Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7]

Ảnh đại diện

Flamingo

Có một tình yêu như thế

Có những tình yêu không biết chấp nhận ranh giới lãnh thổ và dân tộc. Những tình yêu ấy thường tạo nên những điều kỳ diệu và buộc chúng ta phải nghiêng mình trước lòng quả cảm của những trái tim biết vượt qua mọi trở ngại để đến với nhau. Có một tình yêu như thế giữa một người phụ nữ Nga và một người đàn ông Việt.

Vượt qua những rào chắn
Họ gặp nhau vào cuối thập niên 1950 tại thủ đô Mátxcơva của Liên Xô: Anh là học viên Học viện Quân sự Frunze, sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Định; chị là cô gái Nga chất phác Zoya Ermakova.
Cuộc gặp gỡ giữa họ thật tình cờ: Zoya đến Học viện giúp đỡ mẹ chị đang làm việc tại đó và chạm trán với chàng trai người Việt quả cảm này. Anh đã ngay lập tức chinh phục được trái tim chị.
Mặc dù tình yêu của chị thật mãnh liệt, chị không thể không khỏi băn khoăn: Cha mẹ chị, bạn bè và những người ruột thịt sẽ nghĩ sao đây về sự lựa chọn của chị. Dù sao thì anh cũng là người nước ngoài, lại đến từ một đất nước nghèo khó vừa thoát khỏi cuộc kháng chiến với thực dân Pháp.
Nhưng những lo âu ấy lại hoá ra thừa: Bố mẹ chị đã mở rộng cánh cửa đón chàng trai người Việt. Bạn bè cũng không ngạc nhiên trước quyết định bất ngờ của Zoya - trong những năm tháng ấy, đại diện của một dân tộc anh hùng chiến thắng được cả một trong những nước mạnh nhất Châu Âu luôn được người dân Liên Xô ngưỡng mộ và trân trọng.

Thế nhưng bộ máy hành chính quan liêu ở hai nhà nước lại không chịu chia sẻ tình cảm của những người công dân bình thường. Suốt mấy năm ròng Định và Zoya không sao nhận được quyết định cho đồng ý kết hôn. Năm 1960, Zoya sinh đứa con trai đầu lòng.
Do cuộc hôn nhân không được đăng ký chính thức, nên hai vợ chồng ngậm ngùi làm giấy khai sinh cho con trai mang họ mẹ: Alecxey Ermakov. Điều đó càng thôi thúc hai người tiếp tục đấu tranh để đòi quyền được chung sống hợp pháp. Họ gõ cửa những cơ quan cao nhất và cuối cùng đã chiến thắng - năm 1962 họ trở thành vợ chồng hợp pháp tại Cơ quan đăng ký kết hôn Mátxcơva.
Năm 1963, gia đình họ có thêm thành viên mới - cô con gái bé nhỏ Vera chào đời và có may mắn hơn cậu anh trai. Bé là Vera Nguyễn.

Nàng dâu Nga thời chiến
Ít ngày sau khi con gái chào đời, Định nhận được lệnh quay trở lại Việt Nam. Không hề chần chừ, Zoya quyết định đem các con đi theo chồng. Những lời khuyên giải của người mẹ không ngăn được chị, những khó khăn của cuộc sống ở đất nước nghèo khổ bị tàn phá không làm chị sợ hãi. Đến Hà Nội, chị được thu xếp vào làm việc tại nhà máy dệt và bắt đầu cuộc sống của hàng triệu phụ nữ Việt Nam thời chiến.
Nhưng chẳng bao lâu sau chị đã buộc phải đối mặt với những thử thách gay go hơn nhiều so với những khó khăn đời thường: Tháng 12.1964 cuộc chiến tranh chống Mỹ trở nên ác liệt.
Nguyễn Văn Định được lệnh lên đường ra mặt trận. Zoya cùng các con ở lại Hà Nội và trải qua những trận bom ác liệt của kẻ thù. Nhưng chị vẫn tiếp tục bám trụ tại nhà máy và trở thành một trong những công nhân xuất sắc, được nhận danh hiệu "Chiến sĩ thi đua". "Chúng tôi làm việc 16 giờ mỗi ngày, không tiếc sức mình vì tiền tuyến" - Zoya kể lại cho tôi trong cuộc gặp đầu tháng 8 này tại Mátxcơva, - "Chúng tôi chỉ có một mục tiêu là cung cấp cho tiền tuyến thật nhiều vải.
Và cứ mỗi lần nghe tin được một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi, hay về chiến thắng mới của bộ đội, là chúng tôi lại nghĩ rằng trong đó có một phần đóng góp công sức của mình".

