Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Điểm qua mấy vần thơ
viết về "người vợ" thuở xưa...

Lắm lúc nghĩ đến những gì còn chồng chất trên vai người mình yêu mến, lòng chợt vang lên câu nói: "Bất kỳ mái ấm nào, thảy đều có phần đóng góp của người vợ tốt"...Song, đề tài thấm đượm nghĩa tình này, dường như chưa bao giờ được xem là một chủ đề lớn.
Nói cách khác, trong văn học viết của ta cách nay mấy thế kỷ (xin phép được giới hạn khoảng thời gian), số bài dành cho đối tượng ấy không nhiều. Có thể một phần vì các nho sĩ-vừa là nhà thơ, vừa là chồng- đều nghĩ rằng đấy là chuyện riêng tư; phần khác biết đâu chẳng vì ý thức hệ phong kiến, khiến vai trò của người bạn trăm năm bị đánh giá thấp, bị lưu mờ.Nhưng bù lại, những tác phẩm mà tôi biết, điều bộc lộ được những cảm xúc hết sức đậm đà, khăng khít...

Đầu tiên tôi xin nêu đôi câu thơ của Nguyễn Kiều (1694-1771) khóc vợ là Đoàn Thị Điểm (1705-1748):
...Đào chưa tươi đã khô
Quế đang thơm đã rũ
Rừng sâu, bể rộng, nàng hỡi đi đâu?
Ngọc nát, châu chìm, lòng tôi quặn nhớ...

Tiếp theo, tôi phải nhắc đến Ngô Thì Sĩ (1726-1780) với Khuê Ai Lục. Bởi thật lòng,qua hai mươi bài thơ chép trong sách ấy, không bài nào là không gợi trong tôi những cung bậc xót xa. Xin chọn hai bài:

Chu trung độc toạ hữu hoài
(Ngồi một mình trong thuyền tưởng nhớ)

Dịch nghĩa:(dn)

Yêu thương ở cùng nhau (thế mà) bổng dưng mất nhau
(Như) tiết trời nóng lạnh cứ tuần tự thay đổi
Người thì chôn vùi tắm thân ngọc dưới nấm mồ lặng lẽ
Người thì lên thuyền một mình trên sông dài xa xăm
Trời không thể hỏi được, chỉ một màu mù mịt
Trăng vốn vô tình cứ tự nhiên tròn vành vạnh
Còn nhớ ngày nào, đi về Thanh Hoa
Cùng ngồi trên thuyền, chuyện trò vui vẻ.

Và: Nhớ nàng không có cách nào, đành đem cây đàn của nàng ra gãy
Phím gẫy dây chùng, sai lạc cả tiếng tơ
Theo bài đàn, muốn lựa xoang mà không thành điệu
Bồi hồi ngắm kỹ, lòng chỉ còn biết thương tâm...

(trích Thập Tư)

Vẫn là niềm đau vì "âm dương" bỗng dưng chia cắt, vua Tự Đức (1829-1883) cũng có bài "Khóc Bằng Phi":
...Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
Mối tình muốn đứt càng thêm bận
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.

Vâng, có lẽ tôi không cần nói gì thêm về những cuộc chia tay "không bao giờ gặp lại" này; bởi những vần thơ trên và những dòng chữ tiếp theo đây  của Nguyễn Khuyến (1835-1909), sẽ thay tôi nói tất cả. Đành rằng so lại, ngôn ngữ của Tam nguyên Yên Đỗ mộc mạc hơn, song tôi nghĩ, nó không hề thua kém mặt nghĩa tình:

Điệu nội(khóc vợ)
Sống chung mấy chục năm trời
Gốc hoè một giấc, kéo dài ngànthu
Bóng cầu thấp thoáng thế dư ?
Lô nhô đám mộ có chừa riêng ai ?
Biết đâu cõi Bụt chẳng vui
Đường trần chi phải mong ai thương mình
Nếu ta sống tựa ông Bành
Tám trăm năm ấy, khóc tình bao phen

Và câu đối:

Nhà chỉnh vốn cũng ngèo thay!Nhờ được bà hay lam, hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quay cồng, tất tả chân đăm đá chăn chiêu (ý nói tất bật)vì lão đỡ đằng trong mọi việc;
Bà đi đâu vội đấy! Để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành,buông quần lá toạ, gật gù tay đũa chạm tay chén, cũng ai kể lể chuyện trăm năm.

