Lang thang trên net, thấy có bài viết về sếp Hoa Xuyên Tuyết, mình mang về đây để khoe sếp mình tí:
Thuỵ Anh - nhánh bạch dương bên trời ký ức (07/05/2011) Có rất nhiều danh xưng mà chị đang sở hữu và hướng tới, từ nhà thơ, nhà văn, dịch giả, tiến sĩ… khiến mọi người không biết nên gọi chị là gì cho đúng, bởi với vai trò nào Thuỵ Anh cũng đầy tâm huyết.
Cơn bão khắc nghiệt đã đổ lên vai cô bé Việt Nam nhỏ nhắn vào một chiều mùa đông nước Nga u uẩn với gam màu xám. Năm ấy cô vừa 18 tuổi. Gần 20 năm sống và học tập tại Nga, cô đã lớn lên cùng nỗi mất mát, tự vun đắp từ những trải nghiệm để đứng lên sắp xếp, quy hoạch cuộc đời mình, đấu tranh với sự định đoạt của hai từ số phận. Ít ai nghĩ đó chính là câu chuyện cuộc đời của Tiến sĩ - nhà văn Thuỵ Anh. Mới chính thức xông đất làng văn Việt hơn hai năm từ khi về nước, nhưng những gì Thuỵ Anh đã và đang làm thật đáng trân trọng.
Cô gái nhỏ vượt qua cơn bão lớn Năm Thuỵ Anh 17 tuổi, bố chị khi ấy mới được bổ nhiệm là Tùy viên quân sự làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga đã quyết định đưa cả gia đình sang Nga trong nhiệm kỳ công tác. Cô bé mới lớn vừa rời ghế phổ thông lên đường đến một đất nước xa lạ với niềm tin lớn lao và tình yêu thương dành cho người cha cùng dự định thi vào Trường Đại học Sư phạm tổng hợp Matxcơva.
Nhưng khi gia đình vừa đặt chân đến nước Nga được 2 tháng thì bố chị đột ngột mất vì trọng bệnh, bỏ lại ba mẹ con trên đất khách. Hôm ấy là một ngày tuyết rơi trắng trời Matxcơva. Sự việc quá đột ngột. Ba mẹ con bơ vơ giữa bốn bề tuyết trắng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, không tin đó là sự thật. Cú sốc quá lớn đổ lên vai người phụ nữ mất chồng, lên vai cô bé mới lớn.
Đó là biến cố lớn nhất mà Thụy Anh từng trải qua, cho đến bây giờ, 20 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi bất giác nhắc đến khoảng thời gian ấy chị vẫn muốn trào nước mắt. Chị muốn khóc, bởi những năm tháng đó chị đã không được khóc, không cho phép mình được khóc. Tôi cứ hình dung đến hình ảnh một cô bé với đôi mắt tròn xoe đầy bỡ ngỡ, hoang mang, bỗng dưng mồ côi cha, bơ vơ giữa xứ người 20 năm trước. Có lẽ phải rất lâu, rất lâu sau đó Thuỵ Anh mới quen được với sự mất mát đó để bươn chải với sự khắc nghiệt của cuộc sống du học nơi xứ tuyết.
Sau khi bố mất, Thuỵ Anh từng muốn bỏ ngang con đường học tập để đi làm giúp mẹ, nhưng nhớ đến ánh mắt của bố, những lời căn dặn của bố, chị lại gắng gỏi bước tiếp. Trước lúc đi xa, bố đã nhìn vào mắt chị bảo: “Con không được bỏ học nhé”. Câu nói ấy đã cho chị thêm nghị lực để bươn chải với cuộc sống và bước tiếp con đường học tập.
