Tháng mười trời trải nắng hanh Có cô hàng phố phơi chăn trước thềm Gió qua lay động bức rèm Tấm gương trong suốt ánh đèn nê-ông.
Tôi không có một căn phòng Lang thang suốt những năm ròng tuổi thơ Gia tài là mấy vần thơ Dẫu bao người đọc vẫn chờ đợi ai Núi cao biển rộng sông dài Tôi đi khắp chốn tìm người tôi yêu
Tấm khăn và những đường thêu Nghe trong điệu hát những điều say mê. “Có anh dũng sĩ trở về Tấm huân chương dưới nắng hè chói chang”
Đêm dài thức nhớ lang thang Người yêu tôi với con đường mùa đông Anh là của những dòng sông Của miền gió cát, của vùng bão mưa Anh là của những vần thơ Còn phần nào để bây giờ của em.
Ở bên hàng phố trước thềm Hoa phong lan, điệu nhạc êm buổi chiều Vị chua là bát canh riêu Vị cay là trái hạt tiêu đất mình Em không có đến bức mành Để che nắng gió cho anh tháng ngày Gia tài chỉ có bàn tay Đường gân xanh, vết chai dày từ xưa Gia tài chỉ có bài thơ Bao năm viết để bây giờ tặng anh
Lời bình
nhangnga14 bình luận:
Đã có rất nhiều cô gái viết thơ tặng người yêu của mình. Đề tài ” Thơ viết tặng anh” không mới, nhưng có rất nhiều điều mới mẻ trong bài thơ của Xuân Quỳnh. Mở đầu bài thơ là nhưng câu thơ Tháng mười trời trải nắng hanh Có cô hàng phố phơi chăn trước thềm Gió qua lay động bức rèm Tấm gương trong suốt ánh đèn nê-ông. Như lời kể chuyện, và từ hình ảnh” cô hàng xóm phơi chăn” ta đọc được nỗi cô đơn và niềm khao khát của tác giả. Tiếp đó là những lời tâm sự rất thành thật- thành thật đến cảm động: Tôi không có một căn phòng Lang thang suốt những năm ròng tuổi thơ Gia tài là mấy vần thơ Dẫu bao người đọc vẫn chờ đợi ai Núi cao biển rộng sông dài Tôi đi khắp chốn tìm người tôi yêu Cô gái cô đơn, cô gái không có gì ngoài mấy vần thơ đang khao khát tìm thấy người yêu, dù có phải vượt qua núi cao biển rộng, sông dài…Ta đọc thấy ở đây một quyết tâm, một khát khao cháy bỏng. Người yêu cô không phải là anh dũng sĩ trở về mà anh ấy vẫn còn: Người yêu tôi với con đường mùa đông Anh là của những dòng sông Của miền gió cát, của vùng bão mưa Anh là của những vần thơ Còn phần nào để bây giờ của em. Câu hỏi khắc khoải không có câu trả lời. Anh có còn phần nào cho em đây? Cô gái trăn trỏ và ta nghe như nghen ngào tủi phận vì : Ở bên hàng phố trước thềm Hoa phong lan, điệu nhạc êm buổi chiều Vị chua là bát canh riêu Vị cay là trái hạt tiêu đất mình Em không có đến bức mành Để che nắng gió cho anh tháng ngày Gia tài của cô chỉ có: Gia tài chỉ có bàn tay Đường gân xanh, vết chai dày từ xưa Gia tài chỉ có bài thơ Bao năm viết để bây giờ tặng anh Yêu anh, cô gái đã tặng anh những gì quí nhât của mình. Bàn tay hay làm khéo đảm, tâm hồn đẹp đẽ phong phú, cô tặng anh cả bài thơ của cuộc đời mình. Thật cảm động và đáng trân trọng biết mấy. Với cách viết rất dung dị, chân thành, bài thơ đã thể hiện một trái tim yêu mạn mẽ, mãnh liệt nhưng vô cùng hồn hậu của Xuân Quỳnh.
ĐỌC LẠI BÀI THƠ " MÙA HẠ" CỦA XUÂN QUỲNH Đó là mùa của những tiếng chim reo Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả Đất thành cây, mật trào lên vị quả Bước chân người bỗng mở những đường đi
Đó là mùa không thể giấu che Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.
Đó là mùa của những ước mơ Những dục vọng muôn đời không xiết kể Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu
Đó là mùa của những buổi chiều Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa
Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết? Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.
28-6-1986
nhangnga14 bình luận:
” Mùa hạ” là một bài thơ được Xuân Quỳnh sáng tác khi tuổi trẻ đã đi qua. Lúc đó chị đã là một phụ nữ từng trải và đứng tuổi, nhưng cái rực cháy, cái khát khao của một thời vẫn rạo rực qua từng câu thơ. Bài thơ được mở đầu
Đó là mùa của những tiếng chim reo Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả Đất thành cây, mật trào lên vị quả Bước chân người bỗng mở những đường đi
Mùa hạ là mùa của những tiếng chim reo, của sắc biếc trời xanh và của nắng. Mùa hạ là mùa cây cối trưởng thành cho đời mật ngọt. Đó còn là mùa mà bước chân của con người sẽ mở ra những chặng đường mới cho cuộc đời phía trước. Mùa hạ tuyệt vời, đầy đặn và ngọt ngào.
Nhà thơ viết tiếp”
Đó là mùa không thể giấu che Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.
Khổ thơ thứ 2 thật triết lí: Mùa hạ là mùa không thể giấu che điều gì. Phải chăng dưới ánh mặt trời rực rỡ người ta không thể giả dối? Tất cả đều trở nên trong sáng, tinh khiết và đẹp đẽ đến vô ngần:”Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng”. Bao nhiêu cay đắng, bao nhiêu nỗi niềm sẽ được thổ lộ bằng thơ. Tâm hồn con người sẽ không còn trĩu nặng nữa mà ngược lại trở nên nhẹ nhàng, bay bổng hơn:”Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.” Cuộc đời đáng yêu hơn rất nhiều khi ta sông trong mùa hạ. Khổ thơ thứ 3:
Đó là mùa của những ước mơ Những dục vọng muôn đời không xiết kể Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu
Nhà thơ vẫn tiếp tục lí giải về mùa hạ để người đọc hiểu cặn kẽ về một mùa của năm và một giai đoạn trong cuộc đời con người. Chất triết lí của thơ Xuân Quỳnh nó nhẹ nhàng và dễ thấm dễ hiểu biết bao: Mùa hạ là mùa của những giấc mơ, những dục vọng không kể xiết của con người. Đó là tuổi trẻ rất nhiều đam mê trong cuộc đời ta. Nhiều dục vọng vì ta luôn tràn căng sức sống, luôn sẵn sàng hưởng thụ và dâng hiến cho cuộc đời. Những dục vọng không kể xiết ấy sẽ nâng ta lên đẹp đẽ nhưng cũng khi biến cuộc đời ta thành gió bão đến vô cùng. Mùa hạ là mùa nhiều gió nhiều mưa nhất trong năm và tuổi trẻ cũng là những năm tháng thăng trầm nhất trong cuộc đời ta. Hạnh phúc có khi đong đầy nhưng đớn đau nhiêu khi cũng không kể xiết:”Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể” và “Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu”. Xuân Quỳnh đã trải qua những tháng năm như thế nên chị viết đúng và hay đến mức ta không thể không công nhận. Cái sâu sắc của thơ Xuân Quỳnh có lẽ là ở chỗ giản dị và đúng với cuộc sống như thế. Khổ thơ thứ 4 nhà thơ viết về những hình ảnh quen thuộc của mùa hạ: những buổi chiều, cánh diều giấy, tiếng dế, tiếng cuốc, cái oi ả của đêm hè, cái nắng đang trưa…
Đó là mùa của những buổi chiều Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa
Những hình ảnh và âm thanh ấy như đưa người đọc trở về với tuổi trẻ của mình, gợi nhắc về cả thời thơ ấu – một thời mà cánh diều, bầu trời , tiếng dế, tiếng chim cuốc là cả một thế giớ bồi hồi, xao xuyến . Thơ Xuân Quỳnh hay vì nó gần gũi với ta, nó giống cuộc sống ta đã từng trải qua, nó nói hộ ta những điều ta chưa nói được. Ở khổ thơ kết, Xuân Quỳnh lại trở về với chính mình
Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết? Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.