Khác hơn tâm trạng tiếc nuối người thương bỡi lẽ "vô thường" vừa nêu, Phan Thanh Giản (1796-1867)là vị Tiến sĩ đầu tiên & duy nhất của Nam kì (1826), vì ơn nước, nợ trai đành phải rời quê để nhận trọng trách chốn xa. Trước lúc ông ra đi đã làm một bài thơ với lời lẽ thật cảm động; vừa để gửi gắm việc nhà, vừa để bày tỏ tâm tình riêng với người bạn đời ở lại:

Giã vợ nhà đi làm quan
Từ thuở vương xe mối chỉ hồng
Lòng này ghi tạc có non sông
Đường mây, cười tớ ham giông ruổi
Trướng liễu, thương ai chịu lạnh lùng
Ơn nước, nợ trai đành nổi bận
Cha già, nhà khó cậy nhau cùng
Mấy lời nhắn nhủ khi lâm biệt
Rằng nhớ rằng quên, lòng hỏi lòng

Và Nguyễn Thông (1827-1894) xuất thân trong một gia đình nho học nghèo,đỗ cử nhân 23 tuổi. Rồi cũng vì việc vua việc nước... ông đành phải bùi ngùi chia tay với người vợ trẻ. Bóng dáng vò võ ấy, được ông ví như cành hoa đào dập dềnh trên muôn lượn sóng xuân:

Tống nội tử Ngô Vũ Khanh Nam qui
(Đưa vợ là Ngô Vũ Khanh về Nam)
Dịch thơ (dt)

Màn the vọng quyện lệ đầm
Tóc xanh ai để lược trâm biếng cài
Về Sóng xuân e cánh đào trôi
Chia đôi trăng sáng, lẻ loi thuyền.

Nhưng xét cho cùng, vì trách nhiệm trai thời loạn mà chồng vợ ly biệt, nỗi sầu tư đó theo tôi càng nhân lên, khi một người phải lẩn trốn, một người phảibồng dắt con thơ chạy loạn, chưa biết bao giờ gặp lại hay sống chết ở phương nào. Đó là tâm trạng của Ngô Thì Nhậm (1746-1803) lúc nhà Hậu Lê vừa sụp đổ:

Hoài nội
(nhớ vợ)
(dt)
Hối chẳng cùng vui cảnh ruộng đồng
Đỉnh chung để luỵ khách khuê phòng
Ta lầm chăng tới, đường gai góc
Nàng dắt con đi, bước ngại ngùng...

(Nguyễn Sỹ Lâm dịch)

Đó cũng là nỗi lòng của Vua Duy Tân (1900-1945) khi phải vĩnh viễn xa người mà mình yêu dấu. Sử chép: Sau cuộc khởi nghĩa chống thực dân không thành (1916), vua bị đày sang đảo Réunion. Vương phi mới cưới tên Mai Thị Vàng xin theo, nhưng vì không hạp thuỷ thổ, đau yếu luôn nên phải quay về nước. Thấy phi còn rất trẻ (18 tuổi), vua cho quyền tái giá.Thế nhưng bà vẫn cam chịu cảnh sống đơn chiếc, đạm bạc cho đến cuối đời (1980).

Cái còn lại của mối tình đầu vương giả & buồn bã này là một bài thơ khá hay viết bằng tiếng Pháp, do vua Duy Tân làm lúc người yêu quí lâm bệnh nặng. Và có lẽ đây là bài thơ tình duy nhất của một ông vua Việt trong văn khố Pháp:

À Ma Chère Bien–Aimée
(Tặng người yêu dấu)

Vén cánh cửa diệu kỳ
Ta ngắm nhìn em ngủ
Nằm trên làn chăn vải
Không một tiếng động hờ
Ta ngắt những đoá nhài
Và những đoá cẩm chướng
Ta canh chừng bên em
Với đôi mi khép kín
Ta lặng lẽ nguyện cầu
Bỗng dưng mắt nhoà lệ
Và nghĩ tới những điều
Chờ hai ta đêm nay...

Trường hợp Cao Bá Quát (1809-1854) người mà nhà Nguyễn cho là kẻ ngỗ ngược, ngông cuồng... Sau khi bị khép vào tội chết vì tạo phản (khỡi nghĩa Lê Duy Cự, 1854). Dưới đây là những dòng thơ đầy triều mến của họ Cao khi thân bị giam cầm, đã gửi về cho vợ -người vợ từ thuở hàn vi đang âu lo, khó nhọc một mình nơi quê nhà - để ta cùng thương cảm cho đôi số phận éo le:

-Nhắn bác về thăm hỏi nhà tôi
Trong bũi mưa gió này, hai bên cùng đầm đìa giọt lệ (Bài 131)

-Chiếc gương nhỏ, mình đã gửi vào tráp người đi xa
Tấm áo rét, ta đã để lại trong phòng củ
Hãy giữ gìn những vật ấy để cùng an ủi
Và để cho đôi ta lúc nào cũng nhớ đến nhau (Bài 37)

-Rồi mai đây nếu được trở về nhà lai cũ
Bước vào cửa, biết rằng có người vợ hiền từ
Giã gạo để nuôi con, chờ chồng. (bài 15)
54.40
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Vừa nhắc bốn chữ "khó nhọc một mình" khiến tôi sực nhớ đến bài thơ "Thương vợ" của Trần Tế Xương (1870-1907). Do hai bài này hầu như ai cũng thuộc nên tôi không chép ra đây. Nhưng nếu ở đấy, bà Tú là nhân vật điển hình cho biết bao nhiêu người đàn bà âm thầm chịu khó nhọc vì chồng vì con; thì qua câu đối với hai bài thơ dưới đây, tôi muốn gợi đến một khía cạnh khác của phận người làm vợ:quên thân vì chồng.

