@ThuThuyPham: PandaKid xin lỗi vô cùng vì lỡ "náo động" ( do hơi bất bình một xíu) ngôi nhà Quê hương của bạn ( chắc nên gọi là bạn vì theo thông tin trên trang cá nhân thì ThuThuyPham chỉ lớn hơn PandaKid có 5 ngày tuổi thôi
). Nay bạn đã mở lời thì PandaKid xin bộc lộ đôi dòng cảm xúc về một quê hương của PandaKid, cũng như là món quà chuộc lỗi dành cho bạn nhé:
"Quê hương mỗi người chỉ một", thật đúng vậy! Người con xa xứ yêu nhớ quê hương, khắc họa hình ảnh quê hương chỉ bằng một, hai nét chấm phá ấn tượng nhất. Nét ấy có thể giản dị như chiếc cầu tre nhỏ, con diều biếc,... có thể mênh mang lãng đãng đôi chút như chiều hạ vàng trên biển, buổi sớm sương chòng chành cuối thu, hay, trừu tượng hơn, là một tình yêu, cảm xúc đặc biệt mãnh liệt trong tim khi gọi nên hai từ "Tổ quốc"... Với PandaKid, quê hương là kỉ niệm về một người cùng một điệu ca...
Có lẽ không có người con Huế nào có thể ngoảnh mặc làm ngơ khi vô tình chợt nghe khúc Nam Bằng, Nam Ai, cũng như không có người dân đồng bằng sông Cửu Long nào có thể quên mấy câu xàng xê vọng cổ đưa ru ngay từ thuở nhỏ. Quê hương của PandaKid là điệu nhạc cải lương ấy. Giữa trưa hè nóng bức, cậu tôi nằm bắt chân chữ Ngũ ngâm nga mấy câu: "Ghe chiếu Cà Mau...", hay buổi giỗ tiệc, cánh đàn ông chưa vợ uống rượu ở nhà trên, thỉnh thoảng hò mấy câu chọc ghẹo mấy cô thiếu nữ chưa chồng đương nấu nướng, và tất nhiên chẳng lâu sau có tiếng hát đáp lại. Chiều tối đồng không mông quạnh, tiếng hát như được cánh cò cất cao, có khi hai nhà cách nhau nửa sào vẫn có thể nghe thấy. Đặc biệt nhất là trong dịp lễ hội, cưới, giỗ, không riêng một nhà ai mà tiếng ca chộn rộn, đầm ấm cả thôn làng. Và cảm giác hồi hộp của một đứa trẻ con háo hức nghe cô, dì, cậu hát đối đáp, vừa nghe vừa đoán xem họ đáp thế nào, trong vở nào, đáp "chỉnh" hay không cho đến nay vẫn không bao giờ phai nhạt, trở thành quê hương trong tôi, một điệu ca âm vang trong tiềm thức...
Người tôi muốn nhắc đến cũng gây ấn tượng bởi tiếng hát lời ca đó là cô bé học cùng trường làng tôi. Thời ấy chăn trâu cắt cỏ là chuyện thường của trẻ con miền quê. Sáng đi học, chiều ra đồng, thông lệ đã như thế. Chiều ấy, đang thơ thẩn cho trâu ăn đồi cỏ, tôi ngủ quên lúc nào không hay. Trong lúc mơ màng tôi nghe có tiếng hát "Ai bảo chăn trâu là khổ! Ví dầu ví dẩu ví dâu - Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng - Vô chuồng rồi trâu chạy trở ra - Trở ra rồi ta lại ví vô". Tỉnh giấc, mấy đứa bạn bảo: "Mày ngủ quên, nhỏ đó thấy nên hát cho mày tỉnh", nói rồi chỉ tay vào một bóng người phía bên kia bờ ruộng. Có đứa nói: "Nó hát xong mấy người đi cắt cỏ nhìn mày, ai cũng cười", đứa khác nói "Nhỏ đó học lớp 5/2 kế bên lớp mình"... Năm ấy tôi chuyển nhà lên thành phố, chưa 1 dịp tìm hiểu xem đấy là ai. Hai năm trước có dịp trở về, chợt nhớ đến kỉ niệm ấy thì có người bảo: "Nhà ấy bán đi lâu rồi, chừng sáu năm trước". Vậy là từ đó đến nay, quê hương trong tôi có thêm một giọng hát âm vang....
Và cho đến nay, giọng hát ấy vẫn chưa bao giờ ngừng cất tiếng: "Ai bảo chăn trâu là khổ". Tôi vô tình bắt gặp câu đó trong bài "Quê hương" của Giang Nam:
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
"Ai bảo chăn trâu là khổ ?"
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cạnh cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích...
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)
Giữa cuộc hành quân không nói được
một lời...
Đơn vị đi qua tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi
Hoà bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
- Chuyện chồng con... (khó nói lắm anh ơi)!
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn, ngậm ngùi
Em để yên trong tay tôi nóng bỏng
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật:
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi!
Đau xé lòng anh chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
Quê hương tôi không tươi trong, không bi hùng như thơ Giang Nam. "Cô bé nhà bên" trong tôi không "mắt xoe tròn", không anh dũng như thơ Giang Nam, nhưng "Ai bảo chăn trâu là khổ", chỉ một câu tương đồng ấy mà bài thơ trên đi vào lòng tôi và xao động không nguôi mỗi khi nhắc đến hai từ "Quê hương", vô tư và ưu lư...
P/s: Chị Nguyệt Thu ơi, nói vài dòng về Huế - quê hương đi chị, hay hát vài câu Nam, Ai Nam Bằng cũng được
.
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu...
***