Chị giật mình thảng thốt hỏi:” Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?”. Chị ngỡ ngáng không biết mùa hạ của mình đã đi hay chưa, tuổi trẻ với những khát khao còn hay hết? Đã bao giờ ta tự hỏi mình như thế chưa? Hỏi để giật mình, hỏi để tự điều chỉnh cuộc sống của mình, hỏi để níu giữ những khát khao, để níu giữ tuổi trẻ. Sau câu hỏi ấy Xuân Quỳnh dịu dàng khẳng định: ” Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển, Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.” Mặt đất chỗ nào màu xanh chỗ đó vẫn là biển, quả ngọt ngào vẫn thắm thiết mang sắc màu của hoa. Con người cũng thế, dù năm tháng đã đi qua nhưng những khát khao, những mơ ước mãi vẫn còn không thể mất. ” Mùa hạ” của Xuấn Quỳnh thật sự là một bài thơ hay, giàu màu sắc triết lí về con người và cuộc đời. Đọc ” Mùa hạ” ta thấy ngời ngời một niềm tin, ngời ngời một niềm lạc quan khi nghĩ về cuộc sống. Ta sẽ sống đẹp hơn, vui hơn và tha thiết hơn với chính mình và với mọi người.
Em biết đấy là điều đã cũ Chuyện tình yêu, quan trọng gì đâu: Sự gắn bó giữa hai người xa lạ Nỗi vui buồn đem chia sẻ cùng nhau
Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi Niềm đau đớn tưởng như vô tận Bỗng có ngày thay thế một niềm vui
Điều hôm nay ta nói, ngày mai Người khác lại nói lời yêu thuở trước Đời sống chẳng vô cùng, em biết Câu thơ đâu còn mãi ngày sau
Chẳng có gì quan trọng lắm đâu Như không khí như màu xanh lá cỏ Nhiều đến mức tưởng như chẳng có Trước cuộc đời rộng lớn mênh mang
Nhưng lúc này anh ở bên em Niềm vui sướng trong ta là có thật Như chiếc áo trên tường như trang sách Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà
Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa Tình anh đối với em là xứ sở Là bóng rợp trên con đường nắng lửa Trái cây thơm trên miền đất khô cằn
Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh: Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng Lòng tốt để duy trì sự sống Cho con người thực sự Người hơn
Xuân Quỳnh, Tự hát, Nxb Tác phẩm mới, 1984
Xuân Quỳnh đã từng một lần kết hôn rồi ly hôn trước khi đến với Lưu Quang Vũ. Qua những gì đã biết về họ, ta có cảm giác họ là chàng ADam và nàng EVa, trong trận đại hồng thủy họ bị văng mỗi người một nơi để rồi gặp nhau muộn mằn sau những bão dông của cuộc đời. Họ yêu nhau, điều đó có thể khẳng định được.
Đời sống vợ chồng cũng cần lắm những san sẻ, tâm sự thậm chí có khi cãi vã. "Bát đũa còn có khi xô" bởi vì tâm sự hay cãi vã cũng nhằm để hiểu nhau hơn. Nhưng ta hãy nghe Xuân Quỳnh tâm sự như thế nào với chồng mình qua bài thơ Nói cùng anh. Bài thơ được in trong tập Tự hát- NXB Tác phẩm mới năm 1984.
Em biết đấy là điều đã cũ Chuyện tình yêu, quan trọng gì đâu: Sự gắn bó giữa hai người xa lạ Nỗi vui buồn đem chia sẻ cùng nhau.
Tình yêu là một thứ tình cảm không mới. Nó đã tồn tại từ khi loài người thoát thai khỏi đời sống động vật. Con người với bản năng sinh tồn cần có cơm ăn, nước uống và khí trời để thở. Có nhiều người chẳng yêu cũng sống được. Nhưng nếu không có tình yêu thì sao? Hai người xa lạ gặp nhau, mang nỗi buồn vui chia sẻ cùng nhau và cảm thấy hạnh phúc khi bên nhau, thậm chí hạnh phúc ngay cả khi nghĩ về nhau. Thế là yêu. Nhưng đọc khổ thơ này, người đọc cảm nhận thấy có một vẻ bất cần. "Em biết đấy là điều đã cũ/ Chuyện tình yêu, quan trọng gì đâu". Cảm giác này có thể được lí giải theo Sigmun Freud, đó là do những chấn thương về tình cảm tạo thành ẩn ức khiến cho người đã một lần thất bại trở nên mặc cảm.
Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi Niềm đau đớn tưởng như vô tận Bỗng có ngày thay thế một niềm vui
Tình yêu không phải là vĩnh cửu, những gì Xuân Quỳnh đã trải qua là một minh chứng. Khi yêu, người ta có thể thề non hẹn biển. Nhưng khi cái tình cảm ấy đã mất, người ta có thể quay lưng và có thể làm những điều tồi tệ đối với cái người mà mới hôm qua thôi còn đầu gối má kề. Chia tay nhau là cả một sự đau khổ. Theo giáo lý nhà Phật, con người có tám nỗi khổ thì "Oán tăng hội khổ" là một trong số đó. Thù ghét nhau mà phải nhìn thấy mặt nhau thì khổ lắm. Rồi khi không nhìn thấy mặt nhau nhưng những hậu quả do mối tình bất hạnh đó để lại khiến cho người ta không yên được. Niềm đau đớn tưởng như vô tận là như thế. Nhưng rồi, cho đến một ngày, khi mà má lại hồng, nhịp đập con tim lại rạo rực, lại có một niềm vui thay thế cho nỗi buồn, người ta có thể lại yêu và được yêu.
Điều hôm nay ta nói, ngày mai Người khác lại nói lời yêu thuở trước Đời sống chẳng vô cùng, em biết Câu thơ đâu còn mãi ngày sau
Những gì khi yêu nhau hai người nói với nhau thì những người khác và các thế hệ sau cũng nói như vậy. Xét đến cùng vẫn là nói để bên kia hiểu được lòng mình và bày tỏ những gì mình mong muốn, chẳng qua là khác nhau ở hình thức thể hiện. Như sóng biển hết lớp này lại đến lớp khác mà con sóng nào cũng xô vào bờ. Nếu như tình yêu là một bài thơ của mỗi đôi lứa yêu nhau viết nên thì mỗi bài thơ ấy chỉ có giá trị với chính họ và nó cũng chỉ có giá trị khi còn yêu nhau. Còn khi mối tình ấy không còn nữa thì giá trị của nó cũng mất đi một cách tự nhiên.