Như ta đã biết, Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), xuất thân trong gia đình dân chài lưới nghèo, nhờ có chí nên đỗ đầu kỳ thi hương (1835). Ông nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, cương trực, thương dân và ghét bọn tham quan, cường hào. Nên lúc ông làm tri huyện Trà Vinh, vì bệnh vực dân Khmer nên bị bọn chúng cấu kết nhau cáo buộc ông tội "Xui kẻ giết người". Và khi hay tin triều đình kết tội chết cho chồng, bà Nguyễn Thị Tồn vợ ông đã quá giang ghe bầu từ Định Tường (Tiền Giang) vượt vô vàn hiểm nguy, sóng gió để ra tận Huế đánh trống, đội đơn kêu oan. Nhờ thế ông mới được tha (nhưng vẫn bị giáng chức làm lính coi đồn Vĩnh Thông, Châu Đốc). Tiếc thay, trên đường trở về bà mang bệnh rồi mất (Lúc tôi soạn bài này thì mộ bà vẫn còn ở thôn Mỹ Khánh, Biên Hòa; còn mộ Bùi Hữu Nghĩa ở Bình Thủy, Tp Cần Thơ)

Cám cảnh "Chưa vui đã sầu, mới còn đã mất", Bùi Hữu Nghĩa đã thốt lên những lời lẻ bi thiết sau:
Tớ nghèo mình lo giúp, tớ oan mình lo kêu, chòm xóm điều khen mình đáng vợ;
Mình đau tớ chẳng nuôi, mình chết tớ chẳng táng, non sông thẹn phận tớ làm chồng. (Dịch đôi liễn thờ vợ)
-"Nơi kinh quốc ba hồi trống gióng, biện bạch nầy oan nọ ức, đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng.
Chốn tỉnh đường một tiếng thét vang, hẳn hòi lẽ chánh lời nghiêm, lũ bằng đảng tai nghe đều hết vía..."
-"Phụng lìa đôi chếch mác, đừng nói sửa sang giềng mối, khi túng thiếu manh quần tấm áo, biết lấy ai mà cậy nhờ;
Gà mất mẹ chít chiu, đừng nói nhắc biểu học hành, khi lạt thèm miếng bánh đồng hàng, biết theo ai mà thỏ thẻ". (trích Bài văn tế khóc vợ của Bùi Hữu Nghĩa).
Cặp đối chữ Nôm, lời lẽ cũng rất bi ai:
"Đất chẳng phải chồng, bao nỡ thịt xương gởi đó,
Trời mà mất vợ, thử xem gan ruột mần răng!"



Và bài thơ "Đề nhà mồ vợ"

Đã chẳn ba năm mới đặng thăm
Màn loan đâu vắng bặt hơi tăm
Gió đưa đâu thấy hình dương liễu
Đêm vắng hoài ai tiếng sắt cầm
Chồng nhớ vợ, lòng tơ bối rối
Con thương mẹ, lụy ngọc tuôn dầm
Có linh chín suối đừng xao lãng
Thỉnh thoảng về thăm lúc tối tăm.

Tương tự, bà Lê Thị Lộc, vợ của Thủ Khoa Huân (1816-1870) cũng đã lặn lội đến An Giang để xin tha cho chồng, khi ông Huân bị viên Quan tỉnh này bắt nộp cho thực dân Pháp. Xúc động trước nghĩa cử này, từ trong ngục thất, nhà yêu nước gửi ra cho vợ hai bài thơ.
Xin trích một:

Tặng Vợ

Xem qua thư gửi rất kinh hoàng
Nhi nữ chà chà cũng lớn gan
Đơn bẩm cuối lòn loài bạch quỷ,
Sân quỳ vất vả phận hồng nhan
Bán mình đâu nệ phiền lòng sắt,
Chuộc tội thà xin trọn nghĩa vàng
Tiết khí dưới trần coi ít mặt,
Cang thường càng chuộng gánh giang sang

Thật lòng tôi không muốn kết thúc bài góp nhặt này khi chưa trích dẫn được đôi câu trong "Văn tế vợ" của Phan Bội Châu (1867-1940) và "Thư gửi cho vợ" của Huỳnh Thúc Kháng (1867-1947). Bỡi lâu rồi tôi đã đọc đâu đó và cái đong lại trong tôi là mối tình chung thủy, mặc cho kẻ thù chia cắt, mặc cho tất cả thua thiệt về mình.

Nhưng tiếc sao, dù mấy hôm rày tôi đi đến cả Thư viện tỉnh vẫn không sưu tầm được. Thôi thì dù chỉ ngần ấy, thiết nghĩ, từ ngòi bút của những nho sĩ tiến bộ vừa nêu, cũng đã phần nào nói lên niềm cảm thông sâu sắc và đã biết đánh giá đúng vai trò, công lao cùng những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung và người vợ nói riêng.

