lịch sử vừa lãng mạn tình cảm), hoàn toàn không kén đọc giả.Và rất bất ngờ!!!!!
Mong bạn đọc và cho mình ý kiến thật lòng nhé!để mình có thể hoàn thiện hơn trong bút pháp!
Còn điều này nữa! hơi tế nhị chút xíu. trong quá trình sáng tác mình không để ý mấy đến lỗi chính tả, mong bạn bỏ qua.
và bạn hãy đọc chậm chậm thôi nhé!nghiền ngẫm thật kỹ sẽ thấy rất hay! mình tin là như vậy!
à! ở cuối mỗi chương mình có thuyết minh những thắc mắc về lịch sử làm bạn khó hiểu khi đọc đó.
Sau đây là chương đầu tiên!( chú ý) chưa có nhân vật chính nào xuất hiện cả!hehe





Âm Mưu


Thành Hàm Dương. Tần quốc.
Năm 214 TCN.



Truyền thái thú Sử Lộc…- Chất giọng kéo giãn không gian của tên hoạn quan dài qua chính cửa điện triều.
Từ hàng quan lại ở ngoài hành lang, tách ra một dáng người cúi mặt khom lưng, hối hả bước vào điện triều, quỳ gối dập đầu.
- Thần thái thú Sử Lộc bái kiến hoàng thượng. Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.
- Bình thân –Tần vương vẫy tay.
- Tạ ơn hoàng thượng - Sử lộc ngước mặt khẩn khẽ đứng lên.
- Hãy bẩm báo cho Quả Nhân biết về chuyến đi của khanh - Chất giọng Tần vương không giấu nỗi mong chờ.
Từ khi bước vào, Sử Lộc đã biết hoàng thượng truyền hắn vô để làm gì. Và ngay lúc này, vô số ánh nhìn của các đại thần đứng hai bên tụ lại ở gương mặt hắn, một gương mặt diễn tả trung thành nỗi sùng kính với thánh thượng, nó là sự kết hợp giữa sắc da tai tái ẩn chứa run sợ, ngược với đôi mắt bừng lên khao khát lập công. Nên vừa nghe Tần Vương hỏi là hắn tâu ngay :
- Bẩm hoàng thượng. Sau khi trải qua rất nhiều tuần trăng, vượt qua bao sông núi hiểm trở, thần đã đến được vùng đất của tộc người man di, ở tận cùng phương nam. Và khi chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và chạm tận tay mọi thứ ở đó, thần ngỡ ngàng cực độ. Tộc người nơi ấy đã vượt quá tưởng tượng của thần và dự báo của thừa tướng Lý Tư.
Bầu không khí im lặng của các quan đại thần bất chợt vỡ òa. Những cái thở hắt ra sau khi cố dồn tập trung nuốt từng lời, những cử động xoay mình qua lại bàn tán, làm cho Sử Lộc chựng lại dù chỉ mới mở đầu, hắn càng nóng lòng, càng hồi hộp hơn.
Thừa tướng Lý Tư vẫn bình thản đứng đầu các quan đại thần, với vị thế trên vạn người, chỉ dưới một người, đương nhiên Lý Tư chẳng mảy may lay động trước điều Sử Lộc vừa nói. Thoáng nhìn Tần Vương dò xét, môi nở một nét cười khi thấy ở trên Long ngai ánh vàng kia cũng có một vẻ bình thản tay chống cằm, mắt sáng lên niềm hứng thú. Lý Tư, cánh tay phải của Tần Vương, chắc chắn hiểu rõ Tấn Vương nhất. Liền cất tiếng :
- Thái thú Sử Lộc cứ tiếp tục bẩm báo.
Chỉ đợi có vậy, Sử Lộc ngẩng mặt, giọng khúc triết rõ ràng :
- Bẩm hoàng thượng. Đó không phải là vùng đất hoang sơ hay rậm rạp khai nguyên của tộc người Man Di cần được mở mang khai sáng. Mà đó là một giang sơn rất thịnh vượng của hai tiểu tộc Lạc Việt và Âu Việt tồn tại từ ngàn xưa. Song sử sách ta lại nói rằng họ là tộc người man di mọi rợ với bề ngoài kì dị gây kinh sợ khi tiếp xúc lần đầu tiên. Nam phu thì che thân bằng chiếc khố cộc hớ hênh, nữ nhi dùng một tấm vải quấn ngang người. Chẳng coi trọng vùng tôn nghiêm nên để tóc tùy tiện ngắn dài không thống nhất, và răng thì ngả màu đen vì phải ăn đất hun. Đã vậy nam phu trông càng hoang dại như một loài thú với những hình thù được khắc vẽ trên người, còn nữ nhi thì mất đi vẻ yểu điệu thục hiền của phái yếu cần yêu thương che chở, họ mạnh mẽ tự tại đến bình đẳng với nam phu. Nhưng sau khi hạ thần đến được nơi ấy thì hạ thần nhận ra rằng tất cả những điều nói về họ trong sử sách ta là một biểu kiến sai lầm được lưu giữ, một quan niệm sơ xét theo bề ngoài.
- Vậy theo khanh không có gì ăn, phải ăn đất hun để răng ngả đen, không đúng là man di mọi rợ sao? Hay khanh ở đó một thời gian đã thàng giống như họ rồi nên nói tốt cho họ - Tần vương chen ngang với nụ cười nhếch mép, theo sau rộ lên tiếng cười khinh miệt phụ họa của các quan đại thần.
Nhưng Sử Lộc vẫn bình tâm với khám phá của mình.
- Bẩm hoàng thượng. Họ ăn đất hun không phải vì thiếu cái ăn mà là vì họ thích ăn. Điều kì lạ là ăn đất hun làm cho trắng răng chứ không phải làm đen răng. Răng họ đen bởi vì họ có phong tục nhuộm răng đen, một phong tục giúp răng được bền giữ lâu hơn.
