Trang trong tổng số 12 trang (116 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10] [11] [12] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

huongnhu

@ Chị NT, chú galangthang:
HNhu đồng ý, có những điều, với người này, là thích - là hay. Nhưng cũng điều đó, với người khác là không hay, là dung tục. Cụ thể ở đây là lối thơ mới, "tân hình thức", mà hnhu đọc được từ mạng, cũng như một số bài ở chỗ này, mà, chú Tuấn mang về.
Theo hnhu, thơ ấy, dù có mới đến mấy, có đi trước thời đại đến mấy, cũng phải xuất phát từ cội nguồn văn hoá của dân tộc. Thơ kia có mới kiểu gì đi nữa, mà xa lạ với thuần phong mỹ tục, xa lạ với lối nghĩ, lối cảm của hnhu, thì hnhu không cảm thụ được.
Và, hnhu chê! Chê thẳng! Không quan tâm, hay phải kiêng dè là thơ ấy được Hội gì công nhận, hoặc được ai yêu thích.
Nhưng, HNhu vẫn hiểu, mọi sự khen chê trong văn chương, đều phải khách quan.
HNhu trót chủ quan mất rồi!
Thế nhân một đoá Vô thường, hiếm hoi!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Đỉnh cao sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm là bài thơ Đất Nước.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nam thanh trường

@ Hương Nhu:

Hương Nhu ạ, tớ không có ý lôi chị Nguyệt Thu vào đâu, đó là ý kiến của riêng tớ, tớ cảm ơn Hương Nhu về đã chia sẻ chân thành, tớ hiểu ý của Hương Nhu... giờ tớ chưa đủ kiến thức, ngôn từ và bằng chứng để nói cho Hương Nhu cả... tớ cảm thấy  thơ đang càng ngày càng tiến về hai cực??? thật đấy, càng ngày sự cảm nhận ấy càng rõ ràng... ( đây là dự đoán của tớ, còn mơ hồ, chưa thể nói nhiều được...khi nào tớ sáng rõ vấn đề tớ sẽ nói )

@ anh Tuấn Khỉ:

Em biết bài Đất Nước anh ạ! đó là bài em đã học trong chương trình phổ thông ,không phải là em không nhớ nhưng mà "không tiện" nói ra , em thích bài "Việt Nam Ơi" của Lưu Quang Vũ hơn. Thực ra em cũng thấy bài đó là bài thơ khá được của Nguyễn Khoa Điềm, nhưng chỉ là đỉnh cao so với chính thơ ông ấy mà thôi !

P/s: được, em nói luôn " không tiện nói ra " vì em thấy được được thôi( tất nhiên là phải có chỗ được được thì em mới nói là được được)
Ta không điên được như người
Một hôm hoá đá giữa đời. Dầm mưa...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nam thanh trường

Cũng tiện em nói luôn: Âm Vật và Dương Vật thì không có gì là dung tục , chỉ là từ bình dân thôi ạ, chỉ là nếu cho vào trong thơ mà người viết chưa đủ trình làm cho nó hay thì nên tránh thôi !

Vậy nhân anh Tuấn có bài đỉnh cao thì em cũng có bài đỉnh cao , Lấy luôn của ông Chủ tich hội nhà văn Hữu Thỉnh đi ( mặc dù nếu xét toàn cục thì tập thơ THƯƠNG LƯỢNG VỚI THỜI GIAN của ông nhiều bài thường quá ) nhưng có bài này em cho là hay, không ngoa thì là đỉnh cao :

CUNG THÁNG CHẠP

Vạc mảnh bờ con cua mất quê
Rau đay làm lẽ buổi tôi về
Ổi đào lên tỉnh xem son phấn
Mẹ vẫn chờ em dóc mía de

Gió nảy đàn tre cung tháng chạp
Trăm câu không đỡ nổi câu tình
Em mang thiên lý về thưa mẹ
Sông vẫn ba đào trúc vẫn xinh.
Ta không điên được như người
Một hôm hoá đá giữa đời. Dầm mưa...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Hmm, đương nhiên là các từ "đỉnh cao" đều chỉ dùng để so với chính các ông ấy. Chẳng nhẽ mấy thứ đó là đỉnh cao của thơ Việt Nam sao?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nam thanh trường

Đỉnh cao nhất của ông ấy không phải là bài "Đất Nước" mà là bài "Mẹ và quả" , đây là ý kiến của riêng em.
Ta không điên được như người
Một hôm hoá đá giữa đời. Dầm mưa...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

vịt anh

huongnhu đã viết:
@ Chị NT, chú galangthang:
HNhu đồng ý, có những điều, với người này, là thích - là hay. Nhưng cũng điều đó, với người khác là không hay, là dung tục. Cụ thể ở đây là lối thơ mới, "tân hình thức", mà hnhu đọc được từ mạng, cũng như một số bài ở chỗ này, mà, chú Tuấn mang về.
Theo hnhu, thơ ấy, dù có mới đến mấy, có đi trước thời đại đến mấy, cũng phải xuất phát từ cội nguồn văn hoá của dân tộc. Thơ kia có mới kiểu gì đi nữa, mà xa lạ với thuần phong mỹ tục, xa lạ với lối nghĩ, lối cảm của hnhu, thì hnhu không cảm thụ được.
Và, hnhu chê! Chê thẳng! Không quan tâm, hay phải kiêng dè là thơ ấy được Hội gì công nhận, hoặc được ai yêu thích.
Nhưng, HNhu vẫn hiểu, mọi sự khen chê trong văn chương, đều phải khách quan.
HNhu trót chủ quan mất rồi!
Tân hình thức chẳng qua cũng chỉ là một thể thơ thôi mà, có những bài rất hay mà Vịt đưa lên diễn đàn nhưng HNhu cũng như mọi người đâu có đọc. Thực tế thì rất nhiều người ở thi viện không biết đọc thơ, không biết cảm thơ chứ đừng nói gì đến thơ tân hình thức hay không. Cãi nhau chỉ mất thời giờ :D

NHỮNG KỶ NIỆM TƯỞNG TƯỢNG
(Tưởng nhớ nhà thơ Hollo Andras)

Tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054
tôi với anh đã nhìn thấy mặt trời
ngày ta sinh là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện
các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra đời
họ lấy nhau của mẹ ta chia nhau làm đồ nhắm rượu
các nữ y tá nhìn ta
kinh nguyệt chảy màu máu còn tươi rói
không có bông, họ lấy tà áo choàng lau vội.

