@ Anh Tường Thuỵ: Em rất quý tài thơ và cách đặt vấn đề trao đổi thẳng thắn, rõ ràng của anh. Mặc dù trong lĩnh vưc thơ ca, em chỉ đáng là học trò của anh, em vẫn thẩm được thơ và phê bình thơ của anh theo cách riêng của mình. Xin chọn luôn bài thứ hai trong chủ đề thơ trữ tình của anh để anh em mình cùng trao đổi nhé !
EM VÀ THƠ
Em là một nguồn thơ
Khơi cho dòng mực chảy
Con chữ rơi trên giấy
Anh dệt thành ước mơ.
Bài thơ làm theo thể ngũ ngôn ngắn gọn, súc tích. Chỉ vỏn vẹn có hai mươi chữ mà chuyển tải được nhiều thông điệp: Em rất quan trọng đối với anh, bởi anh yêu thơ, anh giàu mơ ước; em chính là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi khơi nguồn cho sáng tác thi ca của anh. Những ước mơ anh gửi gắm trên từng con chữ kết tinh tình em và anh... (Thôi, cắt bớt đoạn tán dương này anh nhé, cứ cái đà này thì dài lê thê đến 2 trang ấy, anh Tường Thuỵ nhỉ!).
Các cụ ta thật có lý khi đúc rút kinh nghiệm:
"Con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt"
Em đảm bảo với anh rằng: Người con gái nào được anh tặng bài thơ này mà chả sướng run lên vì trong tâm hồn anh, mình có vị trí quan trọng đến nhường ấy kia mà. Nhưng, nếu Nhật Lệ có diễm phúc được anh gửi tặng riêng bài này, nhật Lệ cũng không thích đâu.
Lý do:
1/Biện pháp tu từ anh sử dụng trong bài là nghệ thuật so sánh: Em- nguồn thơ. Hình ảnh này không mới lạ, đọc thấy sáo mòn vì rất nhiều người đã mô tả như vậy. Văn chương là thứ phải tìm cho mình 1 con đường đi duy nhất, không bước lại dấu chân người khác ...
2/Lại nữa, mực bây giờ thì đễ cạn lắm không còn mãi như nguồn suối được đâu. Khi dòng mực không chảy nữa => tình yêu còn không anh?
3/ Người ta định nghĩa thơ đổi mới là thơ động từ, thơ tính từ đã "về hưu non". Trong bài thơ của anh có 2 động từ đáng chú ý "khơi, dệt" . Tuy nhiên, "khơi dòng mực" không có gì là mới lạ, nếu anh "khơi" một thứ không thể "khơi" được ở trong thực tế, mà nghiêng về mặt cảm xúc, đó mới là tư duy thơ sáng tạo.
Từ "Dệt" cũng như vậy. Dệt ước mơ thì xoàng quá, lại vô khối người từng viết. Em thử đặt 1 câu:
"Em dệt nghiêng nửa giọt nước mắt đời
Đậm trang thơ anh"
có đáng suy ngẫm hơn không?
4/ Từ "Con chữ" cũng như cái chữ, nét chữ, dòng chữ chứng tỏ khi viết từ này anh đã mắc bệnh "ngại động não". (Em cũng rất hay bị mắc căn bệnh này). Anh em mình cùng chỉ trăn trở bằng việc thay 1 từ mới xem bài thơ có thể "đọng lại" hơn không?
Anh có nghĩ "Mảnh chữ" nghiêng trên giấy là hình ảnh lãng mạn tựa lá rơi nghiêng chiều thu không? Hơn nữa, nếu từng chữ rơi rơi sẽ gợi nhiều liên tưởng, chữ này, (nếu có) hẳn cũng chưa nhiều người dùng?
5/ Cái tít của anh không có gì thu hút, chỉ là 2 vế cân bằng, giống như cái bàn cân. Nếu "Em & Thơ" - thay vì tách bạch, chỉ cần gọi "Em Thơ" có hơn không? Nghĩa sẽ được mở rộng, người đọc nghĩ: có thể đơn giản, em ấy tên là Thơ, cũng có thể, em chính là thơ, và thơ cũng là em. Vấn đề cộng gộp gợi nhiều liên tưởng, tuy không mới, nhưng thú vị. Còn tách bạch rõ ràng, đó không phải việc của thi sỹ, mà là của những nghề tắm đẫm thực tiễn khác.
=> Đôi điều "trêu chọc" anh chút. Vì nghề thơ là nghề cần mẫn. Đôi khi, trăn trở với mỗi từ, thêm bớt từ đắt, gợi nhiều liên tưởng, giá trị bài thơ được nâng lên rất nhiều, anh nhi? Em cũng thường đọc lại những bài thơ cũ và hoặc thơ mới viết vội của mình theo kiểu nối thơ, nối ý với người khác để thấy mình còn kém cỏi, phải học hỏi nhiều...Thơ - hãy nói bằng cảm xúc cá thể, để mỗi người đọc tìm được chút gì vượt biên khỏi bài thơ, đừng để đọc xong thì bài thơ khép lại, chẳng đọng chút dư âm, chút muối mặn nào vào đời sống...Đó là điều em hằng tự nhủ mà chưa vươn tới được...
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...