- Và và…- Sử Lộc thoáng ngập ngừng – bánh đất hun cũng rất ngon.
- Rất ngon! Cục đất hun khanh gọi là bánh đó rất ngon. Khanh đã ăn chưa? Sao biết rất ngon? – Tần vương ngạc nhiên khó nhịn được cười.
Sử Lộc gật đầu – Dạ! Hạ thần đã ăn rồi.
Ngẫng lên vẻ thành thật, miệng Sử Lộc tiếp lời - Bẩm hoàng thượng. Hạ thần biết khi trở về, những điều hạ thần nói về tộc người Man Di sẽ làm hoàng thượng rất khó tin. Vì vậy hạ thần nghĩ mình nên mang theo một thứ gì đó, một thứ tượng trưng có thể minh chứng cho những lời của hạ thần.
Nói đoạn – Sử Lộc lấy trong vạt áo ra một gói lá chuối, bọc hờ hai chiếc bánh đất, mỏng nhỏ bằng ba đầu ngón tay, có màu vàng sẩm.
- Bẩm hoàng thượng. Sau khi đắng đo lựa chọn rất nhiều, thì hạ thần quyết định mang bánh đất hun về diện kiến hoàng thượng. Bởi nó được làm từ một thứ vốn đã hằng sâu trong suy nghĩ của chúng ta là không thể ăn được, mà ăn ngon thì càng không thể. Cũng giống như tộc người phương nam đã đi sâu vào tâm trí chúng ta là một tộc người mọi rợ man di, không thể nào văn minh phát triển được, hưng thịnh thì càng không thể.
Nói có sách mách có chứng, Sử Lộc khiến Tần vương hơi khựng người bối rối.
- Miếng đất hun đang được hắn nâng trên hai tay, rõ ràng hắn muốn dâng lên cho ta thưởng thức. Qua đó khôn khéo nhắn với ta rằng, suy nghĩ của ta về tộc người phương nam là sai lầm. Hắn muốn ta tin những điều hắn nói. Nhưng miếng đất ghớm ghiết kia! Sao ta có thể ăn được. Có vị vua nào trên thế gian này ăn đất bao giờ.
- Bẩm hoàng thượng – Lý Tư cắt ngang luồng ý nghĩ của Tần vương – Thần vốn rất hiếu kì với các món ăn lạ. Khẩn xin hoàng thượng cho phép thần được ăn món bánh đất hun này để biết về nó - Lý Tư tâu với sự tinh tế của mình khi nhận thấy vẻ bối rối ở Tần vương.
Lý Tư ơi! Nhà ngươi đúng là tâm phúc của ta – Tần vương mỉm cười trong ý nghĩ.
- Được! Ái khanh có thể thưởng thức món ăn kì lạ này ngay tại đây. Và hãy nói cảm nghĩ của mình cho Quả Nhân cùng các quan ở đây biết về nó.
Kim thử độc đâm vào chiếc bánh như thông lệ hoàng cung, rồi chiếc bánh được nâng như một vật báu chuyển từ tay của tên hoạn quan đến Lý Tư.
Lý Tư chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình sẽ ăn đất nhưng vì muốn nắm rõ thông tin về tộc người phương nam cho một đại sự phía trước nên Lý Tư chấp nhận thử ăn một lần.
Đến khi chiếc bánh ở trên tay, mùi thơm nhè nhẹ của thảo mộc từ thiên nhiên ẩn trong chiếc bánh tỏa lên mũi Lý Tư, là giảm bớt phần nào nghi ngại khiến Lý Tư không còn chần chừ nghĩ ngợi.
Sử Lộc nén thở khi chiếc bánh được đưa vào miệng thừa tướng Lý Tư.
Các quan đại thần há mồm chăm chú từng động thái của Lý Tư.
Thời gian như ngừng trôi.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chiêu dung

Bổng chốc Lý Tư thốt lên :
- Nó là đất, đất ư! Đất có vị như thế này ư?
Tất cả chân mày ở đây đều cau lại, trố mắt.
- Ái khanh! Ái khanh thấy sao?
- Đất có thể ăn được!!! Bẩm hoàng thượng. Không những ăn được mà còn ngon nữa.
Gương mặt Sử Lộc bừng sáng. Các quan đại thần ngơ mắt nhìn nhau vẻ khó tin.
Lý Tư hồ hởi nói tiếp - Thần mạng phép khuyên hoàng thượng hãy thưởng thức một lần. Bởi mùi vị của chiếc bánh này rất lạ, không giống bất cứ món bánh nào mà thần đã ăn, nên thần rất khó diễn tả bằng lời.
- Thật không ái khanh? Khó diển tả vậy sao? Ái khanh làm Quả Nhân hiếu kì quá!
Không chần chừ đắng đo, Tần vương ban lệnh :
- Nào! Dâng miếng bánh còn lại lên đây cho Quả Nhân.
Tên hoạn quan nhanh nhẹn lập lại thông lệ hoàng cung rồi cầm miếng bánh bước đến bên cạnh Tần vương. Hắn khom lưng đưa miếng bánh đến gần miệng của Tần vương. Quay người, Tần vương nhẹ nhàng cắn lấy miếng bánh, trầm ngâm thưởng thức.
Tần vương nhai chậm rãi, đầu khẽ gật nhịp nhàng, biểu hiện của sự hài lòng dần dần hiện rõ trên gương mặt của Tần Vương, khiến Sử Lộc càng tăng thêm phần hi vọng. Bởi hắn hồi hộp trông chờ lời khen ngợi từ người thưởng thức thứ hai này lắm. Chỉ cần người này hài lòng nữa là coi như việc tấu trình về chuyến đi của hắn đã thành công được một nửa. Sẽ không còn nghi ngờ phản bác. Thay vào đó là sự lắng nghe tuyệt đối.
Thế mà mọi việc đâu dễ suôn sẻ cho toan tính của hắn.
