.
Bài thơ Liêu trai đề từ của Vương Ngư Dương

I/ Bồ Tùng Linh và tác phẩm Liêu trai chí dị

 Trước khi đề cập đến bài thơ đề từ của họ Vương, xin nói qua về danh sĩ Bồ Tùng Linh và bộ truyện vĩ đại Liêu trai chí dị.

 Bồ Tùng Linh người tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sinh năm Sùng Chính thứ 13 (1640) vào cuối đời Minh. Lúc nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh thì ông vừa được 7 tuổi. Ông mất năm 1715, dưới đời vua Khang Hi nhà Thanh, thọ 76 tuổi.
Bồ tiên sinh tự là Lưu Tiên (留仙) lại có tự là Kiếm Thần ( 剑臣), biệt hiệu Liễu Tuyền cư sĩ  (柳泉居士),  tự xưng là Di Sử thị (异史氏), người đời vẫn gọi là Liêu Trai tiên sinh (聊斋先生).
 Ông là thầy giáo nghèo ở làng quê, học giỏi, 18 tuổi đã đỗ đầu huyện, phủ, tỉnh trong khoa thi Đồng tử, được bổ Bác sĩ đệ tử viên ( Chức danh ban cho người học giỏi, được vào học ở Thái học) nhưng sau đó thi mãi không đỗ đạt gì, đến năm 71 tuổi mới đỗ Cống sinh và chỉ 4 năm sau thì mất. Lúc sinh thời, ông dành hầu hết thời gian trong việc dạy học tư, và sưu tầm những câu chuyện mà sau này được viết trong tác phẩm Liêu trai chí dị, bao gồm 12 quyển chia làm 431 truyện chính và 17 truyện phụ.

Xã hội phong kiến thời Mãn Thanh đầy rẫy những tệ nạn, những thói tục vô lý, đầy rẫy những tên dốt nát, gian ác nhưng lại đỗ đạt và được cất nhắc làm quan khiến Bồ Tùng Linh chán nản. Thực tế cuộc sống ấy được tác giả cách điệu thành những câu chuyện ma quái, đưa vào Liêu trai chí dị.
Trong 2 từ "Liêu trai" thì "trai" là chính từ, còn "liêu" là bổ túc từ. Từ "trai" có rất nhiều nghĩa nhưng nghĩa "phòng học", "phòng đọc sách", là được nhiều người đồng tình nhất. "Liêu" có nghĩa là "sơ sài", "tạm bợ" . Vậy Liêu trai chí dị là sách ghi những chuyện quái lạ, viết ở phòng học sơ sài, tạm bợ. Thật ra trước đó Liêu trai chí dị có tên là "Quỷ hồ truyện" (鬼狐傳). Nhưng có lời đồn rằng trong những lần ông đi thi Hương, quỷ và hồ ly cứ quanh quẩn ngoài lều khiến ông sợ hãi nên đổi tên thành Liêu trai chí dị.

 Sau khi Bồ Tùng Linh mất, vì nhà nghèo, không có ai chủ trì,Liêu trai chí dị vẫn không thể ấn hành; mãi hơn 50 năm sau (năm Càn Long thứ 31; 1766) mới được khắc in và chỉ sau một thời gian, các bản dịch Liêu trai chí dị đã xuất hiện ở hơn 20 nước. Đến nay tác phẩm được chuyển thể sang các loại nghệ thuật khác như: hí kịch, điện ảnh, phim truyền hình, …
 Ở nước ta, từ năm 1901 trên báo Nông Cổ Mín Đàm, Liêu trai chí dị đã được dịch và đăng nhiều kỳ. Sau đó các dịch giả như Tản Đà, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Huệ Chi, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Huyền, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Vọng Chi Nguyễn Chí Viễn,  Phạm Tú Châu, Đỗ Ngọc Toại, Nguyễn Đức Lân, Trần Thị Băng Thanh, Đàm Quang Hưng, ... dịch lại, in thành sách.
 Hầu như trong mọi bản in chữ Hán hoặc bản dịch bộ sách này, bao giờ cũng được in kèm với một bài giới thiệu ở đầu sách. Đó là bài đề từ ngắn của Vương Ngư Dương, một người bạn đồng hương của Bồ tiên sinh.

II/ Bài đề từ của Vương Ngư Dương

Vương Ngư Dương (王 漁 洋) có họ tên thật Vương Sĩ Trinh (王 士 禎), tự Di Thượng (貽 上), hiệu Nguyễn Đình (阮 亭), biệt hiệu Ngư Dương sơn nhân (漁 洋 山 人), sinh năm Giáp Tuất 1634 (lớn hơn Bồ Tùng Linh 6 tuổi), mất năm Tân Mão 1711. Vương Sĩ Trinh đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư. Song thiên hạ lại chú ý rằng ông là nhà thơ kiêm thi luận gia, được văn giới biết qua thuyết “Thần vận” và các cuốn sách Ngư Dương thi tập, Trì Bắc ngẫu đàm, Vương Ngư Dương thi thoại.

 Đặc biệt, sau khi đọc bộ truyện Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh , Vương Ngư Dương sáng tác bài thất ngôn tứ tuyệt Liêu trai đề từ, vào năm Kỷ Sửu 1709. Bài từ còn có tên khác là Đề liêu trai trước thư đồ ( 題聊齋著書圖 )

 Bài thơ đề từ ấy như sau:

聊齋題詞

豆棚瓜架雨如絲
料應厭作人間語
愛聽秋墳鬼唱詩
    
Phiên âm:

Liêu trai đề từ

Cô vọng ngôn chi cô thính chi,
Đậu bằng qua giá vũ như ti.
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỷ xuớng thi.


