Sách như vitamin, nhỏ nhưng không thể thiếu
Phòng họp toà soạn Sài Gòn Tiếp Thị sáng 21.10 hầu như chật kín do bạn đọc tham dự giao lưu Giúp trẻ ham đọc sách (có sự tài trợ của Vinamilk) đông hơn dự kiến. Đặc biệt, các diễn giả hết sức bất ngờ trước những câu hỏi thông minh và cụ thể của nhóm các em học sinh đến từ trường tiểu học Việt – Mỹ, được cô hiệu trưởng đưa đi dự như một hoạt động ngoại khoá.Không khí buổi giao lưu sôi nổi ngay từ phút đầu khi nhiều em học sinh liên tục nêu những câu hỏi “sát sườn”: Sách báo được làm ra từ bao giờ? Bị cận thị, đọc sách thế nào để mắt khỏi tăng độ? Đọc trên internet có hại gì không?... Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng (đại học Sư phạm TP.HCM) và nhà thơ Cao Xuân Sơn (nhà xuất bản Kim Đồng) đã lần lượt giải đáp gần 30 câu hỏi của hơn 40 bạn đọc tại chỗ.
Một học sinh trường Việt – Mỹ, nhân vật chính mà cũng là đối tượng của buổi giao lưu. (Ảnh: Trâm Anh)
Văn hoá đọc là một quá trìnhHọc sinh Gia Linh, lớp ba, làm không khí khán phòng trở nên sinh động khi cho biết em rất thích đọc thơ, nhưng “thơ bây giờ đọc khó hiểu quá!” Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, phía sau nhận xét đó là vấn đề lớn của xã hội: sách cho thiếu nhi và văn học thiếu nhi đang bị người lớn bỏ quên.
Rất nhiều bạn đọc quan tâm đến vấn đề làm thế nào để cho trẻ làm quen với sách, tạo thói quen đọc sách từ bé. Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng cho biết, sách có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, tác động đến kỹ năng sử dụng ngôn ngữ và khả năng xúc cảm của mỗi người. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên cho con tiếp xúc với sách càng sớm càng tốt, thậm chí cho thai nhi nghe nhạc, kể chuyện nhằm kích thích sự phát triển vỏ não của bé.
Một bạn đọc hỏi về việc con bà chỉ thích nghe kể chuyện chứ không thích cầm sách đọc. Giải thích vấn đề này, bà Bích Hồng cho rằng về mặt tâm lý, mỗi người có xu hướng cảm thụ thiên về một giác quan nào đó. Người mẹ trong trường hợp này, nên đáp ứng nhu cầu nghe của trẻ, không nhất thiết ép trẻ phải “đọc” ngay. “Trẻ có tâm lý hướng nội dễ cảm thụ và gần gũi với sách hơn là trẻ hướng ngoại”, bà Hồng lưu ý. Chia sẻ với nhiều phụ huynh là trẻ em nay mê chơi game, thích xem tivi hơn đọc sách, bà Hồng cho biết hiện tượng đó không lạ: phát triển của nhiều phương tiện nghe nhìn đã chi phối khuynh hướng đọc. Theo bà, từ không thích đến thích, từ có đọc sách đến biết đọc có phương pháp là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm của nhà trường và gia đình, từng bước hình thành văn hoá đọc ở trẻ.
Bạn đọc Lê Thị Kim, cũng là giáo viên tâm lý của một trường THCS đã chia sẻ kinh nghiệm để chuyển hứng thú của trẻ từ game sang sách: trước hết cần giúp trẻ bước ra khỏi game bằng cách tạo nhiều trò chơi, nhiều hứng thú khác như dã ngoại, thể thao… kế tiếp, cho trẻ có những khoảng thời gian tĩnh lặng, rồi mới đến các quyển sách phù hợp sở thích như những người bạn mà trẻ cần có để lấp đầy.
Sách – “vitamin tinh thần”Một bạn đọc làm nóng diễn đàn khi đặt vấn đề: Lấy đâu ra thời gian để đọc sách khi việc học đã chiếm hết thời gian của trẻ? Nhà thơ Cao Xuân Sơn công nhận đây là một thực trạng đáng buồn. Ông kể, sách do nhà xuất bản tặng cho một nhà thiếu nhi cấp quận cả năm vẫn còn nguyên trong hộp, lý do được người thủ thư giải thích: các em bị vắt kiệt sức cho việc học rồi, thời gian đâu để đọc! Bà Phạm Thị Tuynh, hiệu trưởng trường tiểu học Việt – Mỹ nhận xét, nhiều nhà trường chưa hoặc rất ít quan tâm tổ chức cho học sinh đọc sách như một hoạt động học tập.
Đánh giá cao vai trò của các bậc phụ huynh trong việc hình thành kỹ năng đọc của trẻ, nhà thơ Cao Xuân Sơn nhận định, nhiều bậc cha mẹ không bao giờ đọc sách thì làm sao đòi hỏi con đọc! Và ông kêu gọi: “Các ông bố bà mẹ hãy đọc sách trước khi bắt con mình đọc!” Ông Sơn cho biết, khi chọn mua sách cho con, phụ huynh nên lưu ý sách có phù hợp lứa tuổi của trẻ hay không, và ông Sơn cũng lưu ý nên tôn trọng sở thích của trẻ: “Trẻ đọc là tốt rồi, để cho các em đọc thể loại và theo cách chúng thích, miễn không vi phạm các nguyên tắc vệ sinh sức khoẻ và giáo dục”.
Đọc sách là con đường tốt và nhanh nhất để thu lượm kiến thức và nuôi dưỡng tâm hồn, nhưng không có nghĩa không đọc hay ít đọc thì không hiểu biết gì về cuộc sống – tiến sĩ Bích Hồng lật lại vấn đề vào gần cuối buổi giao lưu. Theo bà, vẫn còn rất nhiều con đường để khám phá cuộc sống và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, qua thực tế cũng như nghiên cứu, đối với trẻ thơ, sách là một món ăn tinh thần quan trọng để trẻ tiếp thu tri thức, hình thành những kỹ năng, tình cảm cần thiết cho cuộc sống sau này. Nhà thơ Cao Xuân Sơn thì ví truyện cổ tích, thơ ca, văn học… giống như những nguyên tố vi lượng, rất nhỏ nhưng nếu thiếu thì cuộc sống của trẻ mất cân bằng.
DIỆU THÙY & NGÂN HÀTiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng:
“Nghèo hay giàu không phải là nguyên nhân khiến trẻ ít quan tâm đến sách. Nguyên nhân chính là cha mẹ có hiểu vai trò của sách đối với sự phát triển của con mình. Phải tận dụng tất cả những gì mình có để giúp trẻ hình thành thói quen tốt là đọc. Người mua ve chai cũng có thể làm được điều đó từ những cuốn sách, bài báo cũ”.
Nhà giáo Phạm Thị Tuynh (hiệu trưởng trường Việt – Mỹ):
“Nhà trường chúng tôi giáo dục thói quen đọc và cảm thụ sách cho học sinh thông qua các hoạt động: bản tin hàng tháng có sổ tay bố mẹ “Giúp bé ham mê đọc sách”, lên danh sách những cuốn sách nên mua cho bé; sáng thứ hai hàng tuần: trường đọc một câu chuyện kiểu “Hạt giống tâm hồn”, giới thiệu học sinh tìm cuốn sách đó ở thư viện và khuyến khích các em viết cảm nhận từ những câu chuyện trong sách (chương trình Thế giới sách); có giờ đọc sách cho các em nhỏ chưa biết chữ…”Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)