Đối với một bậc đế vương thì món ngon vật lạ cũng chỉ là cơm canh thường ngày. Đã vậy miếng bánh này vốn không đơn thuần là một món ăn, nó là phẩm vật đại diện quốc gia, là thứ để minh chứng một sự thật. Dù cho nó có ngon cách mấy nhưng trong thâm tâm Tần vương không muốn tin vào sự thật ấy thì dĩ nhiên không dễ dàng thuyết phục Tần vương.
- Cái Quả Nhân vừa ăn là đất ư? Không thể nào! Đó không thể là đất, thứ phức hợp của tạp chất tanh hôi. Quả Nhân không tin. Họa chăng nó là một loại thảo mộc nào đó được xay nghiền rồi đúc thành bánh. Khanh đã lầm rồi.
- Bẩm hoàng thượng. Khi ăn lần đầu tiên, hạ thần cũng bất ngờ và không tin. Song với nụ cười thân thiện cùng cái gật đầu của người bán, và sự quả quyết của Đô Úy Triệu Đà ở quận Nam Hải, người đã giúp thần tìm hiểu tộc người nơi đó thì thần không thể không tin.
Không gian tự nhiên trở nên yên lặng. Tần vương không hỏi, chỉ ngồi yên trên long ngai trôi theo dòng suy nghĩ. Điều đó làm cho Sử Lộc lo sợ, hai bên thái dương hắn mồ hôi tứa ra từ hồi nào, bây giờ đang lạnh dần.
- Nó là đất ư! Vậy là ta đã lầm ư! Ta cũng giống như các bậc tiên vương đã sai lầm khi chỉ nhìn bề ngoài mà vội vàng qui kết sao. Bánh đất hun, tộc người Man Di. Ẩn đằng sau vẻ hoang dã thô nguyên kia còn rất nhiều bí ẩn mà các tiên vương đã khinh thường bỏ qua, và một tiểu tộc được tự do trong thái bình hưng quốc suốt một thời gian dài. Còn trung nguyên này, mãi mê nội chiến làm cho bá tánh lầm than, giang sơn kiệt quệ, bánh xe thời gian đã nghiền nát một đại tộc trong cảnh đầu rơi máu đổ.
Bổng một câu hỏi vụt ra từ miệng Tần vương – Hãy nói cho Quả Nhân biết tộc người nơi đó xây dựng một giang sơn như thế nào? – Đôi mắt Tần vương đã đổi khác.
Lý Tư nhận ra ngay sự thay đổi của Tần vương – Thầm nghĩ :
- Đã lâu rồi, dưới cung mày lồ lộ xếch chéo mở to một đôi mắt phản chiếu dã tâm mới sáng lên chở lại, đôi mắt tạo nên quá khứ, đôi mắt thách thức tương lai, đôi mắt đã đưa một thái tử Doanh Chính ngày nào trở thành một đế vương Tần Thủy Hoàng. Và rồi đây đôi mắt ấy sẽ đưa một dân tộc vào cảnh nước mất nhà tan.
Không riêng gì thừa tướng Lý Tư, thái thú Sử Lộc cũng nhận thấy. Hắn biết những điều hắn sắp nói sẽ là nguyên nhân dẫn đến một đất nước bị xóa sổ, thay vào đó giang sơn Đại Tần sẽ mở rộng đến tận cùng hướng nam. Khi ấy coi như hắn đã lập công đầu cho một đại sự quốc gia. Và không chừng tên tuổi của hắn sẽ được lưu truyền muôn đời. Nên khi nghe Tần vương hỏi, hắn không giấu nổi hồ hởi :
- Bẩm hoàng thượng. Hai tộc người Lạc Việt và Âu Việt ấy đã cùng dựng lên một đất nước an hòa và đậm đà bản sắc của họ. Đất nước ấy tên là Văn Lang, cái tên đã trải qua hàng thiên niên kỷ, là sự kế thừa của tên Xích Quỉ đầu tiên xưa cổ. Khi đặt chân đến, ngoài non sông nước biếc của thiên nhiên tuyệt đẹp thì cảnh chứng trước tiên gợi cho ta biết có sự hiện diện của bàn tay con người là ruộng điền, với biện pháp thâm canh lưu truyền có từ lâu đời cùng việc không ngừng phát quang mở rộng, đến nay ruộng của họ trải dài mênh mông tứ bề, leo lên cả núi đồi theo hình những bậc thang xanh ngát. Hạn hán mất mùa, lũ lụt ngập úng vẫn thường xảy ra, song họ có một số người gọi là Lạc Thư với khả năng nhìn thấu thiên địa, tiên liệu cơ trời, nơi nào có…
Sử Lộc đột ngột ngừng nói, tuân theo ẩn lệnh từ bàn tay của Tần vương giơ lên chặn ngang phía trước – Khanh vừa nói gì? Lạc thư! Những người có khả năng tiên liệu cơ trời ư? - Tần vương giật giọng nhấn mạnh.
- Bẩm hoàng thượng. Lạc thư là những người dùng thuật chiêm tinh, có thể nghe thấy tiếng nói của thiên nhiên nên họ tiên đoán được thiên tai xảy đến hay vận mệnh của bộ lạc mà họ đảm trách. Toàn lãnh thổ Văn Lang có rất nhiều bộ lạc, mỗi bộ lạc đều có một Lạc thư. Với khả năng bí diệu cùng hiểu biết rất uyên thâm về vạn vật đương nhiên sẽ gắn liền với trọng trách đặc biệt, họ là túi khôn của mỗi bộ lạc, là nơi nương tựa tinh thần, là bậc thầy truyền giảng tri thức hay tập tục của bộ lạc. Bởi thế bá tánh ở đó dù sống trong cảnh rừng thiêng nước cả vẫn có thể tồn tại và phát triển đến nay.
- Lại một điều khó tin nửa sao!- Không còn vẻ hiếu kì mà thay vào đó là sắc diện nghi kị của Tần Vương.
