Bình thơ:
Tương tư, chiều của Xuân Diệu
Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm,
Anh nhớ em, em hỡi! anh nhớ em
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm
Mà ánh sáng mờ dần cùng bóng tối
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối
Đêm bâng khuâng đôi miếng lẩn trong cành;
Mây theo chim về dãy núi xa xanh
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ
Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ
Thôi hết rồi, còn chi nữa đâu em!
Thôi hết rồi, gió gác với trăng thềm,
Với sương lá rụng trên đầu gần gũi
Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi!
(Được giận hờn nhau sung sướng bao nhiêu!)
Anh một mình, nghe tất cả buổi chiều
Vào chậm chậm ở trong hồn hiu quạnh
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! em ơi!
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm
Gió bao lần, từng trận nhớ thương đi,
Mà kỷ niệm ơi, còn gọi ta chi...
Nhà thơ Huy Cận trong lời tựa một tập thơ tình Xuân Diệu đã cho biết Xuân Diệu "muốn làm một quyển từ điển tình yêu bằng thơ của mình". Thế giới tình yêu muôn màu sắc có bao nhiêu trạng thái, cảm xúc phong phú thì cũng bấy nhiêu phen nhà thơ say sưa khám phá và thể hiện bằng sự nhạy cảm rất riêng tư của một người "say đắm tình yêu". Tương tư là một trạng thái khó cắt nghĩa của trái tim, đã được nhà thơ diễn tả bằng sự hoà điệu của hai nguồn tình cảm: Tình yêu với cuộc sống trần thế và tình yêu lứa đôi, trong bài thơ Tương tư, chiều. Không gian chiều - sự xa cách đã làm nên những tiếng thơ gấp gáp rất đặc trưng của hồn thơ Xuân Diệu - có một chút duyên dáng và nôn nả trong lời đầu:
Bữa nay lạnh , mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em
Chiều đến mang theo hơi lạnh cũng là lúc nhà thơ nghe được những vang động của trái tim khát yêu, khát sống của chính mình, bày tỏ khát khao tìm về hơi ấm tình người trong sự gần gũi lứa đôi. "Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ" nên nhà thơ rất hay có những dự cảm mong manh khi bộc bạch tình yêu. Thi nhân bao đời đã từng than thở: "Tương tư không biết cái làm sao - Muốn vẽ mà chơi vẽ được nào", Từ buổi xa xưa của nhân loại, đã có những vần thơ diễn tả cảm giác tương tư mênh mông như nước Tương giang: "Chàng ở đầu sông Tương - Thiếp ở cuối sông Tương - Nhớ nhau chẳng thấy nhau - Cùng uống nước sông Tương" (Kinh Thi). Còn Xuân Diệu không ngần ngại mà thốt lên say đắm và mãnh liệt nỗi nhớ của mình gửi vào không gian chiều vang động, xôn xao. Thế Lữ đã từng nhận xét: "Ông có tấm lòng đắm đuối của tất cả mọi người: yêu nhan sắc, yêu non sông, yêu thơ ca, và yêu cả những buồn thương nhớ tiếc". Tình cảm không chỉ chất chứa trong lòng mà thốt ra thành tiếng; không phải thứ tiếng nói thầm thỉ và rụt rè mà là những lời làm rung động cả không gian. Nhà thơ hơn ai hết hiểu thấu nỗi cô đơn của chính mình:
Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi!
(Được giận hờn nhau sung sướng bao nhiêu!)
Anh một mình, nghe tất cả buổi chiều
Vào chậm chậm ở trong hồn hiu quạnh
Nỗi buồn là có thực. Cô đơn đã hiện hình. Nhưng đó là lúc để con người bày tỏ tình yêu vô bờ bến trong nỗi nhớ lấp đầy không gian lạnh vắng. Xuân Diệu đã bằng Tình yêu mang lại cảm giác ấm áp cho buổi chiều, thắp lên ánh sáng của trái tim để vợi bớt giá lạnh trong thời khắc "ánh sáng mờ dần cùng bóng tối". Có người không hiểu bản chất tình yêu đã có những nhận xét nặng nề về thơ tình Xuân Diệu, cho rằng đó là sản phẩm của một tâm hồn "sống gấp gáp tham lam, yêu hốt hoảng liều lĩnh". Cách hiểu ấy đem đến ngộ nhận về Xuân Diệu, về tình yêu, đáng nói hơn là nhận xét ấy lại tồn tại trong sách giáo khoa lớp 11 chẳng khác nào là sự phủ nhận giá trị thơ tình Xuân Diệu, gò tình yêu vào một thứ công thức xơ cứng mà ở đó chỉ có những nụ cười mới làm nên hạnh phúc. Giữa thái độ sống với tình yêu của Xuân Diệu và kiểu "yêu cuồng, sống gấp" mang màu sắc thực dụng hoàn toàn xa lạ với nhau về bản chất. Có yêu thực sự, con người mới thấu hiểu cảm giác tương tư; có yêu thực sự, ngay trong nỗi cô đơn con người càng cảm thấy tình yêu thắp lên ngọn lửa niềm tin quý giá biết chừng nào. Xuân Diệu đã cụ thể hoá cảm giác tương tư bằng sự hiện diện của người yêu trong một thế giới tình yêu được xây ngay trên mảnh đất trần gian:
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! em ơi!
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm
Tương tư là "nhớ nhau" - theo cái nghĩa mộc mạc nhất của nó. Dẫu Tú Xương đã nói: "Tương tư lọ phải là trai gái" nhưng nỗi nhớ tình yêu mới thật sự mang theo đầy đủ ý nghĩa của tương tư. Và Xuân Diệu lại đem tới một ý nghĩa mới của tương tư trong lời yêu say đắm: không chỉ là nhớ em - nhớ tiếng, nhớ hình, nhớ ảnh, nhớ đôi môi, đôi mắt - mà khi được sống trong nỗi nhớ ấy, con người còn nhớ chính mình: "Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi". Đó là lúc con người được sống trong phần người tốt đẹp nhất, với bao khát vọng sống mãnh liệt, tự tin ở chính mình, tin tưởng ở tình yêu, ở cuộc đời. Có lẽ bức thông điệp tình yêu trong Tương tư, chiều sẽ phần nào giúp người đọc hiểu hơn về Tình Yêu, hiểu hơn tấm lòng tha thiết với cuộc đời của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu.
Trần Hà Nam