Nhưng cứ mỗi khi tan ca thì trái tim người phụ nữ Nga lại trĩu nặng trong mối lo âu về người chồng nơi tiền tuyến. Tâm hồn chị như trải khắp mọi nơi trên chiến trường B, nơi mà thảng hoặc lắm mới có tin tức của người chồng gửi về.
Niềm vui duy nhất đối với chị là hai đứa con. Chúng đã quen với cuộc sống ở Việt Nam và giống bất cứ một đứa trẻ thời chiến nào đều háo hức chiêm ngưỡng chiến công của các pháo thủ cao xạ quanh Hà Nội. Alecxey đã có lần suýt chết vì trò chơi ấy.
"Chúng tôi chèo thuyền đến trận địa phòng không ở giữa hồ. Đúng lúc ấy có báo động và các chú pháo thủ bắn trả. Sóng dềnh lên làm tôi ngã xuống hồ.
Lúc ấy tôi còn bé, bơi lại không thạo, nên vất vả lắm mới leo được lên bờ" - Alecxey nhớ lại. ít lâu sau, Zoya nhờ người đưa con trai về Mátxcơva với bà ngoại để cho nó đi học. Chị và con gái ở lại Việt Nam. Vera trở thành đứa bé Việt Nam hoàn toàn. Nó là người phiên dịch của chị, là nhịp cầu nối mọi hy vọng của chị.
Nhưng cuộc sống ngày một khó khăn hơn và chị hoàn toàn không còn nhận được tin tức gì của chồng nữa. Năm 1967 Zoya quyết định ôm con gái trở lại Mátxcơva.

Vĩ thanh buồn
Năm tháng cứ trôi đi, số phận của người chồng ngày một mờ mịt. Bọn trẻ lớn dần, đi học, ban ngày thì đầy nỗi lo âu, ban đêm lại đau đớn trằn trọc. Nếu anh còn sống, hãy cho mẹ con em biết... Nhưng Zoya luôn tự an ủi mình: Chiến trường ác liệt như thế, làm sao mà viết thư được.
Vào đúng ngày chị tròn 40 tuổi cả Việt Nam ngây ngất trong chiến thắng 30.4.1975. Đất nước thống nhất, các gia đình được đoàn tụ. Hy vọng ấy lại tràn ngập tâm trí người phụ nữ Nga.
Nhưng hạnh phúc như không chịu trở lại với chị. Suốt mười mấy năm ròng sau chiến tranh chị sống đan xen giữa hy vọng và lo âu. 14 năm sau (năm 1989) niềm hy vọng cuối cùng của chị đã bị dập tắt khi chị được tin: Thiếu tá Nguyễn Văn Định đã hy sinh anh dũng tại chiến trường miền Nam ngày 28.7.1972.

Nhà nước Việt Nam mời chị cùng con trai quay trở lại Việt Nam viếng mộ chồng. Suốt chuyến bay chị cứ thấp thỏm mong sao hung tin kia không phải là sự thật. Và chỉ đến khi thắp hương trên mộ chồng, chị mới cay đắng tin rằng điều kỳ diệu đã không đến với chị.
Cuộc chiến tranh tưởng chừng như vô tận ấy đã cướp đi một nửa con tim chị. Nhưng cần phải tiếp tục sống vì hai người con và vì những đứa cháu. Đến lúc ấy chị đã có hai cháu ngoại và một cháu nội. Người đàn bà Nga, nàng dâu đảm của Việt Nam đã đứng vững trong cuộc chiến ấy như bất cứ một người phụ nữ Việt Nam nào.
Chị đã nuôi dạy hai con khôn lớn và trưởng thành. Alecxey trở thành kỹ sư điện, còn Vera trở thành vận động viên xuất sắc, hiện đang làm công tác huấn luyện viên.
Chỉ đến khi ấy, chị mới nghĩ đến chặng đường tiếp theo để sống cho mình. Chị tái giá và theo người chồng mới về mảnh đất yên tĩnh ở Tula.