Mặt khác, ít nhiều nó cũng xóa bỏ được những quan niệm bất công, hẹp hòi như "chồng chúa vợ tôi", "nam trọng nữ khinh" vv... vốn thường có. Chỉ riêng điều đó thôi, tôi tin những dòng thơ chân tình trên vẫn đủ sức gợi cho lòng mỗi đôi lứa hôm nay biết phải làm gì khi đi tìm, vun bồi và nắm giữ Hạnh Phúc...


Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn
24.50
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Bài viết của bạn hay quá, chắc bạn cũng có và đọc khá nhiều thơ của các bậc tiền bối nhỉ, mong sẽ được đọc nhiều bài viết của bạn gửi lên đây nữa :-)

Mình còn nghĩ đến mấy bài tế vợ và bỏ vợ này nữa: :D

"Khóc Bằng phi" (vua Tự Đức):

Ới thị Bằng ơi đã hết rồi
Ới tình ới nghĩa ới duyên ơi
Trưa hè nắng chái oanh ăn nói
Sớm ngỏ trưa sân liễu đứng ngồi
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
Mối tình muốn dứt càng thêm bận
Mãi mãi theo hoài chứ chẳng thôi.


Bỏ vợ lẽ cảm tác (Nguyễn Công Trứ):

Mười hai bến nước một con thuyền,
Tình tự xa xôi đố vẽ nên.
Từ biệt nhiều lời lo ngắn giấy
Tương tư nặng gánh chứa đầy then.
Rồi đây nỏ biết quên hay nhớ,
Từ đó mà mang nợ với duyên.
Tình ấy trăng kia như biết với,
Chia làm hai nửa giọt hai bên.


Văn tế sống vợ (Tú Xương):

Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ
Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ
Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn ?
Người ung dung, tính hạnh khoan hoà, chỉ một bệnh hay gàn hay dở.
Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười
Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ
Gần xa nô nức, lắm gái nhiều trai
Sớm tối khuyên răn, kẻ thầy người tớ.
Ông tu tác cửa cao nhà rộng, phó mặc tay dâu,
Anh lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ

Thế mà:
Mình bỏ mình đi, mình không chịu ở
Chẳng nói chẳng rằng, không than không thở.
Hay mình thấy tớ: nay Hàng Thao, mai phố Giấy mà bụng mình ghen ?
Hay mình thấy tớ: sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai, mà lòng mình sợ ?
Thôi thôi chết quách yên mồ, sống càng nặng nợ
Chữ nhất phẩm ơn vua vinh tứ ngày khác sẽ hay,
Duyên trăm năm ông Nguyệt xe dây, kiếp này đã lỡ.
Mình đi tu cho thành tiên thành phật, để rong chơi Lãng Uyển Bồng Hồ,
Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ.


PS: bài viết của bạn có lẽ nên chuyển sang phần Cổ thi VN thì thích hợp hơn nhỉ ?
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
14.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Vâng.Bạn có thể chuyển nó.Thâm tạ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Lâu rồi trang này trống vắng, thôi thì tạm lấp chỗ trống bằng "Những câu thơ yêu vợ..." của người thời nay vậy, mong các bạn lượng thứ

Những câu thơ yêu vợ của Việt Hải



Lang thang trên Internet bất ngờ đọc thấy những câu thơ yêu vợ của Đặng Việt Ca, chợt bần thần mất mấy ngày. Thơ viết cho người yêu thì nhiều, thế nhưng thơ yêu cho vợ như Việt Hải thì rất hiếm.

Lão vua Ấn Độ Jahan thế kỷ 17 yêu vợ đến mức bỏ ra cả 30 năm để làm ngôi đền Taj Mahal tráng lệ cho người vợ có với mình đến 14 mặt con yên nghỉ, kể cũng là vô địch thiên hạ yêu vợ mấy ngàn năm. Hoặc như:  Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/Xếp tàn y lại để dành hơi  của Tự Đức cũng thuộc loại xưa nay hiếm. Thế nhưng yêu vợ đến độ  Dép thơm em để lại nhà/Đem săm soi nhớ ngọc ngà bàn chân  như Việt Hải thì hình như Tự Đức cũng phải gọi bằng sư phụ.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/NhathoVietHai-DoTrungQuan.jpg
Nhà thơ Việt Hải qua nét cọ Đỗ Trung Quân. Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị.


Cũng giống như bao nhiêu gã đàn ông khác, những ngày đầu chung sống là những ngày ngập tràn hạnh phúc, các câu thơ kiểu như:

Tận cùng hương vị thịt da
Thương yêu làm đất trời hòa vào nhau


(Trần Mạnh Hảo).  

Thả xuống con thuyền ngàn vạn những vì sao

(Phan Hoàng Phương)

hoặc như Việt Hải  

Ta đi vào lòng nhau
Những đêm chăn giường thức...


cũng nhiều. Thế nhưng, giữ cái tình yêu ấy bền chặt, không cũ mòn, lúc nào cũng cồn cào nhớ mong như Việt Hải không phải là dễ. Vợ đi vắng anh viết:  
Ngoài hiên quỳnh nở, trăng đơn
Làn da trắng ấy như còn trên hoa
Trăng xoay về góc trời xa
Anh xoay lòng mãi vẫn là góc em.