Đêm đầu tiên ta nghe những tiếng động đầu tiên
những chú chuột ăn cắp tã vá của ta làm áo choàng vào bệnh viện
chúng sờ lên mặt ta tìm môi ta liếm liếm
rồi chúng ra đi, ta hồi hộp nằm chờ.

Chúng ta lớn lên cùng nhau ăn thịt chó
cùng nhau thấy những con trâu vừa kéo cày vừa đái bừa xuống ruộng
cùng nhau thấy những gái điếm ngủ dọc bờ sông đầu gục xuống
và những chuyến tàu chở đầy ắp vũ khí
trên nóc toa là trẻ nhỏ người già.

Cùng nhau thấy những đám tang không có hòm
chân người chết thò ra khỏi chiếu
cùng nhau thấy những người mẹ bị thương ruột lòi ra
vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh nhau chỗ ngồi với rắn
và những cánh tay trẻ thơ bom hất lên cành cây vắt vẻo
bên loa phóng thanh đang hát điệu à ơi …

Sáng nay em gái tôi đột ngột ra đời
khi nhìn thấy tôi mẹ tôi cười đau khổ,
(mẹ ơi mẹ sinh em đâu phải là tội lỗi)
em tôi nằm mặt cau có đầy nhăn
giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ một ngàn.

Đã lâu rồi quạ cũng bay đi
có lẽ một ngày kia chúng sẽ trở về mang theo nhiều xương ống
để làm búp bê cho em tôi chơi
làm dùi cho em tôi đánh trống.

TRƯƠNG ĐĂNG DUNG



Một bài của Inrasara mà "nhà thơ" Đỗ Hoàng kết lại trong câu vè :In sa ra gã - Chăm tinh /Tiếng Việt nói ngọng còn bình thi thư


SỐNG LÙI
Inrasara


Sáng mở mắt tôi chợt thấy mọi thứ
đều lùi. Những đám cây mọc lùi nhỏ
dần vào hạt mầm, tận kiếp trước hạt
mầm. Con sông chảy lùi, rất xiết. Thằng

bạn tôi đám cháu của tôi anh chị
em cha mẹ tôi đi lùi bé dại
dần. Tôi đứng nhìn bất lực, không thể
ghì níu. Những ý tưởng nghĩ lùi về

thời tiền sử, bản chép tay mọc thêm
trang lật lùi như thể hết làm thất
lạc. Ngôi nhà cô hàng xóm thuở bé
thơ đổ nát được dựng trở lại. Giọng

nói quen và lạ nói lùi vào trưa
vào chiều vào đêm gọi dậy oan hồn
tu sĩ tiếng thét đại ngộ đánh thức
loài hổ mang thần thoại trườn đổ một

góc rừng. Trận lốc thổi lùi bóc lớp
trầm tích lộ thiên bạt ngàn thành phố
cổ triệu triệu viên gạch vụn lành lặn
trở lại dựng mênh mông cụm tháp xum

xuê bàn tay vẫy môi cười màu áo
làng mạc tiếng quạ kêu lũ chim bay
lùi vào vòm nắng. Mình tôi đứng cô
độc./.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Cháy thơ thiền dỏm, lòi ra khuôn mặt văn học bao cấp nhem nhuốc

Bài đăng trên website Lê Thiếu Nhơn 11:40 - 30/08/2012

Vụ “mượn bút tiền nhân” của Hoàng Quang Thuận vừa qua quả là một cái tát trời giáng vào lâu đài cát văn học bao cấp mậu dịch đang còn bám trụ với lý do câu giờ biện hộ cuối cùng! Đó là một vết nhơ không thể cãi lại! Một nỗi nhục ê chề không cách gì gượng dậy! Là kết quả tất yếu của một nền văn học hà hít tem phiếu ưu tiên mãi mãi chỉ là “bé bự” không thể lớn được! Một môi trường chữ nghĩa với “thơ trí” lọ mọ, tối tăm, u mê, ú ớ, đồng cô bóng cậu nên mới bấu víu vào thần phật, mong muốn một bước hay một giấc mộng lên đời thành hiện thực. Có một điều giản dị thế này, những kẻ ăn mày dù có xin được cơm tám giò chả nhưng không thể nào trở thành sang trọng và vĩ đại.

Cháy thơ thiền dởm lòi ra khuôn mặt văn học bao cấp nhem nhuốc

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

Triết gia Nietzsche nói “Chúng ta không nên đón nhận mà phải sáng tạo, chúng ta không nghèo khổ đến mức phải xin bố thí của thần thánh”. Đây là nguyên lý duy nhất, bởi kẻ sáng tạo phải tạo ra cái của mình, cho dù hang núi có tạo ra tiếng sáo thì đó là thiên tạo chứ không phải nhân tạo, cho dù người mẫu có bán một đêm được vạn lạng bạc thì cũng không phải tài năng nhân tạo mà chỉ là “vốn tự có”. Nhân gian có câu nói lái rất hay “cái trời cho” chỉ là “trò chơi”. Và có một thước đo giá trị tiên quyết không thể cãi được khác “kinh thành La Mã không thể xây trong một ngày”. Chẳng lẽ Hoàng Quang Thuận lại trở thành một ngoại lệ sao?

