Lá thư tình lạ nhứt thế giớiThường thì những chuyện tình buồn mới hấp dẫn. Nhưng sau đây là một chuyện tình vừa lạ vừa vui. Cũng xảy ra trong bối cảnh gánh hát, chớ không đâu xa, vì cả đời của người viết bài quanh quẩn chỉ trong gánh hát. Cho nên kể chuyện gì mình biết nhiều nhứt thì dễ hơn.
Như quý vị đã biết, gánh hát thường trôi nổi nhiều nơi, có khi mưa gió rã gánh đói meo là chuyện thường. Một hôm gánh Sóng Vang nằm ụ trong một ngôi đình ở gần chợ Thủ Thừa. Mưa quá không có khán giả nào tới mua vé.
Anh kép độc của gánh Sóng Vang, ban đêm trên sân khấu thì ngầu hầm, nhưng ban ngày và ở ngoài đời lại hiền khô và có phần nhạy cảm, dễ xúc động dễ yêu. Tôi còn nhớ cái tên là lạ của anh. Tên nghệ sĩ của anh là Trường Giang, còn ngoài đời là Hai Môi. Có lẽ vì cặp môi của anh khá dày.
Hai Môi có cái khổ là bị khán giả... rất ghét. Bà con khán giả, nhứt là mấy bà già trầu, thấy anh diễn vai kép độc (phải khen đúng là có nghề) độc tới con nít cũng phát khóc, thì ghét lắm. Về tạo hình cũng hay, râu ria, mụt ruồi gắn thêm sợi lông dài, chân mày xếch ngược dữ dằn, tướng mạo càng làm người ta ghét càng ăn tiền. Vì nghề nghiệp phải vậy.
Mấy bà nói:
- Dòm thấy cái mặt nó muốn lấy guốc chọi cho nó u đầu.
Sao anh kép chánh diễn dễ thương, còn cái thằng nầy nhìn cái mặt muốn kêu lính bắt.
- Tui mà có con gái chẳng thà gả nó cho... Hà Bá còn sướng hơn.
Người ta ghét anh khi diễn tuồng thôi thì đã đành, sáng ra chợ ngồi ăn cháo lòng cũng không yên. Mấy bà đi chợ gặp anh Hai Môi liếc xéo:
- Nữa, không ưa mà cứ gặp hoài. Cái thứ gian tà hại người ta, sao không chết phức cho rồi!
Mấy bà già lạ chưa, không phân biệt đâu là vai trò trong tuồng hát và đâu là ngoài đời. Thành ra chẳng những phải chịu người ta ghét mà cuộc đời tình ái của anh Hai Môi còn bi kịch hơn.
So với anh kép mùi, trên sân khấu luôn lâm vào hoàn cảnh hoạn nạn nhưng ngoài đời thì quá đã, được các cô gái coi hát thấy tội nghiệp. Hát bến nào cũng có vài cô xách gói đi theo anh kép mùi, còn anh kép độc thì cứ bị chửi.
Trở lại chuyện tình vui của anh Hai Môi thì như vầy. Hôm đó gánh hát Sóng Vang nằm vạ trong cái đình. Nhìn qua bên kia đường có tiệm hớt tóc bình dân. Tôi còn nhớ bức tường bên hông tiệm hớt tóc. Trên cao có cái cửa sổ. Đó chỉ là dưới cặp mắt phàm tục của tôi. Còn với anh Hai Môi thì khung cảnh cũ xì đó lại thần tiên lãng mạn trữ tình quá cỡ thợ mộc, anh Hai Môi đang yêu. Suốt ngày anh ngồi nhìn lên cửa sổ. Tôi hỏi:
- Anh Hai nhìn cái gì mà mê mẩn vậy?
Nghệ sĩ kép độc Trường Giang im lặng. Tôi nhìn theo mắt anh thấy một mái tóc dài lướt ngang qua cửa. Gió còn đưa vài chiếc lá rơi làm màu. Mái tóc dài của người con gái trên tầng lầu kia đi lại, với bờ vai gầy gầy thấy thương. Chính tôi cũng thấy lòng dạ bâng khuâng làm sao. Người nghệ sĩ thì hay mơ mộng, thường thầm thương trộm nhớ dù cho là một cái bóng của giai nhân. Còn anh Hai Môi cũng không khác. Anh đã yêu cô con gái của ông thợ hót tóc rồi!
Nói yêu là chữ mới bây giờ, còn hồi năm một ngàn chín trăm lâu lắm, tức là vào cái năm xảy ra câu chuyện tình này, thì dân gánh hát kêu bằng... "đau ma". Do không biết là bịnh gì mà hễ dính vô thì ngày không ăn, đêm không ngủ, bị ma ám như anh Hai nầy. Tối ngày cứ nhịn đói nhìn lên cửa sổ.