Xung quanh Sử Lộc giờ đây là tập hợp những bộ mặt ngờ nghệch, sững sốt, nghi ngờ, căng thẳng, chỉ biết im lặng rồi lặng lẽ khẽ nhìn Tần Vương.
Tần Vương đưa ánh mắt về phía thừa tướng Lý Tư như muốn nghe một lời phủ định, hay một chính kiến phù hợp với cảm xúc hiện tại của mình.
Nhưng không như mong muốn của Tần Vương, Lý Tư cẩn tấu :
- Bẩm hoàng thượng! Thần tin vào điều thái thú Sử Lộc vừa nói, bởi sử sách ta từng lưu truyền vào thời Đào Đường cách đây hơn hai thiên niên kỷ, phương nam có tộc Man Di cử người sang chầu. Qua hai lần phiên dịch, họ dâng con rùa thần, có lẽ sống trên ngàn năm, mình dài hơn ba thước, trên lưng có khắc văn khoa đẩu ghi việc trời rất mở mang. Đức Tổ Nghiêu vương sai chép lấy gọi là Quy Lịch. Đó là một căn chứng về thuật chiêm tinh của họ đã có từ xa xưa, dĩ nhiên không có gì kì lạ về khả năng của những người mà thái thú Sử Lộc tâu là Lạc Thư. Qua đó thần có thể khẳng định sử sách ta đã lưu truyền không thống nhất về tộc người phương nam, có lẽ giang sơn ta sau nhiều lần bị chia cắt bởi nội chiến phân tranh, cùng với sự qua loa tắc trách với ngoại sử của người ghi chép nên khó tránh khỏi lỗi sai lệch này.Vì vậy thần mới bẩm với hoàng thượng cử thái thú Sử Lộc bí mật thám thính về họ trước khi đưa ra một quyết định quan trọng. Tôn Tử từng nói, biết địch biết ta trăm trận trăm thắng, vậy mà trước lúc thái thú Sử Lộc vào yết kiến, ta còn lầm lạc về họ. Thần thiết nghĩ nếu không có thông tin của thái thú Sử Lộc có thể ta sẽ thất bại vì khinh địch. Và dù tộc người phương nam còn điều huyền hoặc kì bí gì đi nữa, xin hoàng thượng vẫn nên định thần nghe tiếp, sau đó chúng thần sẽ cùng hoàng thượng bàn phương tính bước. Thượng đế đã ban cho hoàng thượng của chúng thần quyền năng thống nhất thiên hạ thì không có dân tộc nào bất phục trước đấng thiên tử duy nhất ở thế gian này.
Cẩn ngôn hùng hồn cùng phong thái điềm tỉnh của Lý Tư tỏ ra cảm nhiễm cả điện triều đang nóng lên vì hoang mang nghi ngại dần dần bình tâm trở lại. Có một bậc cao trí như Lý Tư bên cạnh cũng là một trong những yếu tố tiên quyết giúp Tần Vương thống nhất trung nguyên.
Hơn cả mong đợi, lời nói của Lý Tư mang đến sắc tươi nơi vành môi thoáng cười làm sáng lên gương mặt hài lòng của Tần Vương, rồi phát ra nhịp nói trầm vang :
- Này thái thú Sử Lộc, Lạc Thư là địa vị cao nhất trong một bộ lạc phải không?
- Bẩm hoàng thượng. Ở đó, một bộ lạc có đến ba địa vị cao nhất, ngoài Lạc Thư còn có Lạc Hầu và Lạc Tướng, mỗi địa vị đều có một chức trách riêng. Lạc Hầu cai quản việc nông điền, xây dựng và buôn thương, mang về ngân khố cho Vua Chủ, Lạc Tướng thì thống lĩnh quân đội bảo vệ lãnh thổ và quyền lực của vua chủ. Ba người với ba địa vị ngang hàng cùng hổ trợ nhau cai trị một bộ lạc rộng lớn. Và bộ lạc hùng mạnh nhất là bộ lạc Văn Lang, được gọi là bộ chủ. Bộ lạc nào có Vua Chủ ngự trị thì tên bộ lạc đó cũng là tên của toàn lãnh thổ, đó là truyền luật có từ ngàn xưa. Đương kim Vua Chủ hiện xưng là Hùng Duệ Vương thuộc chi thập bát đời đệ tam* của tổ tộc Hùng Vương lưu truyền đến nay.
- Hùng Duệ Vương là một vị vua như thế nào, khanh biết không? – Tần Vương hướng người tới trước, một động thái tự nhiên của người đang tập trung lắng nghe.
- Bẩm hoàng thượng. Hùng Duệ Vương là một đấng hiền vương được chúng dân Văn Lang một mực yêu kính tôn sùng. Dưới đức trị của ông ta, họ luôn được hưởng yên vui no ấm và các bộ lạc rất đoàn kết gắn bó với nhau, nếu bộ lạc nào bị thiên tai mất mùa thì đều được các bộ lạc khác đến chia buồn giúp đỡ, cùng vượt qua nghịch cảnh.
- Vậy sự đoàn kết đó có chống nổi một đạo quân hùng mạnh của đất nước Đại Tần này không? – Ghen tức lộ rõ trong câu hỏi của Tần Vương.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chiêu dung

- Bẩm hoàng thượng. Có thể Văn Lang là đất nước an hòa hưng thịnh, có nhiều kì tài hào kiệt, dưới quyền cai quản của Hùng Duệ Vương nổi tiếng anh minh. Nhưng điều hưng thịnh và anh minh đó không thể vượt qua gian sơn Đại Tần này của hoàng thượng. Có chăng đất nước ấy chỉ đủ điều kiện để được sự bao bọc che chở của Đại Tần và Hùng Duệ Vương sẽ phải khuất phục dưới hoàng thượng và nguyện làm chư hầu* cho hoàng thượng thôi ạ.