Nhưng người Việt Nam không quên Zoya Nguyễn, người phụ nữ có chồng là liệt sĩ đã có đóng góp tích cực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1994, chị mới nhận được giấy báo tử của chồng cũ và thay mặt anh nhận những phần thưởng cao quý: ba Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng Nhất, Nhì và Ba; ba Huân chương Chiến công hạng Nhất và hạng Nhì và Huân chương Chiến thắng.
Năm ngoái, nhờ tác động của Tuỳ viên Quân sự ĐSQ Việt Nam tại LB Nga Đinh Nho Hồng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam đã truy cấp tiền tuất cho chị. Lãnh đạo các trung tâm thương mại của người Việt ở Nga thường xuyên mời chị cùng các con đến đón Tết hay gặp gỡ với các cựu chiến binh.
Gần đây nhất, trong chuyến thăm Mátxcơva, ông Hữu Ước - Tổng Biên tập báo An ninh Thế giới - đã mời chị cùng các con trở lại thăm Việt Nam. "Tôi sẽ lại thăm Định của tôi lần cuối.
Tôi muốn vĩnh biệt anh ấy. Khó mà trở lại thăm được mộ anh ấy lần nữa, phải không chị?" - người phụ nữ Nga bình dị khẽ nói với tôi lúc chia tay.

Elena Zubtsova (Báo Lao Động)
Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Flamingo

Đầu Xuân xông đất ...nhà tiền bối, xin kính chúc Tiền bối Thái Thanh Tâm cùng gia quyến Năm Mới Tân Mão An Khang - Thịnh vượng

To-bic của Tiền bối có cái tên thật ấn tương, đến nỗi sau vài chầu tiệc tùng ... tâm thần lãng đãng...thì trong đầu lại hiện ra To-bic của Tiền bối...

Mạn phép Tiền bối vạn bối thả vào đây một chuyện tình Thế Kỷ...chuyện tình Thế Kỷ 20 khiến hàng triệu người ngưỡng mộ, triệu người cùng rơi lệ, cùng hạnh phúc với đoạn kết có hậu của hai nhân vật: Mr.Phạm Ngọc Cảnh (Việt Nam) và Mrs Ri Yung Hi (Triều Tiên)

Vâng, ...có một tình yêu như thê...
Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Flamingo

Một tình yêu anh hùng

Từ 3 năm nay, người dân khu tập thể Thành Công (Hà Nội) đã quen với hình ảnh một người đàn ông Việt trung niên cùng một phụ nữ Triều Tiên dáng gầy gò xách làn đi chợ mua cải thảo, ớt tươi về làm món kim chi. Không nhiều người biết cặp tình nhân lặng lẽ đó đã có một cuộc tình bão tố kéo dài hơn ba mươi năm trời, và chỉ có nghị lực phi thường, quyết tâm sắt đá mới giúp họ đến được với nhau, thuộc về nhau...

Phạm Ngọc Cảnh và Ri Yung Hi tại Triều Tiên năm 1971.

...Hoa cúc dại ở Hàm Hưng


Hàm Hưng là một thành phố nhỏ nằm ở phía đông Bình Nhưỡng (thủ đô nước CHDCND Triền Tiên), sát bờ biển.
Mùa hè năm 1971, Phạm Ngọc Cảnh - chàng sinh viên VN học năm thứ ba Trường Đại học Công nghiệp Hoá học Hàm Hưng về thực tập tại NM phân đạm Hàm Hưng.
Cảnh thực tập trong phân xưởng máy nén khí dưới tầng 1. Còn Ri Yung Hi, cô gái Triều Tiên ấy làm việc ở phòng phân tích hoá, trên tầng hai. Cô thường mặc bộ quần áo công nhân màu xanh, tóc cắt ngắn, gương mặt xinh xắn. Còn anh là một chàng trai Việt với vầng trán rộng, đôi mắt sáng và trái tim đầy nhiệt huyết cứ ngỡ rằng mình đã muốn thì không gì cản trở được.

Một tình yêu sét đánh. Thời gian tìm hiểu không dài. Chỉ là những buổi thứ bảy, chủ nhật được nghỉ về thăm nhà Ri Yung Hi, hay đi dạo dọc bờ biển. Nhưng đến hết 3 tháng thực tập, hai người đều đã hiểu rằng họ không thể sống thiếu được nhau.

Tình yêu giữa một người con trai và một người con gái lẽ ra là hết sức bình thường. Thế nhưng trong hoàn cảnh lúc đó lại là chuyện bị cấm tuyệt đối.
Đất nước VN lúc đó đang có chiến tranh, nhiệm vụ của lưu học sinh là tập trung học tập để về phục vụ tổ quốc. Đối với nước bạn, mọi chuyện còn nghiêm khắc hơn.

