Trang trong tổng số 2 trang (18 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]

Ảnh đại diện

Phụng vũ cửu thiên

Ôi, hôm qua em vừa đọc được thơ của nhà thơ Lê Đạt trên Thi viện mà hôm nay đọc trên báo đã thấy ông đi rồi. Thực ra em chỉ vừa biết đến ông hôm qua.
Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Phong Lan

Nguồn: http://www.bbc....edatpoems.shtml

Một số bài thơ của Lê Đạt

Nhà thơ Lê Đạt (1929-2008) là một trong bốn nhân vật nổi tiếng nhất của phong trào Nhân văn-Giai phẩm
Bài thơ "Nhân câu chuyện mấy người tự tử" của Lê Đạt (1929-2008) được đăng trên báo Nhân Văn số 1 ngày 20.09.1956.

Theo nhà thơ Hoàng Cầm trong cuộc nói chuyện với BBC hôm 22.04.2008, thì vì bài thơ này mà cả ông và Lê Đạt đã gặp nhiều 'rắc rối'.

"Nhân câu chuyện mấy người tự tử"

"Báo Nhân dân số 822
Có đăng tin mấy người tự tử
Vì câu chuyện tình duyên dang dở
Trưa mùa hè nóng nung như lửa
Tôi ngồi làm thơ
Vừa giận vừa thương những người xấu số
Chân chưa đi hết đường đời
Đã vội nằm dưới mộ.

Chết là hết
Hết đau hết khổ
Nhưng cũng là hết vầng trăng soi sáng trên đầu
Hết những bàn tay e ấp tìm nhau

Người con trai ngồi trên gò đất
Thổi sáo gọi người yêu
Bắt nắng chiều đứng lại
Lúa đang thì con gái…
Xôn xao gió thổi
Đầu sát bên đầu tính chuyện tương lai

Anh công an nơi ngã tư đường phố
Chỉ đường cho
xe chạy
xe dừng
Rất cần cho luật giao thông
Nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
Theo luật lệ đi đường nhà nước
Có thể gây nhiều đau xót
ngoài đời"


Sau khi bị vụ Nhân văn-Giai phẩm trong vòng 30 năm, Lê Đạt đi vào viết về thân phận của mình, của xã hội thời kỳ cấm đoán và tìm tòi cách tân thơ.

Bài "Cảng Cấm"

Hai vợ chồng ghế đá đêm suông
Cảng Cấm

còi tàu u ú
gió oà
Đất nước mẹ mình
hay mẹ ghẻ


Bài "Thu nhà em"

Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó

Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
Đồi cốm đường thon ngõ cỏ
Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió

Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
và xanh rất cao


Bài "Ác mộng"

"Mơ tôi một giấc mơ khiếp sợ
Đường phố

cả căn nhà tôi ở
Mặt sắt chữ vàng biển đỏ
“Không phận sự miễn vào”


Bài "Bước Ký XXI" viết trước thềm thiên niên kỷ mới:

"Năm 2000
năm chiếu cố
những địa đầu thiểu số

Các nhà cầm quyền
đối đám nghi can
đúng trước giờ công bố
hãy nhẹ tay."
Có ai còn nhớ kẻ xích lô
Lãng mạng phong lưu thích đưa đò
Tóc bạc râu dài chừ thấm mệt
Nhìn thấy cháu đẹp chẳng dám ho ... he ... he
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

CỬA HÀNG LÊ ĐẠT

Khi nói về nhà thơ Trần Dần, nhà thơ Lê Đạt nhận xét: Trần Dần có tư cách một trưởng môn nhân trong thế hệ các ông, là người rất quyết liệt trong cuộc sống và trong việc cách tân thơ. Nhưng ông lại nói “thơ Trần Dần là một bản giao hưởng của lý trí”.

Khi in tập thơ “Bóng chữ” (1994), Lê Đạt mang đến tặng Trần Dần. Ông kể lại mình đã khá hồi hộp chờ nghe nhận xét của bạn. Đọc xong Trần Dần chỉ khẽ khàng nói: “Hay, nhưng kỹ quá.”