Chẳng có gì quan trọng lắm đâu Như không khí như màu xanh lá cỏ Nhiều đến mức tưởng như chẳng có Trước cuộc đời rộng lớn mênh mang
Tác giả thêm một lần khẳng định sự tự nhiên của tình yêu, tự nhiên đến mức nhiều khi không nhận ra nữa, như chẳng có nữa. Đây có phải là những lời dùng để bình thường hóa thậm chí tầm thường hóa tình yêu hay không? Hay bởi những gì đã qua để lại di chứng nặng nề trong lòng tác giả? Cuộc đời thì rộng quá, tình yêu thì mong manh và những biến đổi cuộc đời không thể lường hết được. Có nhiều việc quan trọng cần làm trong cuộc đời hơn lắm chứ, lấy tình yêu ra mà so sánh thì tình yêu có là gì đâu. Phải thế chăng?
Nhưng lúc này anh ở bên em Niềm vui sướng trong ta là có thật Như chiếc áo trên tường như trang sách Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà
Câu thơ rất tường minh. Lúc này em đang ở bên anh và anh đang ở bên em. Đó là sự thật, rất gần gũi, rất thân quen như chiếc áo treo trên tường, như trang sách đang mở. Nhưng cũng rất đẹp, đẹp như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà. Chùm hoa mở cánh trước hiên nhà giống như em mở lòng đón nhận anh, đón nhận tình yêu của anh. Nếu những câu thơ trước, tác giả đánh giá tình yêu cũng bình thường thì sự thay đổi bắt đầu từ đây, làm cho người đọc có cảm giác những dòng thơ trước là những lời hờn dỗi, là mong muốn được yêu nhưng chưa đạt được nên nói như thế để tự an ủi mình, còn bây giờ, niềm vui đang được nhen lên, đang đơm hoa và tỏa hương.
Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa Tình anh đối với em là xứ sở Là bóng rợp trên con đường nắng lửa Trái cây thơm trên miền đất khô cằn
Vì hoàn cảnh công việc mà họ phải thường xuyên xa nhau. Khi đó, cảm nhận về anh trong lòng tác giả là sự nhớ thương, tất nhiên rồi. Nhưng đáng nói là sự nhớ thương đó như nhớ thương về xứ sở, về quê hương, nơi mà từ đó người ta đã ra đi, nơi mà ấm áp như trong ngôi nhà thân thuộc, nơi mát lành như bóng rợp trên con đường nắng lửa hay là vị ngọt ngào, mùi thơm của cây trái trên mảnh đất khô cằn. Tác giả liên tiếp hai cụm hình ảnh trái nghĩa để so sánh, để làm nổi bật tầm quan trọng của anh. Anh là nỗi nhớ, anh là sự ấm áp, anh là vị ngọt là mùi thơm, là tất cả những gì tốt lành nhất. Tình yêu trong lòng tác giả đã lại bắt đầu như là lần đầu mới biết yêu, như sự sống hồi sinh.
Rồi tác giả khẳng định lại:
Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh: Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng Lòng tốt để duy trì sự sống Cho con người thực sự Người hơn
Nhu cầu của con người thì đơn giản nhưng khát vọng cũng không quá xa xôi. Anh là người đã mang lại những điều giản dị nhưng cũng rất phi thường. Tình yêu là đích của khát vọng, cũng là nguồn gốc của khát vọng. Nhưng tại sao tác giả lại dùng từ "lòng tốt"? Có phải vì thấy hoàn cảnh của tác giả như vậy và một người có lòng tốt mới yêu không? Tình yêu có bản chất là sự bình đẳng và tự nguyện. Có phải đây là cách nói nhún nhường của một người phụ nữ đầy nữ tính như Xuân Quỳnh không? Mark Boikv đã nói "Yêu có nghĩa là đối xử với một ai đó tốt hơn tất cả mọi người, tốt hơn cả bản thân mình". Vậy thì cách nói của Xuân Quỳnh rất phù hợp và chỉ có những trái tim nhân hậu mới cảm nhận được hết những gì mình được hưởng từ tình yêu. Và đó phải chăng cũng là một triết lí yêu của Xuân Quỳnh.
Rồi tác giả kết luận: "Cho con người thực sự Người hơn". Làm con người thực sự thì phải biết yêu, biết ghét, biết sống có hoài bão, có khát khao và làm cho thế giới tốt đẹp lên. Và theo Xuân Quỳnh muốn vậy con người cần có tình yêu. Nếu như Pascal nói rằng "Tình yêu nâng con người lên thoát khỏi sự tầm thường" thì đối với Xuân Quỳnh, tình yêu làm cho con người thực sự người hơn. Một triết lí sống và yêu thật là sâu sắc.
Trong bài thơ, ta thấy tác giả là người đón nhận chứ không chủ động trong việc tìm kiếm hạnh phúc, tất cả là do anh mang lại, anh trao tặng. Những tác động từ phía anh ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc, làm thay đổi cả tư duy lẫn cuộc đời của tác giả. Điều này có phải do ảnh hưởng từ hoàn cảnh của tác giả mà ta có thể giải thích theo học thuyết của Sigmun Freud. Nhưng điều đó cũng cho thấy một người phụ nữ hiền hậu, cam chịu rất đặc trưng của phụ nữ Việt Nam.
Ai chưa yêu, hãy yêu đi, hãy yêu để thấy cuộc đời là tươi đẹp, là đáng sống và để yêu hãy đối xử thật tốt với người mình yêu, tốt hơn đối với bản thân mình. Cuộc đời là một dòng sông, có khi êm đềm, có khi ghềnh thác. Nhưng đích cuối cùng vẫn là tìm về biển cả, tìm đến mục đích sống tốt đẹp của con người và để làm được điều đó cần có một lượng nước đủ mạnh, một sự bao dung. Cái làm nên sức mạnh đó không gì khác ngoài tình yêu. Hà Huy Tráng @ 15:56 06/07/2010
Em đến những nơi anh qua- một bài thơ tình thời chiến-một niềm tin son sắt, thủy chung
Em đến những nơi anh qua Nên gặp anh em chẳng gặp Thầm nhớ dấu chân trên đất Dẫu đường đầy vết đạn bom
Em dừng chân bên cửa sông Nghe gió xa về bát ngát Dáng anh như một cánh buồm Vượt tầm thuỷ lôi phía trước
Chiếc cầu ngang sông em bước Nhớ chuyến phà đêm anh qua Giữa bom đạn giặc như mưa Quyết liệt giành từng sải nước
Bát cơm ăn trên mặt đất Nghĩ đến bát cơm trộn cát Nắng gió trải khắp đồi cây Thương căn hầm anh ngột ngạt
Tháng tám về cùng biển động Bão cuồn cuộn từ ngoài khơi Lòng đất rùng rùng bom giặc Ngủ yên sao được anh ơi!