Có thể đúng đấy vì tất cả những kẻ lười biếng dốt nát muốn ăn may khi chơi sổ số thì đều mong mình được trở thành ngoại lệ. Và cả những người đẩy đít Hoàng Quang Thuận đi giật giải Nobel thì đều mong rằng đó là một ngoại lệ sẽ lách được qua kẽ hở. Than ôi, bốn câu thơ tứ tuyệt khác gì bốn hòn gạch, thôi cứ cho là bốn đống gạch đi làm sao xây thành lâu đài chứ? Hãy nhìn kia và đừng ảo mộng, ngay cả Đỗ Phủ, Lý Bạch sống lại, thì những mẩu thơ của các ông và hàng nghìn nhà thơ Đường xấp xỉ kia cũng không thể ứng cử giải Nobel đâu, mà hậu duệ của các ông chỉ gọi những mẩu bốn câu đó là “mảnh vụn lấp lánh” thôi. Ngay cả Lỗ Tấn là một tượng đài đồ sộ, cha đẻ của nền văn học Trung Quốc hiện đại còn chưa ẵm giải Nobel thì mấy mẩu vần vèo tức cảnh sinh hoạt của các ông có ý nghĩa gì? Văn hào Albert Camus cho rằng: cái vĩ đại của con người nằm ở bộ não kiến trúc chứ không phải ở vật liệu. Ông nói: “không có sự sắp đặt thì đống đá không thể trở thành lâu đài”. Vậy đấy, đống đá ngoài trời so với tòa lâu đài, chỉ khác nhau ở chỗ đống đá thì tự nhiên, còn lâu đài là những viên đá được sắp đặt. Nhìn vào bốn câu thơ tứ tuyệt dù có bằng trắc khúc mắc chăng nữa làm sao thấy được nhà kiến trúc vĩ đại ở đó mà hy vọng vào giải ăn may Nobel, thật ra trong trường hợp này là mong ban giám khảo giải Nobel cũng úm ba la, tối tăm, ấm ớ, ăn gian giống mình???

“Giết vua, giết cha không phải việc xảy ra trong ngày”, đó là phương ngôn của người Trung Quốc muốn nói rằng, việc gì lớn cũng không thể thình lình xuất hiện mà đó là kết quả được lên mầm hay âm mưu từ rất lâu trong quá khứ. Việc đạo thơ giả thánh thần của Hoàng Quang Thuận cũng vậy, nó không chỉ diễn ra vào tháng 8/2012, mà đó là kết quả tất yếu từ một nền văn học bao cấp ú ớ, bản năng, cục bộ, co kéo nhóm lợi ích, bảo hiểm sự bất tài bằng phe nhóm dưới cái mác “sáng tạo tập thể”, trình độ văn hóa công - nông - binh cây nhà lá vườn, trình độ văn thơ nghiệp dư, kiến thức là lớp tráng men của trạm cấp cứu văn hóa Nguyễn Du…, ấu niên hơi một tí lại đòi bú sữa cấp trên, hơi một tí là mách lẻo lãnh đạo… “Cái kim trong bọc mãi cũng bị lòi ra”, một trình độ và một đời sống văn học dựa trên bú mớm như vậy, tất yếu có ngày bị lòi kim ra. Một trình độ mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gọi là vô học, hay “đám giặc già thơ phú lăng nhăng”. Dù bị mắng mỏ như thế, hàng trăm nhà thơ trong hội và hàng vạn nhà thơ trong nước tức tối lắm mà chẳng làm gì để phản bác được. Tại sao? Than ôi vì tầm vóc nhỏ bé quá, những hòn sỏi có chất đống lên nhau làm sao thành non bộ để đọ với người ta. Chẳng những thế rất nhiều kẻ trong đám này còn công kênh Nguyễn Huy Thiệp lên mây xanh rằng: “Nguyễn Huy Thiệp là bút pháp hậu hiện đại xuất sắc”. Hậu hiện đại ư? Nguyễn Huy Thiệp không nói tròn một câu, một chữ tiếng Tây, nhạc cổ điển cũng không hay, tân nhạc cũng không biết, chỉ có đàn nhị sáo trúc trong đầu, viết văn thì dùng nhiều dấu chấm ngắt thành câu đơn giản, liệu có bất cứ nền tảng nào để thấy Nguyễn Huy Thiệp có bút pháp hiện đại hay hậu hiện đại không?

Sự tối tăm từ bản thân mình, dẫn đến sự tối tăm khi xem xét đánh giá người khác là lẽ đương nhiên. Và có đương nhiên không khi các hội đồng chấm giải cũng tối tăm? Vào cuộc thi nào, người ta cũng quảng bá, sẽ có những nhà văn, nhà thơ có uy tín chấm giải. Chẳng lẽ các nhà uy tín đó lại nhiều đến thế trong Hội, mà không cần nêu tên trước muốn tìm ra lúc nào thì tìm. Có một chuyện tức cười và điển hình của ban giám khảo rằng: có người trong Hội Nhà Văn tố cáo, ban chấm giải văn học dịch kia, chẳng có ai biết ngoại ngữ cả. Liền được các vị trong ban đó đáp lại “chúng tôi không biết ngoại ngữ nhưng vẫn biết thưởng thức văn học dịch”. Trời ơi, thế có khác nào, người ăn món ăn lại đi chấm giải nấu bếp của các đầu bếp. Người lim dim nghe nhạc lại cho điểm nhạc sĩ. Học trò lại chấm điểm thầy giáo dạy mình? Không, người chấm điểm phải là người cao hơn như hội đồng thuộc ban giám hiệu. Có những người làm thơ cả đời không bằng người khác làm trong một đêm vậy mà cũng chấm giải người ta. Điều này hoàn toàn không có gì khó hiểu. Mao Trạch Đông từng nói: Liên Xô đã phóng tầu vũ trụ lên trời, trong khi đó chúng ta còn chưa phóng được một củ khoai tây. Cũng vậy, những người làm nghệ thuật bản năng như ngắt lá, gấp lại thổi, cho đó là hồn cốt của làng quê, làm sao có thể chạm đến những bản tổng phổ của dàn nhạc lớn. Làm thơ “bốn hòn gạch”, hoặc kéo dài thêm vài khúc, viết trường ca thì không có cốt truyện, chỉ là thứ nồi lẩu kéo dài vô tận, thì làm sao hình thành nổi một con phố, nói gì đến kinh thành La Mã trong nghệ thuật? Kết quả là người ta phát hiện ra các công thức cứng của các cuộc thi:

1- Người được giải phải là người của báo khác, vì như vậy, tôi đã gắp cho anh, thì lúc khác anh phải gắp cho tôi.

2- Một anh già nào đó sắp về hưu, đó là giải dối già cho anh, coi như làm chính sách.

3- Một cô gái nào ở xa lắc xa lơ, coi như một phát hiện bút pháp quả đầu mùa. Loại này rất an toàn vì thân gái chân yếu tay mềm không thể uy hiếp trực tiếp đến lòng đố kỵ, chọn cái đứa gần nó vòi một chỗ thì rách việc.

