Trang trong tổng số 1 trang (8 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

minhhuyen0810

Năm tháng luân chuyển, nháy mắt một cái đã vài chục năm trôi qua. Trong khoảng thời gian này chúng ta đạt được rất nhiều, nhưng cũng mất đi rất nhiều. Vậy, chúng ta đã mất những gì?

Điều mất thứ nhất: Yên lòng

Ngày xưa ta sống trong gian nhà cũ, xung quanh là vườn cỏ xanh rì. Sáng nghe “Ò… o…” gà gáy sớm, đêm nghe ộp oạp tiếng ếch kêu, ngẩng đầu nhìn trăng qua song cửa, cúi đầu thấy nệm cỏ thơm lừng. Tuy không có điều hoà, nhưng mát mẻ yên tĩnh, không khí cũng trong lành, đêm ngủ không cần đóng cửa, cũng chẳng phải lo lắng sẽ mất đi thứ gì.

Giờ đây, ta sống trong toà nhà cao tầng, ở đô thị hoa lệ, vật chất tiện nghi cũng chẳng thiếu thứ gì. Nhưng cửa trên cửa dưới đều phải đóng thật chặt, ngồi trong nhà vẫn thấp thỏm không yên. Nào là cửa chống trộm, nào là camera, nào là lưới bảo vệ vây kín khắp toà nhà, có những lúc ngay cả bản thân ta cũng không vào được…

Điều mất thứ hai: Nhiệt tình

Ngày xưa, hàng xóm như anh em, láng giềng như bằng hữu, người không thân thích vẫn thường hay qua lại với nhau. Có gì ngon cùng nhau tận hưởng, có gì ngọt cùng nhau sẻ chia, nhà ai có việc, thì mọi người đều chung tay giúp đỡ nhiệt tình.

Giờ đây, chúng ta cùng sống chung một tầng lầu chung cư, thậm chí hai nhà sát vách, cửa ngõ đối diện, mỗi ngày đều chạm mặt, nhưng trước sau lại không biết “nhà ấy” tên họ là gì.

Điều mất thứ ba: Sức khoẻ

Ngày xưa, lũ trẻ nhà quê rồng rắn ra bờ sông mò cua bắt cá, chiều chiều lại chạy ra đồng “mót” mấy củ khoai lang. Giữa trưa nắng gắt, tiện tay hái mấy quả thèn đen bên bụi cây, ăn xong đứa nào đứa nấy miệng đen xì… Mà cũng kỳ lạ, trẻ con nhà quê toàn ăn quả dại, vậy mà cả đời chẳng biết đến đau bụng là gì.

Giờ đây, thịt cá trong siêu thị đầy ắp, hoa quả chín đỏ mọng mỡ màng, khắp các gian hàng đều tưng bừng quảng cáo rau củ sạch – Vậy mà ai cũng nơm nớp sợ ăn phải chất kích thích vào người! Rau củ đóng gói rất đẹp mắt, nhãn hiệu cũng chẳng kém cạnh gì, nhưng ai dám chắc đồ ăn này có đảm bảo hay không?

Điều mất thứ tư: An toàn

Ngày xưa, lũ trẻ con nô đùa chạy nhảy ngoài đường sá. Thỉnh thoảng gặp chiếc xe thồ đi ngang qua, tất cả lại rượt đuổi theo phía sau, thật là náo nhiệt!

Giờ đây, đường phố ngày càng rộng rãi, đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy cả đêm ngày, nhưng đi đường hễ không chú ý là nguy hiểm đến tính mạng, chứ đừng nói đến chạy nhảy nô đùa ở ngoài đường như xưa.

Điều mất thứ năm: Náo nhiệt

Ngày xưa, cả làng chỉ có duy nhất một chiếc ti vi, buổi tối mọi người đều kéo đến xem nhờ, nô nức đông vui như trẩy hội. Tuy chỉ là ti vi đen trắng, hình ảnh đôi khi không rõ nét, nhưng cả làng đều rôm rả vây quanh. Người thì ngồi, kẻ thì đứng, trẻ nhỏ thì ngồi trong lòng mẹ, trẻ lớn thì kiễng chân ngó qua khe, đứng chật khắp gian nhà, nhưng không thấy chật chội, không khí thật náo nhiệt tưng bừng.

Bây giờ, ti vi tinh thể lỏng trở thành cổ lỗ sĩ, ti vi màn hình rộng cũng chẳng hấp dẫn ai. Thứ duy nhất khiến mọi người không thể rời mắt chính là chiếc điện thoại, mỗi người một chiếc, đều là thứ tân tiến mới trình làng. Tuy mọi người tụ họp với nhau, nhưng ai nấy chỉ dán mắt vào điện thoại, dẫu có ngẩng đầu lên cũng chẳng muốn nói với nhau đôi lời.

Điều mất thứ sáu: Hoài niệm

Ngày xưa, tiệm chụp ảnh không nhiều, cơ hội được chụp một tấm ảnh cũng không nhiều. Ảnh chụp sau khi rửa rồi lại còn phải ép nhựa cẩn thận, cho vào tập album để lưu tâm giữ gìn. Mỗi lần mở album ra xem, bao nhiêu hồi ức lại ùa về, tinh khôi như ngày còn thơ bé!

Giờ đây, không chụp ảnh cho giấy chứng nhận, không chụp ảnh áo cưới, thì sẽ không đến tiệm chụp ảnh. Điện thoại, ipad, máy ảnh kỹ thuật số, đi đến đâu là chụp ảnh đến đó, món ăn ngon, phong cảnh đẹp đều tận sức mà chụp. Một ngày chụp cả ngàn tấm ảnh, nhưng hầu hết đều sẽ bị lãng quên trong một góc tâm hồn, còn những gì đáng trở thành kỷ niệm lại chẳng được bấy nhiêu.

Điều mất thứ bảy: Thoả mãn

Ngày xưa, trẻ con chờ cả năm đến dịp Tết mới được mua áo mới. Quần áo thật giản đơn, màu sắc cũng khiêm nhường, nhưng mỗi bộ đều nâng niu đáng quý, hễ mặc vào là thích thú, tự hào.