Đầu năm 1973, Cảnh tốt nghiệp về nước. Buổi tối cuối cùng hai người đi chơi với nhau, Cảnh rủ cô - bông cúc dại ở Hàm Hưng - về VN với anh. Cô bảo làm thế nào đi được? Cảnh nói: Ước gì cho em vào vali đưa lên tàu mà đi cùng. Cô nói: "Phải xa anh em chết mất. Nhưng dù sao em cũng đợi anh, yêu anh mãi mãi!".

Thấy người yêu buồn, Cảnh an ủi: Thôi, anh về VN ra chiến trường chiến đấu vài năm. Hết chiến tranh, mọi việc thay đổi, anh sẽ quay lại đón em". Khi đoàn tàu liên vận quốc tế hú còi rời ga Bình Nhưỡng, cả hai đều tin rằng xa cách sẽ chỉ là 3 năm mà thôi. Thực tế ông trời đã thử thách họ gấp mười lần hơn thế...

31 năm và 40 lá thư
"Ngọc Cảnh yêu thương!..."


... Yung Hi không chịu nổi việc để Ngọc Cảnh ra đi nên đã ốm mất cả tháng trời. Sốt 40 độ C mà vẫn mơ thấy Ngọc Cảnh.
Mẹ bảo Yung Hi chết mất thôi con ơi rồi mẹ cũng khóc, nghỉ làm ở trạm điều dưỡng để chăm sóc cho em... Thấy em vừa chợp mắt lại khóc mẹ bảo với em Yung Hi thế là lại mơ thấy Cảnh rồi và đánh thức dậy, lúc ấy em thấy mẹ nước mắt cũng lưng tròng. Không có anh Cảnh cuộc sống Yung Hi là như thế, bất hạnh biết bao nhiêu...".

Đây là một trong hơn 40 bức thư đầy chan chứa yêu thương, đau khổ của Ri Yung Hi mà anh Cảnh đến nay vẫn lưu giữ nguyên vẹn.
Còn thư từ anh gửi sang Triều Tiên thì Yung Hi đã phải đốt tất cả sau khi đọc để giữ bí mật. Bí mật là hai chữ mà cặp tình nhân này hiểu rằng lúc nào cũng phải nhớ.
Thậm chí anh Cảnh không dám viết thư trực tiếp cho Yung Hi mà phải gửi qua bà mẹ. Trong thư anh cũng không đề tên Việt mà phiên âm tên mình ra tiếng Triều Tiên, thành Pơm Nốc Kiêng - một cái tên con gái. Phải cẩn thận bởi nếu mọi chuyện lộ ra, rất có thể Ri Yung Hi sẽ vĩnh viễn không còn được liên lạc với anh nữa.

Phê chuẩn của Quốc hội

Để giữ được liên lạc thường xuyên với tổ quốc của người mình yêu, Phạm Ngọc Cảnh đã làm tất cả: Bỏ công việc kỹ sư ở Tổng cục Hoá chất để chuyển sang làm việc bên ngành TDTT, bộ môn taekwondo. Chạy vạy các cửa thành lập Hội Hữu nghị Việt - Triều. Cứ mỗi lần nghe tin Triều Tiên bị thiên tai, mất mùa, anh lại miệt mài đi vận động quyên góp lương thực, quần áo, thuốc men để gửi sang giúp đỡ...

Năm 1992, gần hai mươi năm sau khi chia tay người yêu, có một lần Phạm Ngọc Cảnh cùng đoàn taekwondo VN sang Bình Nhưỡng thi đấu. Anh đã mang theo thật nhiều quà bánh, thuốc men, quần áo... để tặng Yung Hi, đã liên hệ với một người bạn làm trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên với hy vọng có thể gặp được cô.
Nhưng hy vọng đó đã không thành. Hàm Hưng cách Bình Nhưỡng chỉ 300km, bằng từ HN vào Vinh thôi, nhưng anh không thể lên tàu đi tìm cô vì muốn ra khỏi thành phố phải được cấp giấy thông hành. Muốn gửi quà cũng không được vì không ai dám chuyển...

... và tại căn hộ ở Hà Nội - tháng 2.2006.

