@Bạn Nguyễn Phúc Duy:
Bài Tây Tiến được giảng dạy ở chương trình Văn học lớp 12, nghĩa là sang năm bạn sẽ được học. Theo sách Văn học và theo những gì NT đã được học trước đây, thì đoạn thơ bạn nêu lên, chính xác là như thế này:
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
Như vậy, ở đây là "đoàn binh" chứ không phải đoàn quân, bởi nhà thơ Quang Dũng không đời nào lại để mình lặp lại từ "quân" này một lần nữa ở câu thơ tiếp theo, nếu đã dùng nó ở câu trên!
Thứ hai nữa : "dáng kiều thơm" chứ không phải "dáng Kiều thơm" như bạn nêu. Chữ "kiều" trong bài thơ Tây Tiến không viết hoa, và tất nhiên nó không là danh từ riêng để chỉ một cô gái cụ thể nào đó, ở đây, nó là một từ mang tính tượng trưng và lãng mạn thi vị để chỉ những người thân yêu mà người chiến sĩ Tây Tiến- vốn là những chàng trai Hà Thành hào hoa để lại sau lưng khi họ bước vào cuộc chiến đầy khó khăn, gian khổ và cả sự hy sinh. Có thể đó là những người vợ, người yêu hoặc một dáng hồng đã từng hiện diện hoặc lãng đãng đến trong giấc mơ của họ ngày còn là học sinh, sinh viên ở Hà Nội thanh bình.
NT đọc bài thơ này từ thời miền Nam còn dưới một chế độ chính trị khác, tuy vậy, có thể nói rằng, cảm xúc khi đọc bài thơ này ở giai đoạn đó và sau này, không khác nhau là mấy! Các cô thiếu nữ ở Huế trước 1975 vẫn rất yêu bài thơ này của Quang Dũng, cùng với "Đôi mắt người Sơn Tây". Các cô bé mơ mộng hồi ấy đọc mấy câu này mà không hề có cảm giác ghê sợ với các hình ảnh " đoàn binh không mọc tóc", "Quân xanh màu lá" vì sốt rét rừng hành hạ. Hình ảnh "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới" lại càng không thấy e sợ, ngược lại, qua đó còn thấy được cái chất kiêu hùng trong bi tráng của chiến sĩ ca! Đến câu "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" thì khỏi nói nỗi nữa! Ở đó, cái chất hào hoa, lãng mạn của những chàng trai trẻ Hà Nội- mảnh đất văn vật của Tổ quốc- buông bút nghiên lên đường chiến đấu vì Tổ quốc, bất chấp hiện thực gian khổ, bi thương càng hào hùng , càng đẹp lồng lộng trong mắt các cô thiếu nữ nhiều mộng mơ.
Tây Tiến là một bài thơ đã được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học từ trước đến nay đánh giá là một trong những bài thơ hay vào bậc nhất của thơ ca Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và cũng là bài thơ xuất sắc nhất của Quang Dũng. Vì vậy mà có hiện tượng Tây Tiến _ Quang Dũng nhập thành một chỉnh thể thống nhất khi người ta nhắc đến bài thơ hoặc nhắc đến tác giả! Cảm hứng chủ đạo, xuyên suốt bài thơ Tây Tiến là cảm hứng bi tráng, rất nhiều khổ thơ, hình ảnh trong bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn, tài tình của phương thức biểu hiện hiện thực và lãng mạn. Đọc Tây Tiến rất dễ nhận thấy điều đó mà không cần một chuyên gia văn học nào hướng dẫn, chỉ đạo, bạn Nguyễn Phúc Duy à! Có như vậy, ta sẽ không hiểu câu "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới" theo cái nghĩa hài hước là "nghe có vẻ người lính muốn vượt biên đào ngũ quá!". Hiểu như vậy thì thật có lỗi với nhà thơ Quang Dũng, dù chỉ là nói để đùa vui!
Nhân ý kiến của bạn, NT xin có vài lời góp vào đây với mọi người vậy!
*TB: Bạn có thể tìm cuốn này, NT thấy có bài phân tích của tác giả Hà Minh Đức về bài thơ Tây Tiến rất hay: Văn học Việt Nam hiện đại _ Phê bình và bình luận văn học, NXB Thanh niên, 1998.
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"