Thời kỳ đầu, mang bầu nhiệt huyết nhiệt huyết tuổi trẻ, Trần Dần và Lê Đạt đều ảnh hưởng nhà thơ cách mạng người Nga Maiacốpxky. Nhưng hai ông đã vượt qua cái bóng của thơ bậc thang, đi những con đường riêng để tìm tòi, đổi mới thơ ca Việt. Nhiều người biết mối thâm tình giữa hai ông và sự thân thiết của các thành viên hai gia đình. Họ đã cùng chia sẻ hầu hết những khó khăn, hoạn nạn trong quá khứ.

Vì vậy có thể thấy, hai ông đã vượt qua những tình cảm thông thường của tình bạn, khách quan và trung thực đến tận cùng, nghiêm túc đến mức nghiêm khắc thế nào khi bàn về thơ.

Giờ đây hai ông đã có thể tiếp tục đàm đạo thơ ở cõi vĩnh hằng khi không còn vướng bận những hệ lụy cuộc đời nữa.

Trích 3 chương từ bài thơ Cửa hàng Lê Đạt:


III

Trần Dần đi phao tin

“Lê Đạt mở cửa hàng phở chó”

Anh em ôm bụng cười

Ô hay, sao lại cười

Tôi không định mở cửa hàng phở chó

Nhưng sáng tác cho đời thêm một vài thứ phở

Chẳng là nên hay sao

Chẳng hơn ngồi nhai đi nhai lại

Mấy vần thơ thịt rừ

Cũ rích từ thời thượng cổ

Hà Nội nếu không còn hàng phở

Đời sẽ buồn biết bao nhiêu

Như Hồ Gươm không người làm xiếc

Như Hồ Tây, vắng bánh tôm

Sẽ vô số người thương người nhớ

Chúng ta

những người làm thơ

làm phở

làm xiếc

làm bánh tôm

làm gì gì nữa

Đều đầy tớ loài người bớt đau khổ

Theo đuổi cùng mục đích như nhau

Hãy bắt cái đầu suy nghĩ

Không han gỉ

ngày đêm tìm tòi

Nước béo

mỡ gầu

tôm tươi

thơ mới

Còn gì phấn khởi hơn phục vụ con người



VIII

Để sắm một cửa hàng nho nhỏ

Tôi đã đổi bao nhiêu ngày hớn hở

Mười tám đôi mươi

Những má gọi

những vườn cười chín tới

Tôi đã sống những ngày lầm lũi

Quên ngủ, quên ăn

Mắt lõm sâu

như huyệt chôn người chết

Tôi đã chịu đau thương

bất công

nhọc mệt

Tuổi thơ

làm hại tuổi giời

Mà nhiệm vụ

tôi vẫn làm chưa trọn.

Nước mắt vẫn mưa rơi

Những đầu xanh vẫn bạc

Những thành kiến

Nghi ngờ

Dốt nát

Vẫn còn mạt sát con người


Sao ta chưa biến được cung trăng

thành chỗ ở

Sao mới sáu, bảy mươi

đời đã vội về già

Đến bao giờ mới có những thanh niên

trăm tuổi

Ngâm ngùi thương

ông Bành Tổ chết non

Những bà mẹ vừa sinh con

vừa hát

Đau khổ bật thành tiếng cười

Hòn đá bảo tôi

Củ khoai bảo tôi

Vân vân bảo tôi

“Sao thơ anh chưa cho tôi nói

chưa cho tôi làm người”

Nợ chúa Chổm luân hồi

mấy kiếp trả cho vơi


*


Vũ trụ ơi

tha cho tôi

Tất cả những gì

thơ tôi chưa làm được

Khi tắt thở

mắt tôi đừng ai vuốt

Còn gì buồn hơn

màn đóng lại mục đời


IX


Hàng chúng tôi

hôm nay

mở cửa

Kính mời hải nội

chư quân tử

khai trương

Anh em can

Sao lại mở vào ngày giữa tháng

Lúc lần túi, đã bắt đầu thấy cạn

Vợ chồng

sửa soạn vặc nhau

Một điếu thuốc lào tăng xin không có


Xin các anh đừng sợ

Hàng tôi mua không phải trả tiền ngay

Chỉ mong mọi người

khi ra khỏi cửa

Tình nước lặng buồm thổi khơi căng gió

Mộng đẹp bay chim ngày

Mắt mở to

nhìn đời

thẳng mặt

Nhích bàn tay

gần một bàn tay

Thêm một bước chờ

bờ xa gánh nặng

Thêm một thì thầm

xanh con đường vắng

Thêm một tình yêu

thêm một nụ cười

1959



(Nguồn bài viết: Hữu Việt. Tiền Phong Chủ Nhật)
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

bao anh

THỬ ĐỀ VĂN BIA

Sống theo nghề phu chữ
Chết về với nhân văn
Lê Đạt Ôi Lê Đạt
Còn chăng kiếp thi nhân!
Quê người lần lữa nắng mưa
Nỗi vui nay với duyên xưa ngậm ngùi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Thông tin về buổi Toạ đàm về thơ Lê Đạt:

Bóng chữ ngả dài trên Đường chữ
Tọa đàm - 31 tháng 3 năm 2011 - 18h00 - Hội trường lớn.

