Vĩnh biệt nhà thơ Lê Đạt
Tuesday, 22. April 2008, 03:40
Nhà thơ nổi tiếng Lê Đạt vừa qua đời sáng ngày 21 tháng Tư tại bệnh viện Hữu Nghị ở Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.
Ông sinh ngày 10 tháng Chín năm 1929 tại Yên Bái, với tên khai sinh là Đào Công Đạt.
Ông được biết đến từ khi tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đòi hỏi tự do trong sáng tác văn học nghệ thuật trong thập niên 1950, mà sau đó khiến ông và nhiều người không được xuất hiện trên văn đàn suốt 30 năm.
Năm 1988, nhiều nghệ sĩ từ thời Nhân Văn Giai Phẩm, trong đó có Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm… được Hội Nhà văn mời tham gia sinh hoạt văn học trở lại.
Kể từ thời Đổi Mới, Lê Đạt tiếp tục cho ra mắt nhiều tác phẩm thơ hiện đại, gây ảnh hưởng cho thế hệ nhà thơ trẻ của Việt Nam.
Như thổ lộ của chính Lê Đạt trong một bài viết năm 2006, quãng thời gian 30 năm đại hạn là lúc để ông suy nghĩ về thơ, “buồn rầu nhận ra rằng thơ tôi chưa có cách tân triệt để.”
Ông bắt đầu cuộc hành trình đổi mới thơ mình, nhấn mạnh việc cách tân ngôn ngữ.
Không phải ngẫu nhiên thi phẩm đầu tiên được in của ông từ khi được “phục hồi” lại mang tên Bóng chữ.
Nói chuyện với Lê Quỳnh chiều ngày 21-4, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên ở Hà Nội cho biết đánh giá về đời thơ của Lê Đạt:
Phạm Xuân Nguyên: Thơ Lê Đạt cần được đặt vào dòng thơ cách tân, đổi mới của Việt Nam thế kỷ 20. Vào những năm 1950, Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ngoài ý nghĩa chính trị, xã hội, còn là đại diện cho lực lượng mới của văn học muốn cách tân thơ Việt sau thời Thơ Mới. Nhưng vì hoàn cảnh lịch sử, cuộc cách tân này bị gián đoạn.
Lê Đạt, khi Đổi mới, ông được trở lại văn đàn, thì các tập thơ của ông, đặc biệt tập Bóng chữ, đã chứng tỏ một loại thơ khác, ít nhất là khác với tập quán thưởng thức thơ chung thời bấy giờ. Thậm chí Bóng chữ đã gây ra cuộc tranh luận khá gay gắt – không chỉ là về riêng tập thơ, mà là cả về khái niệm thơ nói chung. Thơ Lê Đạt nằm trong dòng chảy cách tân đó.
BBC:Có ý kiến cho rằng thơ của Lê Đạt giai đoạn sau này hay hơn, thú vị hơn giai đoạn sáng tác ban đầu, mặc dù dĩ nhiên ông được người ta biết chủ yếu là qua sự dính líu đến Nhân Văn Giai Phẩm. Anh nghĩ thế nào?
Tôi đồng ý với đánh giá ấy. Thật ra thời kỳ đầu, ông xuất hiện với những bài thơ mang tính công dân, thời sự. Lê Đạt cùng một số bạn bè được biết đến trong Nhân Văn, là qua tinh thần công dân, chính trị nhiều hơn là văn chương nghệ thuật. Vì họ chưa kịp có một quá trình lâu dài, chỉ mới vừa xuất hiện thì bị dẹp. Nhưng Trần Dần, Lê Đạt và một số người khác biến cái không may thành trường rèn luyện. Họ đọc sách báo nước ngoài, tiếp tục nung nấu, tìm tòi trong im lặng, bóng tối. Để rồi khi xuất hiện trở lại, họ đưa ra những tác phẩm không bị tụt hậu và ở mặt nào đó, họ còn đi trước.
BBC:Có thể xem Trần Dần là người thầy của nhiều nhà thơ trẻ hiện nay. Còn trường hợp Lê Đạt là như thế nào?
Trần Dần, như nhà văn Phạm Thị Hoài gọi, là “Thủ lĩnh trong bóng tối”. Ông có một uy lực văn chương to lớn, điều này càng chứng tỏ khi bây giờ tác phẩm của ông được đưa ra ánh sáng. Nhưng ông mất đã 10 năm nay. Dĩ nhiên ảnh hưởng qua tác phẩm của ông sẽ còn rất mạnh.
Riêng Lê Đạt thì may mắn hơn, ông xuất hiện và sống được với đời sống văn học đương thời. Khi đời sống văn học trở lại bình thường, ông đã lên tuổi lão. Nhưng với tâm hồn, tính cách rất trẻ, với kiến thức và tinh thần nhập cuộc, ông đã tác động tích cực đến văn học, đến các nhà thơ. Ông không ngại giao tiếp với các nhà thơ trẻ. Các nhà thơ cũng học được từ ông, không chỉ từ thơ mà còn qua những cuộc tiếp xúc trực tiếp.
BBC:Gần đây một số người trong nhóm Nhân Văn, gồm cả ông Lê Đạt, được phục hồi, tiêu biểu là qua giải thưởng Nhà nước 2007. Văn giới trong nước có xem trường hợp ông Lê Đạt là may mắn hơn những người khác không?
Không, tôi không nghĩ vậy. Giải thưởng Nhà nước 2007 về văn học nghệ thuật trao cho bốn nhà thơ trong nhóm Nhân Văn – Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán. Người ta thấy đó là sự công bằng và xứng đáng. Dẫu còn có thể bàn nhiều về giải thưởng này, nhưng ta thấy ở đó là một sự thừa nhận xứng đáng cho tài năng thơ ca của họ, cho những gì họ đã phải chịu đựng.
Dư luận quanh chuyện đó cũng có nhiều chiều khác nhau. Nhưng thái độ ứng xử với giải thưởng của ông Lê Đạt, Hoàng Cầm, theo tôi cũng là cách ứng xử phải lẽ. Nhưng đó không phải là sự may mắn. Ở trên tôi nhắc đến chữ “may mắn”, ý là rất còn may Trời còn cho ông sống khi diễn ra giai đoạn Đổi mới để ông còn dự mình vào đời sống văn học. Để ông còn tác động được đến nền văn học. Đấy là một người tận hiến vì thơ và ông xứng đáng được tôn vinh và kính trọng.
(Copy từ BBC)
Cái gì biết thì chia sẻ.Đừng sợ người ta cười mình hợm hĩnh.Chỉ e người ta không muốn tiếp thu.Cái gì chưa biết thì hỏi.Đừng ngại người ta cười mình dốt.Chỉ sợ mình hoài dốt thật(Ketxu)