Câu trả lời khôn khéo của Sử Lộc như thổi luồng khoan khoái vào tâm trạng Tần Vương.
- Còn ý các khanh thế nào?
Câu hỏi vừa vang lên. Ngay tức khắc, có người đưa ra phát kiến đầu tiên.
- Bẩm hoàng thượng. Hạ thần đồng ý với điều thái thú Sử Lộc vừa nói.Và hạ thần được biết vùng đất Văn Lang ấy rất nhỏ bé, há bằng một quận của Đại Tần. Do đó quân số của họ chỉ có thể tương đương với một lượng quân ít ỏi mà một đô úy* nắm trong tay. Còn sức mạnh và kinh nghiệm trận mạc của sĩ quân thì hạ thần dám khẳng định họ không thể sánh ngang với ta được. Các lạc tướng của họ chỉ luyện binh tập trận dựa trên lý thuyết, binh sĩ đã lâu rồi chưa trải qua thực tế khắc nghiệt trên chiến trường sinh tử. Còn binh sĩ của ta thì rất dày dặn kinh nghiệm và thấu hiểu nổi thăng trầm của cuộc sống nơi trận mạc. Đó cũng là yếu điểm của họ khi sống trong hòa bình và điểm mạnh của chiến tranh mang đến cho ta.
Người thứ hai bổ sung :
- Bẩm hoàng thượng. Ngự sử Phùng Kiếp nói không sai. Đó cũng là một thế mạnh của ta. Nhưng Văn Lang là vùng hiểm địa, rừng núi vây quanh, sông ngòi chằng chịt, địa thế khó bày binh bố trận thì binh lực mạnh hơn chưa chắc thắng được họ. Thần nghĩ cần nghe thái thú Sử Lộc bẩm báo thêm.
Người thứ ba cất giọng :
- Bẩm hoàng thượng. Liệu ta có quá đề cao tộc người Man Di không? Có thể họ đã thoát khỏi kiếp ăn thối ở hang nhưng không thể nào vươn đến sự hùng thịnh và hùng mạnh được. Theo lối nghĩ của đình úy Vương Quán không khéo sẽ đưa chúng ta vào tình cảnh dùng dao mổ trâu giết gà. Hiện tại, trường thành vạn lý chưa hoàn tất, giặc Hung Nô vẫn thường quấy nhiễu lãnh thổ ta. Hạ thần mong hoàng thượng minh xét.
- Lời tâu của đình úy Khứ Tật có ý không tin vào điều mình nói, các sự thật về vùng đất Văn Lang ấy vốn dĩ đã khó tin rồi, nếu để hoàng thượng tiếp tục nghe những lời lan man theo chủ quan cá nhân này e rằng đẩy tâm trí hoàng thượng vào vòng luẩn quẩn không lối thoát, dễ dẫn đến có quyết định sai lầm – Sử Lộc lo lắng – Bẩm hoàng thượng. Hạ thần nhận thấy, toàn lãnh thổ Văn Lang không có một tòa thành nào cả. Hoàng cung của vua chủ thì nằm trên một đỉnh núi, cây cối lớp lớp che phủ xung quanh. Phải chăng họ không biết cách xây thành hay có thể họ muốn sống hòa mình với thiên nhiên, thần vẫn chưa lý giải được điều kì lạ này.
- Họ không sợ thú dữ tấn công hoặc giặc ngoại bang xâm chiếm sao? – Tần Vương vuột miệng hỏi.
- Bẩm hoàng thượng. Hạ thần cũng có khúc mắc như vậy nhưng chưa có lời giải đáp thỏa đáng mong hoàng thượng xá tội.
Lý Tư lên tiếng – Bẩm hoàng thượng. Thần cũng có điều muốn tấu trình với hoàng thượng. Gần đây thần mới đọc được một sử liệu cổ có lưu rằng :
- Vào đời Ân Thương cách đây khoảng một thiên niên kỷ, vua Cao Tông từng điều quân tiến đánh phương nam để mở rộng bờ cõi. Thế quân mạnh như chẻ tre nên dễ dàng hạ tướng công thành, khuất phục hết thảy vương hầu ngoại bang. Gầm trời phương nam dần dần nằm gọn trong tay của vua Cao Tông. Song đến khi vào lãnh thỗ của tộc người Nam Man thì bất ngờ gặp phải sự chống trả quyết liệt. Dù họ chỉ là một tiểu tộc sống rãi rác theo từng bộ lạc, không biết xây dựng thành trì để ngăn chặn các cuộc tiến công nhưng với kế sách vườn không nhà trống kì quái, yếu điểm đó lại trở thành điểm mạnh đáng sợ. Biến mất lúc sỉ khí quân ta hừng hực, chờ đợi thế quân của ta suy yếu bởi không quen sống vùng hiểm địa núi rừng vây quanh, cùng với cảnh mệt mỏi vì thiếu thốn lương thực, họ bất ngờ tập kích từ bốn phía rồi lẫn chốn vào rừng. Cách đánh đó kéo dài trong một khoảng thời gian khá lâu, cuối cùng bên họ xuất hiện một mãnh tướng với thân hình to lớn vạm vỡ, cao hơn hai trượng, đầu đội nón sắt, mình mặc giáp sắt, tay cầm kiếm sắt và cưỡi trên lưng con ngựa sắt, thống lãnh đội quân rầm rộ theo sau, khí thế ầm ầm như thác đổ, xông thẳng vào trại quân ta. Bị một đội quân hùng mạnh tấn công bất ngờ cùng với sỉ khí trong quân ta suy yếu nên chống trả yếu ớt, do đó thất bại là điều không tránh khỏi. Nhưng để an lòng dân, vua Cao Tông không muốn lưu truyền sự kiện này vào chính sử, may mắn thần đọc từ một cổ sử dân gian được viết từ một quân sĩ bại trận thời ấy sống sót trở về.