Với sự tham gia của nhà thơ Dương Tường, các nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên và Nghệ sỹ sân khấu Ngọc Thụ

Đời chữ của Lê Đạt chia hai thời kỳ, dưới hai ngòi bút: Nhà thơ cách tân, theo truyền thống Mallarmé, mở một kỷ nguyên mới cho đường chữ. Nhà thơ thời thế, theo truyền thống Đỗ Phủ, ghi lại bộ mặt của xã hội toàn trị trên đất nước Việt Nam, xác định tính chất cơ bản của lịch sử : "Lịch sử muôn đời duyệt lại / Không ai lừa được cuộc đời".



Vào cửa tự do

Ngôn ngữ hội thảo : tiếng Việt
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoan1982

Vĩnh biệt nhà thơ Lê Đạt

Tuesday, 22. April 2008, 03:40

Nhà thơ nổi tiếng Lê Đạt vừa qua đời sáng ngày 21 tháng Tư tại bệnh viện Hữu Nghị ở Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.
Ông sinh ngày 10 tháng Chín năm 1929 tại Yên Bái, với tên khai sinh là Đào Công Đạt.

Ông được biết đến từ khi tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đòi hỏi tự do trong sáng tác văn học nghệ thuật trong thập niên 1950, mà sau đó khiến ông và nhiều người không được xuất hiện trên văn đàn suốt 30 năm.

Năm 1988, nhiều nghệ sĩ từ thời Nhân Văn Giai Phẩm, trong đó có Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm… được Hội Nhà văn mời tham gia sinh hoạt văn học trở lại.

Kể từ thời Đổi Mới, Lê Đạt tiếp tục cho ra mắt nhiều tác phẩm thơ hiện đại, gây ảnh hưởng cho thế hệ nhà thơ trẻ của Việt Nam.

Như thổ lộ của chính Lê Đạt trong một bài viết năm 2006, quãng thời gian 30 năm đại hạn là lúc để ông suy nghĩ về thơ, “buồn rầu nhận ra rằng thơ tôi chưa có cách tân triệt để.”

Ông bắt đầu cuộc hành trình đổi mới thơ mình, nhấn mạnh việc cách tân ngôn ngữ.

Không phải ngẫu nhiên thi phẩm đầu tiên được in của ông từ khi được “phục hồi” lại mang tên Bóng chữ.

Nói chuyện với Lê Quỳnh chiều ngày 21-4, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên ở Hà Nội cho biết đánh giá về đời thơ của Lê Đạt:

Phạm Xuân Nguyên: Thơ Lê Đạt cần được đặt vào dòng thơ cách tân, đổi mới của Việt Nam thế kỷ 20. Vào những năm 1950, Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ngoài ý nghĩa chính trị, xã hội, còn là đại diện cho lực lượng mới của văn học muốn cách tân thơ Việt sau thời Thơ Mới. Nhưng vì hoàn cảnh lịch sử, cuộc cách tân này bị gián đoạn.

Lê Đạt, khi Đổi mới, ông được trở lại văn đàn, thì các tập thơ của ông, đặc biệt tập Bóng chữ, đã chứng tỏ một loại thơ khác, ít nhất là khác với tập quán thưởng thức thơ chung thời bấy giờ. Thậm chí Bóng chữ đã gây ra cuộc tranh luận khá gay gắt – không chỉ là về riêng tập thơ, mà là cả về khái niệm thơ nói chung. Thơ Lê Đạt nằm trong dòng chảy cách tân đó.

BBC:Có ý kiến cho rằng thơ của Lê Đạt giai đoạn sau này hay hơn, thú vị hơn giai đoạn sáng tác ban đầu, mặc dù dĩ nhiên ông được người ta biết chủ yếu là qua sự dính líu đến Nhân Văn Giai Phẩm. Anh nghĩ thế nào?

Tôi đồng ý với đánh giá ấy. Thật ra thời kỳ đầu, ông xuất hiện với những bài thơ mang tính công dân, thời sự. Lê Đạt cùng một số bạn bè được biết đến trong Nhân Văn, là qua tinh thần công dân, chính trị nhiều hơn là văn chương nghệ thuật. Vì họ chưa kịp có một quá trình lâu dài, chỉ mới vừa xuất hiện thì bị dẹp. Nhưng Trần Dần, Lê Đạt và một số người khác biến cái không may thành trường rèn luyện. Họ đọc sách báo nước ngoài, tiếp tục nung nấu, tìm tòi trong im lặng, bóng tối. Để rồi khi xuất hiện trở lại, họ đưa ra những tác phẩm không bị tụt hậu và ở mặt nào đó, họ còn đi trước.

BBC:Có thể xem Trần Dần là người thầy của nhiều nhà thơ trẻ hiện nay. Còn trường hợp Lê Đạt là như thế nào?

Trần Dần, như nhà văn Phạm Thị Hoài gọi, là “Thủ lĩnh trong bóng tối”. Ông có một uy lực văn chương to lớn, điều này càng chứng tỏ khi bây giờ tác phẩm của ông được đưa ra ánh sáng. Nhưng ông mất đã 10 năm nay. Dĩ nhiên ảnh hưởng qua tác phẩm của ông sẽ còn rất mạnh.

Riêng Lê Đạt thì may mắn hơn, ông xuất hiện và sống được với đời sống văn học đương thời. Khi đời sống văn học trở lại bình thường, ông đã lên tuổi lão. Nhưng với tâm hồn, tính cách rất trẻ, với kiến thức và tinh thần nhập cuộc, ông đã tác động tích cực đến văn học, đến các nhà thơ. Ông không ngại giao tiếp với các nhà thơ trẻ. Các nhà thơ cũng học được từ ông, không chỉ từ thơ mà còn qua những cuộc tiếp xúc trực tiếp.

BBC:Gần đây một số người trong nhóm Nhân Văn, gồm cả ông Lê Đạt, được phục hồi, tiêu biểu là qua giải thưởng Nhà nước 2007. Văn giới trong nước có xem trường hợp ông Lê Đạt là may mắn hơn những người khác không?

Không, tôi không nghĩ vậy. Giải thưởng Nhà nước 2007 về văn học nghệ thuật trao cho bốn nhà thơ trong nhóm Nhân Văn – Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán. Người ta thấy đó là sự công bằng và xứng đáng. Dẫu còn có thể bàn nhiều về giải thưởng này, nhưng ta thấy ở đó là một sự thừa nhận xứng đáng cho tài năng thơ ca của họ, cho những gì họ đã phải chịu đựng.

Dư luận quanh chuyện đó cũng có nhiều chiều khác nhau. Nhưng thái độ ứng xử với giải thưởng của ông Lê Đạt, Hoàng Cầm, theo tôi cũng là cách ứng xử phải lẽ. Nhưng đó không phải là sự may mắn. Ở trên tôi nhắc đến chữ “may mắn”, ý là rất còn may Trời còn cho ông sống khi diễn ra giai đoạn Đổi mới để ông còn dự mình vào đời sống văn học. Để ông còn tác động được đến nền văn học. Đấy là một người tận hiến vì thơ và ông xứng đáng được tôn vinh và kính trọng.
(Copy từ BBC)
Cái gì biết thì chia sẻ.Đừng sợ người ta cười mình hợm hĩnh.Chỉ e người ta không muốn tiếp thu.Cái gì chưa biết thì hỏi.Đừng ngại người ta cười mình dốt.Chỉ sợ mình hoài dốt thật(Ketxu)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoan1982