Giờ đây, quần áo đủ mọi sắc màu, đủ mọi kiểu dáng, mốt mới treo đầy tủ, nhưng vẫn luôn thấy áo quần không đẹp, vẫn luôn thấy mình lỗi mốt, lỗi thời.

Điều mất thứ tám: Giản dị


Ngày xưa, đồ chơi của trẻ con không nhiều, chỉ có vài viên bi, trái banh da, sợi dây thun, cái lon hộp, bộ xếp hình. Những lúc thiếu thốn còn hái lá mít làm nghé ọ, ngắt thân cây lúa làm mũi tên, trẩy trái bưởi xanh làm bóng đá… Đồ chơi ít ỏi, nhưng mỗi lần xôm tụ bạn bè đều có thể chơi suốt cả ngày, thật là hân hoan vui thích!

Giờ đây, trong điện thoại lúc nào cũng có bạn online, trong nhà ai cũng có đồ chơi đắt tiền. Những thứ hiện đại này mang đến niềm vui nhất thời, nhưng lại khiến con trẻ chẳng còn khăng khít thân tình như xưa.

Ngày xưa, rạp chiếu phim không nhiều. Trong làng mỗi khi chiếu phim ngoài trời, trẻ nhỏ lại rủ theo mấy đứa bạn, hoặc là trèo cây vịn cành, hoặc là ngồi trên mái ngói, hoặc là leo lên cột điện. Mọi người ăn hạt dưa, hoa quả mang từ nhà đến, thật vui vẻ vô cùng!

Giờ đây, rạp chiếu phim rất nhiều, nào là phim hiệu ứng 3D, nào là phim Hàn, nào là phim bom tấn… mặc cho bạn thoả sức lựa chọn. Mua vé phải xếp hàng, chỗ ngồi phải đặt trước, xem phim không được mang rượu bia, ngồi trong phòng chiếu không được nói ồn ào, người ngồi bên cạnh đều là người xa lạ, ai xem mặc ai, sau khi chiếu xong thì lại về nhà nấy!

Điều mất thứ mười: Chân tình

Ngày xưa, ông nội cưới bà nội, chỉ mất một đấu gạo; Bố cưới mẹ, chỉ mất một con bò. Thời đó cưới xin, chỉ cần mang theo một bản chứng nhận kết hôn, mở mấy bàn tiệc rượu, đồ ăn chẳng có nhiều, cũng không cần của hồi môn, nhưng hôn lễ lại ngập tràn vui vẻ. Vợ chồng đến với nhau chỉ qua mai mối, nhưng vẫn sống những ngày tháng hạnh phúc an vui, chung thuỷ bên nhau đến trọn đời.

Giờ đây, không xinh thì không lấy, không tiền thì không yêu, không có nhà cửa, xe hơi, quyền lợi, thì kết hôn không hạnh phúc. Mà có đầy đủ những thứ này rồi, kết hôn lại càng không hạnh phúc!

Tư vị của đời người, cần phải chờ đợi đến một tuổi tác nào đó mới có thể cảm nhận được sâu sắc. Tuy nhiên, khi chúng ta bắt đầu hiểu ra rồi, thì cũng là lúc mọi thứ đều trở nên quá xa vời…
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

minhhuyen0810

Trong cuộc đời này, còn sống chính là thắng lợi, kiếm tiền chính là trò chơi, khoẻ mạnh mới là điều cần thiết, vui vẻ hạnh phúc là điều mọi người mong ước nhưng khi kết thúc sinh mệnh, được trở về nơi tốt đẹp mới là mục đích.

Dưới đây là 10 câu nói giúp người đọc hiểu đạo lý nhân sinh và cũng là những câu nói giúp người đọc có sự lựa chọn đúng đắn trong cuộc đời của mình.

Câu thứ 1: Giữa người với người chính là một loại nhân duyên. Giữa tâm với tâm chính là một loại giao lưu chia sẻ. Giữa tình yêu thương và tình yêu thương chính là một loại cảm tình. Giữa tình cảm với tình cảm chính là một loại thật lòng, thật dạ. Giữa sai lầm, tội lỗi với sai lầm, cần một loại tha thứ.

Câu thứ 2: Giữa người với người, phải trao cho nhau tình yêu thương đồng loại, phải vui với việc giúp đỡ người khác. Bởi vì, khi bạn tặng hoa hồng cho người khác, trên tay bạn sẽ còn lưu lại hương thơm. Yêu thương người khác kỳ thực chính là yêu thương mình. Hãy đem tình yêu thương của mình để sưởi ấm trái tim của người khác, lúc ấy bạn chính là những tia nắng ấm áp của mặt trời.

Câu thứ 3: Thế gian quá rộng lớn mà lòng người lại quá phức tạp, sao có thể không găp phải tiểu nhân? Cõi hồng trần rất thâm sâu mà người trần lại ưa thích những điều hào nhoáng, phù hoa, sao có thể không gặp chuyện phiền lòng?

Nghĩ phải đơn giản một chút bởi vì sống trên đời phải thích ứng với mọi hoàn cảnh. Coi nhẹ một chút bởi vì trên đỉnh đầu còn có một bầu trời xanh!

Câu thứ 4: Phải biết trân quý người bên cạnh mình bởi vì mỗi một thời, một khắc ở nhân gian càng ngày càng ít đi, cuối cùng còn phải chia lìa. Không cần tranh giành, không cần đấu khí, tranh hơn thua, vui vẻ trò chuyện để hiểu nhau mới là quan trọng.

Phải biết trân quý người đối xử tốt với mình, bởi vì một khi đã đánh mất đi rồi thì tìm đâu cũng không được lại nữa.

Câu thứ 5: Cuộc sống đơn giản mới là cuộc sống hạnh phúc. Đời người gặp được sự tình gì cũng không nên nghĩ phức tạp. Tâm linh một khi nặng thì sống cũng mệt mỏi.

Nên bỏ đi những ký ức không tốt đẹp trong trí nhớ, sống một cuộc sống vui tươi, an hoà cùng mọi người.

Câu thứ 6: Sống trên đời cũng đừng quá so đo tính toán. Cổ ngữ nói: “Trăm sự do tâm khởi, nụ cười giải ngàn sầu”. Tâm tính tốt là người bạn tốt nhất trong cuộc đời, nó khiến người ta sống sung sướng, thoải mái và bình an, khoẻ mạnh.

