Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Vanachi

Cha và mùa thu
(Nguyễn Thị Minh Thương - Văn nghệ trẻ, 18/7/2003)

Con chẳng gặp lá rơi vàng trước ngõ
Khi mùa thu giăng lối trước hiên nhà
Chỉ gặp dáng cha ngồi lặng lẽ
Chẳng bao giờ thanh thản với thời gian

Chẳng biết bao giờ mùa thu cứ mênh mang
Cho trời xanh thêm và gió đưa lời hát
Cho ngày con sinh chẳng bao giờ nắng nhạt
Để cha cười ấm áp một vầng mây

Mùa thu gầy như khói xanh bay
Cay cay mắt con dối lòng không khóc
Cha trở mình từng đêm khó nhọc
Khát vọng ngày xưa dạt mãi phía chân trời

Trách làm gì mùa thu cũ xa xôi
Mây trắng phiêu trôi một đời cha phiêu bạt
Lặng giấu nỗi buồn sau ánh nhìn đã nhạt
Cha tìm gì trong sâu thẳm trời xanh ?

Đi qua mùa thu không qua được nỗi buồn
Ám ảnh thời gian điều còn, điều mất
Dẫu ngày con sinh nắng vàng, gió hát
Nụ cười cha không trọn vẹn bình yên.




Cha và mùa thu
(Ngọc Khuê - Tiền phong, 12/2005)

Con chẳng gặp lá rơi vàng trước ngõ
Khi thu qua giăng lối trước hiên nhà
Chỉ gặp dáng cha ngồi lặng lẽ
Chẳng bao giờ thanh thản với thời gian

Chẳng biết bao giờ mùa thu cứ mênh mang
Chân trời xanh thêm và gió đưa lời hát
Ngày chị con đi vào một chiều nắng nhạt
Để cha ngồi man mác một vầng mây

Mùa thu gầy như khói xanh bay
Cay cay mắt con dối lòng không khóc
Cha trở mình từng đêm trằn trọc
Khát vọng ngày xưa dạt mãi phía chân trời

Trách làm chi khi mùa đông đã tới
Mây trắng phiêu đời nghệ sĩ của cha
Lặng giấu nỗi buồn sau những điều đã mất
Cha tìm gì trong sâu thẳm trời xanh ?

Mùa thu qua nỗi buồn cha chưa dứt
Ánh mắt cha không trọn vẹn bình yên
Chị con đi ngày trời xanh, gió hát
Khúc hát buồn sâu thẳm nơi tim cha.




Hic, nói chuyện thời sự tí cho nó thay đổi vậy, vẫn cái chuyện thuổng thơ mọi người ầm ĩ mấy hôm nay. Chẳng phải mất công đọc bải thơ, chỉ xem 2 mốc thời gian thôi đã đủ hai năm rõ mười rồi, NK nói là mình viết năm 2004 trong khi bài thơ đã được đăng trên Văn nghệ trẻ từ giữa năm 2003 rồi. Nhưng nếu đọc 2 bài thơ thì thấy bài của NK "non" hơn hẳn một bậc, hầu hết những sửa đổi đều làm cho bài thơ bị "hạ điểm". Việc bài thơ là của ai những tưởng chẳng phải nói gì thêm thì mọi người đều hiểu nó là của ai nên cũng chẳng mất công moi móc làm gì nữa. Mình cũng không muốn đây là 1 bài góp phần lên án NK vì việc đó là thừa, cái đó thiên hạ đã làm. Thứ nhất, nói thực thì mình cũng cóc biết NK là ai, chỉ qua vụ ầm ĩ này mình mới nghe đến tên. Thứ hai là theo những gì đọc được trên báo thì việc làm của NK làm cũng có lý do tương đối chính đáng, dù sao thì cũng "hiếu vi vạn hạnh chi tiên". Ở đây chỉ muốn phân tích một chút để thấy 1 bài thơ đã bị phá hỏng như thế nào mà thôi.