Tần Vương lại cau mày –Tộc người Man Di đã từng đánh thắng chúng ta? Có chuyện như vậy sao! Khanh có biết binh lực quân ta thời đấy là bao nhiêu không?
- Bẩm hoàng thượng. Theo sử liệu đó thì mãnh tướng mặc giáp sắt chỉ dẫn theo độ hai vạn quân xông thẳng vào trại quân ta khi ấy khoảng hai mươi vạn quân.
- Bẩm hoàng thượng. Bên ta đông gấp mười lần họ, vậy mà vẫn thất bại.
Quả thật không thể xem thường họ được – Sử Lộc khôn khéo đẩy Tần Vương vào thế phải đưa ra một quyết định dứt khoát.
- Vậy thì không cần phải nghi ngờ đắng đo nữa. Nào các khanh! Có ai tự nguyện dẫn quân chinh phạt phương nam để rửa mối nhục quốc thể cho trung nguyên này không?
Sau lời truyền gọi của Tần Vương.
Ở hai hàng đại thần gồm những quan văn tướng võ, bắt đầu phân rõ người lãnh nhạt, kẻ tôi trung. Nhìn họ là biết ngay, mỗi người một dáng vẻ, người thì cuối mặt im lặng, kẻ căng trán suy nghĩ, một số thì nhôn nhao bàn luận.
Cuối cùng không ngoài phán đoán của thừa tướng Lý Tư, ở hàng trọng thần mà thừa tướng Lý Tư đứng đầu, từ từ bước ra một người mạnh dạng tâu với Tần Vương.
- Bẩm hoàng thượng. Thần xin là người đảm nhận trọng trách mà hoàng thượng giao cho.
Tần Vương rất hài lòng khi người này bước ra, bởi hắn ta là danh tướng được tin cẩn nhất, từng lập nhiều chiến công lừng lẫy. Tần Vương tiêu diệt sáu nước, kết thúc cục diện thất hùng: Tần, Tề, Ngụy, Sở, Yên, Hàn, Triệu, chỉ trong vòng mười năm cũng là nhờ công lớn của hắn. Là người đa mưu túc trí, lại am tường binh pháp Tôn Tử nên hắn chưa bao giờ bại trận trên chiến trường. Cá tính hắn rất lạnh lùng và quyết đoán, ít biểu lộ tâm trạng khi đứng trước sự việc, nên nãy giờ tuy nghe Sử Lộc tâu với Tần Vương những điều kì lạ về tộc người phương nam nhưng không ai thấy hắn nao núng hay tỏ ra kinh ngạc cả. Dường như ở mỗi mãnh tướng, khi đã trải qua biết bao thời khắc định mệnh mang tính sống còn, thì họ càng trở nên sắc lạnh với mọi tình thế.
Lý Tư nhìn Tần Vương ngầm bày tỏ sự ủng hộ của mình. Vì Lý Tư biết chỉ có hắn là xứng đáng đảm nhận trọng trách này. Hắn nổi tiếng là một thần tướng trên chiến trận, với biệt tài vận kế dụng binh linh hoạt ẩn diệu. Và khi vào trận không bao giờ khinh địch.
Mặc dù rất hài lòng và ưng ý nhưng Tần Vương cũng muốn hỏi hắn để dò xét - Vì sao ái khanh lại muốn đảm nhận trọng trách này?
Hắn trả lời - Bẩm hoàng thượng. Đã là một trung thần thì phải luôn hiện diện đúng lúc khi hoàng thượng cần đến. Và phải biết gánh vác trọng trách của hoàng thượng giao cho, không nên cân nhắc hay toan tính gì thêm.
Tần Vương gật đầu nhè nhẹ cảm khái trước lý do của hắn. Một lý do đơn giản nhưng có hệ lụy rất lớn lao.
- Ái khanh cần bao nhiêu binh lực để thảo phạt phương nam?
- Bẩm hoàng thượng. Sau khi giang sơn ta được thống nhất, thần cũng không quên rèn binh luyện tướng để duy trì sỉ khí. Hiện thần đang nắm giữ bốn mươi vạn quân gồm năm vạn quân tinh nhuệ, năm vạn tiễn thủ, hai mươi vạn bộ binh và mười vạn thủy binh cùng một ngàn thuyền chiến. Thần thiết nghĩ chỉ cần bốn mươi vạn quân của thần cộng với lượng quân của đô úy Triệu Đà ở quận Nam Hải nữa là có thể đánh bại họ.
- Bẩm hoàng thượng. Hiện đô úy Triệu Đà có trong tay mười vạn quân đang trấn giữ ở biên cương phía nam nước ta – Sử Lộc bổ sung.
- Vậy là khanh chỉ cần năm mươi vạn quân để thảo phạt phương nam. Khanh có thỉnh cầu gì nữa không?
- Bẩm hoàng thượng. Thần biết đường xuống phương nam rất hiểm trở khó đi, sẽ không tốt cho việc hành quân lâu ngày, nên thần cần một người thông thạo địa thế và đã từng vượt qua chặn đường ấy.
Với một người đang tham công tranh lộc như thái thú Sử Lộc, khi nghe hắn nói thế, không khỏi tự đề cử mình - Bẩm hoàng thượng. Thần tin mình có thể giúp được tướng Đồ Thư trong việc khai đường dẫn lối.
- Đúng là không ai thích hợp hơn cho việc này ngoài thái thú Sử Lộc. Khanh chấp thuận chứ?
- Bẩm hoàng thượng. Thần cũng không mong gì hơn.
Tần Vương mỉm cười - Hai khanh thật sự làm cho Quả Nhân rất hài lòng.
Trong lúc Tần Vương ngợi khen, hắn liếc nhìn Sử Lộc và vô tình bắt gặp ánh mắt của Sử Lộc cũng hướng về hắn nheo cười.
Tần Vương nhìn về phía hai hàng đại thần - Các khanh có chính kiến gì nữa không?