Năm 2001, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yeang Nam sang thăm chính thức VN, Phạm Ngọc Cảnh lần đến nhờ người phiên dịch tên là Park Sang Kim tìm tin tức Ri Yung Hi.
Ít lâu sau có thư từ Triều Tiên gửi sang báo rằng cô đã đi lấy chồng rồi. Nhưng sau đó lại có thư xin lỗi, địa phương báo nhầm. Đến tận năm 2002, lại có tin rằng cô đã bị ốm chết 10 năm rồi. Được tin, Cảnh khóc hu hu. Nhưng thật may, bạn bè bên Triều Tiên lại báo lại người chết là cô em ruột chứ không phải Ri Yung Hi.

Suốt một thập niên từ năm 1992 (khi anh bắt đầu công khai hoá mối tình của mình với gia đình, bè bạn) đến năm 2002 (khi được phía bạn đồng ý), không thể nhớ hết Cảnh đã gặp bao nhiêu quan chức, đã viết bao nhiêu lá đơn gửi Bộ Ngoại giao, Quốc hội, Nhà nước hai nước Việt - Triều nhờ can thiệp...

Tháng 8.2002, Phạm Ngọc Cảnh dẫn đoàn VĐV taekwondo HN sang tập huấn và thi đấu ở Seoul (Hàn Quốc). Một chiều ra thăm Bàn Môn Điếm, vĩ tuyến 38 chia cắt hai miền đất nước Triều Tiên. Đứng bên này con sông áp Lục nhìn sang bờ bên kia mờ mờ sương khói, bỗng dưng anh thấy sốt ruột khủng khiếp.
Phải về, phải về ngay. Về đến HN vài hôm, anh được Bộ Ngoại giao gọi đến, trao cho một bức công hàm của Đại sứ quán Triều Tiên. Đọc những dòng chữ mừng vui mà Cảnh không tin ở mắt mình: "Uỷ ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao nước CHDCND Triều Tiên đã phê chuẩn việc kết hôn của ông Phạm Ngọc Cảnh công dân VN với Ri Yung Hi, công dân Triều Tiên ngày 14.8.2002...".

Nhận được tấm giấy, Cảnh lập tức mua vé tàu "một mình một ngựa" sang Bình Nhưỡng, không quên mang theo bánh kẹo, chè, thuốc lá, rượu để làm đúng thủ tục của một chú rể đi hỏi vợ.
Ngày 1.10 tàu đến nơi. Đến ngày 17.10, phía bạn báo Ri Yung Hi đã lên. Anh ra khách sạn Tuổi Trẻ gặp cô. Khi đi thang máy lên đến tầng 25, cửa phòng mở ra, hai người mừng mừng tủi tủi nhìn thấy nhau.
Bông cúc dại ngày nào nay gầy, đen, khi cười đầy những nếp nhăn ở đuôi mắt. Còn anh thì đã là người đàn ông trung niên, tóc bảy phần muối ba phần tiêu. Nàng Juliette đã 55 tuổi, còn Romeo 54. Như vậy họ đã xa nhau 31 năm, 10 tháng, 17 ngày.

Vĩ thanh ở Hà Nội

Chắc nhiều bạn đọc cũng tò mò muốn biết sau khi đoàn tụ, cặp tình nhân say đắm ấy sống như thế nào, có hạnh phúc không, hay như người ta nói "tình chỉ đẹp khi còn dang dở, lấy nhau rồi tình nham nhở lắm ai ơi?".

Một đám cưới với gần một nghìn quan khách mà đầu phần lớn cũng muối tiêu như chú rể cô dâu với nụ cười trên môi, hạnh phúc tận đáy lòng chân thành chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc mà lệ dâng tràn mắt...

Tết vừa qua, tôi được vợ chồng Phạm Ngọc Cảnh - Ri Yung Hi (tên VN vẫn gọi là Lý Vĩnh Hỉ) mời cùng ăn bữa cơm trưa. Cá kho, thịt đông, giò VN. Kim chi, rong biển và đũa vuông xứ Triều. Một bữa cơm và một cuộc sống bình thường như bao cặp vợ chồng Việt khác. Ngày ngày anh Cảnh dắt chiếc xe máy Peugeot 103 màu trắng đi đến Sở TDTT HN làm, nơi anh là Trưởng bộ môn môtô - xe đạp. Những lúc có cuộc đua xa, đi xuyên Việt hay theo vòng cung Tây Bắc, anh cho chị cùng đi.