Quyết định sẽ tiếp tục đi học của chị, quyết định sẽ tiếp tục ở lại cho các con học tập tại nước Nga sau khi chồng mất của mẹ chị đã biến Thuỵ Anh thành một con người khác. Chị đã phải làm quen và đối mặt với cuộc sống sớm hơn chúng bạn, như một cái cây độc lập trước gió, tự mình phải cứng cáp lên để chống chọi với bão giông. Ít ai nghĩ một cô gái luôn ngơ ngác trước mọi sự, luôn tròn xoe mắt ngạc nhiên trước cuộc đời lại từng làm những công việc rất xa lạ với văn chương và lĩnh vực giáo dục mà mình theo học ở một nơi xa lạ với quê hương. Ở Nga, có thời gian Thuỵ Anh thuê trang trại trồng bí, trồng rau bán kiếm tiền. Công việc phát triển tốt nhưng chị đã vấp phải sự cạnh tranh không lành mạnh và những “quy luật đen” của việc làm ăn nơi đất khách mà bất kỳ ai tham gia vào guồng quay ấy đều phải tuân thủ, nó đã khiến chị phải đối mặt với không ít tình huống hiểm nguy. Thời sinh viên chị cũng từng theo chúng bạn mang USD thuê từ Mát (Moscow) đi các thành phố khác để lấy tiền công, một việc làm có tính rủi ro khá cao của người Việt trên đất Nga. Tết đến, thay vì sum họp đón xuân thì ba mẹ con nhận việc gói bánh chưng bán kiếm lời. Phụ mẹ rửa lá, gói bánh, luộc bánh xong chị mang bánh đứng dưới trời đông tuyết trắng bán cho người Việt ở Nga đón Tết truyền thống của dân tộc. Công việc quá vất vả và xa lạ, chị còn không dám cất lời rao, những người cùng bán hàng nhìn cô bé run cầm cập vì lạnh đã thương tình cất lời rao bánh hộ.
Ngày ấy mẹ Thụy Anh sang Nga với tư cách phu nhân, khi bố chị mất thì Đại sứ quán tạo điều kiện cho làm chân tạp vụ, chuyên quét dọn tòa đại sứ để tiếp tục được ở lại. Còn thi hài của bố chị được hỏa táng và để ở một căn phòng trong Đại sứ quán, cùng những bình tro táng khác chưa có người nhận. Cô bé Thụy Anh phụ mẹ quét rác và ngày ngày vào căn phòng có những bình tro táng quét dọn, thắp hương cho bình tro của bố mình. Rồi mọi thứ cũng dần ổn định hơn, mẹ chị được phân công làm thường trực Đại sứ quán, còn Thụy Anh vẫn tiếp tục vừa học vừa làm. Cuộc sống với những bộn bề lo toan khắc nghiệt đã cuốn ba mẹ con vào guồng quay của nó. Năm tháng qua đi, tóc mẹ chị bạc đi nhiều, gương mặt thêm những nếp nhăn khắc khổ, chị cũng trưởng thành hơn, cậu em trai cũng lớn, thêm chững chạc vững vàng. Một ngày, nhìn lại những mất mát, đau khổ, những yêu ghét, si mê dại dột, chị bỗng giật mình nhận ra giá trị của thời gian, từ khi nào chị đã yêu đến nghẹn lòng những đường phố, làng mạc, những con người trên đất nước này… Tất cả đã trở thành một phần cuộc sống, đã trở thành máu thịt của chị.
Bước qua thời… “Nga ngố” Những năm tháng trên đất nước Nga, Thuỵ Anh, như nhiều du học sinh khác, bị ám ảnh mạnh mẽ bởi thiên nhiên hùng tráng của nước Nga. Ám ảnh bởi những hàng bạch dương đứng thẳng vươn cao đầy cốt cách. Ám ảnh bởi nỗi nhớ về thành phố Saint Petersburg với những cây cầu hàng trăm năm tạc vào chân trời, vào những dòng sông trên xứ bạch dương, bởi những đêm trắng hoang hoải... Tất cả đã đi vào và ở lại với ký ức của chị như một phần cuộc sống. Sau này Thuỵ Anh đã có những bài viết đầy cảm xúc về cây bạch dương ở nước Nga, về những đêm trắng Saint Petersburg, về những ngôi nhà gỗ nhuốm màu thời gian... Chị yêu đến nghẹn ngào từ những hàng rào xiêu vẹo, những căn nhà xập xệ, những màu xám thê lương trong gió tuyết… Chị nhận thấy sự lộng lẫy của thiên nhiên nước Nga chính là từ những gì giản dị nhất, đó không phải là sự sắp xếp ngăn nắp chỉn chu thanh bình của thiên nhiên châu Âu, mà là sự phóng khoáng đầy bất trắc nhưng lại thân thuộc đến nhói lòng với những ai từng gắn bó. Điều bạn đọc cảm nhận sâu sắc nhất qua những trang viết của Thụy Anh, kể cả báo chí hay văn học chính là sự hồn hậu, tinh tế trong từng câu chữ.