Vĩnh biệt nhà thơ Lê Đạt:
Bóng chữ động trần ai..
Nguồn: Vietnamnet
Giờ ông ấy đi rồi, tôi vừa buồn, vừa chán. Đáng nhẽ tôi phải đi trước chứ. Tôi cứ hết nằm lại ngồi gần 5 năm nay, đầu óc cứ đảo lộn chuyện cuộc đời. Hiện giờ tôi đang trong “một cơn hấp hối dài” chứ không phải là sống nữa
Hoàng Cầm.
http://images.v...es1539787_0.jpg
Nhà thơ Lê Đạt
Nhà thơ Lê Đạt tên khai sinh là Đào Công Đạt, sinh ngày 10/09/1929 tại Yên Bái. Nguyên quán xã Á Lữ (Bắc Giang). Ông ngột ra đi lúc 3h 15 ngày 21/04/2008 tại nhà riêng 190 Phó Đức Chính sau một chuyến đi dài thăm lại Tây Nguyên.
Tác phẩm chính: Bài thơ trên ghế đá (1955), Bóng chữ, Hèn đại nhân (1994), Ngó lời (1997), Mi là người bình thường, U75 từ tình (2007).
Lễ viếng nhà thơ Lê Đạt từ 7h 30 – 9h 30 ngày 25/04/2008 tại Nhà tang lễ Quốc Phòng, số 5 Lê Thánh Tông.
Sáng nay (21/4), cô con dâu út thông báo tin ông Lê Đạt mất. Tôi không thấy đột ngột chuyện này. Vì tất cả chúng tôi đều già rồi. Nhưng tôi cứ nghĩ mình phải đi trước ông ấy. Tôi nằm liệt gần 5 năm, lại hơn ông Lê Đạt mấy tuổi nữa… Vậy mà đùng cái ông ấy đi, tiếc lắm.
Nhưng tôi vẫn vững tin vào tài năng của anh em, những gì chúng tôi viết đều có cái để lại cho đời sau. Thật ra, chúng tôi gồm tôi, ông Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Đặng Đình Hưng và cậu em út Phùng Quán đã sống với nhau từ thời hoạn nạn nghèo túng. lúc nghèo khổ khó khăn chúng tôi thân nhau hơn là sau khi phục hồi.

Tôi còn nhớ thời gian “bị đánh”, trên đánh, duới đánh, anh em đánh… Anh em chúng tôi viết có hay đến đâu cũng không được báo nào chấp nhận đăng. Vì mọi người đều cho rằng những người từng làm tờ “Nhân văn giai phẩm” là cái gì đó tội lỗi. Hồi đấy sống khổ cực vậy, nhưng cả mấy chúng tôi lại viết hăng hơn.

Cuộc sống chúng tôi vất vả lắm, ông Lê Đạt đi dịch sách, có bà cụ buôn bán giỏi lắm nên chu cấp cho cũng đỡ. Còn tôi và ông Trần Dần khổ hơn. Ông Trần Dần phải đi tô ảnh màu, người ta mang đến từng thúng ảnh, ông ấy cứ ngồi cặm cụi tô. Thỉnh thoảng, tôi cũng giới thiệu được sách cho ông Trần Dần dịch, tiền chẳng được bao nhiêu nhưng cũng là môt cách cải thiện. Có lần ông Trần Dần vừa tô xong thúng ảnh được vài chục bạc. Thấy tôi với ông Lê Đạt xuống chơi, ông ấy ra chỗ quen quen làm cút rượu mấy anh em lại ngồi nhâm nhi với nhau.

Anh em chúng tôi lúc bấy giờ hay gặp nhau lắm, cứ chiều đi bộ xung quanh Hồ, rồi ngồi ghế đá nói chuyện. Có bản thảo đưa nhau xem, góp ý kiến nhiều lắm, nhưng chả bao giờ khen nhau cả. Phần lớn là chê. Ông Lê Đạt xem thơ tôi xong có nói: “Bây giờ mà mày làm thơ cũ quá, không mới. Mày phải đổi thế nào đi chứ, thế này thì cũ quá. Sao mày vẫn sống với cái cũ…”.

Tôi ghi nhận và cũng về xem lại, rồi sửa, nhưng tất nhiên vẫn không thoát khỏi cái cũ được. Hơn nữa, đó là thơ của mình rồi, chứ mới quá lại thành ra thơ ông … Lê Đạt. Trong mấy anh em chơi với nhau, chúng tôi coi Phùng Quán là trẻ con, con nít nên rất gượng nhẹ, còn lại mấy đứa đối xử với nhau rất bình đẳng.