Có một dạo chị đi bán hàng thuê cho một cửa hàng chăn ga gối đệm Hàn Quốc, có lúc đi dạy tiếng Hàn...
Năm ngoái, chị đi bộ ngoài đường bị cành cây rơi vào đầu, phải nằm cấp cứu, khâu mười mấy mũi. Anh túc trực bên chị ngày đêm trong bệnh viện và từ đó không để chị phải đi làm nữa. Anh lắp truyền hình cáp có kênh KBS, Ariang cho chị xem, mua sách tiếng Hàn cho chị đọc... Căn hộ tuềnh toàng của họ (nơi vợ chồng Cảnh sống cùng cha và người em gái của anh) tuy không giàu của cải nhưng luôn đầy ắp tình yêu.
Điều chạnh lòng duy nhất - mà tôi cũng không dám hỏi anh chị - nếu có có lẽ là thời gian nghiệt ngã kéo quá dài đã không cho phép họ có được một mụn con...

Còn nhớ đã có lần đại sứ VN tại Hàn Quốc Dương Chính Thức khuyên chàng Romeo của chúng ta: "Thôi, anh thấy mày về xem chuyện gia đình thế nào đi. Việc chờ đợi này vô vọng lắm...". Anh Cảnh đã trả lời: "Em chờ đến nay đã 31 năm. Nếu đi tu trên chùa thì đã thành sư cụ rồi. Bây giờ anh bảo em bỏ chùa, bỏ phật thì bỏ thế nào được".
Rồi anh tâm sự thêm với tôi: "Kể cả đến chết mà không lấy được nhau cũng không sợ. Ngày xưa cô ấy nói: Hai đứa mình cùng chết đi anh. Anh có biết giết không, hay anh giết em đi, để hai đứa mình cùng chết". Nhưng anh nghĩ chết thì chẳng ra vấn đề gì cả. Sống được, đến với nhau được mới là khó" - người đàn ông 57 tuổi nói với tôi như vậy.

Cứ sau mỗi lần gặp anh Cảnh và Ri Yung Hi, bao giờ trong tôi cũng cuộn lên ý nghĩ: Tình yêu nhiều lúc quả thực là một cái gì đó không giải thích nổi, một điều kỳ diệu.
Hai con người bé nhỏ đó lấy đâu ra sức mạnh để vượt qua bao khó khăn, cách trở không gian, thời gian... để đến được với nhau? Tôi nghĩ sống ở trên đời, nhất là đối với người đàn ông "đầu đội trời, chân đạp đất", có nhiều thứ để có thể tự hào: Một sự nghiệp, một gia tài, một địa vị... Nhưng một tình yêu lớn và hiếm hoi, một tình yêu thậm chí có thể gọi là anh hùng, như của anh Cảnh, cũng đáng để tự hào lắm chứ!

( Sưu tầm )
Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Flamingo đã viết:
Đầu Xuân xông đất ...nhà tiền bối, xin kính chúc Tiền bối Thái Thanh Tâm cùng gia quyến Năm Mới Tân Mão An Khang - Thịnh vượng

To-bic của Tiền bối có cái tên thật ấn tương, đến nỗi sau vài chầu tiệc tùng ... tâm thần lãng đãng...thì trong đầu lại hiện ra To-bic của Tiền bối...

Mạn phép Tiền bối vạn bối thả vào đây một chuyện tình Thế Kỷ...chuyện tình Thế Kỷ 20 khiến hàng triệu người ngưỡng mộ, triệu người cùng rơi lệ, cùng hạnh phúc với đoạn kết có hậu của hai nhân vật: Mr.Phạm Ngọc Cảnh (Việt Nam) và Mrs Ri Yung Hi (Triều Tiên)

Vâng, ...có một tình yêu như thê...
Năm mới chúc Flamingo luôn trẻ khỏe, thành đạt. Dù bận bịu bạn hãy cố giành thời gian góp tiếp vào TV những trang viết và hình ảnh thật đặc sắc, thật ấn tượng. Mình từng chứng kiến những mối tình mà nó ám ảnh mình mãi khôn nguôi. Nhưng mình không viết nổi những gì đã thấy. Mình sẽ gắng đưa vào đây những cái cốt để Flamingo và ai quan tâm thấy thêm cái bất tận của tình yêu và cuộc sống.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

blue sea

14/2... ngồi nhà, tự nhiên xem hành trình lovebus, tìm lại trên youtube tập 100-104, thấy chuyện của Bờm Siro Kẹo buồn vui lẫn lộn, thấy giống mình hồi xưa, cảm giác thật lạ... giờ chắc khó có thể có đc nữa...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7]