Câu thứ 7: Người đến khi có tuổi nhất định phải để tâm được thanh thản. Ít một chút giận dữ, nhiều một chút rảnh rang, “thân vội nhưng tâm nhàn” là những điều không dễ dàng đạt được. Nhưng “thân vội mà tâm cũng vội” thì tất sẽ sinh ra loạn.

Câu thứ 8: Chẳng phải người ta vẫn nói “biết đủ thường vui” sao? Sở dĩ người ta vui là bởi vì cái tâm không bị vướng bận, tuy rằng của cải vật chất không quá nhiều. Tâm lượng sung túc, rộng lớn chính là tài phú thực sự của đời người.

Câu thứ 9:
Con người còn sống ngày nào thì ngày ấy chính là phúc khí. Đời người ngắn ngủi, không cần phải nuối tiếc những việc đã qua.

Mặt trời lặn, mặt trời lại mọc, buồn thì một ngày cũng trôi qua, vui thì một ngày cũng trôi qua cho nên đừng để tâm vào những chuyện quá vụn vặt, nhỏ nhoi. Hãy để tâm được thoải mái thì thân thể mới thoải mái.

Câu thứ 10: Con người sống trên đời, kỳ thực cũng không cần nhiều thứ lắm, chỉ cần sống khoẻ mạnh, chân thành yêu thương mọi người thì đó vẫn được coi là một cuộc sống giàu có, sung túc.

Cuộc đời này, còn sống chính là thắng lợi, kiếm tiền chính là trò chơi, khoẻ mạnh mới là điều cần thiết, vui vẻ hạnh phúc là điều mọi người mong ước nhưng được trở về nơi tốt đẹp mới là mục đích.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

minhhuyen0810

Ngay cả những chuyến đi ngắn ngày đến Nhật Bản cũng có thể cho bạn những bài học giúp thay đổi cuộc đời. Ít ai trở về từ Nhật Bản mà lại giữ nguyên những thói hư tật xấu của mình.

Tác giả bài viết là Amy Chavez đến từ Mỹ, cô đã sống khoảng 1 năm tại đảo Shiraishi, Nhật Bản. Câu chuyện khiến người đọc thật sự thích thú với các quan sát của Amy về những bài học thay đổi cuộc sống mà bất cứ ai cũng có có thể học hỏi từ người Nhật.

Dù thế nào, cũng luôn đáp lại ân huệ của người khác

Ở Nhật Bản, bạn nhanh chóng học được rằng, không chỉ nhận ân huệ từ người khác dành cho mình mà phải đáp lại ân huệ đó. Hồi đáp lại ân huệ là yếu tố quan trọng để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp ở nơi đây.

Mặt khác, sự hồi đáp ân huệ không cần phải có giá trị như nhau. Ví dụ, nếu ai đó giúp bạn một tay di chuyển chiếc ghế sofa mới vào ngôi nhà của bạn, bạn có thể chỉ cần mua cho họ một loại nước giải khát để thể hiện lòng biết ơn của mình.

Cảm ơn người từng giúp đỡ mình khi gặp lại họ

Người Nhật Bản luôn luôn nhớ cảm ơn một ai đó khi gặp lại nhau. Nghe có vẻ hơi thổi phồng quá đáng, nhưng thật dễ chịu khi ai đó cất lời: “ Ôi, cảm ơn bạn lần trước đã chuyển đồ giúp tôi!”. Đó là một lối cư xử hết sức văn minh và tốt đẹp.

Thể hiện sự lễ độ khi nói “cảm ơn” hoặc “tạm biệt”

Lễ độ và cư xử một cách tinh tế rất quan trọng trong văn hoá Nhật Bản. Nếu bạn dừng lại trên đường phố để hỏi đường, người đi đường sẵn sàng vẽ tay cho bạn một tấm bản đồ, hoặc người bán hàng có thể đóng cửa hàng của mình chỉ để dẫn bạn đến đúng nơi bạn đang tìm. Lễ độ nghĩa là bạn sẵn sàng giúp đỡ và vị tha với người khác.

Ưu tiên người khác

Cách tốt nhất để cho người khác biết họ quan trọng với bạn là bằng cách đặt họ lên vị trí ưu tiên. Cho người bạn của mình miếng bánh lớn nhất, nhường chỗ ngồi dễ chịu nhất trong nhà hàng cho người thân, để khách đứng vào vị trí trung tâm của bức ảnh hoặc nướng bánh và chia sẻ nó với người hàng xóm của bạn, là một phần của cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản.

Thậm chí khách mời còn có những chỗ ngồi đặc biệt trong nhà, đối diện với những góc trưng bày đẹp nhất.

Sẽ không có bất cứ ai bị ra rìa trong một tập thể


Ở Nhật sẽ không có chuyện đi ra ngoài uống nước hoặc một bữa tiệc chỉ với vài người đồng nghiệp! Tất cả mọi người đều được mời! Sẽ không có khoảnh khắc lúng túng khi một số người đi “đánh lẻ” vô tình bắt gặp nhau. Tất cả những người tham dự đều có mặt trong bức ảnh mà không cần quan tâm xem đó cấp trên hay cấp dưới. Cách hành xử này sẽ dạy cho bạn cách bao dung, rộng lượng hơn với những người khác mình.

Tôn trọng tài sản của người khác

Chuyện nhặt được của rơi rồi giữ luôn là chuyện hiếm gặp ở Nhật Bản. Nếu ai đó để ô hoặc một đồ vật gì đó bên đường, họ chắc chắn sẽ tìm thấy nó ở đúng vị trí đó hoặc trên băng ghế gần nhất khi họ quay lại tìm.

Không biết xấu hổ chính là vô đạo đức

Xã hội Nhật Bản đánh giá cao sự khiêm tốn và khiêm nhường, không chấp nhận việc không biết xấu hổ. Mọi người có thể xếp hàng chờ đợi thành hàng dài mà không có bất kỳ lời phàn nàn nào.Không có bất kỳ sự bất bình nào. Không có lời nói nào cất lên, không có những tiếng thở dài đầy hoài nghi, kiểu như “Sao mọi người lại ngốc nghếch đến vậy?” không “nhìn đểu”, không có vẻ mặt nào biểu hiện “Tránh ra hoặc không ăn đấm này”.