Yêu vợ, nhớ vợ mỗi lúc đi xa, anh làm thơ và gọi những bài thơ ấy là  Vọng thê một, hai và ba. Trông chồng hóa đá còn được chứ ai lại trông vợ mà hóa đá! Một xã hội vốn được xây dựng trên nền tảng tạo niềm vui cho đàn ông như xã hội hôm nay thì một anh chàng nào đó "vọng thê" xa ra không thích hợp lắm. Thế mà Việt Hải yêu vợ và sung sướng công khai điều ấy bất cứ chỗ nào và trương nó lên cả những cái tít:  Thư cho vợ, Vợ ta, Thơ của vợ, Dặn vợ... Hoặc như:  

Thế kỷ hai mươi có gã điếc
Mần thơ bút hiệu Đặng Việt Ca
Lếu láo, ngông nghênh a, bờ, cờ
Ba mươi năm được làm "Ông Thu Nguyệt".


Người ta lấy tên theo chồng chứ ai lại lấy tên theo vợ một cách đầy sung sướng như anh chàng này đâu!
Yêu lắm thì ghen nhiều, dĩ nhiên là như vậy rồi, vợ mình xinh đẹp thế (cho dù chỉ là trong mắt mình thôi chứ không phải là hoa hậu đã được công chúng thừa nhận) thì người ta ghẹo (có khi do tưởng cũng nên) cũng là điều dễ hiểu:

Tôi giật mình nhìn vào mắt những thằng đàn ông háo đủ thứ muốn nuốt chửng em;
nhiều thằng đàn ông ghen đến khổ...

thế nhưng với Việt Hải thì ta hãy nghe Việt Hải ghen:

Vợ hiền như chiếc lá me
Lỡ rơi không tiếng vọng về thì sao?
Phồn hoa thì lắm lối vào
Đường ra chi mở khi nào hương phai.
Mùa theo mùa, ngày qua ngày.
Vọng thê là bệnh của thời văn minh.


Trời đất, hình như anh hình dung vợ mình sẽ bị bắt cóc hoặc làm một cuộc "24 giờ trong đời người đàn bà" mà anh chỉ có thể gặp lại khi nào hương phai.
Thời mà ngồi bên chồng bên vợ người ta vẫn có thể nói chuyện với người tình qua những dòng tin nhắn thì yêu vợ như Việt Hải xem ra sẽ khiến lắm người vợ thèm:

Dăm bận ta vờ khen tặng vợ
Em rất ngoan và em vẫn xinh
Nhói lòng ta biết tại ta tất
Hoa thơm ai đã cắm vô sình.


Hoặc:

Thôi thì. Em là hoa. Ta làm cỏ vậy...
Chiều ấy ngồi bên đời ta hát
Một gã tình si bệ rạc
Mong làm êm bước em đi.


Ngày 8/3, bất chợt bắt gặp những câu thơ yêu vợ của Việt Hải và muốn thật nhiều người biết về nó. Hải là họa sĩ, để đời là những tác phẩm mỹ thuật, anh đồng thời có viết văn, làm thơ, thế nhưng, hình như chính những câu thơ yêu vợ này mới khiến anh bất tử.
Trăm năm những ông chồng cũng sẽ giật mình khi biết có người yêu vợ đến vậy. Thế nhưng sẽ không có ai giật mình hết nếu không có bài Grand Pix  dưới đây. Hải sẽ chỉ là thằng đàn ông yêu vợ hơi bị mù quáng, bản năng, hoặc chẳng có dịp nếm mùi thế giới bên ngoài bao rộng. Trong bài Grand Pix, Hải thể hiện rõ lòng yêu ấy là một quá trình nhận thức như bất cứ thằng đàn ông nào khác, cũng yêu nhau mà cưới, rồi cũng lãng quên, cũng hành hạ nhau đến rướm máu, và em thì "đẹp dần lên" chứ không phải là rước hoa hậu về nhà:

Tôi mẫn cảm
Run lên sung sướng trước một bức tranh đẹp
Nhưng nhận thức về em hơi bị chậm.
Vì lý do nào đó tôi chẳng quan tâm
Rằng tôi yêu em hơn bất cứ người đàn ông nào khác
Em không cần quà tặng
Và tôi tay trắng đón em...
Mãi đến lúc ra đời những đứa trẻ mang ADN của em và tôi
Mãi đến khi tôi giật mình
nhìn vào mắt những thằng đàn ông háo đủ thứ muốn nuốt chửng em
Đến khi em là em, hoang dã loài hoa chưa ai đặt tên, hoang dã biển bão núi lửa, hoang dã con sẻ bị tên...
Đến khi tôi đổ sập bằng cơn bão địa chấn bảy độ richter
Tôi vùi trong đêm cô đơn đại dương
Em vùi trong tôi mềm rũ cọng bún mắc mưa
Em đẹp dần lên.
Em không phải là người đàn bà để tôi có thể đem ra so sánh
Em đẹp mình em.
Tôi thông minh giữa đời nhưng khờ khạo trước em
Ngoan ngoãn nhờ em yêu giùm.
Khi tôi chết
Nhớ khắc giùm tôi câu này lên bia đá:
Đây là chiếc giường hạnh phúc vĩnh cửu của một thằng khờ được giải Grand Pix cuộc đời mà không cần trải qua một cuộc đua nào.


Vâng, trăm năm nữa người ta cũng sẽ nhớ đến Hải với những câu thơ yêu vợ đơn giản mà không ai viết nổi ấy.

Buồn
Buồn như tiền kiếp đọa đày
Buồn như hoa rụng cuối ngày.
tàn đông.
Buồn như tiếng của thạch sùng
Buồn như một phút tưng bừng vừa qua.
Buồn như em chẳng yêu ta
Buồn như mình sắp rời xa cuộc đời.


(Việt Hải)

Hồ Trung Tú
(Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị số 8/3)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Hồ Tây và một trận thi chiến


Cả hai bài phú đều xứng đáng được coi như những đỉnh cao của văn chương Nôm, những tuyệt phẩm về ngôn từ. Mặt khác, đây là trận “thi chiến” đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam.

Trong khoảng hai năm đầu tiên của thế kỷ XIX, với sự xuất hiện hai bài phú Nôm,  Tụng Tây Hồ phú  của Nguyễn Huy Lượng và  Chiến tụng Tây Hồ phú  của Phạm Thái, Hồ Tây và những khu vực phụ cận - một không gian văn hóa đặc trưng của Hà Nội - đã được vẽ lại bằng ngôn từ, và được vẽ lại theo những cái nhìn - phối cảnh rất đối nghịch.
Sở dĩ có thể nói đến chuyện “vẽ lại” ở đây, ấy bởi đặc điểm thể loại (thể phú) của hai tác phẩm mà ra. “Phú giả phô dã” - phú là để bày ra, phô ra, để tự sự, để miêu tả. Những tác phẩm phú (chữ Hán) nổi tiếng như  Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, Chí Linh sơn phú của Nguyễn Trãi hay  Trảm xà kiếm phú của Sử Hy Nhan là những ví dụ sáng giá cho khả năng tự sự và miêu tả của thể phú. Hai bài phú Nôm đang được nói đến cũng vậy: trùng trùng điệp điệp những miêu tả cảnh quan khu vực Tây Hồ, lớp gần lớp xa, liên miên như không dứt.

Trong mắt Nguyễn Huy Lượng, Tây Hồ là cả một quần thể di tích đẹp, có sức nhắc gợi quá khứ, khiến cho lịch sử và huyền thoại luôn đồng hiện với con người ngày nay:


“Tòa thạch tháp, nọ nơi tiên để báu
Chốn thổ đôi, kia chỗ Khách chôn bùa
Mục Lang hương lửa chẳng rời, tay lưới phép còn ghi công bắt hổ
Quán Trấn Vũ nắng mưa nào chuyển, lưỡi gươm thiêng còn để tích giam rùa
Kề bến nọ, quán Thiên Niên lớp lớp
Cách ngàn kia, ghềnh Vạn Bảo nhấp nhô”


thì trong mắt Phạm Thái, quần thể di tích của Tây Hồ đã trở nên hoang tàn, đã tắt ánh hào quang huyền thoại, đã mất thiêng:

Tòa thạch tháp đã tản bình xá lỵ
Đống thổ đôi đà nát dấu chôn bùa
Lưới Mục Lang âu nát mất cả giềng, gian chẳng bắt nữa hoài công bắt hổ
Gươm Trấn Vũ chỉ còn trơ những sống, giặc không giam mà còn sức giam rùa
Thiên Niên nếu được lâu, sao quán nát?
Vạn Bảo nào có báu, để ghềnh nhô?”.


Trong mắt Nguyễn Huy Lượng, Tây Hồ là vùng đất lành, nơi có thể thắp lên những tình cảm tôn giáo cao khiết, lại vừa là nơi cư dân tụ hội đông vui, làm ăn buôn bán sầm uất, mọi người sống một đời sống an bình no ấm:

“Tòa Kim Liên sóng nổi mùi hương, chùa Trấn Quốc tưởng in mùi Tịnh Phạn
Hàng cổ thụ gió rung bóng lục, tràng Phụng Thiên nhân sẵn thú Nghi Vu
Dấu Bố Cái rêu in nền phủ
Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa
Trông mơ màng dường Đỉnh Thứu nơi kia, vài tổ thước cuối làng kêu lích chích
Nghe phảng phất ngỡ Động Đào mái nọ, mấy tiếng gà trong trại gáy o o
Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút
Ghềnh nhật Chiêu sóng giật ì ồ
Rập rềnh cuối bãi Đuôi Nheo, thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm
Thanh lảnh đầu hồ Cổ Ngựa, tháp cao tăng còn hé cửa tò vò”.


Trong mắt Phạm Thái, Tây Hồ là cả một nền cảnh cực kỳ lộn xộn chắp vá, đạo thì nực mùi trần mà trần thì lại đầy những tạp hình tạp âm tạp vị (không loại trừ vị của chất thải - niệu thỷ) khiến cho ai nấy đều ngao ngán:

“Ngẫm tăng ni thơ thẩn khổ tu hành, anh áo vóc, chị mũ vàng, đỏng đảnh thế ở làm giông phạn vũ
Xem đồng quán dở dang chiều lý thú, đứa quả đào, thằng khăn trắng, náo nức thay chạy đến quấy Nghi Vu
Ông Đá dãi dầu hình tượng miếu
Bà Đanh vắng ngắt tiếng chuông chùa
Nhà tranh đua đều khấn Bụt cầu giời, đường Quan Thánh khéo lăng nhăng lít nhít
Chợ xào xạc những buôn hùm bán quỷ, mái Trường Lương nghe lếu láo ỷ o
Khói lò gạch thổi lưng trời ngùn ngụt
Sông cánh hàn xô sườn đá ồ ồ
Bãi Đuôi Nheo tanh ngắt giống tinh chiên, nước trong hờn vẻ nguyệt chẳng còn ưa, thuyền du tử lái quay ra cho chóng
Hồ Cổ Ngựa thối hoăng mùi niệu thỷ, hoa thơm giận chiều xuân sao nỡ phụ, lều cư nhân gianh nát đã như vò”.


Trong mắt Nguyễn Huy Lượng, không phải tự nhiên mà cảnh Tây Hồ lại đẹp đẽ nhường ấy. Đã có lúc tất cả cảnh trí ở đây đều hoang lương quạnh quẽ. Đó là giai đoạn kéo dài sáu năm trời: từ năm Canh Tý (1780), năm Trịnh Khải âm mưu đảo chính, đến năm Bính Ngọ (1786), năm Tây Sơn kéo quân ra Bắc diệt Trịnh. Trật tự chỉ được vãn hồi kể từ khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, tiến quân ra Bắc lần thứ hai, đánh tan đạo quân xâm lược của tổng đốc lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị rồi chính thức đặt sức mạnh vương quyền của mình trên đất Bắc Hà. Nguyễn Huy Lượng không tiếc lời để tả những thay đổi tốt đẹp lớn lao mà sự có mặt của triều Tây Sơn đã mang tới cho cảnh Tây Hồ:

“Tới Mậu Thân (1788) từ rỡ vẻ tường vân, sông núi khắp nhờ công đãng địch
Qua Canh Tuất (1790) lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức triêm nhu
Vũng trì chiểu nước dần dần lặng
Nơi đình đài hoa phới phới đua
Chốn bảy cây còn mấy gốc lăng vân, chẳng tùng bách cũng khoe hình thương lão
Nơi một bến đã đông đoàn hý thủy, tới uyên ương đều thỏa tính trầm phù
Vẻ hoa thạch châu thêu gấm dệt
Tiếng trùng cầm ngọc gõ vàng khua”.


Ông cũng không quên ca ngợi, một cách trực tiếp, ơn đức của nhà Tây Sơn, và đặc biệt là ông nhấn mạnh vào phẩm chất khoan dung, sự độ lượng của tân triều trước những kẻ bắt chước Bá Di, Thúc Tề, Hứa Do, Sào Phủ bất hợp tác với chính quyền:

“Bãi cỏ non, trâu thả ngựa buông, nội Chu đã lắm người ca ngợi
Làn nước phẳng, kình trầm ngạc lặn, ao Hoàng nào mấy trẻ reo hò
Mặt đất đùn này thóc này rau, dầu lòng Cô Trúc
Làn nước chảy nọ dòng nọ bến, mặc chí Sào Do”.


Trái lại, trong mắt Phạm Thái, sự có mặt của nhà Tây Sơn mang đến một kết quả khác hẳn. Và bức tranh ông phác ra đã vượt quá khuôn khổ của cảnh trí Tây Hồ:

“Quỷ dạ xoa quấy Bụt xuống chi đây, người bách nghệ đến đâu đều khổ não
Thần hạn bạt nát ai ra đấy tá, kẻ tam nông mong chẳng được tô nhu
Cơn binh hỏa trải mấy tao dời đổi
Buổi phong trần thêm mấy dịp tranh đua
Lớp tang thương rơi rụng tựa hoa tàn, ngẫm thiên tạo cũng vui thay cảnh thú
Cuộc Nam Bắc được chăng dường chớp giật, nghĩ thời cơ thêm ngán nỗi khuông phù”.


Nếu Nguyễn Huy Lượng bảo rằng dưới triều Tây Sơn thiên hạ đã yên, thì Phạm Thái lại chỉ ra những con sóng ngầm đang chực trồi lên cuốn phăng tất cả cơ đồ mà Nguyễn Huệ một tay gây dựng:

“Đông châu mấy kẻ múa gươm trung, buồm cần vương quất ngược ngọn nam phong, thù khấu tặc chí còn chưa thỏa
Bắc khổn những người đem việc nghĩa, cờ chính khí phất tàn lò hạ hỏa, nợ quân vương lòng chẳng ứng phu”.