Hãy khoan chưa nói về mặt ngữ nghĩa mà chỉ xét về luật thơ. Dễ bị bắt quả tang nhất chính là câu cuối cùng, sai hẳn cái cơ bản của luật bằng/trắc. Bài này có thể liệt vào thể tự do nhưng thực ra lấy thơ 8 câu làm chủ đạo và theo luật thơ 8 chữ, trong đó ở mỗi câu, chữ cuối và chữ thứ 3 từ cuối câu phải đối nhau về thanh bằng/trắc. Đó là điều tối thiểu về thanh luật câu của thơ 8 chữ, trong khi đó "nơi" và "cha" đều là vần bằng khiến cho cả câu "Khúc hát buồn sâu thẳm nơi tim cha" trở thành một câu đọc lên thấy xuôi xuôi một cách lãng xẹt với 3 chữ cuối cùng toàn thanh bằng (thậm chí đều là phù bình thanh). Nếu như nó không phải như vậy mà chỉ cần sửa một chút thành "Khúc hát buồn sâu thẳm đáy lòng cha" thì ít ra nó còn là 1 câu thơ đúng. Một người nếu chẳng biết tí gì về luật thơ nếu đọc từ đầu đến cuối cũng không thể không nhận ra sự bất ổn về thanh luật ở câu này, lạc lõng hẳn so với tất cả những câu phía trên, như kiểu đang ăn ngon lành đến cuối bữa vì cắn phải hòn sạn mẻ cả răng. Ấy vậy mà bài thơ đã qua tay qua mắt một loạt những người thuộc giới văn nghệ sĩ. Đây có lẽ là sự thay đổi mất điểm nhất so với nguyên tác của bài thơ.

Sai luật thứ 2 là những vần nối của 2 khổ thơ cuối (ghi chú là bài thơ này đăng trên vnexpress "liền tù tì", nhưng nếu đọc lên sẽ thấy là bài thơ này phân theo khổ 4 câu), tức là 2 cặp vần trời/xôi và xanh/buồn ở nguyên tác và bị sửa thành trời/tới, xanh/dứt. Cặp xanh/dứt thì chẳng biết nói gì hơn, rõ ràng NK khi sửa bài thơ đã không có một chút ý niệm nào trong đầu rằng 2 chữ này phải vần với nhau. Còn cặp trời/tới thì luật thơ cũng quy định thanh bằng và trắc không thể vần với nhau được (trừ có chữ cuối câu đầu của thơ 5 hay 7 chữ), vì thế từ luật bằng chuyển sang luật trắc ở câu dưới là sai, cả 2 khổ cuối, tuy nhiên khổ cuối cùng là nghiêm trọng hơn.

Tiếp nữa, khổ thơ thứ 4 bị sửa đến nỗi chẳng còn lại 1 vần nào cả. Nếu dựa vào thanh bằng/trắc của những chữ cuối câu khổ thơ này thì nó phải được gieo vần chéo, nghĩa là chí ít thì 2 chữ cuối câu thứ 1 và thứ 3 phải vần với nhau, nhưng ở đây NK lại xếp vào đó 2 chữ "tới" và "mất". Trong nguyên tác, luật bằng trắc khiến nó gieo vần liền với 2 chữ bạt/nhạt.

Chuyển sang mặt ngữ nghĩa cũng sẽ thấy những sửa đổi rất "tối". Điều vô lý nổi cộm lên đầu tiên là khổ thơ thứ 4, NK đã "mạnh tay" đến nỗi đang từ mùa thu lại sửa thành mùa đông (nhắc lại rằng tên bài thơ là "Cha và mùa thu"). Sửa thì đã đành, nhưng sửa thì phải sửa tới cùng, chứ sửa nửa vời làm cho nó thành vô lý, mà sự vô lý đó lại chình ình ngay trong cùng 1 khổ thơ chứ chẳng đâu xa: câu trên "mùa đông" rồi câu dưới lại "mây trắng", "trời xanh"... Phải nói cho kỹ rằng trong nguyên tác, NTMT đã viết là "mùa thu cũ xa xôi", đó là đứng từ mùa thu hiện tại nhắc về 1 mùa thu trong quá khứ, trong ký ức chứ hoàn toàn không có nghĩa là hiện tại mùa thu đã qua theo như NK hiểu (?). Đấy là còn chưa nói tới khổ 3 ở ngay trên, 4 câu thơ được viết ra rất thực, tác giả như nhìn thấy mùa thu đang ở ngay trước mắt, ngay trong hiện tại và cảm nhận được nó, ấy vậy mà liền ngay sau đó NK buông ngay 1 câu "mùa đông đã tới" rất vô trách nhiệm.

Cũng tương tự thế, trong câu đầu tiên của khổ 5, NTMT viết là "Đi qua mùa thu...", còn NK lại sửa thành "Mùa thu qua...". Nếu đọc thoáng qua thì tưởng như tương đồng về ý nhưng thực ra nó lại khác hẳn. Trong "Đi qua mùa thu" thì "mùa thu" là chỉ mùa thu chung chung hoặc là một mùa thu trong quá khứ, điều đó không có nghĩa là mùa thu hiện tại đã qua. Còn ở "Mùa thu qua..." thì rõ ràng chỉ một mùa thu cụ thể, tức là mùa thu hiện tại đã qua, nó rất mâu thuẫn với cái ý mùa thu sang nằm ở khổ 1. Mình tự hỏi không biết có phải vì thế mà NK cũng đã sửa "mùa thu" thành "thu qua" trong câu 2 (khổ 1) không (?), nhưng rất tiếc, việc đó không đủ để người đọc hiểu là mùa thu đã qua, mà "thu qua" sẽ được hiểu thành "thu sang", do chữ "qua" có 2 nghĩa lại cộng thêm đoạn "giăng lối trước hiên nhà" nối tiếp sau. Mà cũng chẳng thể hiểu khác được, "giăng lối trước hiên nhà" thì chỉ có mùa thu thôi chứ lẽ nào lại là mùa đông (?), hơn nữa nó là chủ ngữ mà. Nói tóm lại là dù hiểu thế nào thì cũng vẫn mâu thuẫn.

Bây giờ thử nhìn kỹ lại khổ thơ thứ 2 sẽ lại thấy những thay đổi ở đây đều rất tác trách. Câu thơ bị sửa nặng nề nhất là "Cho ngày con sinh chẳng bao giờ nắng nhạt" đã biến thành "Ngày chị con đi vào một chiều nắng nhạt", mới đọc qua đã thấy trong một câu có tới 2 trạng ngữ chỉ thời gian "ngày" và "chiều" chồng chéo lên nhau khiến cảm giác bị thừa, rõ ràng chữ "ngày" trong câu thơ đã sửa không có một chút vai trò gì cả về mặt ngữ nghĩa cũng như luật thơ, hoàn toàn có thể bỏ đi. Không chỉ thế, trong câu này, "chẳng bao giờ nắng nhạt" bỗng chốc đã thành "nắng nhạt", từ phủ định thành khẳng định, kéo theo thêm một mâu thuẫn nữa trong bài thơ sửa. Vì câu thơ này là "chị con đi vào một chiều nắng nhạt" mà ở khổ cuối lại có câu "Chị con đi ngày trời xanh gió hát", người đọc tự hỏi vậy không hiểu ngày đó nắng hay là không nắng đây (?). Thực ra câu thơ ở khổ cuối đó, "trời xanh gió hát" chỉ là nhắc lại ý của câu thơ ngay ở trên, tức là câu thứ 2 của khổ 2, nhưng nếu như trong nguyên tác nó phù hợp với ý "chẳng bao giờ nắng nhạt" thì trong bài thơ sửa, 2 câu thơ đó lại bị hai chữ "nắng nhạt" phủ định hoàn toàn.

Trong bài phát biểu của NTMT, câu thơ bị sửa mà cô kể ra đầu tiên là câu "Mây trắng phiêu trôi một đời cha phiêu bạt", bị sửa thành "Mây trắng phiêu đời nghệ sĩ của cha", phải chăng đây là sửa đổi đã tác động mạnh nhất đến lòng trắc ẩn của NTMT (?). Câu thơ đầu hay bao nhiêu thì câu sau sáo rỗng bấy nhiêu. NTMT ví đời cha mình như một đám mây trắng mùa thu phiêu trôi, trong khi thực sự nghĩ kỹ thì chẳng hiểu NK định nói gì qua câu thơ của mình nữa, nếu như ta thử hỏi nó có liên quan gì tới toàn bộ câu chuyện "chị con đi" xuyên suốt bài thơ. Chữ "phiêu trôi" trong nguyên tác là một nội động từ, còn ở câu của NK lại là một ngoại động từ, có thể thấy NK đã cảm nhận có phần sai khi đọc câu này.

Tóm lại là nếu xem xét kỹ những sửa đổi của NK thì có lẽ chỉ còn duy nhất 2 chữ "khó nhọc" đổi thành "trằn trọc" là còn chấp nhận được. Một bài thơ bị xé tan tác như thế, thử hỏi làm sao tác giả khi đọc được lại không bị buộc phải lên tiếng. Nó không phải là việc tác quyền, nhưng khi tình cảm con người ta bị xé vụn một cách vô trách nhiệm. Một hoạ sĩ sẽ đau lòng như thế nào khi bức tranh của mình bị người ta bôi đen thì một người viết thơ cũng sẽ đau lòng như vậy khi thấy bài thơ của mình bị sửa câu chữ. Đọc bài thơ sửa cũng không khỏi băn khoăn về khả năng cảm nhận cũng như khả năng ngôn từ của NK, nếu bình thường thì chẳng có gì đáng nói, nhưng ở đây, cô đóng vai trò người dám lên tiếng trên báo chí nói rằng bài thơ là của mình, hoặc chí ít thì cô cũng phải rất thích bài thơ đó khi đã tặng cho cha mình...

Nhắc lại rằng bài viết này không nhằm mục đích góp phần moi móc sai lầm của NK, khi mà mục đích của việc làm đó là tốt, nhưng cũng phải nói là đáng tiếc. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, có bài báo nói rằng việc làm của NK đáng lẽ chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình chứ không nhằm mục đích to lớn hơn là lấy danh tiếng. Điều này có lẽ mới là khó chấp nhận hơn. Những tưởng con người loè những người dưng trong thiên hạ vì mục đích cá nhân còn dễ được thông cảm hơn là một người loè chính những người thân nhất của mình. Lừa thiên hạ coi như cũng chỉ mất phần ngọn trong đạo đức xã hội, nhưng dối cha mẹ mình thì kể như đạo đức đã bị mất từ gốc rồi, tuy nhiên cũng an ủi phần nào khi mục đích của sự dối trả đó là tốt đẹp.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Trích bài từ VNEXPRESS: Ca sĩ Ngọc Khuê bị nghi ngờ đạo thơ

Sau khi bài thơ “Cha và mùa thu” của ca sĩ Ngọc Khuê đăng trên báo Tiền Phong đặc san số cuối tháng 12/2005, Nguyễn Thị Minh Thương, sinh viên năm 3, Đại học Sư phạm Hà Nội, đã tỏ ra bức xúc. Theo lời Thương, Ngọc Khuê đã đạo thơ của cô. Dưới đây là cuộc trò chuyện với hai người trong cuộc.

Ca sĩ Ngọc Khuê:

- Chị đến với việc sáng tác thơ từ bao giờ?

- Thơ à, tôi làm vui vui thôi mà. Tôi làm nhiều rồi, làm tặng cha, tặng mẹ, những người thân yêu và cả chú mèo con của mình nữa. “Hâm hâm” lên tôi lại làm, thế nhưng cũng được khá nhiều rồi đấy, tôi chẳng nhớ là bao nhiêu bài nữa. Nói chung, có nhiều lúc cảm xúc không trì hoãn được, cứ thế tôi làm...

Tôi làm thơ chỉ là làm cho riêng mình thôi, không có ý định chơi thơ, cũng không có ý định đọc thơ cho mọi người cùng nghe và bàn luận. Riêng bài thơ Cha và mùa thu là do bố tôi đưa cho một chị bên báo, chị ấy thấy hay và cho đăng chứ tôi không có ý định gửi đăng.

- Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nào?

- Tôi làm vào năm 2004, lúc đó gia đình tôi có chuyện buồn, chị tôi mất. Bố tôi rất buồn, tôi nghĩ phải làm một cái gì đó động viên bố nên xúc cảm làm bài thơ này. Lần ấy, tôi định không tham dự Sao Mai - Điểm hẹn 2004 vì chuyện buồn đó. Trước khi vào Sài Gòn tham dự cuộc thi, tôi làm bài thơ này để trong phòng bố. Bố tôi giữ trong ví rất lâu cho đến ngày Báo Tiền Phong phỏng vấn.

- Khi bài thơ xuất hiện, lại do một ca sĩ sáng tác, mọi người bày tỏ sự ngạc nhiên như thế nào?

- Khi báo ra, họa sĩ Lê Thanh Sơn làm ngay một bài thơ chúc mừng tôi. Anh Sơn nghĩ, bình thường trông tôi vô tư thế, ít nghĩ ngợi thế, không ngờ lại làm được một bài thơ tràn trề xúc cảm như vậy.

- Có người cho rằng, bài thơ này không phải do chị làm mà đại khái là chị nhờ ai đó làm hộ, hay ảnh hưởng của ai đó... Chị nghĩ sao?

- Tôi khẳng định, bài thơ này của tôi, chính tôi làm chứ chẳng nhờ vả ai làm hộ hay lấy của ai.

- Nhưng có một cô nữ sinh trong cuộc thi "Nữ sinh và tương lai" trên Đài Truyền hình Việt Nam đã đọc bài thơ này và cô ấy cũng nói là viết tặng cha mình... Bài thơ này đã được đăng báo trước đó. Chị nói sao?

- Thế à? Bài này tôi làm từ năm 2004 cơ mà. Hôm bố tôi đưa bài thơ cho báo, tôi cũng không đồng ý lắm. Tôi nghĩ rằng, những tâm sự riêng không nên đưa lên báo. Tôi từng chịu nhiều tin đồn không hay. Tôi không muốn người khác đưa thơ tôi ra mổ xẻ, bình luận.

Nguyễn Thị Minh Thương:

Khi đi gặp phóng viên, Minh Thương mang theo những tờ báo từng đăng bài thơ Cha và mùa thu, trong đó có tờ Văn Nghệ Trẻ, số 33, ra ngày 17/8/2003.

- Chị có thể kể xuất xứ bài thơ của chị?

- Hồi đó, gia đình tôi đang gặp chuyện buồn, anh trai tôi bị tai nạn. Bố tôi là người thương con thầm lặng và cũng thường giấu nỗi buồn thầm lặng như thế. Tôi ngồi viết nhật ký, tự nhiên cảm xúc lại thành thơ. Tôi không có ý định đưa bài thơ này cho bố tôi đọc, lại càng không bao giờ có ý định lôi ra để đăng báo.

- Nhưng sao bài thơ đó vẫn xuất hiện trên báo?

- Chuyện như thế này, hè năm 2003, trường chuyên Hùng Vương mà tôi theo học có phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ mở lớp năng khiếu sáng tác văn học hè. Tôi nằm trong danh sách được chọn và cô giáo tôi bảo phải nộp 1 tác phẩm. Từ trước tới giờ tôi chẳng có sáng tác nào, chỉ mỗi bài thơ đó, đành lấy bài thơ tặng bố tôi đi nộp. Đầu tháng 8, lớp sáng tác đó bế mạc. Nhà thơ Đỗ Bạch Mai và Đoàn Thị Lam Luyến ở Báo Văn Nghệ Trẻ có đến dự. Cô Bạch Mai có chọn trong 36 bài thơ của cả lớp một số bài để đăng báo Văn Nghệ Trẻ. Cô thích bài thơ của tôi nên chọn đăng ở vị trí đầu tiên trong chùm thơ, cũng trong tháng 8 năm ấy. Năm 2005, Báo Truyền hình (Đài Truyền hình VN) đăng bài thơ này của tôi.

- Chị phát hiện ra sự trùng hợp thơ của mình với của Ngọc Khuê khi nào?

- Cô giáo tôi phát hiện và gọi điện cho tôi nhưng không gặp được. Tôi gọi điện về cho cô, cô bảo có một bài thơ của cô ca sĩ Ngọc Khuê đăng trên Báo Tiền Phong rất giống thơ tôi và bảo tôi tìm đọc, cô còn trêu hay là tôi “bán bản quyền?”. Bận thi nên tôi chưa đi tìm tờ báo ngay. Sau khi thi xong, đúng dịp nghỉ tết tôi vào thăm cô giáo và cô có đưa cho tôi tờ báo. Tôi bị sốc thực sự: Sao thơ mình mà Ngọc Khuê lại bảo là thơ của Ngọc Khuê. Đọc kỹ, tôi thấy Ngọc Khuê không nhận bừa đâu mà cố ý sửa chữa cho nó hợp với hoàn cảnh của cô ấy. Chẳng hạn câu Mây trắng phiêu đời nghệ sĩ của cha, trong thơ của tôi là Mây trắng phiêu trôi một đời cha phiêu bạt và một số từ nữa. Còn lại là y chang.

- Sao chuyện lâu như vậy rồi mà bây giờ chị mới phản ứng?

- Thực ra, tôi định im lặng cho qua chuyện vì tôi nghĩ Ngọc Khuê còn trẻ, sự nghiệp còn dài, còn mình cũng chỉ là một sinh viên, tôi không muốn làm ảnh hưởng đến cô ấy. Nhưng đã đến nước này thì tôi nghĩ cô ấy không tôn trọng tác giả khi khẳng định bài thơ này do cô ấy sáng tác. Ngọc Khuê là người của công chúng nên sự trung thực là điều cần thiết.

- Nhưng Ngọc Khuê cũng có một cảnh ngộ tương tự chị?

- Thà là cô ấy cứ trung thực mà nói là cô ấy chép bài thơ này tặng bố, chứ không thể ngồi sửa sang lại rồi nói dối bố là cô ấy làm.

- Chị muốn nói với Ngọc Khuê điều gì?

- Tôi biết, khi biết chuyện này người buồn nhất là bố của Ngọc Khuê, chứ không phải là tôi hay là Khuê. Nhưng tôi không thể im lặng. Có người không biết sẽ nghĩ rằng tôi là người “thuổng” thơ của Ngọc Khuê thì sao? Tôi muốn một lời xin lỗi ở Khuê.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

donghoa

Quả thật hai bài thơ này bài nào có tuổi ngắn hơn thì chắc chắn là do chôm luôn của người khác ... cả ý lẫn từ .... viết giống thì được , nhưng giống quá chẳng khác viết dùm người ta .... mà viết một bài đâu khó khăn gì ,,, lời khuyên là nên viết những gì của chính mình
Gió vẫn thổi trên những tầng mây và ngày vẫn trôi qua , có ai nghĩ được gì trong khoảng miên man bất tận . Hỡi em ! Ta sẽ vẫn yêu em như ngày xưa đầy mộng tưởng trong một giấc mơ viết thành một bài thơ tình lãng mạn ....
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

người xứ đoài

Chuyện có gì mà ầm ỹ, bây giờ họ thuổng thơ là bình thường.Có vị ở Hà Tây lấy nguyên bài XUÂN HIỂU nổi tiếng xưa nay thay tên là XUÂN VŨ rồi đề tên mình vào .Tiền bạc họ còn thuổng bao nhiêu còn được nữa là cái danh hão này nhỉ ?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Trắc Nguyễn Văn

Có gì đâu mà bàn cãi hoài vậy nhỉ ?

Một điều chắc chắn là Ngọc Khuê không phải là tác giả,nhiều tờ báo đã khẳng định điều đó

Điều thứ hai nếu không làm thơ được thì thôi,có chết ai đâu ? Sao phải ăn cắp ý tưởng của người khác ? Đó là một hành động đáng lên án,thế thôi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng vũ cửu thiên

Theo em, cái này gọi là "học tập" thơ của người khác. Mình làm không được thì đôi khi cũng phải bắt chước người khác một tí. Lênin bảo: "Học, học nữa, học mãi" mà

Khoan đã, trong trường hợp học tập kiểu này thì phải đổi lại: "Học, học nữa, hộc máu"
Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]