Người Nhật rất biết lắng nghe


Người Nhật sẽ luôn luôn để bạn thể hiện ý kiến trước. Họ là những người rất biết lắng nghe. Lắng nghe người khác và không tìm cách chi phối trong các cuộc nói chuyện là rất quan trọng. Bằng cách lặng lắng nghe, bạn trở nên khoan dung hơn và ít phê phán người khác trong khi bạn cố gắng hiểu quan điểm của họ.

Tinh thần dân tộc của người Nhật

Sâu xa, mọi người dân Nhật đều cảm thấy nước họ là tốt nhất trên thế giới. Do vậy, không cần phải cố chứng tỏ với người nước ngoài rằng đất nước của họ là tuyệt vời nhất.

Ganbaru – khi đã làm gì phải cố gắng hoàn thành

Nhiều người trong chúng ta từ bỏ làm điều gì đó khi phát hiện ra rằng việc đó mất nhiều thời gian, tiền bạc hoặc năng lượng hơn chúng ta đã định. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, bạn phải thực hiện điều đó từ đầu đến cuối và cố gắng hết sức để hoàn thành. Người Nhật thấm nhuần tinh thần “ganbaru” (cố gắng hết sức để hoàn thành việc gì đó) vì tất cả mọi người xung quanh bạn cũng đều làm như vậy.

Giữ lời hứa

Ở Nhật Bản, khi ai đó hứa hẹn sẽ làm một việc gì đó, thì họ sẽ làm điều đó. Dù thế nào họ cũng sẽ không quên lời hứa. Họ sẽ đến buổi hẹn dù ngay cả khi trời mưa hay tuyết rơi. Vắng mặt không tham dự mà không thông báo trước là điều không thể chấp nhận – bạn có thể gọi tới trước báo rằng bạn sẽ không thể tham dự và xin lỗi về việc đó, hoặc bạn phải cử người khác tham dự thay thế vị trí của bạn.

Người Nhật rất có trách nhiệm với những gì mình làm


Trong suốt mùa World Cup ở Brazil năm 2014, các cổ động viên Nhật Bản làm cả thế giới ngạc nhiên bằng việc tự dọn dẹp khu vực của họ tại sân vận động. Nếu bạn đã từng đến Nhật Bản, bạn sẽ không ngạc nhiên về điều này, người Nhật luôn luôn tự dọn dẹp sạch chỗ của mình. Ngay cả trong những mùa lễ hội, cốc chén hay túi rác của ai thì người đó sẽ mang theo chứ không quăng bừa bãi.

Cư xử lịch thiệp

Nếu chúng ta chọn một từ để mô tả về những người Nhật, từ đó sẽ là “duyên dáng”. Tất cả các tầng lớp xã hội, không phân biệt nguồn gốc và thu nhập đều cư xử lịch thiệp. Ví dụ, không dùng ngón tay trỏ để chỉ vào ai đó hoặc vật gì đó, mà họ sẽ dùng cả bàn tay một cách tinh tế. Họ ăn mặc đẹp, tươi cười chào hỏi tất cả mọi người và dùng cả hai tay khi đưa hoặc nhận đồ vật gì cho người khác.

Người Nhật không “cao su”

Một trong những bài học người nước ngoài học được khi ở Nhật Bản là tầm quan trọng của việc đúng giờ, tôn trọng giờ giấc cũng cho thấy sự tôn trọng người khác. Đó là lý do vì sao bạn có thể yên tâm khi có cuộc hẹn với đối tác hoặc bạn bè người Nhật.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

minhhuyen0810

Trong cuộc sống hay trong công việc, đôi khi những quyết định quan trọng của bạn chịu ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Vậy làm thế nào để nhìn thấu một người, làm thế nào để phán đoán và đánh giá chính xác về một người nào đó?

Cách làm đơn giản nhất là nhìn vào những dấu ấn của họ như thành tích, sự nghiệp, địa vị xã hội, chức vụ công việc…Những yếu tố này là một phương diện để đánh giá một người, nhưng không thể phản ánh tất cả diện mạo cũng như tư chất của họ. Bởi chính những nhân tố nhỏ bên trong mới phản ánh thiết thực nhất bản chất của một người.

Dưới đây là 6 yếu tố giúp bạn có được cái nhìn sâu sắc về một người, chúng ta hãy cùng tham khảo.

Tỷ lệ thời gian giữa lắng nghe và biểu đạt

Nếu một người dành trên 60% thời gian cho việc biểu đạt so với việc lắng nghe, vậy thì bạn nên thận trọng khi tiếp xúc với họ. Nghe ít nói nhiều thường là biểu hiện của một người tự cao tự đại, xem thường người khác, không có chí cầu tiến, không muốn học hỏi từ mọi người, hoặc giả không tự tin khi đứng trước người khác dẫn tới việc nói năng mất kiểm soát.

Là người toả ra năng lượng hay là người thu hút năng lượng?

Có một kiểu người luôn mang theo trường năng lương tiêu cực, khiến những người xung quanh cảm thấy chán nản, bi quan. Điều đáng tiếc là xung quanh chúng ta vẫn luôn tồn tại kiểu người này.

Còn một kiểu người khác mang năng lượng chính diện, lạc quan yêu đời. Cổ ngữ có câu: “Tặng người hoa hồng, tay giữ hương thơm”, ý nói rằng: Mang điều tốt đẹp đến cho người khác thì bản thân cũng được may mắn, ví như mang hoa hồng tặng cho người thì tay mình cũng lưu lại hương thơm.

Khi tiếp xúc với những người có năng lượng chính diện, từ bi, hoà ái, thì những người xung quanh sẽ cảm thụ và cùng cộng hưởng để trường năng lượng tích cực ấy ngày một lớn hơn.

Là người có xu hướng hành động hay phản kháng?

Có nhiều người khi tiếp nhận một công việc mới thì lập tức có thái độ phòng thủ, phản kháng. Còn một kiểu người khác, khi tiếp nhận một công việc mới thì lập tức hành động, tìm hiểu vấn đề, và giải quyết vấn đề. Chúng ta nên tiếp xúc nhiều với kiểu người thứ hai này.