Ông Lê Đạt đúng là phu chữ thật. Ông ấy rất kỹ tính và cẩn thận từng câu chữ trong thơ. Tôi đã từng đọc bản thảo thơ ông ấy, tôi biết có nhiều chữ ông ấy phải vật vã mất mấy ngày, thậm chí mất ăn mất ngủ. Thơ Lê Đạt có tính nhạc, đọc lên rất dễ nhớ. Như câu: “Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu” lúc đó vừa đọc xong là tôi nhớ ngay. Còn giờ bảo đọc hết cả bài thì chịu, không nhớ được.

Lê Đạt bắt đầu nổi tiếng hơn nhờ bài thơ in trên Nhân văn giai phẩm có tên “Nhân câu chuyện mấy người tự tử”, sau bài này, danh tiếng Lê Đạt ai cũng biết. Nếu nói về Lê Đạt thì ông ấy là người rất phóng khoáng, hay gọi là phóng túng cũng được. Nhưng ông ấy không yêu nhiều như tôi, ông ấy chỉ có bà Thúy Thúy thôi. Cũng có thể, ông ấy không phải lo lắng về cuộc sống vật chất nhiều nên có cái chất phóng túng ấy.

Lê Đạt nói mình là “phu chữ” cũng đúng, vì khi viết ra một chữ gì mới, ông ấy chọn lọc và suy nghĩ ghê lắm. Tôi đọc thơ ông ấy cũng thấy được chỗ nào ông ấy làm công phu, cân nhắc rồi dằn vặt chữ nọ chữ kia đến mệt…
Hoàng Cầm (Mai Sen ghi)
Cái gì biết thì chia sẻ.Đừng sợ người ta cười mình hợm hĩnh.Chỉ e người ta không muốn tiếp thu.Cái gì chưa biết thì hỏi.Đừng ngại người ta cười mình dốt.Chỉ sợ mình hoài dốt thật(Ketxu)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoan1982

NHÀ THƠ LÊ ĐẠT

với giấc mộng cách tân thơ Việt



NGUYỄN VIỆT CHIẾN



  NVTPHCM- “Tuy cùng khởi cuộc cách tân như nhau, nhưng Lê Đạt khác với Trần Dần. Ông đã dành hết tâm sức của mình cho một cuộc chơi mới, cuộc chơi của một nhà-phu-chữ như cách dùng từ của Lê Đạt”.



  Cùng với nhà thơ Trần Dần, nhà thơ Lê Đạt đã làm một cuộc cách -tân- thơ âm thầm trong suốt 30 năm và thế hệ các ông đã ghi dấu ấn khởi đầu cho chặng đường nhọc nhằn đổi mới của thi ca Việt Nam sau thơ Tiền chiến.  Lê Đạt tâm sự: “Ngay từ nhỏ, tôi đã ôm ấp mộng cách tân thơ Việt- lẽ dĩ nhiên lúc đó tôi không ý thức được rõ rệt nên cách tân như thế nào. Sau Cách mạng tháng 8, nhà thơ ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là nhà thơ Xô-viết Mayakovsky. Tôi thích những hình ảnh quả đấm hết sức táo bạo cũng như những bài thơ quảng trường mạnh mẽ tham gia trực tiếp vào quá trình hay đổi xã hội của ông. ảnh hưởng của Maya rất đậm nét trong những bài thơ đầu tiên có những hình ảnh sinh sự, khiến tôi ít nhiều được công nhận như một nhà thơ cách tân: Những kiếp người sống lâu trămtuổi/ Y như một dãy bình vôi/ Càng sống càng tồi/ Càng sống càng bé lại”.



  Cuộc chơi của một nhà - phu - chữ



  Tuy cùng khởi cuộc cách tân như nhau, nhưng Lê Đạt khác với Trần Dần. Ông đã dành hết tâm sức của mình cho một cuộc chơi mới, cuộc chơi của một nhà-phu-chữ như cách dùng từ của Lê Đạt. Trong bài thơ Bóng chữ, một bài đặc trưng cho phong cách Lê Đạt, cái cảm xúc trữ tình của thơ Tiền chiến đã được chuyển hoá sang một dạng trữ tình khác, nó không dạt dào, sướt mướt ở bề mặt chữ, nó khơi gợi sự âm vang bất ngờ từ bề sâu của một cảm xúc, một suy tư:

Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ

Em về trắng đầy cong khung nhớ

Mưa mấy mùa

                    mây mấy độ thu

Vườn thức một mùi hoa đi vắng

Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu Lâu

                   bóng chữ động chân cầu

  Câu kết của bài thơ mang trong nội hàm của chữ một dư âm mới. Qua bài thơ này, chiều Âu Lâu không còn là một địa danh trữ tình của riêng nhà thơ nữa khi bóng chiều, bóng chữ hay bóng người tình xưa còn đang vang động ở phía chân cầu của ký ức vì khu vườn xưa vẫn thức một mùi hoa đi vắng mặc dù mưa đã mấy mùa và mây mấy độ thu. Lê Đạt là một thi sĩ dày công chăm bón chữ nghĩa, tôi có cảm giác trước khi gieo trồng mỗi câu thơ của mình, ông làm chữ kỹ càng tới mức “xói đất, lật cỏ” như một nông phu cần mẫn làm đất chuẩn bị mọi thứ cho một vụ mùa gieo trồng mới của họ. Nhưng khác với công việc cày ải, gieo trồng của các nông phu, công đoạn làm chữ của một nhà thơ theo kiểu phu- chữ luôn cần tới một tố chất thiên bẩm khác, đó là khả năng khơi dậy sự sống động của cảm xúc và trí tưởng tượng từ những con chữ vô tri, vô giác theo một cấu trúc ngôn ngữ thơ:

Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ

Nhà số lẻ

             phố trò chơi bỏ dở

Mộng anh hường

              tìm môi em bói đỏ

Giàn trầu già

                   khua

                          những át cơ rơi

   Bài thơ Át cơ nói trên của Lê Đạt ngay từ khi mới công bố đã gây nhiều tranh cãi khác nhau, nhưng bất luận thế nào thì mọi người cũng thống nhất đây cũng là một bài thơ hay. Cái hay của nó không chỉ bởi sự liên tưởng của nhiều hình ảnh lạ xuất hiện trong một bài thơ rất ngắn, cái hay của nó còn nằm ở kỹ năng chơi chữ rất tài hoa và tinh tế kiểu Lê Đạt, đã khiến cho mỗi người đọc bài thơ lại nhận thấy có một tâm tưởng khác, một cảm hứng khác, một khung trời khác sau những câu thơ mang vẻ đẹp bí ẩn nói trên.

  Luận bàn về thú chơi chữ trong thơ, Lê Đạt từng khẳng định trong Đường chữ: “Người làm thơ chơi những phép tu từ như một thứ bẫy vô thức. Anh ta sinh sự với ngữ nghĩa và ngữ pháp để tạo ra một sự sinh mới cho thơ. Người làm thơ rắp tâm biến ngôn ngữ tiêu dùng thành một thứ ngôn ngữ trò chơi (hiểu theo nghĩa mạnh) trong một trạng thái nửa tỉnh nửa mơ mà Roland Barthes gọi là một sự chú ý bồng bênh (attention flottante). Chính cái trò chơi hết mình này khiến Freud coi các nghệ sĩ như một thứ trẻ con lớn tuổi có khả năng đánh thức bản năng trò chơi của độc giả. Người chơi chữ dễ dàng được coi là người thông minh, chơi như vậy là chơi đùa. Nhà nghệ sĩ cũng như đứa trẻ không chơi đùa mà chơi thật, khiến trò chơi chữ không còn là một trò chơi đơn thuần dựa trên óc thông minh của một người tỉnh táo mà dựa trên toàn bộ trí năng cũng như cảm năng của một kẻ đam mê bị thánh ốp trong một cơn thượng đồng của chữ”. Thiết nghĩ, bàn về sự chơi chữ trong thơ đến thấu đáo như vậy thì cũng đã đủ cho chúng ta thấy Lê Đạt uyên bác và tinh tế trong cách dùng chữ nghĩa như thế nào.



  Hệ thống mỹ cảm mới trong sự cách điệu con chữ



  So với những cách tân quyết liệt của Trần Dần thì Lê Đạt đi theo một hướng khác, ông cố gắng đưa ra một hệ thống mỹ cảm mới trong sự cách điệu những con chữ mà bài thơ Quan họ sau đây là một ví dụ điển hình:

Tóc trắng tầm xanh qua cầu với gió

Đùi bãi ngô non

                     ngo ngó sông đầy

Cây gạo già

               lơi tình

                         lên hiệu đỏ

La lả cành

                cởi thắm

                             để hoa bay

Em về nói làm sao với mẹ

Em trường nét gốm thon bình cổ đại

Mình Lưỡng hà

                    thoai thoải

                                     vú Đông Sơn

ước gì

        nhỏ đấy bằng con giống

Bỏ túi đi cùng

                 ta phố bông tình bông

  Ở bài thơ trên, nhịp thơ vẫn cũ nhưng hình ảnh và âm điệu thơ đã mới rất nhiều. Cái hình tượng: “ Đùi bãi ngô non ngo ngó sông đầy” là một phát hiện mới rất Lê Đạt về mặt mỹ cảm và không chỉ xuất hiện một lần, ngay trong đoạn thơ sau đó, ông lại múa bút vẽ những nét xuất thần để độc giả thơ được thấy: “Em trường nét gốm thon bình cổ đại/ Mình Lưỡng hà thoai thoải vú Đông Sơn”. Cái đẹp rung động này mang hơi thở ngàn năm của đất đai, sông núi và mãi trường tồn như ngàn khúc dân ca miền Kinh Bắc. Đây là một bài thơ đặc sắc viết về Quan họ với cách nhìn rất mới của Lê Đạt khi âm điệu câu thơ dường như còn nhấn nhá, ngân nga theo nhịp hát Quan họ: “Cây gạo già lơi tình lên hiệu đỏ/ La lả cành cởi thắm để hoa bay”, nhưng hình ảnh bao trùm lên toàn bộ bài thơ là một không gian đầy sức sống của vẻ đẹp phồn sinh đang hiện hữu trong từng câu chữ.

   Sau Bóng chữ, Lê Đạt đã dành gần 200 trang thơ trong tập Ngó lời (NXB Văn học 1997) để trình bày một cuộc chơi mới của mình với gần 300 bài thơ viết theo kiểu thơ Hai kâu (đồng dạng với kiểu thơ Hai-cu của Nhật Bản). Với Lê Đạt, nhiều người đọc đã rung động trước một lời tâm sự khá nổi tiếng của ông: “Một nhà thơ sắp già báo trước một người đàn bà chưa hết trẻ: “Anh bảo đảm không làm phiền em cõi đời, không dám hứa không làm phiền em cõi chữ, ở đó hai ta đều bất lực”- Thơ là kết quả của sự làm phiền đó chăng”. Nếu coi chiếc áo dài truyền thống của thơ là vẻ đẹp quến rũ của lục bát-ca dao thì phải chăng đẹp vẻ khêu gợi một cá tính của bộ váy áo âu-tây mát mẻ chính là đường nét của thơ hiện sinh. Theo tôi, Lê Đạt là một nhà chủ động cách tân nhằm hiện –sinh- hóa những mảnh rời của hiện thực theo kiểu những bài thơ Hai-kâu sau đây của ông:

Tình sét đánh má đồi môi bão ập

Yêu một liều xuân bất chấp thu lôi

                               (Thu lôi)

Tầu đắm hẹn bội thề lênh láng biển

Trăng tình bờ mộng thải nhiễm ô mơ

                             (Ô nhiễm)

Em tình tựa cơ may phường ảo số

Mỗi ngã đường e cửa ngõ Tạm Thương

                            (Ngõ Tạm Thương)

Rượu nổ má bừng cỗ xuân ầm ã

Mâm một tình mời ăn vã cô đơn

                            (Cỗ xuân)

    Tôi nhất quyết rằng, những bài thơ trên đây là một kiểu “đố chữ” rất tài tình, lý thú của Lê Đạt (khi tên của bài thơ nằm ngay trong 2 câu thơ) và nếu như tác giả giấu tên thật của mỗi bài thơ Hai-kâu thì người đọc khó mà đoán đúng được ý đồ đặt tên bài thơ của tác giả. Kiểu thơ Hai-kâu này cho thấy nhà thơ đã dày công tìm tòi nhiều cách chơi chữ rất kỳ ảo và biến hóa, nó nén lại cả một năng lượng thẩm mỹ chỉ trong hai câu thơ ngắn và đây là một hướng cách tân thơ rất hiện đại của nhà phu- chữ- thơ (theo cách gọi của Lê Đạt).

Nguồn: Văn Nghệ Trẻ
Cái gì biết thì chia sẻ.Đừng sợ người ta cười mình hợm hĩnh.Chỉ e người ta không muốn tiếp thu.Cái gì chưa biết thì hỏi.Đừng ngại người ta cười mình dốt.Chỉ sợ mình hoài dốt thật(Ketxu)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (18 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]