4- Phải lại quả cho nhà tài phiệt đã đầu tư cho giải. Và (có lẽ) Hoàng Quang Thuận là người đầu tư trọn gói nên ẵm giải trọn gói cũng phình phường thôi???

Cái yếu kém duy nhất của nền văn học Việt Nam là thiếu lý trí. Vì thiếu lý trí nên người ta mới phải sống và sáng tác bằng cảm xúc, sau đó rêu rao về thiên bẩm như thể tuyên bố giá trị “thần thánh” nơi mình, đó cũng chính là câu chuyện của Hoàng Quang Thuận và mở rộng ra hội thảo. Trình độ của nền văn học chúng ta nói chung mới chỉ là thứ văn hóa quần chúng được vào hội của nhà nước có con dấu và tem phiếu. Nó mới nằm ở tầm “hát hay không bằng hay hát”. Có thể lấy câu chuyện này làm kiểu mẫu điển hình. Chúng ta mới gấp chiếc lá để làm kèn, mới cắt quả bầu để làm đàn. Lúc nhỏ, tôi nghe một anh bạn thổi sáo, đang thổi, anh ta chạy ra sân rúng cây sáo vào bể nước, tôi hỏi tại sao, anh trả lời “vì cây sáo khô quá, nhúng vào nước cho tiếng nó tươi”. Khi lớn lên, tôi gặp một ông thủ trưởng công tác lâu năm trên Tây Bắc, ông ta nói mỗi dịp hội diễn văn hóa quần chúng ông ta lại gảy đàn đỏ cả mũi, con gái thấy hay, chết mê chết mệt! Tại sao gảy đàn lại đỏ mũi? Vì ông ta gảy đàn mũi, lấy tay gảy thẳng lên mũi, mồm phát ra tiếng ứ ứ coi như hộp đàn. Nghệ thuật như thế chỉ làm vui lúc tranh tối tranh sáng thôi, chứ làm sao đòi tiếp quản thành phố hay đi xứ được? Cũng một lần chúng tôi ngồi nói chuyện khi thổi sáo cho nhau nghe, một anh bạn khoe mình thổi sáo, anh kia liền bảo, ngày bé đi thả trâu thằng nào chẳng biết thổi sáo, nói rồi anh ta cầm lấy sáo thổi liền. Một lần khác, chính người lên dây đàn piano của nhạc viện nói với tôi, “anh bảo anh hay nhất làng, hay nhất nước, nhưng anh hát xoan hát xẩm có độ vạn người nghe, ra thế giới lại chẳng có ai đọ với anh, anh nhất làng, cũng là nhất nước, cũng là nhất thế giới luôn. Trong đó nếu anh chơi piano nhất tức là anh là nhất của muôn triệu người. Đây này, ngay như đàn bầu mà trong nhạc viện còn bảo: “Đàn bầu chỉ có một giây/ Đánh mười lăm ngày đã đi tây”. Vậy thì câu chuyện Hoàng Quang Thuận muốn đem cái nhất của làng thơ ta mượn thần phật úm ba la đi tây có phải muốn mượn đàn bầu đi ẵm giải thế giới?

Nền văn học của ta yếu, không chỉ do các nhà văn, nhà thơ, mà còn do móng của cả nền văn học. Triết gia Nietzsche nói: “Một dân tộc không có thiên tài, không bằng cách chấp nhận thiên tài của dân tộc đó”. Âm nhạc cổ điển vào Việt Nam không có người nghe không phải nó dở mà do trình độ dân trí của ta còn thấp. Bằng chứng là ca nhạc tạp kỹ (cũng có nghĩa tạp pí lù), lại được giới bình dân mặc cả quần áo ngủ, áo hở nách đi xem rất đông. Vì sao? Vì nó hợp với thể tạng của họ. Vậy một số những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở ta chớ có quá tự tin vào việc mình nổi tiếng, có khi đó chỉ là vì văn chương của mình dễ dãi bình dân.

Người Việt nói chung rất ngại tư duy và phán xét bằng tư duy, cho dù họ có học nhiều học rộng chăng nữa, như tiến sĩ Hoàng Quang Thuận chẳng hạn, dù có học cao bao nhiêu cũng muốn lẩn trốn tư duy để chạy vào vần vèo cảm xúc, có cả nghìn tổng giám đốc cũng thế, sau khi có chức quyền rồi, dù đỗ bằng gì, cũng không muốn tư duy chuyên ngành mà chỉ muốn làm thơ. Nhưng tại sao chỉ có thơ mà không viết truyện ngắn hay tiểu thuyết? Bởi vì các ông còn lười, ham vui và thích nổi tiếng thật nhanh nữa. Còn lại rất nhiều trí thức Việt khác vẫn còn mang truyền thống “bánh trưng lại gạo”, học hành đỗ đạt bao nhiêu, đi tây đi tầu bao nhiêu, rút cục chỉ đòi hành quân về làng. Hãy xem kia, thánh Gandhi đã hành quân từ Nam Phi về quê hương mình với phong trào Bất bạo động đã làm rung chuyển cả Âu Mỹ. Tại sao ông làm được vậy? Vì ông đã thoát xác con người làng quê và cả dân tộc mình để trở thành công dân thế giới. Còn Lỗ Tấn trở thành cha đẻ của văn học hiện đại Trung Quốc vì mở màn đã sỉ vả cả dân tộc mình “người Trung Quốc chỉ giỏi ăn thịt người”, kể từ ông người Trung Quốc đã quẳng bút làm thơ từ nhiều thập niên mà chuyên tâm hơn vào việc viết văn.