Tháng năm rát mặt gió lào Hoa héo trước khi hoa nở Trận địa anh bên Trường Sơn Đứng vững giữa vòng toạ độ
Bãi dương trải bọt na pan Xen lẫn bốn bề cỏ mọc Pháo ơi giờ chuyển về đâu Thương anh xém ngang mái tóc!
Thời gian không gian cách xa Nhớ đến anh em chỉ nhớ Nét mặt vừa quen vừa lạ Trẻ như mặt những anh hùng.
11/1969
Bài thơ Em đến những nơi anh đi qua được Xuân Quỳnh viết năm 1969. Lúc này bà đã là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Công việc đòi hỏi bà phải đi nhiều nơi, thêm nữa, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào thời kì ác liệt. Bài thơ được ra đời trong một chuyến đi công tác như đầy gian khổ như thế. Mở đầu là một không gian thơ đầy dấu vết chiến tranh. Người yêu của cô gái là một chiến sĩ. Những bước chân anh đã đi qua nhiều chiến trường, hành quân qua nhiều miền quê hương đất nước. Nơi hôm nay cô đặt chân đến có thể là nơi anh đã đi qua. Cuộc đời người chiến sĩ hành quân chiến đấu theo mệnh lệnh và phải đảm bảo bí mật. Cảm giác như dẫm lên những bước chân người yêu khiến cô bồi hồi. Trên những con đường đầy vết đạn bom, nơi nào in dấu chân anh.
Em đến những nơi anh qua Nên gặp anh em chẳng gặp Thầm nhớ dấu chân trên đất Dẫu đường đầy vết đạn bom
Nỗi nhớ người yêu trong cô không phải chốc lát mà theo cô đi tiếp:
Em dừng chân bên cửa sông Nghe gió xa về bát ngát Dáng anh như một cánh buồm Vượt tầm thuỷ lôi phía trước
Nơi cửa sông gió về bát ngát, nhớ anh và liên tưởng hình ảnh của anh như một cánh buồm căng gió vượt qua khó khăn nguy hiểm. Người yêu của cô nhất định là một chàng trai khỏe mạnh và dũng cảm.
Nỗi nhớ ấy tiếp tục theo bước chân cô:
Chiếc cầu ngang sông em bước Nhớ chuyến phà đêm anh qua Giữa bom đạn giặc như mưa Quyết liệt giành từng sải nước
Nơi mà cô đến là một chiếc cầu, còn có thể nơi anh đi qua đêm nào trong mưa bom bão đạn là một chiếc phà nào đó cũng trên dòng sông này. Cuộc chiến đấu của anh vẫn đang diễn ra gay go từng giờ từng phút. Bom đạn như mưa, quyết liệt giành từng sải nước đủ để nói lên nguy hiểm, khó khăn và tính chất gay go của cuộc chiến đấu. Không chỉ trực tiếp đối mặt với kẻ thù ở mặt đất mà còn đối mặt với giặc trời.
Nỗi nhớ ấy tồn tại trong cả những bữa ăn vội vã thời chiến:
Bát cơm ăn trên mặt đất Nghĩ đến bát cơm trộn cát Nắng gió trải khắp đồi cây Thương căn hầm anh ngột ngạt
Thương anh trong những căn hầm ngột ngạt dưới những đồi cây, bát cơm lẫn cả cát vào. Thật là gian khổ. Trong chuyến công tác của cô cũng chứa đầy sự nhọc nhằn nhưng chưa bằng nỗi vất vả của anh. Hình ảnh "nắng gió trải khắp đồi cây" tương phản với "căn hầm ngột ngạt" càng làm tăng lên những gian khổ mà bộ đội ta phải chịu đựng.
Rồi nỗi nhớ thương đó không phải chỉ một hai ngày:
Tháng tám về cùng biển động Bão cuồn cuộn từ ngoài khơi Lòng đất rùng rùng bom giặc Ngủ yên sao được anh ơi!
Tháng năm rát mặt gió lào Hoa héo trước khi hoa nở Trận địa anh bên Trường Sơn Đứng vững giữa vòng toạ độ
Người đọc nhận ra rằng điều kiện thời tiết liên tục bị thay đổi theo hướng bất lợi. Bắt đầu là "gió về bát ngát" rồi đến "nắng gió", tăng lên "biển động", "gió lào". Nhưng người yêu của cô vẫn băng băng ra trận, nơi trực tiếp chiến đấu với quân thù, đồng thời phải chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt.
Bữa ăn của anh đã không ngon lành, giấc ngủ cũng chẳng yên. Thế nhưng trận địa của anh vẫn đứng vững. Chân dung người yêu của cô, người chiến sĩ dần dần được hiện ra một cách rõ nét hơn. Như một tượng đài sừng sững tạc vào trái tim cô.
Cứ như thế, nỗi nhớ thương người yêu, lo lắng cho người yêu theo từng bước chân cô:
Bãi dương trải bọt na pan Xen lẫn bốn bề cỏ mọc Pháo ơi giờ chuyển về đâu Thương anh xém ngang mái tóc!
Đi qua bãi dương, nơi vừa mới đây một trận bom na pan trút xuống, đơn vị của anh bây giờ ở nơi nào? Qua bao nhiêu hiểm nguy như thế nhưng ta không nhận thấy trong đó một chút lo sợ, bi quan nào mà tiềm tàng chứa trong đó là sự lo lắng nhưng tích cực. Cô vẫn tin anh vượt qua được những khó khăn đó, đơn vị anh, những khẩu pháo bây giờ đang giàn trận ở đâu để chuẩn bị giội lửa xuống đầu thù. Nỗi nhớ ấy như một nguồn sức mạnh, để anh bình an, khỏe mạnh và dũng cảm hơn trên trận tuyến chống quân thù. Niềm tin, tình yêu và hy vọng một ngày mai non sông thống nhất, Bắc Nam sum họp, anh về với em:
Thời gian không gian cách xa Nhớ đến anh em chỉ nhớ Nét mặt vừa quen vừa lạ Trẻ như mặt những anh hùng.
Cuộc kháng chiến có thể năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn thế thì thời gian ấy cũng không có gì đáng kể. Những nơi anh đi qua, có nơi em cũng đến, nhiều nơi em chưa đến, nhưng trong tim em cháy mãi một niềm tin. Sự nhớ thương và niềm tin đó kết thành một đóa hoa tươi thắm:
Nhớ đến anh em chỉ nhớ Nét mặt vừa quen vừa lạ Trẻ như mặt những anh hùng.
Quen vì anh là người yêu của cô, lạ vì những chiến công anh đạt được. Và anh mãi mãi là thanh xuân, là tuổi trẻ. Câu thơ "Trẻ như mặt những anh hùng" khiến tôi nghĩ đến chàng trai làng Gióng. Tình yêu anh trong lòng cô lúc nào và ở đâu cũng phơi phới như mùa xuân, mùa xuân tượng trưng cho tuổi trẻ và vì vậy trong lòng cô, anh mãi mãi trẻ.
Cả bài thơ là một lời khẳng định, người yêu của cô là một chàng trai khỏe mạnh, dũng cảm và kiên cường. Đạn bom kẻ thù không làm anh chùn bước, điều kiện thời tiết, điều kiện của cuộc kháng chiến gian khổ không làm anh sờn lòng. Anh luôn tiến lên chiến đấu vì quê hương đất nước, chiến đấu để giành lại hòa bình, để cho anh được về bên em. Niềm tin của tác giả cũng chính là niềm tin của dân tộc, là sức mạnh diệu kì làm nên đại thắng Mùa Xuân. Hà Huy Tráng @ 20:24 11/07/2010
Bài thơ " Mẹ của anh" - Một bài thơ có giá trị nhân văn đẹp đẽ của Xuân Quỳnh
Phải đâu mẹ của riêng anh Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi Mẹ tuy không đẻ không nuôi Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong Ngày xưa má mẹ cũng hồng Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau Bây giờ tóc mẹ trắng phau Để cho mái tóc trên đầu anh đen Đâu con dốc nắng đường quen Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần Thương anh thương cả bước chân Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao Lời ru mẹ hát thuở nào Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh Nào là hoa bưởi hoa chanh Nào câu quan họ mái đình cây đa Xin đừng bắt chước câu ca Đi về dối mẹ để mà yêu nhau Mẹ không ghét bỏ em đâu Yêu anh em đã là dâu trong nhà Em xin hát tiếp lời ca Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn Hát tình yêu của chúng mình Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng Giữa ngàn hoa cỏ núi sông Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ Chắc chiu từ những ngày xưa Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Hằng Nga bình luận
” Mẹ của anh” – bài thơ có đề tài chạm đến một vấn đề rất quen thuộc trong đời sống của phụ nữ chúng ta. Đề tài viết về mẹ, nhưng là mẹ của một nửa kia. Bài thơ thật ấm áp và chan chứa nghĩa tình. Ngay từ khổ thơ đầu tiên nhà thơ đã tâm tình với chúng ta những điều vô cùng có ý nghĩa:
Phải đâu mẹ của riêng anh Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi Mẹ tuy không đẻ không nuôi Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Mẹ không phải của riêng anh đâu, mẹ là của chung chúng mình đấy. Mẹ tuy không đẻ không nuôi em nhưng em ơn mẹ suốt đời vì nhờ có mẹ em mới có anh. Mà sự hàm ơn ấy suốt cả cuộc đời em trả mẹ cũng chưa xong. Lí lẽ của Xuân Quỳnh thật giản dị và đúng như chân lí. Những câu thơ tiếp theo Xuân Quỳnh điểm lại những nỗi vất vả chuân chuyên trong cuộc đời của mẹ bằng một sự cảm thông rất sâu sắc:
Ngày xưa má mẹ cũng hồng Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau Bây giờ tóc mẹ trắng phau Để cho mái tóc trên đầu anh đen Đâu con dốc nắng đường quen Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần Thương anh thương cả bước chân Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Ngày xưa mẹ cũng từng nhan sắc như bao người con gái khác, nhưng vì thức bên anh qua từng cơn đau nên giờ đây tóc mẹ đã bạc trắng. Cách viết rất hay với biện pháp đối lập Xuân Quỳnh đã tôn vinh công ơn của mẹ, và người đọc sẽ thấu hiểu sâu sắc vô cùng một điều mà ai cũng biết nhưng đôi lúc lại lãng quên: “Bây giờ tóc mẹ trắng phau Để cho mái tóc trên đầu anh đen”. Cuộc sống nhiều vất vả của mẹ cũng được tái hiện qua những hình ảnh quen thuộc: con đường dốc nắng, chợ xa gánh nặng. Mẹ tảo tần sớm khuya để anh khôn lớn, để bây giờ em có anh chính vì lẽ đó mà:” Thương anh thương cả bước chân Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao”. Xuân Quỳnh thật đằm thắm và tình nghĩa khi viết những câu thơ trên. Em thương anh em cũng thương từng bước chân của mẹ đã từng lặn lội năm xưa. Thời gian trôi qua, anh đã thành nhà thơ, bóng dáng của mẹ có trong thơ anh, trong sự trưởng thành của anh:
Lời ru mẹ hát thuở nào Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh Nào là hoa bưởi hoa chanh Nào câu quan họ mái đình cây đa
Ở đây ta bắt gặp những lí thuyết khoa học rất quen thuộc: Di truyền học và Môi trường học. Mẹ di truyền cho anh nguồn gen của mình để anh có cái tinh tế, thông minh của một nhà thơ. Mẹ tạo ra môi trường để anh phát triển được tài năng của mình. Vì thế:
Xin đừng bắt chước câu ca Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Đừng dối mẹ nhé anh. Dù là dối mẹ để yêu em. Lời khuyên là sự hi sinh của người con gái nhưng sự hi sinh ấy thể hiện nhân cách rất đẹp của người con gái ấy. Xuân Quỳnh không chỉ là nhà thơ viết bằng cảm xúc mà chị còn viết bằng trí tuệ và hiểu biết, điều này lí giải tại sao thơ Xuân Quỳnh có sức sống lâu bền đến thế.
Xuân Quỳnh bằng tình cảm và trí tuệ đã chỉ rõ tình cảm của mẹ đối với mình- nàng dâu
Mẹ không ghét bỏ em đâu Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Mẹ không ghét bỏ em, em biết rõ điều đó. Em yêu anh nên em đã làm dâu của mẹ. ” Dâu là con” và em đã là con của mẹ. Thật chí lí và sâu sắc. Từ tình cảm với mẹ Xuân Quỳnh nghĩ về tình yêu của mình:
Em xin hát tiếp lời ca Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn Hát tình yêu của chúng mình Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng Giữa ngàn hoa cỏ núi sông Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Em xin được hát tiếp lời ca của mẹ để ru anh sau bao nỗi lo âu nhọc nhằn của cuộc đời. Tình yêu của chúng mình thật nhỏ nhoi giữa không gian mênh mông và cuộc đời rộng lớn, giữa biếc xanh của hoa cỏ , núi sông và đặc biệt cũng thật nhỏ bé so với lòng thương yêu vô bờ bến của mẹ. Hai câu kết của bài thơ thật giản dị mà sâu lắng:
Chắt chiu từ những ngày xưa Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Từ những nhọc nhằn, từ những chắt chiu của ngày xa xưa mẹ đã sinh anh cho em, chính vì vậy mẹ là ân nhân vĩ đại nhất của cuộc đời em. Anh yêu em bao nhiêu, anh tuyệt vời bao nhiêu, em càng ơn mẹ bấy nhiêu. Tình yêu của em giành cho anh tỉ lệ thuận với tình cảm em giành cho mẹ. Có còn gì xúc động hơn tấm lòng của con dâu giành cho mẹ ở những câu thơ này. Trong ” truyền kỳ mạn lục”, Nguyễn Dữ cũng đã viết về một người con dâu hiếu thảo là nàng Vũ Nương. Nàng đã thay chồng chăm mẹ trong những năn tháng chồng đi chinh chiến vô cùng chu đáo. Chính mẹ chồng nàng đã nói với nàng rằng : trời xanh kia không bao giờ phụ lòng tốt của con. Rồi nàng Cúc Hoa trong vở chèo ” Tống Trân – Cúc Hoa” đã láy thịt của mình cho mẹ chồng ăn qua cơn đói khi bị lạc trong rừng. Từ những câu chuyện cảm động đó ta thấy bài thơ ” Mẹ của anh” của Xuân Quỳnh không phải chỉ thể hiện tấm lòng của nhà thơ mà còn là bài học đạo đức, là lời khuyên về cách sống cách cư xử đối với bạn đọc. ” Mẹ của anh” là bài thơ viết về tình cảm của con giành cho mẹ, nhưng không chỉ như thế bài thơ còn là tình đời, tình người sâu sắc. Vượt qua mọi giới hạn của thời gian, bài thơ mãi mãi thiêng liêng, mãi mãi có dư âm vang vọng trong lòng bạn đọc chính vì giá trị nhân văn đẹp đẽ của nó. Chiều 13-7-2010
CHẤT TRIẾT LÝ VÀ HƠI THỞ CUỘC SỐNG TRONG THƠ XUÂN QUỲNH
Xuân Quỳnh là một nữ sĩ nổi tiếng ở thế kỉ XX. sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 tại quê: xã La Khê, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Bà xuất thân trong một gia đình công chức, mồ côi mẹ từ nhỏ, ở với bà nội.Tên tuổi của Xuân Quỳnh sánh ngang với tên tuổi của Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm,Bà Huyện Thanh Quan khi xưa. Độc giả yêu mến thơ Xuân Quỳnh bởi đọc thơ Xuân Quỳnh ta cảm nhận được rất rõ chất triết lý sâu sắc và hơi thở đậm đà của cuộc sống thường nhật. Xuân Quỳnh dẫn người đọc đến với những triết lý về người phụ nữ, về tình yêu, về cuộc sống… Có lẽ ít có nhà thơ nào lại đưa vào thơ của mình những triết lý vừa gần gũi lại vừa sâu sắc như Xuân Quỳnh.
1- Những triết lý về người phụ nữ
Đọc thơ Xuân Quỳnh ta sẽ được đến với một thế giới đầy ắp những trăn trở, những suy tư của người phụ nữ. Ta cũng tìm thấy ở những vần thơ đó những triết lý vô cùng thú vị về cõi tâm linh, cũng như cuộc sống đời thường của người phụ nữ Việt nam. Xuân Quỳnh có hai bài thơ viết riêng cho giớ mình mà ai cũng biết. Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu bài thơ “ Thơ viết cho mình và những người con gái khác”. Ở bài thơ này Xuân Quỳnh đã so sánh phụ nữ và đàn ông. Cách so sánh rất mới mẻ. Nhà thơ không so sánh những chỉ số về cơ thể, so sánh về chức năng của hai giới mà so sánh về thế giới bên trong của hai giới. Nếu phụ nữ hay trong con mắt của đàn ông hiện lên như thế này:
Mà bọn con gái mình hay nói xấu lẫn nhau Bọn con trai nghe lỏm đôi câu: “Cô này lác, cô kia thì cằm lẹm…” Họ khinh chúng ta và lời cửa miệng: “Chuyện đàn bà”.
Nhưng họ có biết đâu rằng:
Biết bao điều mãi tận thẳm sâu Ta chịu đựng hy sinh vì họ.
Trong con mắt của phụ nữ đàn ông hiện lên thật ngăn nắp rõ ràng trong suy nghĩ và cách sống:
Dẫu sao con trai cũng là đáng quý Mỗi người sinh ra đã hướng sẵn một chân trời Việc hôm nay họ không để ngày mai Họ lượng sức, lượng đường “đi phải đến”. Đầu óc họ đã quen tính toán. Mỗi khoản trong đời đều xếp thành ngăn: Ngăn làm thơ, ngăn đánh giặc, gia đình Tình yêu nữa cũng trong ngăn của họ Ôi con trai thật kì lạ
Họ thật kì lạ so với phụ nữ chúng ta. Cuộc sống của họ được chia thành từng ngăn rõ ràng, chính vì thế tư duy của họ luôn đâu ra đấy không lẫn lộn, dẫn đến cách xử sự của họ cũng thật minh bạch. Họ thật tuyệt vời. Nhưng trong tình yêu họ lại là những người ích kỷ so với phụ nữ:
Không sĩ diện đâu, nếu tôi yêu được một người Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm Tôi yêu anh dẫu ngàn lần cay đắng… Con gái chúng mình mang tiếng nhỏ nhen chật hẹp, Nhưng hơn bọn con trai cái đức biết hi sinh Ta yêu người con trai không phải vì mình Mà họ yêu ta vì họ yêu chính họ Được yêu hai lần, họ cao lên một bậc Ta không được yêu cảm thấy thấp dần đi Vì chính ta cũng chẳng yêu ta.
Ta đọc được ở đây những điều thật hiển nhiên và sâu sắc về thế giới tâm linh của con người cả đàn ông và đàn bà, để từ đó được nhà thơ dẫn đến một kết luận mang đạm nét chất phụ nữ:
Chúng ta cam lòng với việc tần tảo nuôi con việc đồng ruộng hậu phương là việc phụ. Con trai cho rằng ra mặt trận, làm thơ… là việc chính của đời kia. Nhưng họ đâu biết rằng nếu không có chúng ta thì họ cũng chẳng đánh giặc làm thơ. Không có chúng ta, chỉ họ sống với nhau thôi họ sẽ trở thành ngu ngốc.
Các đấng mày râu có hiểu được điều này không ạ? Đọc thơ Xuân Quỳnh tôi tin rằng các anh sẽ hiểu chúng tôi hơn và sẽ không bao giờ:
Anh tính nỗi đau, niềm vui bằng tháng, bằng tuần lễ Nhưng với em, em hiến cả cuộc đời Anh tiếc thời gian chúng ta đã qua rồi Em, em biết không gì mất được Bài thơ nói về trái tim anh lại viết bằng bộ óc. Đọc bài thơ yêu em thấy sự chia xa
Khi đọc những vần thơ này tôi chắc rằng chúng ta sẽ hiểu đời hơn và hiểu chính mình hơn nhiều lắm. Chất triết lý và hơi thở cuộc sống của thơ Xuân Quỳnh chính là ở đó.
Đọc bài thơ: “ Thơ vui viết về phái yếu” người đọc cũng được chiêm nghiệm những gì được đúc rút rất sâu sắc từ cuộc sống rất nhiều trải nghiệm của nữ sĩ. Vẫn bằng biện pháp so sánh liên tưởng Xuân Quỳnh chỉ ra sự khác biệt rõ nét giữa Adam và Eva:
Những người đàn ông các anh có bao nhiêu điều to lớn Vượt qua ô cửa cỏn con, văn phòng hẹp hàng ngày Các anh nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay Tới thăm dò những hành tinh mới lạ Tài sản của các anh là những tinh cầu, là vũ trụ Các anh biết mỏ dầu, mỏ bạc ở nơi đâu Chính phục đại dương bằng các con tàu Đi tới tương lai trên con đường ngắn nhất Mỗi các anh là một nhà chính khách Các anh quan tâm đến chuyện mất còn của các quốc gia. Biết bao điều quan trọng được đề ra Những hiệp ước xoay vần thế giới Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây Gạo, bánh, củi dầu chia thế nào cho đủ Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa Những quả cà, mớ tép, rau dưa Đối với Nít và Kăng, những siêu nhân nay và xưa Xin thú thực: chúng tôi thờ ơ hạng nhất Chúng tôi còn phải xếp hàng mua thịt Sắm cho con đôi dép tới trường Chúng tôi quan tâm đến xà phòng, đến thuốc đánh răng Lo đan áo cho chồng con khỏi rét… Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên trái đất. Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay Càng không có hạt nhân nguyên tử Chúng tôi chỉ có chậu có nồi có lửa Có tình yêu và có lời ru Những con cò con vạc từ xưa Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
Cách so sánh này làm nổi bật thiên chức, nổi bật tính cách của hai nửa thế giới. Đến đây ta cũng cảm nhận rõ chất triết luận chặt chẽ của thơ Xuân Quỳnh. Từ sự so sánh và liên tưởng đó Xuân Quỳnh dẫn người đọc đến với kết luận:
Nếu ví dụ không có chúng tôi đây Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn hạnh phúc Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông Các anh sẽ không còn biết yêu biết ghét Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn Ai sẽ là người sinh ra những đứa con Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát… Buổi sớm mai ướm bước chân mình lên vết chân trên cát Bà mẹ đã cho ra đời những Phù Đổng Thiên Vương Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng Là bác học… hay là ai đi nữa Vẫn là con của một người phụ nữ Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên
Mộc mạc, giản dị, gần gũi nhưng vô cùng sâu sắc và đúng đắn như một chân lý. Điều này lí giải tại sao thơ Xuân Quỳnh luôn được bạn đọc đón nhận một cách vô cùng hào hứng.
Ở bài thơ” Bàn tay em” người đọc một lần nữa lại thấy Xuân Quỳnh triết lý về vai trò và thiên chức của người phụ nữ đối với cuộc sống và thế giới:
Trong tay anh, tay của em đây Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ. Trời mưa lạnh, tay em khép cửa, Em phơi mền, vá áo cho anh.
Tay cắm hoa, tay để treo tranh, Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc. Năm tháng đi qua, mái đầu cực nhọc, Tay em dừng trên vầng trán lo âu.
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngã. Khi anh vắng, bàn tay em biết nhớ Lấy thời gian đan thành áo mong chờ.
Lấy thời gian em viết những dòng thơ Để thấy được chúng mình không cách trở. Bàn tay em, gia tài bé nhỏ, Em trao anh cùng với cuộc đời em
Bàn tay của người phụ nữ biết vun trồng và giữ gìn hạnh phúc. Biết xoa dịu những lo âu, những nỗi đau. Biết góp nhặt những niềm vui. Biết nhớ thương mong chờ và chung thủy. Bàn tay là tài sản quí giá nhất của người phụ nữ và họ sẽ trao nó trọn vẹn cho một người đàn ông yêu quí nhất cuộc đời.
Có lẽ chỉ cần qua ba bài thơ này ta đã đọc được ở đó đầy ắp cõi sâu kín trong tâm hồn người phụ nữ. Ta như được chia sẻ, như được soi sáng để nhìn thấy rõ mình hơn, biết trân trọng và yêu quí bản thân mình hơn.
Nếu như Xuân Diệu được coi là ông hoang của thơ tình đầu thế kỷ XX thì Xuân Quỳnh sẽ được coi là nữ hoàng của thơ tình ở giữa thế kỉ XX. Thơ bà luôn bộc lộ một trái tim tình yêu mạnh mẽ và hồn hậu của người phụ nữ. Trong những vần thơ đó đã bộc lộ những triết lý của một người đã từng kinh qua mọi nẻo của đường tình mới có thể rút ra được. Đọc bài thơ Tự hát ta giật mình khi nhận ra rằng chưa bao giờ ta suy nghĩ sâu về trái tim tình yêu của người phụ nữ. Trái tim tình yêu ấy nó nồng nàn và mạnh mẽ đến mức có thể vượt qua mọi thời gian và không gian:
Em trở về đúng nghĩa trái tim Biết làm sống những hồng cầu đã chết Biết lấy lại những gì đã mất Biết rút gần khong cách của yêu tin
Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em Biết khao khát những điều anh mơ ước Biết xúc động qua nhiều nhận thức Biết yêu anh và biết được anh yêu
Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em Là máu thịt, đời thường ai chẳng có Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa Nhưng biết yêu anh có khi chết đi rồi
Triết lý về tình yêu mà ta tìm thấy ở đây là từ thủa hông hoang cho đến giờ trái tim tình yêu của người phụ nữ không phải là điều quá bí ẩn không thể khám phá. Hãy lắng nghe và sẽ nhận thấy trái tim tình yêu ấy sẽ đập những nhịp cho tình yêu cả khi chết đi rồi.
Ở bài thơ “ Thuyền và biển” triết lý vêt ình yêu được bộc lộ thông qua mối quan hệ không thể tách rời giữa thuyền và biển:
Chỉ có thuyền mới hiểu Biển mênh mông nhường nào Chỉ có biển mới biết Thuyền đi đâu về đâu
Những ngày không gặp nhau Biển bạc đầu thương nhớ Những ngày không gặp nhau Lòng thuyền đau rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi Biển chỉ còn sóng gió Nếu phải cách xa em, Anh chỉ còn bão tố
Cái gắn kết khăng khít trong tình yêu đích thực là cái ai cũng biết nhưng để nhìn nó một cách đầy đủ và rõ nét thì phải nhờ bài thơ của Xuân Quỳnh.
Nỗi nhớ và tình yêu là đề tài không bao giờ dứt của thi ca. Đã có rất nhiều nhà thơ đã thể hiện vấn đề này dưới góc độ của tư duy loogic như :
“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét” ( Tiếng hát con tàu- Chế Lan Viên)
“ Anh nhớ bóng
Anh nhớ hình
Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi” ( Tương tư chiều- Xuân Diệu)
“ Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn anh dạo khắp trong sân” ( Hozdenh)
Xuân Quỳnh triết lý về nỗi nhớ trong tình yêu rất hình tượng và từ đó khẳng định lòng chung thủy cua người phụ nữ:
Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước Những con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc Dẫu ngược về phương Nam Nơi nào em cũng nghĩ Hướng về anh – một phương.
Đến bài “ Thơ tình cuối mùa thu” bài thơ được viết khi nhà thơ đã trải qua rất nhiều chiêm nghiệm trên đường đời nên người đọc cảm nhận được thật sâu sắc cái vĩnh hằng bất diệt của tình yêu. Dù thời gian có trôi qua, dù vạn vạt có đổi khác, chỉ có tình yêu là còn mãi:
Tình ta như hàng cây Đã bao mùa gió bão Tình ta như dòng sông Đã yên ngày thác lũ.
Thời gian như là gió Mùa đi cùng tháng năm Tuổi theo mùa đi mãi Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em Cùng tình yêu ở lại…
Ngược lại với “ Thơ tình cuối mùa thu” bài thơ “ Hoa cỏ may” lại là triết lý về sự thay đổi trong tình yêu- thay đổi của tình anh. Trong cuộc sống không có điều gì không thể không sảy ra, và lời yêu mỏng mảnh cũng không biết lúc nào sẽ thay đổi đó là một qui luật nghiệt ngã nhưng ai cũng phải chấp nhận:
Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may Áo em sơ ý cỏ găm đầy. Lời yêu mỏng mảnh như màu khói, Ai biết lòng anh có đổi thay?