Là người cho bạn cảm giác chân thành đáng tin hay cảm giác dễ chịu?


Đó là người vì muốn để lại ấn tượng nên thường hay dùng lời lẽ dễ nghe để tán dương bạn, đây là kiểu người không nên đặt niềm tin. Người thực sự đáng tin cậy không bao giờ nịnh nọt, họ không cần phải dùng thủ đoạn để lấy cảm tình của người khác. Bởi họ dám sống với chính mình nên cũng khiến mọi người xung quanh thêm gần gũi và muốn hợp tác với họ nhiều hơn.

Cách ứng xử của họ như thế nào?

Khi tôi tuyển dụng một vị trí quan trọng trong công ty, một đối tác làm ăn chỉ cho tôi cách nhìn người như thế này: Hãy mời họ cùng với vợ hoặc chồng, hoặc là người thân nào đó của họ, đến dự một bữa tiệc, tham gia một buổi dã ngoại hoặc một hoạt động nào đó.

Đây chính là thời điểm mà bạn có thể quan sát họ được toàn diện nhất; hãy xem họ có hoà đồng với mọi người không, có sức hấp dẫn với người xung quanh không, và khi xảy ra vấn đề thì cách xử lý tình huống của họ như thế nào?

Họ đối đãi như thế nào với người lạ?

Hãy quan sát xem họ đối xử với người lạ như thế nào. Tôi từng đóng thân phận một người phục vụ, cụ thể là một người tài xế, để xem người mình cần tuyển dụng có đối xử thân thiện và hào phóng hay không? Có thể giao tiếp bình đẳng với một người phục vụ, một người tài xế hay không? Hoặc giả người này có thái độ bề trên, coi thường, phân biệt tầng lớp hay không?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

minhhuyen0810

Hãy giữ một cái đầu tỉnh táo để ngỏ lời cầu hôn người bạn đời của mình. Đừng mắc bất cứ một sai lầm nào trong ngày quan trọng này, đàn ông nhé!
Hôn nhân là chuyện cả một đời người, cầu hôn bạn đời là trải nghiệm một lần duy nhất trong đời. Đây chắc chắn là một dấu mốc quan trọng của cả hai người, báo hiệu những tin vui dồn dập phía trước. Với phụ nữ, thứ họ cần trong một tình yêu chân thành không phải là nhà lầu, xe sang hay tài sản triệu đô. Thứ họ cần cả đời là được người bạn đời trân trọng và thấu hiểu từng phút từng giây, trong từng cử chỉ, từng lời nói.
Chính bởi lẽ đó, đừng để bất kì sai lầm nào được phép xảy ra khi cầu hôn người phụ nữ của mình, đàn ông nhé! Không cần phải chi quá nhiều tiền hay làm những việc quá sức của bạn, hãy làm mọi thứ xuất phát từ trái tim và bạn luôn có cách riêng để cô ấy biết rằng cô ấy quan trọng như thế nào với bạn. Cầu hôn là một trong những quyết định lớn trong cuộc đời người đàn ông, hãy suy nghĩ thật kĩ nhé!

Hãy chắc chắn rằng cô ấy chính là người bạn muốn lấy làm vợ
Chắc chắn bạn đã mất rất nhiều thời gian để suy nghĩ về một chuyện hết sức quan trọng như thế này. Bởi lẽ, hôn nhân có thể là một nấm mồ chôn tình yêu, nhưng hôn nhân cũng có thể là đòn bẩy cho cuộc sống độc thân buồn tẻ. Hãy suy nghĩ về những lí do vì sao bạn lại đi đến quyết định muốn lấy cô ấy. Hãy đi theo tiếng gọi của trái tim, tức là bạn cảm thấy bạn đã sẵn sàng và có thể chịu toàn bộ trách nhiệm vì quyết định của bản thân. Mỗi lần cô ấy xuất hiện, nếu bạn cảm nhận được đó là người bạn muốn chung sống trọn đời thì có nghĩa đó là thời điểm thích hợp để bạn ngỏ lời cầu hôn.
Hãy chắc chắn rằng cô ấy sẽ đồng ý lời cầu hôn
Tất nhiên, bạn chẳng thể nào đoán trước được một cách chính xác 100% rằng cô ấy sẽ nhận lời, nên bạn hãy chọn một thời điểm mà bạn cảm giác rằng cô ấy cũng yêu bạn giống như cách bạn yêu cô ấy và cô ấy đã sẵn sàng trở thành một người vợ.
Nếu cô ấy có đưa ra những lời nói gợi ý về cuộc sống hôn nhân sau này, muốn kết hôn, muốn có con,… tức là cô ấy đã sẵn sàng; còn nếu không thì bạn có thể bắt đầu những cuộc thăm dò để hỏi cô ấy nghĩ thế nào về việc chuẩn bị cho cuộc sống gia đình; nếu cô ấy khó chịu hoặc lảng tránh vấn đề này thì có nghĩa là bạn nên đợi một thời gian nữa để đề cập vấn đề kết hôn.

Có thể sẽ có chút khó khăn trong việc nhận biết tình cảm của cô ấy, nhưng việc chắc chắn rằng cô ấy đã sẵn sàng hay chưa sẽ giúp cho bạn tránh được cảnh xấu hổ trong lúc cầu hôn.
Quyết định xem khi nào thì nên ngỏ lời kết hôn
Thời gian thích hợp để ngỏ lời cầu hôn vô cùng quan trọng và thời gian nào thì hoàn toàn do bạn quyết định. Không có thời điểm nào là hoàn hảo để ngỏ lời cả, nhưng điều quan trọng nhất là bạn nên cầu hôn vào lúc bạn cảm thấy bình tĩnh, không nóng vội và hoàn toàn sẵn sàng. Khi bạn đã chuẩn bị kĩ lưỡng cho kế hoạch cầu hôn của mình, thì đó là thời gian thích hợp nhất.
Và cũng đừng quên nên xét dò xem thời gian mà cô ấy muốn kết hôn. Nếu cô ấy muốn làm đám cưới vào mùa thu thì bạn nên cầu hôn cô ấy vào thời điểm chỉ cách mùa thu vài tháng, hoặc nếu cô ấy ngỏ ý muốn ngày được cầu hôn là một ngày đáng nhớ thì bạn có thể chọn ngày lễ tình yêu hoặc ngày kỉ niệm của hai bạn. Dù sao thì, làm cô ấy vui thì chắc chắn tỉ lệ cầu hôn thành công của bạn chắc chắn cao hơn đấy!
Hãy quyết định địa điểm bạn muốn cầu hôn cô ấy
Thực tế thì bạn có thể cầu hôn ở bất cứ nơi đâu, nhưng tốt nhất nên lựa chọn nơi nào gắn bó với cả hai nhiều nhất và nơi nào mà làm cho hai bạn cảm thấy thoải mái, bình tĩnh và tự nhiên nhất. Có một điều cần chú ý là khi bạn càng cố gắng tạo nên một điều gì đó đặc biệt bao nhiêu thì sự việc lại càng có thể trở nên thảm hại bấy nhiêu. Đôi khi đơn giản bạn chỉ cần tập trung vào những điều quen thuộc, những điều mà bạn biết cả hai đều thích, thì lại dễ dàng thành công hơn.

Hơn nữa, bạn nên nghĩ lại xem cả hai cùng thích làm việc gì khi ở bên nhau. Có khi điều này lại khơi lên một nguồn cảm hứng tuyệt vời cho bạn, giả dụ như bạn cầu hôn cô ấy khi cả hai đang chèo thuyền và dừng lại ngắm một cảnh đẹp hay khi cả hai đang cùng vào bếp nấu một bữa thật ngon vào cuối tuần nhưng bạn nói rằng muốn ra ngoài mua thêm nguyên liệu và quay trở về với một chiếc nhẫn cầu hôn. Lợi thế là cô ấy sẽ không hề mảy may nghi ngờ những hành động bất thường của bạn.
Hãy quyết định xem bạn nên ngỏ lời cầu hôn như thế nào
Việc kế tiếp bạn cần suy nghĩ là phải lên kế hoạch chi tiết cho dịp đặc biệt này. Hãy nhớ rằng chỉ có chân thành mới chiếm được trái tim của phụ nữ, nhất là khi cô ấy nhìn vào ánh mắt bạn. Hãy luôn nhớ rằng những gì bạn làm trong khoảnh khắc này sẽ được cô ấy nhắc đến rất nhiều lần trong đời vì vậy hãy làm cho tốt!
Đừng quên gợi ý hỏi trước cô ấy muốn được cầu hôn công khai hay kín đáo nhé! Mặc dù trong phim thì phụ nữ thích được tỏ tình trước mặt nhiều người nhưng trên thực tế, đa số việc cầu hôn đều diễn ra kín đáo. Hơn nữa, nếu như việc cầu hôn không được thuận lợi như bạn nghĩ thì cả cô ấy và bạn sẽ cảm thấy xấu hổ hơn gấp ngàn lần trước mặt mọi người.
Chọn trang phục phù hợp với địa điểm bạn chọn
Đây là một dịp đặc biệt đáng để nhớ suốt đời nên chắc chắn bạn phải mặc thật đẹp và phù hợp với địa điểm cầu hôn, nhất là trong một không gian khách sạn sang trọng, lãng mạn với ánh nến và hoa hồng xung quanh thì bạn càng phải ăn mặc chỉn chu, gọn gàng, lịch thiệp. Chắc chắn cô ấy sẽ tan chảy cho mà xem!

Cầu hôn
Sau 6 bước trên, bước thứ 7 chắc chắn bạn phải tiến hành cầu hôn cô ấy thôi. Có thể bạn sẽ “bủn rủn chân tay” và chẳng biết nói gì trước mặt người bạn đời dù đã tập luyện phải nói gì, nhưng đừng lo lắng nhiều, cứ hít một hơi thật sâu đã.
Khi nghe xong lời cầu hôn của bạn, đến khi bạn nắm lấy bàn tay cô ấy để trao nhẫn, có thể cô ấy vẫn sẽ rất sốc, mặt đờ đẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra hoặc rơi nước mắt, gào thét. Đừng quá ngạc nhiên vì đây là những hành động bình thường của cô ấy, ngay cả khi cô ấy biết bạn định làm gì.
Và đấy chính là cách cô ấy trả lời cho lời cầu hôn của bạn. Cuối cùng, tình yêu sẽ được đáp trả bằng tình yêu, những người yêu nhau sẽ gặp được nhau. Hãy biến một khoảnh khắc bình thường trở thành một kỉ niệm không bao giờ quên, bạn nhé!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

minhhuyen0810

Nếu còn muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình, muốn giữ chồng thay vì lồng lộn đánh ghen đây là những gì mà một người vợ khôn ngoan nên làm.
Khi biết chồng ngoại tình, dù bình tĩnh đến mấy phụ nữ cũng sẽ cảm thấy đau đớn và tổn thương. Tuy nhiên nếu còn muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình, muốn giữ chồng thay vì lồng lộn đánh ghen đây là những gì mà một người vợ khôn ngoan nên làm:
Ngồi nói chuyện với nhau về những việc phải làm trong tương lai
Điều đầu tiên bạn cần làm là tự mình ngồi suy nghĩ về những gì bạn muốn chồng làm cùng mình trong tương lai, sau biến cố lớn về tình cảm này trước khi cuộc trò chuyện của hai người bắt đầu. Khi bạn xác định được điều mình muốn, câu chuyện sẽ dễ đi tới cái đích như mong đợi.

Thay vì ngồi trách cứ nhau về chuyện đã qua, đau khổ, khóc lóc, chửi bới… nếu bạn đã xác định tha thứ và làm lại với nhau từ đầu, hãy dành thời gian để trò chuyện về tương lai, hai người sẽ bắt đầu từ đâu, cần phải làm những gì… Đây không phải là lúc để tiếp tục làm tổn thương nhau và làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Còn nếu như thực sự bạn không thể tha thứ và quên đi nỗi đau phản bội, bạn xác định ly hôn thì hãy nói chuyện với nhau về việc phân chia mọi thứ như thế nào.
Cho nhau thời gian

Ngay cả khi bạn đã tha thứ, bạn vẫn cần phải có thời gian để chấp nhận mọi việc. Anh ấy cần thời gian để từ từ thay đổi và lấy lại niềm tin nơi bạn. Cảm giác yêu thương, sự tin tưởng cần phải được lấy lại từ từ.
Đừng vội vã yêu cầu đối phương phải làm mọi cái như ý mình muốn chỉ để chứng minh sự hối cải. Đó không phải là cách tự nhiên. Thời gian sẽ là liều thuốc chữa lành mọi vết thương và giúp hai vợ chồng xích lại gần nhau hơn.
Chia sẻ thật những gì mình nghĩ
Trước đây vợ chồng bạn có thể vì thiếu sự liên kết mà dẫn đến việc một người rơi vào lưới tình với kẻ thứ ba. Giờ đây sau những gì đã xảy ra hãy chia sẻ nhiều hơn suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Đừng giấu diếm, che đậy hay không trung thực với nhau. Trong quá trình lấy lại lòng tin, nếu chỉ có thêm một lời nói dối nữa thôi cũng sẽ có thể đổ vỡ tất cả.

Khi hai vợ chồng có gì đó không hài lòng về nhau hoặc đối phương tạo cho bạn những cảm giác buồn, hãy nói thật lòng mình để ngay lập tức sửa những lỗi nhỏ đó, tránh trường hợp tạo cho sự tức tối tăng lên và khó mà bỏ qua cho nhau được nữa.
Thẳng thắn nhìn lại sai lầm của mình
Vẫn biết, việc chồng ngoại tình là lỗi của anh ấy nhưng có thể một vài lí do nào đó từ phía bạn là nguyên nhân khiến chồng rơi vào lưới tình với người đàn bà khác. Bạn bị tổn thương là đương nhiên, nhưng sau khi bình tĩnh lại hãy nghĩ về sự dài lâu sau này và nhìn nhận bản thân mình đúng đắn hơn.
Bạn có thể lựa một lúc nào đó, nói chuyện với chồng và hỏi về điều mà anh ấy muốn bạn thay đổi một chút. Đây là cách để bạn biết mình nên khắc phục điều gì và hiểu hơn về tâm tư của chồng mình.
Lắng nghe anh ấy nói

Một trong những sai lầm cơ bản nhất của những người vợ là không cho chồng cái quyền thanh minh. Nếu bạn muốn giữ vững hôn nhân của mình trong tương lai, bạn cần phải cho anh ấy cơ hội được giãi bày suy nghĩ, tâm tư của mình.
Việc lắng nghe lời chồng nói là cách bạn thể hiện sự tôn trọng với anh ấy và hiểu hơn về chồng mình. Hai người sẽ mãi mãi không thể nào xoá bỏ được những rào cản.
Thử những điều mới mẻ cùng nhau
Có thể trước đây, vợ chồng bạn hiếm khi có dịp làm những điều khác biệt cùng nhau nhưng giờ đây bạn nên thử làm điều đó. Hai vợ chồng có thể đặt vé đi du lịch, cùng nhau tham gia một lớp học khiêu vũ… những hoạt động đó sẽ khiến hai bạn làm mới lại tình yêu và xích lại gần nhau hơn.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

minhhuyen0810

Trong cuộc sống, phụ nữ thông minh không chỉ chu toàn với gia đình mà họ còn biết giới hạn của sự hy sinh, với họ trong nhiều trường hợp không cần phải tỏ ra “siêng” quá mức. Vì sao thế?
Để được chồng cưng chiều
Trên thực tế, một người phụ nữ chăm chỉ luôn dành hết thời gian của mình cho gia đình, chồng con, vì thế, họ không còn thời gian chăm sóc cho bản thân mình. Điều này khiến họ càng kém xinh, kém hấp dẫn trong mắt chồng.

Vì thế, nhiều chị em áp dụng chiêu thi thoảng “lười một chút” để nũng nịu, để được chồng cưng chiều. Thay vì than vãn, họ khéo léo “nhờ vả” để được chồng hỗ trợ. Có ông chồng nào khi nghe câu: “Chồng yêu giúp em cái này với”, “Chồng yêu ơi! Giúp em nhé”,… mà không động lòng nhỉ?
Tạo cơ hội cho chồng thể hiện
Không có người chồng nào sinh ra đã lười biếng cả, đôi khi, chồng lười là do người vợ mà ra. Do các bà vợ quá chiều chuộng, coi trọng chồng nên mới khiến những ông chồng sinh ra tâm lý lười biếng, không cần làm gì vẫn có người phục vụ đều đặn cơm ăn áo mặc.
Vì thế, ngay từ đầu, phụ nữ thông minh đã biệt cách tạo điều kiện để chồng có thể tham gia làm việc nhà, thể hiện bản thân. Chưa kể, đây cũng là một cách “giữ chồng” khéo léo của chị em thông minh. Một khi bận rộn với việc nhà, đàn ông sẽ không có thời gian tiệc tùng, nhậu nhẹt cùng đám bạn… Và chị em có thể yên tâm không lo chuyện chồng bù khú, sa ngã.

Dành thời gian yêu bản thân hơn
Phụ nữ thông minh thừa hiểu rằng “lười một chút” việc nhà là cơ hội duy nhất để bản thân họ được tận hưởng cuộc sống.
Thay vì phải lo lắng: Tối nay ăn gì, tối nay sẽ dọn phòng nào… thì họ sẽ nghĩ: Tối nay mình sẽ đắp mặt nạ gì, tối nay mình sẽ thử tạo kiểu tóc như thế nào để khác lạ hơn? Với họ, việc xinh đẹp hơn cũng chính là cách để giữ được sức hấp dẫn của mình trong mắt chồng.
Giúp con tự lập hơn

Nhiều người phụ nữ luôn cố làm hết mọi việc trong gia đình để con cái họ có thời gian học tập, vui chơi nhưng xem ra đây không phải là cách giáo dục con lý tưởng. Bởi, một khi mẹ ôm đồm hết việc nhà, con cái sẽ sinh hư, lâu dần sẽ quen với nếp ỷ lại.
Một khi, người mẹ “lười một chút” sẽ tạo cơ hội cho con biết thể hiện bản thân hơn. Đây cũng chính là phương châm sống của những người phụ nữ thông minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

minhhuyen0810

Dù ngày mưa hay nắng, trên chiếc xe máy ba bánh cũ ông Thắng vẫn cần mẫn chở hàng kiếm tiền chữa bệnh, nuôi con ăn học khi đôi chân không còn lành lặn.