Và đúng như Tần Vương nghĩ, các quan đại thần đáp trả bằng sự im lặng đồng tình.
Nhưng quả thật ở các quan đại thần cũng còn những ý nghĩ nghi ngờ về tộc người phương nam, bởi không dễ gì xóa nhòa một định kiến vốn đã hằn sâu vào tâm trí. Tộc người phương nam chỉ là bọn man di hèn kém, dùng đến năm mươi vạn đại quân để tấn công, liệu có quá đề cao họ và hạ thấp mình.
Song suy nghĩ đó lại đối lập với ý nghĩ hiện tại của Đồ Thư. Với hắn một khi chưa hiểu rõ đối phương thì không được khinh suất xem thường. Và ngoài việc suy xét dựa trên lý trí, ở hắn còn có khả năng phán đoán bằng trực giác của một vị tướng đã tinh thông trận mạc. Nên khi nghe thái thú Sử Lộc và thừa tướng Lý Tư nói về tộc người phương nam, trong hắn bổng trổi dậy một linh cảm khó tả, một linh cảm thường xuất hiện mỗi khi hắn đối diện với nguy hiểm khôn lường. Khiến gương mặt hắn trở nên sắc lạnh đáng sợ. Các quan đại thần cũng ngờ ngợ nhận ra điều gì khi nhìn vào gương mặt hắn, nên đành dấu vẻ bất đồng trong im lặng đồng tình.
Riêng Tần Vương thì không? Tần Vương rất thích vẻ sắc lạnh ấy của hắn. Vì mỗi khi nhìn thấy nó, Tần Vương như thấy được chiến thắng chắc chắn sẽ đến. Cảm giác này chưa bao giờ chưa sai cả, nên Tần Vương càng vững tin với quyết định của mình.
Tần vương đứng phắt dậy - Nào! Tướng Đồ Thư nghe chỉ.
Thanh âm của lời thánh truyền vừa thoát khỏi khuôn miệng Tần Vương, nó liền len lõi qua các quan đại thần, lao đến tâm nhĩ hắn, khiến hắn lập tức quỳ gối tiếp chỉ, rồi nó theo làn gió tự do bay xa.
Xa nơi nó được khởi sinh, cũng là nơi mở đầu cho một giai thoại…
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chiêu dung

Sau khi đọc xong chương đầu tiên của tác phẩm này, bạn cảm thấy thế nào?
Có quá nhiều điều lạ hoắt, khiến bạn phải thắc mắc đúng không? Chuyện nói về Sơn Tinh, Thủy Tinh sao lại có Tần Thủy Hoàng trong này nữa? Rồi “bánh đất” là sao? và Hùng Duệ Vương chi thứ 18 đời đệ tam có ý nghĩ gì? ..v.v…
Bạn thắc mắc cũng đúng thôi!
Vì mình đã nói bạn sẽ bất ngờ khi đọc tác phẩm này mà.
Bình tỉnh! để mình thuyết minh một tí nhé.
Vì đây là tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, mà là tiểu thuyết lịch sử viết về thời Hùng Vương thứ 18.
Như chúng ta đã biết, sử nước ta chia làm 2 dòng, 1 là chính sử, 2 là huyền sử.
Chính sử thì mình miễn bàn, mình chỉ nói phần huyền sử thôi! Vì tác phẩm này đề cập đến dòng sử này.
Lịch sử Việt Nam ta, thì thời Hùng Vương được xem là huyền sử, bởi nó còn mang tính thần thoại, không lôgic cho lắm! và trong giai đoạn này có rất nhiều giả thuyết được đặt ra, đôi khi lại mâu thuẫn nhau, dễ gây hiểu lầm. Nếu ai thử một lần đi sâu vào nghiên cứu sẽ thấy. Nhưng chính vì thế nó lại làm cuốn hút mình.
Bây giờ mình sẽ đi thẳng vào vấn đề chính luôn.
Thắc mắc đầu tiên nhất là về niên đại trong tác phẩm này đúng không bạn? Năm 214 trước công nguyên?
Năm này nếu theo sử Tàu thì đang trong giai đoạn nhà Tần, chính xác là Tần Vương Doanh Chính đang ngự trị.
Sử kí Tư Mã Thiên của Tàu có chép rằng : vào năm 214 TCN, Tần vương có sai Đồ Thư thống lãnh 50 vạn quân, cùng Sử Lộc tiến đánh Bách Việt ở Phương nam.
Sử Việt chúng ta, có rất nhiều sách nói về sự kiện này, và đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau. Có giả thuyết cho rằng,vào năm 257 TCN, Thục Phán là thủ lỉnh bộ tộc Tây Âu vì không cầu hôn được với mị nương con của Hùng Vương thứ 18 nên oán giận đem quân lật đổ ngôi vua của Hùng Vương thứ 18, lúc này đang thống lãnh cả 2 bộ tộc lớn là Tây Âu và Lạc Việt, để chiếm ngôi. Và kết thúc thời Hùng Vương, tự xưng là An Dương Vương. Sau đó mới đụng độ với quân của Đồ Thư sang xâm lược.
Nhưng có giả thuyết thứ 2 cho rằng, Thục Phán là một Lạc Tướng thống lãnh quân đội một bộ lạc của Văn Lang, khi Đồ Thư tiến đánh Văn Lang thì Hùng Vương Thứ 18 rất lo sợ, mới kêu gọi tất cả các bộ lạc( gồm 15 bộ lạc) chống giặc, lúc đó Thục Phán là người giỏi nhất, đã chỉ đạo toàn quân đánh tan giặc Tần, Hùng Vương thứ 18 rất cảm kích và phục tài, nên Hùng Vương nhường ngôi cho Thục Phán.
Và có giả thiết nữa cho rằng, Thúc Phán là dòng dõi của nhà Thục bên Tàu chạy qua Văn Lang, hay có giả thiết lại không ủng hộ sự tồn tại của Thục Phán An Dương Vương.