Trải nghiệm thực tế có phần hà khắc của bản thân đã thành tư liệu sinh động cho những trang văn của Thụy Anh sau này. Nhưng dù đối mặt với một cuộc sống khắc nghiệt thì hơi thở đời sống xuất hiện trong văn Thuỵ Anh vẫn trong trẻo và tràn ngập lòng nhân ái. Chị vẫn giữ được một tấm lòng tinh khôi trước trang viết, thể hiện một tâm hồn rộng mở trước cuộc đời. Thiên nhiên, cây cỏ và loài vật luôn xuất hiện trong văn Thuỵ Anh ở những góc độ ít người khai thác và khai thác thành công. Những truyện ngắn của chị thường mang những cái tên rất gần gũi, từ Nắng chiều, Gió trắng, Tuyết ấm, đến Vĩnh biệt Lusia (Lusia là tên một con chó), Cây cải Tashkent… Liên tục trong hai năm 2008, 2009, truyện ngắn của Thuỵ Anh được tuyển chọn vào top 10 truyện ngắn hay trong năm của Báo Văn Nghệ.
Bên cạnh việc xuất hiện tích cực trong lĩnh vực sáng tác, có một lĩnh vực nữa mà chị hoạt động rất sôi nổi. Đó là thúc đẩy sự tương tác giữa văn học và giáo dục, văn học và đời sống. Dự án “Đọc sách cùng con” mà chị khởi xướng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các bậc phụ huynh quan tâm đến việc chọn lọc đầu vào tri thức cho con em. Bên cạnh đó chị cũng tham gia giảng dạy ở một số trường phổ thông ở Hà Nội với môn học nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Thời gian về nước chưa lâu nhưng Thuỵ Anh đã làm được nhiều việc đáng nể. Bên trong người phụ nữ ẩn chứa sự năng động chìm dưới tầng sâu. Tiếp tục với sở trường báo chí từ thời còn ở Nga, Thuỵ Anh vẫn đều đặn viết bài về lĩnh vực văn hoá, giáo dục thể hiện quan điểm của mình trước các vấn đề, sự kiện thế giới và trong nước. Hiện tại chị đang dồn tâm huyết dự án sách thiếu nhi. Năm 2010 Alpha Books đã phát hành hơn mười đầu sách thiếu nhi của Thụy Anh và đang tiếp tục đặt hàng chị với mảng sách này. Những công việc khác nhau luôn được thực hiện đan xen đã biến Thuỵ Anh thành một con người đa chiều để rồi cảm giác như thời gian với chị bao nhiêu cũng không đủ.
Thuỵ Anh cũng là người hoạt động tích cực trong việc truyền bá văn hoá Nga và việc dịch văn học Nga sang tiếng Việt. Trong cuộc gặp các du học sinh Việt Nam tại Hà Nội cuối năm 2010, chị cũng là người đề nghị Tổng thống Nga Medvedev về việc nên có quỹ hỗ trợ dịch thuật Văn học Nga trong khuôn khổ các dự án phát triển văn hoá Nga tại Việt Nam. Sau đó không lâu, khi Tổng thống Nga về nước, trong cuộc trao giải cho dịch giả Thúy Toàn của Việt Nam, ông đã công bố thành lập quỹ này.
Nếu bạn có một cái hẹn với Thuỵ Anh sẽ biết ngay chị là một người bận rộn và có phần đãng trí. Và nếu như chị có lỡ quên hoặc đến trễ vì… lạc đường thì cũng đừng vội nghĩ khác đi về chị. Sự bận rộn của Thuỵ Anh ngoài lý do công việc thì còn một lý do khác không kém phần quan trọng, đó chính là thời gian gần 20 năm sống trên đất nước Nga đã khiến chị khi trở về có phần… “Nga ngố”. Chị cần một khoảng thời gian dành cho việc làm quen với một không gian sống mới, dù không gian ấy chính là quê hương của chị, đã gắn bó với chị từ thời thơ bé. Và chị đang bước qua thời gian ấy để xây dựng hình ảnh một Thụy Anh năng động về mặt hình thức và cố gắng… đúng hẹn hơn.
Nhánh bạch dương và cây ngải ngọtThuỵ Anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Matxcơva năm 1997. Chị đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Giáo dục học. Năm 2008, chị về nước làm việc.