Gần trưa, giữa cái nóng hầm hập trời hè tháng 6, ông Vi Văn Thắng (61 tuổi, trú xã Thanh Sơn, Hữu Lũng, Lạng Sơn) nhễ nhại mồ hôi “nhảy” từ xe chở hàng sang xe ba bánh để di chuyển về nhà.

Sinh ra trong gia đình có 5 người con, Vi Văn Thắng là em út nhưng chưa đầy 2 tuổi sau một trận sốt cao, đôi chân yếu dần rồi liệt. Nhà nghèo khó, bố mẹ gắng sức đưa ông đi chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm.

“Đôi chân không thể đi lại như mọi người nhưng không vì thế mà tôi khóc lóc buồn chán. Hàng ngày người thân trong gia đình đi làm việc, tôi dùng ghế làm chân lê khắp nhà, nấu được nồi cơm, quét nhà, băm rau lợn”, ông Thắng nhớ lại.

Năm 10 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách tới trường, ông Thắng muốn đi học lắm. Trong nhà có người cháu ruột cùng tuổi, mỗi buổi chiều ông đều nhờ dạy chữ cái, ghép vần, đếm số. Ở nhà nhiều thời gian nên cứ rảnh rỗi ông lại mang bút, giấy ra tập viết, chỗ nào không hiểu thì hỏi người cháu hoặc anh chị, sau vài tháng ông đã tự xoá mù chữ cho mình.

Năm 14 tuổi, thấy việc di chuyển khó khăn, ông Thắng mày mò tự đóng cho mình chiếc xe 3 bánh bằng gỗ. “Hồi ấy tôi thấy người ta làm mộc rồi mình học mót để đóng cái xe 3 bánh, mỗi khi đi qua đoạn đường sỏi đá thì lại nảy tưng tưng. Hơi đau lưng một chút, nhưng tôi không phải quanh quẩn trong nhà nữa mà nhờ mọi người đẩy ra ngoài đi khắp xóm”, ông Thắng kể.

Nhận thấy nghề mộc phù hợp với mình, ông Thắng bỏ nhiều công sức học. Sản phẩm đầu tiên là chiếc hòm gỗ nhỏ đựng quần áo, đồ dùng cho cô dâu ngày cưới. Thấy đồ ông làm bền đẹp, các cô dâu trong vùng đều đến đặt hàng. Ngoài ra, ông còn đóng bàn, ghế, làm thêm nghề đan quạt nan, rổ, rá, nơm… phục vụ bà con.

Từ năm 1988 đến năm 1994, ông Thắng tự đóng bàn ghế và sắm trang bị học tập xin mở lớp 1 cho học sinh trong thôn. “Lớp tôi năm nào cũng có hơn 60 cháu, là con em trong thôn xóm, phụ huynh góp 15 kg gạo/năm cho mỗi cháu hỗ trợ tôi có kinh phí dạy. Được nghe trong sân nhà tiếng học sinh nô đùa, đọc bài, vui lắm”, ông Thắng hào hứng kể. Mặc dù thời gian làm ông giáo trường làng ngắn ngủi nhưng người dân thỉnh thoảng vẫn gọi là “thầy Thắng” khiến ông vui lắm.

Anh Đỗ Văn Hoà (30 tuổi) cho hay khoảng thời gian được học với “thầy Thắng” rất ý nghĩa, dù “thầy” chưa qua trường lớp nào nhưng phương pháp dạy dễ hiểu, dễ gần và “thầy” là tấm gương về nghị lực sống vươn lên vượt qua số phận để học trò noi theo.

Năm 1993, vợ mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, ông sống cảnh gà trống nuôi con khi 3 người con còn thơ dại. Sau đó, ông đi bước nữa với một cô gái miền xuôi lên khai hoang lập nghiệp. Cuộc sống tưởng bớt khó khăn thì năm 2003, người con trai 10 tuổi bị ung thư vòm họng, mất sớm.

Nhắc đến số phận mình, ông Thắng nghẹn ngào bảo ông trời tiếp tục thử thách gia đình thêm một lần nữa khi người vợ thứ hai phát hiện mắc bệnh tim không làm được việc nặng nhọc, còn ông bị chứng đau khớp hành hạ mỗi khi thời tiết thay đổi. Đôi tay không còn làm mộc tốt, ông Thắng chuyển sang chở hàng thuê bằng xe máy 3 bánh cũ. Ngày mùa thì ông chở thóc lúa, nông sản, lợn giống cho bà con, bình thường ông mua thu than rồi chở xuống Bắc Giang bán cho những nhà làm bánh tráng lấy lãi.

Số tiền ít ỏi kiếm được từ những chuyến xe hàng, ông Thắng dành dụm mua thuốc cho mình và vợ, tiết kiệm nuôi con cái ăn học. “Nhà tôi có 7 sào ruộng, chăn nuôi thêm gà vịt thì cũng đủ ăn. Ông nhà tôi đau khớp chưa bao giờ có giấc ngủ ngon, nhưng không bỏ buổi chợ nào. Lắm lúc trời mưa to hay nắng gắt quá tôi bảo nghỉ, nhưng ông ấy cứ nhất quyết đi làm vì trót nhận lời rồi sợ lỡ việc của khách”, bà Nguyễn Thị Thuý (45 tuổi) vợ ông Thắng cho hay.
Theo ông Sầm Văn Thao, Chủ tịch xã Thanh Sơn, gia đình ông Thắng thuộc diện hộ nghèo của xã, ông Thắng sống hoà thuận với xóm làng được bà con thôn xóm kính trọng. Mặc dù khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn nhưng ông là tấm gương về nghị lực vươn lên, làm công việc nào cũng tận tâm hết sức.
Hồng Vân
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (8 bài viết)
[1]