Bi kịch hơn, đây là mối tình đầu của anh Hai Môi. Anh còn mang nặng mặc cảm tự ti vì mình là dân gánh hát gạo chợ nước sông còn cô tiểu thơ kia là con của một gia đình làm... thợ hớt tóc, có nhà lầu, có công ăn việc làm đàng hoàng.
Vì vậy mà anh Hai Môi không dám thố lộ. Anh chỉ thở dài ngồi nhìn lên cái cửa sổ rồi lại thở dài. Mưa rơi tầm tã ngoài trời mà mưa cũng dập vùi trong lòng anh Hai Môi. Tôi nói với anh:
- Anh cứ nhịn ăn nhịn uống, ngồi thừ lừ nhìn cổ hoài như vầy thì anh chết chớ cổ đâu có chết. Anh phải tươi lên, anh phải gặp cổ, anh phải nói cổ mới biết tấm chân tình của anh. May ra cổ mới thương yêu anh chớ anh Hai.
- Anh hổng dám nói đâu. Rủi không được càng khổ thêm.
- Hổng dám nói làm sao cổ biết. Hay là anh viết thơ rồi tui đưa giùm cho.
Tôi thương anh Hai Môi quá, tự nguyện làm con nhạn đưa tin giùm anh.
Anh nói thật thà:
- Được, nhưng anh... không biết chữ.
- Anh muốn nói gì thì nói tui viết rồi tui đại diện anh tui đưa cho cổ.
- Em cứ viết là anh thương cổ quá trời luôn. Không có cổ là anh chết queo.
- Viết vậy thôi?
- Ờ.
Đây là bức thơ tình kỳ cục và ngắn nhất thế giới. Nhưng tôi lo xa, ghi thêm chữ “Cô Hai ơi” cho ngọt ngào. Cô Hai ơi, cô mà không thương tôi thì tôi chết queo. Ngày hôm sau tôi để lá thơ trong túi, qua tiệm hớt tóc. Trước đó tôi đã có quen với bác Tư “tôngđơ”, cha của cô gái trên lầu, ông rất khoái nghe tôi nói chuyện gánh hát. Nói chuyện một lúc, tôi mon men hỏi thăm:
- Bác Tư chỉ có cô Hai là con gái thôi sao? Con một chắc là cưng lắm nha!
Bác Tư trai đáp với tôi:
- Đâu có con gái nào đâu? Hai vợ chồng già chỉ có đứa con trai...
- Dạ - tôi bắt đầu thấy té ngửa.
- Có độc một đứa con trai mà vô phước quá chú ơi. Mấy năm trước nó thương con nhỏ bán bánh hỏi ngoài chợ. Mà con nhỏ này không thương nó.
Mắt tôi nhìn qua bên kia đình, thấy anh Hai Môi vẫn nín thinh nhìn say sưa lên khung cửa sổ. Còn tai tôi thì lắng nghe bác Tư trai nói:
- Cái thằng này hổng giống tui. Người ta không thương mình thì thôi. Con gái thiếu cha gì! Vậy mà làm như có con ma ám, mấy năm rồi nó không chịu... tắm.
- Dạ.
- Nó không chịu tắm cũng không chịu hớt tóc. Cứ ở miết trên lầu, thề khi nào con nhỏ bán bánh hỏi thương nó thì nó mới tắm, xuống đất, hớt tóc...
- Cô bán bánh hỏi ngoài chợ biết chuyện nầy hông bác Tư?
- Biết, nhưng không thương là không thương.
- Cô Hai... ý quên cậu Hai trên lầu biết vậy không bác Tư?
- Biết, nhưng mà thương là cứ thương, kỳ vậy chớ.
Tôi chào ông chủ tiệm hớt tóc, trở lại đình vẫn thấy anh Hai Môi say sưa nhìn lên khung cửa sổ. Mưa lâm râm làm cho khung cảnh cửa sổ càng trữ tình hơn.
Tôi ngồi nhìn anh Hai Môi rồi bỗng nhiên chịu không nổi, bật cười ha ha. Anh Hai chỉ quay lại nhìn tôi một chút rồi lại nhìn lên cửa sổ, nơi mái tóc dài đang chầm chậm lướt qua.
Sau đó gánh hát rã bành tô, mỗi người đi một nơi. Tôi không gặp lại anh Hai Môi nữa. Nhưng tôi vẫn mãi nhớ lá thơ tình ngắn và hay nhất thế giới: Cô Hai ơi, cô mà không thương tôi thì tôi chết queo...
MẠC CAN (Tạp san Áo Trắng)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)