Ông “giả giọng tiên tri” để bàn về vận mệnh của nhà Tây Sơn:

“Thuở bán thiên dồn đến lại thêm phiền, Canh Thân ấy nghĩ còn bền tựa đá
Quẻ lục hợp bói ra thì cũng phải, Nhâm Tuất kia âu hẳn nát ra tro”.


Canh Thân (1800) là năm quân nhà Nguyễn ở Gia Định phản công mãnh liệt, Nguyễn và Tây Sơn đánh nhau to ở miền Trung. Nhâm Tuất (1802) là năm quân Nguyễn đại thắng, thu toàn bộ non sông về một mối). Có thể nói, đây là hai cái nhìn, hai lập trường đối nhau chan chát. Và ở cuối bài Chiến tụng thì Phạm Thái đã không ngần ngại tuyên bố mục đích viết, đồng thời cũng là tuyên bố quan điểm chính trị của mình:

“Giận vì thằng nỡ đặt Tụng Tây Hồ, bênh ngụy tặc bỏ quên thần đế thế
Cho nên tớ phải họa thiên Chiến Tụng, nguyện ngô quân đem lại nếp hoàng đồ”.


Về tác giả Nguyễn Huy Lượng, trong Từ điển Văn học, bộ mới, nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc cho biết: “Nguyễn Huy Lượng thi đậu Hương cống, tức Cử nhân. Dưới thời Lê - Trịnh ông được bổ làm Phụng nghi, một chức quan nhỏ ở bộ Lễ. Sau khi vua Quang Trung ra Bắc đại phá quân Thanh, ông ra cộng tác với nhà Tây Sơn, giữ chức Hữu Thị lang bộ Hộ (nên mới gọi là Hữu hộ Lượng). 1802 triều Tây Sơn sụp đổ, triều Nguyễn lên thay, Nguyễn Huy Lượng bị bắt trong khi quân đội Tây Sơn rút khỏi Bắc thành chạy lên phía bắc. Nguyễn Huy Lượng buộc phải nhận chức tri phủ Xuân Trường của nhà Nguyễn...
Bài  Tụng Tây Hồ phú viết vào mùa hè năm Tân Dậu (1801) trong dịp triều đình Nguyễn Quang Toản dời đô từ Phú Xuân ra Thăng Long và làm lễ tế trời đất ở Hồ Tây” (tr.1148- 1149). Về tác giả Phạm Thái, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi cho biết: “Là con Trạch Trung hầu, một cựu thần của nhà Lê khởi binh chống Tây Sơn nhưng thất bại. Tiếp tục lý tưởng của cha, Phạm Thái bấy giờ mới 20 tuổi, đi giao du sơn thủy để kết giao với người cùng chí hướng. Gặp Nguyễn Đoàn, một nhân vật chống đối Tây Sơn, ông viết bài   Quân yếu (Cốt yếu của việc binh) bàn luận thế đánh và giữ trong tình hình ấy”.
Một vài thông tin như vậy là đủ để cắt nghĩa tại sao con mắt nhìn về cảnh Hồ Tây của hai tác giả lại đối nghịch nhau đến thế. Họ “mượn” việc tả Hồ Tây như một cái cớ để bộc lộ quan điểm, mục đích chính trị của mình. “Gặp thời thế thế thời phải thế”, lịch sử - nhất là lịch sử của những giai đoạn xã hội đầy biến động phức tạp như cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX - có những bước đi ngoắt ngoéo và có những cách áp đặt riêng của nó trên từng cá nhân cụ thể, vì thế không nên đoan quyết một cách vội vã về sự đúng sai trong hành xử của tiền nhân, mà ở đây là Nguyễn Huy Lượng và Phạm Thái. Điều chúng ta có thể chắc chắn, ấy là cả hai bài phú đều xứng đáng được coi như những đỉnh cao của văn chương Nôm, những tuyệt phẩm về ngôn từ. Mặt khác, nếu như người viết không nhầm, đây là trận “thi chiến” đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam: người sáng tác văn chương đã dùng chính tác phẩm văn chương (chứ không phải tác phẩm nghị luận) để đối mặt với nhau, tranh luận với nhau, bác bỏ nhau một cách quyết liệt. Phải chờ đến gần hết thế kỷ XIX, trong bối cảnh thực dân Pháp đã chiếm gọn Nam Kỳ lục tỉnh, “theo Tây” hay “chống Tây” là vấn đề được đặt ra một cách “sát ván” với giới sĩ phu, thì sự “thi chiến” như vậy mới được tiếp tục bằng mười bài thơ trần tình của Tôn Thọ Tường và mười bài họa lại của Phan Văn Trị. Nhưng khi ấy thì văn chương trung đại Việt Nam đã đi đến cuối con đường của một “giai đoạn lớn” trong lịch sử.


Hoài Nam
(Nguồn: Người đại biểu nhân dân)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]