Mình thì ủng hộ giả thiết thứ 2, nên tác phẩm hơi hơi hướng theo giả thiết đó.( nhớ là hơi hơi thôi nha).
Còn phần Bánh Đất thì cũng có thiệt luôn. Đó là một phong tục của người Việt chúng ta đó. Trong quyển Hùng Vương Dựng Nước 3 của NXB khoa học xã hội Hà Nội năm 1973 có viết rất rõ về món ăn phổ biến này, hay quyển truyện Lịch Sử Việt Nam Nam bằng tranh 2 NXB Trẻ cũng có nói đến.
Đó là một món ăn phổ biến không thua gì lá trầu quả cau đâu, có câu nói rằng “ chuyện hôn nhân lấy gói đất làm đầu”, còn trầu câu thì có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Bánh đất là một món ăn cho vui, có vị bùi bùi ngon ngon, ăn dễ thèm. Tục ăn bánh đất này nghe nói kéo dài đến năm 198mấy lận đó. Nếu hứng thú thì bạn tìm hiểu thêm xem.
Còn vấn đề về Hùng Duệ Vương là vua hùng thuộc chi thứ 18 đời đệ tam thì rất gay cấn à nha.
Nghe nè. Điều này rất bất ngờ và hiếm người biết lắm.
Nước Việt Nam ta hình thành từ năm 2879 trước công nguyên. Lúc đó nước ta gọi là nước Xích Quỉ, vua tên là Lộc Tục, lấy hiệu là Kinh Dương Vương.
Lấy bà Thần Long, sinh ra Sùng Lãm, sau khi Sùng Lãm lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân và kết hôn với người con gái tên là Âu cơ, sinh ra 100 con. Sau đó ly dị, mỗi người dẫn 50 người con đi theo mình. Trong 50 người con theo Âu Cơ lên non thì người con cả tên là Lân Lang, dựng lên Văn Lang, và lấy hiệu là vua hùng thứ nhất, sau đó chuyền đến 18 đời, và đời thứ 18 kết thúc vào khoảng năm 257TCN – 208TCN tùy theo giả thiết.
Đó là đoạn tóm tắt huyền sử đời Hùng mà ai cũng biết đúng không bạn?
Vậy bạn nhẩm tính điều này thử.
Từ năm 2879TCN đến năm 257TCN thì bao nhiêu năm?có phải là 2622 năm không? theo ta biết có 18 đời vua. Vậy trung bình một ông vua Hùng sống được bao nhiêu năm?2622 chia 18=145.66667 tuổi đúng hông?
Ái chà! điều này hơi vô lý à nha. Vào thời đó, sống với rừng thiên nước độc mà vua sống lâu dử. Theo khoa học tuổi thọ trung bình của một người vào thời đó chỉ khoảng 45-50 tuổi thôi.
Đặc biệt là có một giả thiết cho rằng, thời vua hùng có 18 CHI chứ không phải 18 đời, một chi có thể có nhiều đời. Và theo giả thiết đó thì chi thứ 18 truyền ba đời vua.( theo ngọc phả được lưu trữ tại Vụ Bảo Tồn Bảo Tàng, Bộ Văn Hóa số liệu HT.AE9, thông tin này mình đọc trong quyển Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại của Nguyễn Vũ Tuấn Anh, NXB văn hóa thông tin).
Bất ngờ hén! Và đương nhiên mình lại tiếp tục ủng hộ giả thiết này, và trong tác phẩm của mình sẽ giải thích tại sao lại như vậy? sao có ông vua được truyền ngôi lại tiếp tục lấy là vua hùng chi thứ 1đời thứ 2, sao không lấy vua hùng chi thứ 2 luôn, có vụ đời này đời kia nữa chi cho nó phiền phức.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chiêu dung

Tiếp tiếp!
Nếu có ai biết về tổ chức xã hội đời Hùng, thì dưới vua là Lạc Tướng và Lạc Hầu, hai người này thống lĩnh 1 bộ lạc. Nhưng trong tác phẩm của mình thì có thêm Lạc Thư nữa, đây là sáng tạo của mình, cho thêm hấp dẫn.
Và có tình tiết Lý Tư nói “sử sách ta từng lưu truyền vào thời Đào Đường cách đây hơn hai thiên niên kỷ, phương nam có tộc Man Di cử người sang chầu. Qua hai lần phiên dịch, họ dâng con rùa thần, có lẽ sống trên ngàn năm, mình dài hơn ba thước, trên lưng có khắc văn khoa đẩu ghi việc trời rất mở mang. Đức Tổ Nghiêu vương sai chép lấy gọi là Quy Lịch.”.
Thông báo! Đó là một chi tiết được sử Tàu ghi chép đàng hoàng đấy, mình không bịa ra đâu.
Nếu ai đọc đến tình tiết có vị tướng mặc áo giáp sắt cưỡi ngựa sắt thì cũng có thể đoán được đó là ai đúng không?đích thị là thánh Gióng của chúng ta đấy!
Và cuối cùng là, nếu ai hỏi: quân tàu kéo qua đến 500.000 quân đánh chúng ta, trong khi dân số chúng ta vào thời đó chỉ khoảng 1 triệu người gồm cả già trẻ lớn bé, thì làm sao mà thắng nổi. câu trả lời xin nhường lại cho hai nhân vật chính của chúng ta là Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Í quên! Lúc này hai chàng đó chưa được gọi như vậy đâu, tên hai người đó là Nguyễn Chiêu Dung và La Trang Nha, ha ha..
Các bạn cứ chờ xem sẽ biết, mình tin là hấp dẫn từ đầu đến cuối luôn. Bởi mình đã mất gần hai năm để “đào” sử và hình thành cốt truyện mà.
Xin thân ái chào tạm biệt, hẹn gặp lại bạn vào 1 ngày gần đây!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài viết)
[1]