Ngoài hoạt động văn học, Thuỵ Anh còn tích cực trong việc phát triển văn hoá đọc. Hiện chị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” hỗ trợ các bậc phụ huynh trong việc lựa chọn sản phẩm đọc cho con em mình. Thuỵ Anh là tác giả các tập sách: Gió trắng (Tập truyện ngắn, NXB Văn học 2010); Olga Berggoltz của tôi (Thơ dịch – NXB Trẻ 2010) và là chủ biên của nhiều bộ sách thiếu nhi. Năm 2009 Thuỵ Anh đoạt giải 3 cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 2008-2009.“Olga Berggoltz của tôi” là cuốn sách mới nhất đánh dấu lối rẽ sang dịch thuật của Thuỵ Anh cuối năm 2010. Nhìn cuốn sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành có lẽ những người làm thơ đều thèm có một tập thơ sang trọng như thế. Ở đó thi ca được tôn vinh xứng đáng. “Cá tính chìm” của Thuỵ Anh cũng được thể hiện ở nhan đề của tập sách. Tại sao lại là Olga Berggoltz của tôi, chị giải thích đơn giản trong tập sách, đó là “Olga Berggoltz dưới góc nhìn của tôi, theo cách cảm của tôi”. Đó cũng là một cách ứng xử khéo léo để tránh “đụng độ” với bản dịch của các bậc tiền bối uy tín, đã thành danh. Nếu đọc hết những thông tin trong tập sách này sẽ thấy công sức lao động của dịch giả hiển hiện trên từng trang giấy. Vượt qua vai trò dịch giả, Thuỵ Anh dường như đã đồng hành cùng cuộc đời nhiều sóng gió và bất hạnh của nữ thi sĩ Nga. Bằng cách riêng của mình, chị đã đưa độc giả đến với những trang đời của Olga Berggoltz đằng sau những trang thơ rung động của một tác giả đã được bạn đọc Việt Nam nhiều thế hệ biết đến. Bằng cách riêng của mình, Thuỵ Anh đã dẫn dắt bạn yêu thơ và công chúng tiếp cận để có một cái nhìn xuyên suốt, trọn vẹn về một tác giả lớn. Trong tập sách, nữ thi sĩ nổi tiếng của nước Nga được Thuỵ Anh gọi là “cây ngải đắng của nền thi ca Xô Viết”. Cũng với hình ảnh ấy, với những gì Thuỵ Anh đang làm, đang có, có thể gọi chị là một “cây ngải ngọt”, một cây ngải ngọt bận rộn.
Trước khi rời nước Nga trở về Việt Nam, Thuỵ Anh đã gặp gỡ một số tác giả văn học Nga và những người có liên quan để xin phép, hoàn thiện thủ tục dịch một số tác phẩm văn học Nga ra tiếng Việt. Và giờ đây, chị đang bắt tay vào dịch những cuốn sách này, trong đó Olga Berggoltz của tôi là một sự khai mở đậm nét.
Suốt những trang thơ trong tập Olga Berggoltz của tôi là hình ảnh cây bạch dương làm nền. Đó là loài cây thân thuộc gắn bó với hình ảnh nước Nga và cũng để lại trong Thuỵ Anh nhiều ám ảnh. Bỏ qua một “cây ngải ngọt” ở bề mặt, không hiểu sao tôi lại cứ liên tưởng một Thuỵ Anh của chiều sâu với hình ảnh cây bạch dương của nước Nga nơi chị đã có những năm tháng dài gắn bó. Có lẽ nên gọi chị là một nhánh bạch dương thì đúng hơn, một nhánh bạch dương run rẩy dịu dàng. Sự run rẩy đầy nữ tính, tiềm tàng một sức mạnh. Sức mạnh ấy được tích tụ từ lòng nhân hậu, cũng là điểm gặp giữa chị và thiên nhiên, con người Nga. Và đó cũng là con đường để chị đến với chữ nghĩa. Với văn chương, Thuỵ Anh đã khơi đúng mạch ngầm ấy trong mình và bây giờ nó đang cần mẫn chảy róc rách đêm ngày để mang về những thành quả nho nhỏ, đều đặn nhưng không phải là không nhìn thấy được, không được mọi người thừa nhận. Một cái tên Thuỵ Anh đã đến và ở lại trong lòng bạn viết, bạn đọc nơi quê hương mà chị đã lựa chọn trở về mang theo hình ảnh nhánh bạch dương của nước Nga run rẩy dịu dàng bên trời ký ức, trước những buồn vui giông gió của cuộc đời.
Dương Tử Thành(Evan.VnExpress)
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn