Nguyễn Hướng Dương, giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù
Quà tặng của nỗi đau
SGTT.VN - Trời lấy đi của Hướng Dương đôi chân, nhưng bù lại cho cô giọng nói và nụ cười có thể khơi dậy niềm vui sống nơi những bé thơ đang trong cơn tuyệt vọng. Những bài học từ chính cuộc đời cô, từ những trang sách nói chính là “quà tặng của nỗi đau”. Quà tặng ấy không chỉ dành cho những bé thơ đã bị cướp đi ánh sáng, mà cho cả những người còn hai con mắt vẫn như kẻ vô minh… 25 tuổi, đang trong thời xuân sắc, một biến cố bất thần đổ xuống đã khiến chị sau đó nhiều lần muốn tìm đến cái chết để chấm dứt cả nỗi đau thể xác và tinh thần… Điều kỳ diệu nào đã giúp chị thoát khỏi cái hố thẳm đen ngòm ấy?Đó là cú sốc quá lớn trong đời tôi. Mỗi lần tỉnh dậy nhìn xuống hai chân cụt lủn, thương tích đầy mình, mặt mày tan nát hết, tôi lại khóc, lại trách ông trời. Tôi khóc nói với bố: “Con không muốn sống nữa”. Bố ôm lấy tôi: “Dù không muốn sống cho con thì cũng phải sống cho bố mẹ. Bố mẹ luôn cần đến sự hiện diện của con trong cuộc đời này, và sẽ luôn ở bên con…” Mẹ đứt ruột nhìn tôi, lặng lẽ lên chùa thỉnh một số sách của các vị thiền sư về cho tôi đọc. Không ngờ những cuốn sách đó đã giúp tôi tìm thấy con đường. Tôi bỗng hiểu ra rằng những tai hoạ xảy đến trong đời đều có giá trị của nó, giúp ta nhận chân ra nhiều sự việc, nhìn thấy cuộc đời rõ ràng hơn, tự tin hơn vào sức mạnh tự thân, để chuyển hoạ thành phúc. Ông trời “bắt phong trần phải phong trần”, nhưng thanh cao hay không thì tự mình làm được.
Và nhân duyên với các em khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu đã giúp chị tận lực đưa sách nói đến với các em?Chị có bao giờ nhìn thấy trước mắt mình cả trăm em bé bị mù chưa? Một cảm giác thật khủng khiếp. Nó gây ra trong tôi một sự chấn động ghê gớm, phải bằng mọi cách làm được cái gì đó cho các em… Thật lạ, lần đầu tiên nghe giọng nói của tôi, các em đã yêu quý liền, cứ đòi tôi đọc truyện cho nghe. Nhìn những gương mặt ngây thơ sáng bừng lên, tôi thấy nghẹn ngào. Lúc chia tay, các em xúm lại hỏi hôm sau tôi có đến đọc tiếp nữa không. Từ đó, tôi phát hiện ra nhu cầu sách nói rất lớn cho những em bé khiếm thị. Tìm hiểu kỹ, tôi biết sách nói đã phát triển rất mạnh ở các nước mấy chục năm qua, và trở thành chương trình của chính phủ, nhưng ở Việt Nam lúc ấy còn quá mới mẻ. Bắt đầu từ số không, với một máy thu âm nhỏ và một phòng nhỏ do công ty Thế Kỷ 21 cho mượn, tôi tự viết dự án sách nói cho người mù, tự đọc, tự thu, tự làm âm nhạc… rồi nhân bản đưa vô các trường mù… Cứ thế góp gió thành bão.
Không chỉ cặm cụi thu âm tối ngày, chị còn chống đôi nạng gỗ đi gõ cửa khắp nơi để tìm nguồn tài trợ. Có bao giờ chị thấy tủi thân vì bị từ chối, bị xúc phạm?Bất cứ việc thiện nào đến tay mình đều làm với cái tâm hoan hỉ, không phân biệt lớn hay nhỏ. Ban đầu công việc tưởng chừng quá sức, khi nào đuối quá, tôi cầu nguyện chư Phật. Có lẽ do mình thành tâm nên may mắn được gặp những người thành tâm thực sự. Tôi nhớ mãi những ân nhân đã giúp mình trong những ngày đầu tiên, dù chưa biết mình là ai, có làm được gì không. Đó là người đã cho tôi mượn căn phòng đầu tiên, dù lúc ấy giá thuê cả ngàn đôla. Ông Ngô Minh Đường, một Việt kiều Pháp đã cho tôi 3 triệu đồng mua băng làm sách nói. Ông Phạm Đức Trung Kiên cho 1.000 USD, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho chiếc bàn chúng ta đang ngồi đây. Cục Bưu chính viễn thông thì nhận phát miễn phí… Chính nhờ những tấm lòng hảo tâm ấy mà các em trường mù của TP.HCM và cả nước đã có hơn 1.000 tựa sách nói, với trên 250.000 sách nói miễn phí, gồm đủ các thể loại, từ sách giáo khoa, sách văn học, sách dạy làm người đến khoa học thường thức…
Công việc này cần sự kiên nhẫn kinh khủng. Nhiều khi bị chối từ, bị ghẻ lạnh phũ phàng nhưng mình quên đi, coi như vấp phải cục gạch. Nhớ làm gì cho mệt. Mình làm với cái tâm xả bỏ, làm hết sức mình, còn được hay không thì do nhân duyên thôi, nên tôi không bị tổn thương. Hay có lẽ mình bị tổn thương quá nhiều rồi nên bây giờ chẳng gì có thể làm mình đau đớn nữa.
Tôi nhớ mãi một kỷ niệm ở Hà Nội. Một chiều rất đẹp, anh chủ tịch hội Người mù mời tôi đi ăn bánh tôm Hồ Tây. Đột nhiên anh nói với tôi: “Em có thấy chiều hồ Tây đẹp vô cùng không?” Tôi rưng rưng trước câu nói tuyệt vời từ một người mù! Được sống với những tâm hồn đẹp đẽ thơ mộng ấy, làm sao có thể cho phép mình tủi thân… Rất may càng ngày thư viện càng có thêm nhiều tình nguyện viên. Đó là các anh các chị văn nghệ sĩ, phát thanh viên, biên tập viên đài truyền hình. Đội ngũ tình nguyện viên bây giờ đã lên đến 20 người, làm việc hoàn toàn không có thù lao. Điều này khiến tôi thật sự ấm lòng.
Khi yêu thương các em bé mù một cách sâu sắc, dường như nỗi đau trong chị cũng tan biến? Chị đã tìm thấy sự bình yên chưa?Khi hoà nỗi đau của mình vào nỗi đau của nhiều người khác, tự nhiên tôi thấy nỗi buồn tan biến đâu mất. Bây giờ, tôi có một công việc đầy ý nghĩa để làm, một niềm vui lúc nào cũng tràn ngập, đó là tình cảm rất chân thành từ các em bé đơn côi. Nguyễn Văn Long, một trong những cử nhân mù đầu tiên của ngành sử học đã tặng tôi một bó hoa nhân ngày 8.3. Bó hoa do đích thân em đi mua, và em đã nói với người bán hoa hãy bán những đoá đẹp nhất. Đó là những tình cảm mà không tiền bạc nào mua nổi. Mười lăm năm trôi qua kể từ khi biến cố ấy, năm nay tôi đã bốn mươi tuổi. Tất cả tuổi trẻ đã dành cho các em, tôi thấy mình không có gì phải nuối tiếc. Các em rất sợ tôi… đi lấy chồng! Và tôi đã hứa với các em rằng sẽ không bao giờ bỏ các em. Với tôi bây giờ, tình yêu đôi lứa không còn quan trọng nữa. Tôi sẽ làm việc đến kiệt sức (cười hạnh phúc).
Con người luôn luôn phải đối diện với những bất trắc, tai hoạ, khủng hoảng… Theo chị, làm thế nào để có sự chuẩn bị trước về tinh thần? Nhìn về tuổi trẻ bây giờ, chị thấy họ thiếu nhất điều gì?Cuốn sách ảnh hưởng nhất đến cuộc đời tôi là tác phẩm Bàn về hạnh phúc của Mathieu Ricard, một tu sĩ Phật giáo, một nhà khoa học. Đó là chỗ dựa tinh thần, tâm linh cho tôi, như một cơn mưa rào tưới tẩm tâm hồn đang héo úa trở nên tươi tắn lại… Con người luôn đi tìm hạnh phúc mà không biết hạnh phúc là gì. Ngay cả tôi trước khi bị biến cố ấy cũng không xác định được. Lúc ấy tôi là một cô giáo mộng mơ, nghĩ hạnh phúc chỉ là yêu đương, và rất mông lung về con đường phía trước. Hạnh phúc đó mong manh dễ vỡ lắm… Lớp trẻ bây giờ giỏi giang, thông minh, nhạy bén, nhưng dường như ít người tìm được cho mình một lẽ sống, một mục đích cao cả cho cuộc đời. Nhân duyên đã đưa tôi đến với các em bé mù, cả hai đều khao khát đem đến hạnh phúc cho nhau, nhưng đâu có dễ để biến ước mơ thành sự thật. Sức mạnh nội tâm chỉ có được khi hạnh phúc của mình được đặt trên những cơ sở vững chắc. Tri thức không phải là việc làm chủ hàng đống thông tin và kiến thức, mà là hiểu biết chân thực về bản chất của cuộc sống, biết nguyên nhân khiến mình khổ để diệt khổ, biết mở rộng lòng nhân từ, nhìn mọi vật xung quanh với tấm lòng khoan dung, không bám chấp…
Giá trị cuộc sống không phải là của cải, tiền bạc, mà nằm ở mục đích mà mình xác lập để sống, để cống hiến trong suốt cuộc đời. Khi sống cho người khác cũng là sống cho mình nhiều nhất, niềm vui sẽ len lỏi trong tâm hồn lúc nào không hay. Nếu đem hết tâm sức vì công việc, và cảm hoá nhiều người cùng chung tay với mình để làm, tôi tin sẽ tạo nên một sức mạnh vô cùng lớn.
Nỗi lo lớn nhất của chị bây giờ là gì?Sau bao năm dời đổi, thư viện sách nói đã có được một trụ sở khang trang. Anh Ngô Mạnh Hân, tổng giám đốc công ty Miền Đất Hoàng Thịnh Phát đã cho chúng tôi mượn nơi này trong ba năm không lấy tiền. Thời hạn một năm đã hết, tôi lại bắt đầu lo. Giá như các nhà doanh nghiệp có thể giúp được một địa điểm chừng 200m2 ở nội thành thì tốt quá.
Đọc trên báo biết tin Bill Gates đang kêu gọi các tỉ phú Mỹ và Trung Quốc làm từ thiện, tôi thầm mong ông tỉ phú nào đó của Việt Nam cũng đứng ra kêu gọi các doanh nhân đi làm từ thiện. Chỉ cần bớt đi vài chiếc xe hơi đời mới là các bé mù sẽ có một mái nhà của sách. Biết làm giàu, biết đem sự giàu có của mình để tạo hạnh phúc cho người khác, biết dừng lại, biết thế nào là đủ, biết tận hưởng cuộc sống của mình một cách có ý nghĩa nhất… chính là bài học quý giá mà Bill Gates đã mang lại cho chúng ta.
Chị có buồn nhiều không, khi chứng kiến những hành vi từ thiện không mấy đẹp trên truyền hình và trong đời sống vừa qua?Tôi rất băn khoăn với văn hoá từ thiện hiện nay. Đã gọi là từ thiện thì phải đẹp từ cách làm, cách cho, đến cách nhận. Cách đẹp nhất là từ tấm lòng đến tấm lòng. Nhưng hiện nay cũng có rất nhiều người làm từ thiện giả, vận động tiền của người khác để dùng vào việc gì không ai biết, hoặc để đánh bóng tên tuổi mình một cách lố lăng, hợm hĩnh. Tôi có một đức tin là làm gì thì người vô hình cũng biết, tự mình biết. Chúng ta rồi ai cũng phải đối diện với tất cả những gì mình đã làm trong đời, kể cả tốt và xấu. Hãy tự vấn, đối diện với lòng mình trước.
Người có tâm cũng cần phải suy xét, sáng suốt để trao gửi đúng người.
Người thầy lớn nhất trong cuộc sống của chị là ai?Là sư bà Thích Nữ Tịnh Nguyên chùa Phước Hải. Bà là hình ảnh thật đẹp về lòng từ bi. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng mỗi mùa lũ bà vẫn đích thân đem từng giạ gạo, từng chai nước mắm đến cho bà con vùng sâu, vùng xa. Năm nay đã hơn 80 tuổi, sư bà vẫn không ngừng học hỏi, vẫn ưu tư, vẫn dọc ngang trời đất…
Tinh thần làm việc không mệt mỏi của sư bà là tấm gương để tôi noi theo.
Bây giờ, còn điều gì khiến chị phải sợ hãi không?Người ta chỉ sợ hãi khi làm điều gì sai trái. Không có gì trên đời có thể làm tôi sợ hãi nữa, kể cả cái chết. Khi hiểu cái chết cũng là một phần của cuộc đời, tôi biết cách để đối mặt với nó.
thực hiện:
Kim Yến, ảnh:
Trần Tiến Dũng
Thầy Nguyễn Thanh Tâm, hiệu trưởng trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu:“Cuộc đời Hướng Dương rơi vào hoàn cảnh tưởng chừng không lối thoát, nhưng cô đã trở thành một hình ảnh đẹp khi nói về hạnh phúc. Một cô gái rất tâm huyết, năng động và sáng tạo trong công việc, hết lòng vì người khiếm thị. Trong gần 100 em khiếm thị đậu vào đại học, có công đóng góp rất lớn của Hướng Dương, từ chuyện lo giáo trình đến chuyện chạy học bổng cho từng em. Các em đều coi Hướng Dương là một người chị, người mẹ tinh thần, đồng hành với các em trên con đường học vấn”.
Thạc sĩ Bạch Việt, giáo viên trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu:“Người mù có nhiều cách học khác nhau, sách nói là lựa chọn tối ưu cho các môn khoa học xã hội, vì cập nhật nhanh, giá rẻ, cách dùng đơn giản, rất thích hợp với vùng sâu, vùng xa. Hướng Dương là người tiên phong và duy nhất theo đuổi đến cùng sự nghiệp sách nói cho người mù. Một cô gái đầy nghị lực, đã vượt qua nỗi đau của chính mình để đến với nỗi đau của người khác. Phải chứng kiến sự vui mừng của các em mỗi khi nhận được một đầu sách mới, mới thấu hiểu sự đóng góp âm thầm của Hướng Dương”.
Những tai hoạ xảy đến trong đời đều có giá trị của nó, giúp ta nhận chân ra nhiều sự việc, nhìn thấy cuộc đời rõ ràng hơn, tự tin hơn vào sức mạnh tự thân, để chuyển hoạ thành phúc.Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)