Đến với thơ Xuân Quỳnh người đọc như được trải nghiệm cuộc sống qua trang thơ. Và tình yêu là một phần quan trọng của cuộc sống đó. Viết về tình yêu Xuân Quỳnh không chỉ viết bằng trái tim nóng bỏng mà còn viết bằng trí tuệ rất mẫn tiệp bằng kinh nghiệm sống rất phong phú của mình. Chính bởi lẽ đó thơ tình của bà cũng đậm đã chất triết lý và mang hơi thở cuộc sống nồng nàn.
Ngay từ đầu người viết đã cố gắng rạch ròi phân biệt những khía cạnh khác nhau trong nội dung thơ Xuân Quỳnh, nhưng có lẽ sự rạch ròi ấy chỉ đạt được tương đối vì triết lý về cuộc sống là triết lý bao hàm tất cả những triết lý khác, nhưng cũng xin chỉ ra ở đây những suy ngẫm rất hay của Xuân Quỳnh về cuộc sống. Trước hết là triết lý về quên và nhớ. Ta hãy đọc:
Em biết quên những chuyện đáng quên Em biết nhớ những điều em phải nhớ Hoa cúc tím trong bài hát cũ Dẫu vẫn là cung bậc của ngày xưa
Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ Nhưng đâu phải là điều em luyến tiếc.( Có một thời như thế)
Phải biết quên để ghi nhớ những điều sẽ tới, phải biết nhớ để sống vững vàng hơn, quá khứ dù đẹp đến bao nhiêu có luyến tiếc cũng không lấy lại được. Những câu thơ trên phải chăng chính là thông điệp về cách sống mà nhà thơ muốn trao đổi cùng bạn đọc.
Xuân Quỳnh có những câu thơ mà chất triết luận của nó khiến cho nó trở thành những bài học để đời cho mỗi bạn đọc. Viết về nỗi vất vả và sự hy sinh của những người mẹ cho những đứa con, Xuân Quỳnh viết:
Ngày xưa má mẹ cũng hồng Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau Bây giờ tóc mẹ trắng phau Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Giản dị và sâu lắng biết bao khi từ nỗi vất vả của người mẹ Xuân Quỳnh đi đến triết lý về tình cảm và quan hệ của con dâu đối với mẹ chồng:
Chắt chiu từ những ngày xưa Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Cũng lại là một cách đối nhân xử thế trong đời đấy. Mẹ đã chắt chiu qua bao tháng ngày vất vả để sinh anh cho em, có lý nào em lại không ơn mẹ, không đền đáp lại mẹ bằng đạo hiếu của người con? Chất triết lý và hơi thở của cuộc sống đã mang lại tính giáo dục sâu sắc cho thơ Xuân Quỳnh.
Đọc bài thơ “ Mùa hạ” ta nhận ra màu sắc triết lý của nhà thơ về tuổi trẻ và cuộc sống. Tuổi trẻ của con người cũng giống như mùa hạ rực rỡ và nhiều khát khao:
Đó là mùa của những ước mơ Những dục vọng muôn đời không xiết kể Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu
Đó cũng mùa vạn vật được phơi trần dưới nắng và con người cũng không thể giấu che cảm xúc của mình:
Đó là mùa không thể giấu che Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.
Ta nhìn lại mùa hạ của đời mình và ta chợt thấy sao nó lại đúng đến thế, lại giống ta đến thế? Quả là đọc thơ Xuân Quỳnh ta như thấy cả mình ở trong đó.
“ Bầu trời trong quả trứng”- một bài thơ viết cho trẻ em nhưng lại thể hiện triết lý về cuộc đời. Bầu trời trong qur trứng thật an toàn ấm áp nhưng đó không phải là cuộc đời. Cuôc đời chính là bầu trời xanh rộng lớn tuy nhiều nguy hiểm nhưng ai cũng cần phải học cách sống trong bầu trời xanh ấy:
Trời xanh mà tôi nghĩ Trời xanh mà tôi yêu Trời xanh ấy mang theo Cả nỗi lo nỗi sợ: Tôi lo bão lo gió Tôi sợ cắt sợ diều
Này trời xanh tôi ở Biết rằng tôi lớn khôn?
Khi ta sống giữa cuộc đời, giữa trời xanh lúc ấy là ta đã lớn khôn, ta sẽ làm được nhiều việc có ích cho ta, cho những người thân yêu .
Xuân Quỳnh đến với Lưu Quang Vũ là người chồng thứ hai. Bà yêu Lưu Quang Vũ đến cháy lòng, và trong cuộc sống vợ chồng tình cảm của Lưu Quang Vũ có lúc nhạt phai, khi ấy Xuân Quỳnh không tìm cách than thở hay đổ lỗi chị chỉ im lặng nhận lỗi về mình- đó cũng là cách ứng xử rất hay, rất sâu sắc của người phụ nữ đằm thắm và từng trải:
Mắt anh nâu một vùng đất phù sa Vùng đất của nơi nào trong trí nhớ Em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ Giữa vô cùng hoang vắng giữa cô đơn
Mấy năm rồi, thơ em buồn hơn Áo em rộng, lòng em tan nát Những bài hát ngày xưa em vẫn hát “Cây trúc xinh, quán dốc…gốc đa làng…” Câu thơ anh em vẫn đọc thầm Cả lúc nghĩ: “…biết bao giờ trở lại”
Mái tôn dột. Sao mà mưa mãi Anh ra đi Phố vắng Đầu trần.
Biết bao giờ cho đến mùa xuân Em sẽ kể anh nghe về chuyện cỏ Em sẽ kể anh nghe về ngọn gió Trên đỉnh cao thành bão những đêm hè Em kể về những miền đất em đi Những cửa biển thơ anh thường nói tới Những rừng hoa thơ anh từng đến hái Trái bàng vàng rụng vội con đường quen.
Chẳng có gì để em nói về em Em chỉ thấy em là người có lỗi.
Viết về Xuân Quỳnh ta có thể viết được rất nhiều điều, nhưng với tư cách là một người phụ nữ tôi tâm đắc hơn cả những vần thơ triết lý sâu sắc cảu chị về cuộc đời, về phụ nữ và về tình yêu… Sống ở cõi thế nhân rộng lớn này mỗi người chúng ta đều cần phải học rất nhiều, cần phải sống rất mạnh mẽ, cần phải yêu và được yêu… tất cả n hững điều đó ta đều tìm thấy trong thơ Xuân Quỳnh như những lời khuyên, những lời tâm sự và tìm thấy ở nhiều sự sẻ chia. Hãy nhắm mắt lại và ngĩ về cuộc đời, nghĩ về ngươi đàn ông mình yêu quí chắc chắn không ai không thấy những câu thơ của Xuân Quỳnh ngân nga trong tâm trí:
Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em Là máu thịt, đời thường ai chẳng có Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa Nhưng biết yêu anh có khi chết đi rồi. Có thể khẳng định rằng sức sống của thơ Xuân Quỳnh chính là nhờ những vần thơ trí tuệ vô cùng và tình cảm cũng vô cùng như thế.