Cả nước hiện có chưa đến chục vị viết phê bình văn học mà chủ yếu là U50, còn lớp trẻ, ngay gần đây, khi một đàn anh hỏi “tại sao các chú không có nhà phê bình cho thế hệ của mình?” thì không trả lời được. Còn lại đa số là dạng trí tuệ “comment”. Trong số này, có nhiều người chính đáng giúp ích cho sinh hoạt của nền văn, nhưng cũng không ít “nặc danh” nhảy ra khoe mẽ chút kiến thức ít ỏi nhưng chú mục của mình. Người Việt có câu “kẻ vô tình, người hữu ý”, muốn nói, khi anh đã chú mục vào việc gì thì anh rất dễ hơn người khác. Nhưng đó chỉ là cái chú mục của tiểu tiết như người Việt nói “tham bát bỏ mâm” hay “tham tiểu tiết mà bỏ mất đại cục”. Nhóm nặc danh không cần biết nguyên lý tiên quyết của tranh luận là “danh chính ngôn thuận” hoặc “oan có đầu, nợ có chủ”, cái chính kiến của mình mà còn giấu như “mèo giấu cứt”, đòi chơi du kích “ném đá giấu tay” thì còn gì để nói. Và cái chính họ làm là xăm soi vào lỗi chính tả. Có một phương ngôn rằng “chớ cúi nhìn xuống chân, bạn có thể không vấp ngã nhưng chẳng bao giờ thấy được những vì sao!” Ở đời, trèo nhiều ngã nhiều, trèo ít ngã ít, không chèo không ngã. Một bài tiểu luận chưa bao giờ viết được, viết có hai mẩu comments đã loanh quanh, tên thì giấu vì sợ (sợ cả quyền lực lẫn trí tuệ), thì đòi cao đàm khoát luận những thứ cao siêu làm gì?!

Dân tộc ta đã ngót trăm triệu người, đang trở thành cường quốc về dân số, rất cần thiết để chúng ta có một vài hoặc nhiều hơn những tác giả xứng tầm. “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con” của thi sĩ Tản Đà vẫn là thách thức của chúng ta. Người Việt chưa nói đến tài năng, chỉ cần nói chúng ta trưởng thành chưa đã rất khó. Vì sao? Vì chúng ta dù học nhiều mà không có thói quen suy xét bằng lý trí. Không có lý trí thì học nhiều cũng chỉ là “ngăn kéo thông tin” thôi. Riêng tôi không ít lần đưa tay phải ra bắt, thì người kia lại úp bàn tay trái đưa ra kiểu ban phát. Văn hóa của anh ta thấp thế à? Không, anh ta không bao giờ dám đưa tay trái cho lãnh đạo. Sau khi làm vậy chắc anh ta sẽ đắc ý, mình khôn ngoan đã hạ thấp được kẻ khác. Một lối khôn, một cách sống không bao giờ có thể trưởng thành.

Một bức toan trắng còn hơn một bức vẽ tồi, bởi vì bức toan trắng đó dự phóng cho một tác phẩm mới vĩ đại. Môi trường văn học của chúng ta toàn cỏ mọc le te đã ô nhiễm rất cần khai quang thành tấm toan trắng để những cây đại thụ văn học khác lớn lên. Những nhà văn, nhà thơ bao cấp đã khánh kiệt cả vốn liếng lẫn cơ hội rồi, chớ đứng bịt cửa chắn đường đòi “rót vốn” như doanh nghiệp đã phá sản đòi tái cơ cấu nữa. Rút cục có mấy vần thơ đã đánh vớt cả cuộc đời nhàn nhã mang danh chữ nghĩa, người Pháp có câu “không ai được tất cả, không ai mất tất cả”, cái may mắn tem phiếu đầu tiên đó không kéo dài mãi để trở thành con đường danh vọng vĩnh cửu đâu?! Hoàng Quang Thuận chính là tấm màn đã hạ rồi! Dù không nhìn thấy thứ phao nháy đó, chắc hẳn từ đây những ai đòi bày trò giải rủng hay hội thảo thì đều run cầm cập, bởi vì sự nhợt nhạt, mủn mục, tàn rã của nền văn học đòi ưu tiên bao cấp vô thời hạn đã phơi ra một lỗ thủng to tướng cuối cùng rồi. Người ta không dễ chơi trò ấp úng, úp mở, mê dụ bạn văn và bạn đọc mãi được.

30/08/2012
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vài ý nghĩ về Thơ và cách ứng xử với Thơ

Bài đăng trên website Lê Thiếu Nhơn 17:39 - 30/08/2012

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà thơ Hoàng Cầm có nói đại ý rằng: tính cách của người Việt rất gần gũi với thơ - đó là lối sống tình cảm đối với bạn bè, bà con làng xóm, nhường cơm sẻ áo trong hoạn nạn... Trải qua mấy nghề nghiệp, đi tới nhiều vùng đất, tôi đã tự mình kiểm nghiệm được cái đúc kết giản dị và lý thú trên của thi sĩ Hoàng Cầm... Xin kể một chuyện nhỏ. Dạo ấy, sau khi chuyển vùng từ Tây Bắc, tôi nhận công tác ở một trường cấp ba huyện ngoại thành Hà Nội. Cô tài vụ của trường có vẻ ác cảm với một kẻ tự ti lầm lỳ như tôi, hoặc coi thường anh giáo nghèo miền núi trở về, nên cứ vào kỳ lĩnh lương, cô thường để tôi phải đi tới đi lui dăm bẩy bận, đến phát khùng lên mới được lĩnh hết lương. Một buổi, tôi vào phòng tài vụ chờ rất lâu. Có cuốn sổ tay để mở, tôi tò mò cầm đọc. Hóa ra là sổ chép thơ tình, có cả mấy bài thơ dịch Puskin. Có nhiều câu chép sai, sai cả chính tả.

Vài ý nghĩ về Thơ và cách ứng xử với Thơ

NGUYỄN ANH TUẤN

Thời gian dài vừa qua, đời sống văn hóa & tinh thần nói chung, đời sống văn chương nói riêng đã diễn ra tình trạng loạn chuẩn tới mức báo động, và nổi lên những hiện tượng kỳ dị - nổi bật nhất là tình trạng "lạm phát thơ" (như tên một bài viết), mà đỉnh cao (hay thực chất là biến tướng quái đản của nó) là hiện tượng người làm thơ dám tự nhận "mượn bút tiền nhân"...

Là một người yêu thơ, và đang làm một công việc có thể nói là lấy thơ ca làm gốc, tôi xin mạnh dạn góp mấy lời lạm bàn về hiện trạng trên.

Đúng là có sự thật: "Nhan nhản những tập thơ vô thưởng vô phạt xuất hiện trong các giải thưởng, trên quầy sách, trên bàn thờ tổ tiên hay trên những trang mạng cá nhân. Đó là thứ thơ sáo mòn, nhạt thếch và cũ rích, tưởng như vừa khai quật trong bãi thải của quên lãng... Nhưng cũng không ít người say mê với nó và tưởng mình không thua gì Nguyễn Bính, Xuân Hương khi được một số độc giả khen vuốt ve trên mạng ảo…" ("Hiện tượng vè hóa, văn xuôi hóa và cũ hóa Thơ…cần báo động" - Nguyễn Trọng Tạo - trieuxuan.info). Quả thực có chuyện: "Thơ thập - diện - mai - phục… thơ làm tắc nghẽn mọi ngóc ngách, ngõ hẻm, đường sá, giao lộ tinh thần khiến cho thơ sạch không có lối đi." ("Vấn nạn thơ đầy đường"- trannhuong.com). Bản thân tôi cũng đã bày tỏ thái độ trước sự lạm phát thơ này trong vài bộ phim truyện truyền hình phát trên Văn nghệ chủ nhật, như phim "Trời cho - trò chơi": một ông được đền bù đất đai đã vung tiền cho mình và vợ con làm sang - vợ mở phủ, con gái mua sắm, còn bản thân thì cho in thơ "con cóc" của mình để khoe và để biếu (do một cò mồi kích thích dẫn dắt mà diễn viên Xuân Bắc thủ vai rất đạt).

Nhưng, đó chỉ là một nửa của sự thật, đúng hơn, là cái mặt nổi của sự thật.

Lòng yêu thơ, có thể nói là cái phần tốt đẹp nhất trong những tình cảm tốt đẹp còn sót lại sau những cuộc tàn phá kinh hoàng của nền kinh tế thị trường méo mó đối với nhân tính và các mối quan hệ xã hội. Tôi rất tâm đắc với một ý kiến của tác giả Thi Thi: "Nếu có một ngày toàn nhà thơ tham gia giao thông thì chắc chắn nạn tắc đường giảm đi rất nhiều, bởi dù đấy là nhà thơ ở cấp độ nào thì đều là những người có tâm hồn phong phú, có nhân tính, biết nhường nhịn nhau. Đặc biệt nếu có chút va chạm không tránh khỏi vì quá đông thì cũng không xảy ra xô sát lớn, vì ngoài các yếu tố trên, trong túi các nhà thơ nhiều nhất cũng chỉ có cây bút và cuốn sổ, không bao giờ có dao, kiếm, dùi cui điện hay súng… Còn nếu các nhà công quyền lại đồng thời là các nhà thơ thì lại tốt quá, người dân chắc không phải điêu đứng vì thói hống hách, quan liêu, cửa quyền, tham lam vô độ… ("Đất nước càng nhiều nhà thơ càng tốt"- nguyennguyenbay.com).

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà thơ Hoàng Cầm có nói đại ý rằng: tính cách của người Việt rất gần gũi với thơ - đó là lối sống tình cảm đối với bạn bè, bà con làng xóm, nhường cơm sẻ áo trong hoạn nạn... Trải qua mấy nghề nghiệp, đi tới nhiều vùng đất, tôi đã tự mình kiểm nghiệm được cái đúc kết giản dị và lý thú trên của thi sĩ Hoàng Cầm... Xin kể một chuyện nhỏ. Dạo ấy, sau khi chuyển vùng từ Tây Bắc, tôi nhận công tác ở một trường cấp ba huyện ngoại thành Hà Nội. Cô tài vụ của trường có vẻ ác cảm với một kẻ tự ti lầm lỳ như tôi, hoặc coi thường anh giáo nghèo miền núi trở về, nên cứ vào kỳ lĩnh lương, cô thường để tôi phải đi tới đi lui dăm bẩy bận, đến phát khùng lên mới được lĩnh hết lương. Một buổi, tôi vào phòng tài vụ chờ rất lâu. Có cuốn sổ tay để mở, tôi tò mò cầm đọc. Hóa ra là sổ chép thơ tình, có cả mấy bài thơ dịch Puskin. Có nhiều câu chép sai, sai cả chính tả. Tôi liều mạng lấy bút ra sửa giúp. Khi cô tài vụ về, chưa kịp thoái thác với tôi là hôm nay chưa có tiền lương, cô chợt nhìn thấy tôi cầm cuốn sổ, bèn giật lấy nhìn, thấy mấy chỗ sửa. Tôi tái mặt lo lắng. Nhưng số tôi thực may mắn. Cô đọc một lúc, vẻ lạnh lùng khinh khỉnh dần biến mất, rồi nhẹ nhàng hỏi: "Anh sửa đấy à?" Tôi ấp úng gật đầu: "Tôi... Tôi là giáo viên văn mà...". Cô dường như quên phắt cái sứ mạng là phải hành hạ một "ma mới" như tôi, hào hứng: "Anh thuộc nhiều thơ không? Chép hộ em với nhé?" Thế là hôm đó, lần đầu tiên sau hơn nửa năm chuyển vùng về, tôi được lĩnh lương đúng hạn... Mà công đầu là do Thơ; đúng hơn là do tâm hồn yêu thơ của một cô gái tuy có nhiều nét tính cách không dễ chịu gì cho lắm nhưng chỉ một cái đức yêu thơ đó cũng đủ thể tất nhân tình cho tất cả... Gần đây nhất, khi về làm phim tại thôn Duệ Đông - một trong 49 làng quan họ gốc Bắc Ninh, tôi được tặng một tập thơ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập CLB thơ Duệ Đông (15/8/ 1997- 15/8/2012) mà tác giả là những liền anh liền chị cao tuổi. Trong số những tác giả mà tôi được tiếp xúc, tôi đặc biệt chú ý tới bà Nguyễn Thị Ngọc Viên. Say mê tiếng hát quan họ cổ của bà, tôi còn rung động sâu sắc trước cuộc đời bà: chồng và cả ba người con đều lần lượt ra đi do tai nạn & bệnh tật bất ngờ, trong nhiều năm bà đã cắn răng để sống, để hát quan họ, truyền dạy hát quan họ cho lớp trẻ, và làm thơ. Thơ của bà dung dị, chân thật, đượm xót xa ngọt ngào và thấm như câu ca quan họ:

Cánh sen gọi nắng trưa hè
Mưa rào bất chợt, ướt nhòe thơ tôi...


Những câu thơ & những bài thơ như thế của bà, của cả CLB thơ Duệ Đông, và của rất nhiều CLB thơ trên toàn quốc đang lấp lánh trong biết bao tập thơ đã được in ra. Có thể nói, chúng là nguồn thơ ca dân gian vô tận để từ đó hình thành nên những đỉnh cao văn chương bác học - thời xưa là thế mà thời nay cũng chẳng khác mấy. Nếu có những tập thơ nào đó được sản xuất ra với mục đích ngoài thơ ca và có nguy cơ làm "tắc nghẽn mạch giao thông tinh thần" - thậm chí làm mọi người bị ngộ độc, thì đó chỉ là số ít!

Nhà thơ Trần Dần sinh thời đã có lần bênh vực loại thơ ca dân gian đó như sau: "Con đường số 7 của tao/ Nó đi theo giặc tao đào nó đi. Hai câu thơ đó là đúng hay sai chính trị?... Cụ Hoài Thanh, anh Xuân Diệu bảo là sai chính trị... Tôi rất khen hai câu thơ đó. Tôi cho rằng nó đúng chính trị, đúng lập trường. Tình cảm nó gợi lên: mạnh mẽ, phong phú, chua xót mà chủ động. Người đào đường lớn hơn con đường, con người mạnh bạo, chủ động, chua xót, làm một việc bất đắc dĩ mà cần thiết. Đó là chính trị, là lập trường của hai câu thơ... Người thi sĩ có quyền nói tha hồ, nói sống nói chết, nói bừa nói bãi, nói sao thì nói rốt cục tình cảm đọng lại mạnh mẽ, phong phú, xốc người ta lên yêu ghét hành động. Cho nên thường khi người ta thấy người thi sĩ nói những điều rất phi lý: trèo trời đục đất. Có lúc người thi sĩ biến thành ánh trăng, một vì sao. Lúc biến thành con mãnh thú. Lúc biến thành chiến sĩ, thành Tiên, thành quả núi, con sông, v.v. Tất cả mọi chuyện thực là vô lý, có khi như sai chính trị, sai sự thực, như là duy tâm nữa. Nhưng nếu tình cảm đọng lại mạnh mẽ, thôi thúc, xô đẩy người ta lên thì không sai chút nào cả- như hai câu thơ trên kia..." ("Thơ chính trị - thơ chính sách" - Tư liệu riêng của gia đình nhà thơ Trần Dần).

Không ít những lời tâm huyết nói về Thơ trong thời buổi lạm phát Thơ và chắc chắn tìm được đồng cảm của nhiều người thậm chí không hề làm một câu thơ, xin mạn phép được trích dẫn đôi dòng:

"Thường nhân làm thơ không phải để trở thành vĩ nhân hay để trở thành thánh nhân, mà mong mỏi trở thành hiền nhân... Niềm sáng tạo thi ca mệt mỏi trước nỗi ma lực chữ nghĩa đớn đau, chỉ khát khao góp cho khách tri âm chút đồng cảm nhỏ nhoi về số phận và phẩm giá từng con người trong xã hội. Tôi nghĩ, đó là những tiếng thở dài mơ hồ rất cần được lắng nghe và trân trọng.... Khoảng cách từ sự thăng hoa trên bàn viết nhà thơ đến tác phẩm trên tay độc giả, dường như càng ngày càng vời vợi hơn, mà nhiều toan tính và nhiều xao xác đã bắt đầu nhen nhóm. Thực trạng có vẻ bẽ bàng kia đã làm tôi ái ngại, nhưng không hề khiến tôi tuyệt vọng về sức mạnh cứu rỗi của thi ca. Tất nhiên, tôi không dự định kỳ diệu hóa năng lực nhà thơ, nhưng tôi dám chắc sự gặp gỡ ngỡ tình cờ giữa những tâm hồn, đôi khi có thể chở che không ít u uẩn, đôi khi có thể xoa dịu không ít đắng cay!" ("Phê bình thơ, nên khen hay nên chê?" - Lê Thiếu Nhơn).

"Đúng là thơ hay - bao giờ cũng xuất phát từ những nỗi niềm sâu thẳm của tâm hồn, từ những trải nghiệm máu thịt và suy ngẫm giàu lòng nhân hậu về cuộc đời và phận người trong thế gian này - chứ đâu phải cứ băm bổ chạy theo nào là “hiện đại”, “hậu hiện đại”, nào là “hội nhập” với văn chương nhân loại,  rồi thì “đổi mới” bằng mọi giá… là có thơ hay đâu. Một bằng chứng hùng hồn và thực tế đáng buồn là bạn đọc yêu thơ đang quay lưng lại với thơ mới hôm nay…" (Triệu Lam Châu - thieunhon.com).

"Sao trước những sự kiện bức xúc của đời sống, thơ không lên tiếng, thơ lặng câm? Những bài thơ cất lên ở các dạ hội, đêm thơ, ngay cả của các nhà thơ Việt, hình như vẫn ở bên ngoài thời sự của cuộc sống hôm nay của người dân?" ("Nghĩ từ liên hoan thơ quốc tế Việt Nam lần thứ nhất" - Phạm Xuân Nguyên- lethieunhon.com).

"Theo ý tôi, cái truyền thống vinh quang của người thi sĩ là ở chỗ lúc nào họ cũng thấy có trách nhiệm gắn bó với cuộc sống. Họ là những người biết yêu ghét vui mừng hay căm giận ở một mức độ cao hơn mọi người. Họ là những người lúc nào cũng tha thiết với chính nghĩa và tự thấy như mình phải có một sứ mệnh: làm cái tiếng nói trong sáng nhất, can đảm nhất và tha thiết nhất của con người. Cũng chính vì có mang được cái truyền thống đó trong mình nên người làm thơ mới được xã hội cần đến." ("Mấy Ý Nghĩ Về Thơ" - Quang Dũng  - Vanchuongviet.org).

"Bên cạnh đó thơ ca mang đến đời sống cho mọi người. Họ làm thơ không phải để thúc đẩy sự phát triển, mà để sống, chia sẻ, kêu gọi chống lại sự vô cảm, xấu xa trong xã hội. Mỗi giai đoạn có những nhà thơ xuất sắc, mở ra nhiều giọng điệu, làm cho ngôn ngữ tiếng Việt chứa đựng nhiều vẻ đẹp hơn." (Toan Toan - tienphong.vn)

Viện sĩ Viện Hàn lâm Petrov đã cho chúng ta thấy sự trăn trở về Thơ ở nước ta thực ra cũng là mối quan tâm của nhiều dân tộc trên thế giới, và chúng càng có giá trị thời sự với hôm nay: "Tôi không phải là nhà tiên tri, nên không thể đoán được thơ ca sẽ đi đến đâu, và tác động của nó như thế nào. Nhưng theo tôi nghĩ, thơ ca vẫn có thể là một cái gì đấy cứu vãn được con người. Thơ ca xuất phát từ những suy nghĩ của những nhà tiên tri ngày xưa, suy nghĩ về cuộc đời, suy nghĩ về ý nghĩa của con người trên Trái Đất... Từ đó thơ ca dần phát triển và được người ta chú ý đến. Ngoài ý nghĩa trên, nó còn có tính hình tượng và đẹp nữa, mang những nghĩa ấn dụ, bóng gió để nói lên suy nghĩ về những vấn đề cốt lõi của cuộc đời... Đọc một bài thơ mà không hiểu cái gì cả, lại chưa chắc đã hay nữa, vậy thì người ta lại tìm đến cái đơn giản, cái cụ thể cho cuộc sống của họ. Một ngày nào đó, mọi người lại có nhu cầu, tìm kiếm một điều gì đó cần thiết để vươn lên, vượt lên, thì có một câu trả lời đang chờ người ta ở trong bài thơ. Đấy là chức năng thơ. Cái đó vẫn tồn tại." ("Thơ ca, hay là câu chuyện "số đông - số ít" - NNB.com).

Đạo diễn điện ảnh Tự Huy - cháu bốn đời của nhà giáo, nhà văn hóa, nhà thơ lớn Nguyễn Văn Siêu có kể cho tôi nghe một câu chuyện thú vị về nhà thơ Trần Dần. Nhà thơ vốn nổi tiếng là người chịu khó tìm tòi cách tân Thơ này bảo ông Tự Huy: "Có một bài ca dao cổ tuy hay nhưng tôi không đồng tình với nội dung và hình thức của nó":

"Tình cờ bắt gặp nàng đây
Đòi cắt cái áo đòi may cái quần
May rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng, anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vò
Ba con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp đôi chằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan tư tiền cưới lại đèo buồng cau..."


Nhà thơ Trần Dần đã làm lại bài ca dao. Và nhà thơ đã đọc cho đạo diễn Tự Huy nghe bài thơ đó, nguyên văn như sau:

"Bao giờ em đi lấy chồng
Để anh sắm sanh quà cưới
Anh mừng em đôi chiếu mới
Em về trải kín giường đôi
Anh đi sang tận làng Ngòi
Tìm mua gạo cẩm
Xu xuê bánh cốm tự anh buộc lạt điều..
Em có cần anh đầu cỗ
Bảo người nhắn gọi anh sang
Giò lụa chạo nem, thịt quay xôi gấc
Vật bò mổ lợn
Con dao anh cắt, nuột lạt anh thắt
Giò thủ anh nén, nước xuýt anh nếm, nạc mỡ anh pha
Cỗ lòng anh thuốn, gỏi cuốn anh cuộn
Mâm son anh dọn, đĩa trúc anh so...
Hay em nhờ anh giúp về văn nghệ
Để anh sửa soạn chương trình
Máy hát anh mượn, trò vui anh chọn
Bạn bè anh đón
Tuyên bố lý do anh nói
Kèn tàu anh thổi.
Anh lưu tới cuối tiệc tan
Khách muộn anh tiếp, đèn rạp anh tắt
Thuốc lá thừa anh nhặt
Xong xuôi anh về!"


Tôi chợt nảy ý nghĩ: bài thơ làm lại này của thi sĩ "thủ lĩnh trong bóng tối" (Phạm Thị Hoài) có thể coi như một nhát búa tạ phang vào cái thói "làm duyên làm dáng" (Lưu Trọng Lư) của nhiều nhà "hoạn quan trữ tình" (Maiakovski), giáng mạnh vào cái thực chất trống rỗng về tư tưởng, nghèo nàn về vốn sống và kém cỏi về tiếng Việt nên đành phải mượn cái vỏ hiện đại, hậu hiện đại rất khụng khiệng để che lấp của không ít nhà thơ chúng ta hôm nay.

Đáng mừng là, giữa cái loạn chuẩn về giá trị Thơ, có một nhóm nhà thơ phía Nam đã tình nguyện đứng ra làm một loạt "tập thơ hay", với tinh thần vô tư, không vụ lợi, nhằm góp phần chuẩn hóa, định giá chính xác về Thơ Việt hiện đại. Tập đầu tiên của "Thơ Bạn Thơ"- gồm 5 tập (Nguyễn Nguyên Bảy & Lý Phương Liên chủ biên) đã ra đời vào dịp Lễ Xá Tội Vong Nhân năm nay. Giá trị nội dung nghệ thuật chứa đựng trong những tập thơ đó ra sao, người đọc đông đảo sẽ có thời gian thẩm định; có điều, đó thực sự là những "tuyên ngôn" bằng thơ chân chính có tác dụng thanh tẩy những gì không phải là Thơ, hạ thấp Thơ, thậm chí giả Thơ... Công việc này có thể là một hồi chuông thức tỉnh, một sự mở đầu cần thết để phục hưng lại những giá trị thơ ca đích thực đã từng bị lem luốc một cách oan uổng trong những năm tháng vừa qua.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Đừng mơ đến giải Nobel!

Đừng mơ đến giải Nobel
Khi nền với móng nhỏ nhen cối chày!
Người ta xúm lại cùng bay
Mình thì xúm lại để dày xéo nhau.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 12 trang (116 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10] [11] [12] ›Trang sau »Trang cuối