 Tạm dịch nghĩa:

Nói lời lảm nhảm (mà vui), nghe lời lảm nhảm (mà vui)
Mưa (đêm) dệt như màn mưa tơ trên giàn đậu giá dưa
Giọng đời đã chán ngấy không muốn nhắc tới nữa
Chỉ thích nghe quỷ dưới mộ mùa thu ngâm thơ.

  Bài đề từ vỏn vẹn chỉ có 28 chữ (thất ngôn tứ tuyệt), nhưng có thể nói rằng bài thơ đã làm  giá trị của Liêu trai chí dị tăng thêm rất nhiều, số người thích thú không phải là ít.(nhiều người nhầm lẫn cho rằng đó là thơ của Bồ tiên sinh)
 Chỉ cần vào Google, search với câu "姑妄言之姑聽之"(Cô vọng ngôn chi cô thính chi), sẽ thấy kết quả không kém những bài Đường thi nổi tiếng.

III/ Các bản dịch thơ

Một số thi sĩ nước ta đã lấy cảm hứng từ bài đề từ này để sáng tác như Vũ Hoàng Chương (bài Tình liêu trai), Đông Hồ (bài Đêm lại liêu trai), Đinh Hùng, …

 Bài thơ đề quá hay khiến hơn trăm năm nay ở nước ta đã có nhiều bản dịch quốc ngữ, trong đó có lẽ bản dịch của Tản Đà được nhiều người biết đến:

Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời chán hẳn, không thèm nhắc
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.


 Ông dịch câu 1 thật tuyệt vời không có cách nào dịch hay hơn, song nhiều người nhận định rằng bản dịch không đạt hai câu 2 và 4.

  Dưới đây là những bản dịch khác:

Bản dịch của Vũ Hoàng Chương:

Nói bứa bừa đây nghe bứa bừa
Dây dưa giàn đậu phới tơ mưa
Giọng đời chán ngấy người lên được
Tiếng quỷ mồ thu hát thấy ưa.


Bản dịch của Đào Trinh Nhất:

Cứ nói tràn, cứ ngâm tràn,
Đêm mưa thánh thót trên giàn đậu, dưa.
Chuyện đời đã ngán xưa giờ,
Thích nghe ma quỷ dưới mồ ngâm thơ!


Bản dịch của Nguyễn Tôn Nhan :

Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Giàn dưa lất phất giọt mưa rơi
Chuyện đời chán ngấy, không thèm nhắc
Mộ vắng nghe ma đọc mấy lời.


Bản dịch của Nguyễn Đăng Ngọc:

Nói láo mà chơi! Nghe láo chơi!
Giá dưa, giàn đậu, sợi mưa rơi
Chuyện đời bàn mãi đà chán ngắt
Mồ thu thơ quỷ đọc mấy lời.


Bản dịch của Nguyễn Sĩ Tế:

Buồn thì nói chuột nghe dơi,
Giàn dưa, giàn đậu, mưa phơi tơ mòng.
Chuyện đời nhàm chán hư không,
Mồ thu nghe quỷ động lòng kể thơ.


Bản dịch của Nghiêm Đàm :

Nói phiếm nhảm chơi, nghe nhảm chơi
Giăng giăng giàn đậu, bụi mưa rơi
Chuyện người nghe mãi thêm nhàm chán
Ưa quỷ thu ngâm, mộ vẳng lời.


Bản dịch của Nguyễn Chí Viễn và Trần Văn Tư:

Nói phiếm mà nghe phiếm nực cười
Giàn dưa giá đậu toả mưa phui
Truyện đời chừng hẳn rườm tai nhỉ?
Thơ quỷ mồ ma thích đọc chơi.

          
Bản dịch của Văn Toàn:

Nói nhăng, nói cuội miễn cho qua.
Dàn đậu, dàn dưa lún phún mưa.
Đã chán việc đời không nhắc đến,
Thu về khoái quỷ xướng thi xưa.


Bản dịch của Đào Thái Sơn:

Nói láo vui nghe láo vui
Giàn dưa đậu, mưa ngậm ngùi như tơ
Chuyện đời chán ngẩn chán ngơ
Đêm thu nghe quỷ dưới mồ xướng ngâm.


 Có thể nói, trong tất cả các bản dịch thì bản của thi sĩ Vũ Hoàng Chương nổi trội hẳn.
Cũng như trong việc dịch bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, cách dịch thơ của ông rất phóng túng, không gò bó theo nguyên tác. Ngôn ngữ dịch của ông rất đặc biệt và tân kỳ (bứa bừa, phới tơ mưa, hát thấy ưa).

Viết tổng hợp theo:

1/ Liêu trai chí dị, Tản Đà dịch
2/ Liêu trai chí dị, Đào Trinh Nhất dịch

3/ Các trang web:
http://sondao.vnweblogs.com/print/25840/349072
http://d.violet.vn/upload...ws/161/624562/preview.swf
http://www.truongkieumauh...um/YaBB.pl?num=1220207300
blog.socola.vn/dovocamthach/Lieu-Trai-Chi-Di---Do-Ngoc-Thach-5692.aspx
http://vuhuusan05.tripod.com/vuvantoan.htm
http://www.binhnguyenloc....ngBaLan/BangBaLan_BNL.pdf