Trang trong tổng số 1 trang (3 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Kiếm bạt  Kiên Giang…

“Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”
(Nguyễn Trung Trực)

(Viết nhân kỷ niệm lần 139 ngày hi sinh của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực)

I.Nguyễn Trung Trực (1837- 1868), vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp vào cuối thế kỷ 19 tại Nam Kỳ

Ông, người thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Hạ, huyện Cửu An, tỉnh Gia Định (xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời sống bằng nghề chài lưới. Ông còn có tên khác là Chơn.
Vốn là người tính tình ngay thẳng, chân thật nên lúc nhỏ, thời còn đi học, thầy dạy đặt tên hiệu cho ông là Trung Trực.

Chi tiết về cuộc đời Nguyễn Trung Trực đã có rất nhiều người viết nên tôi không muốn nhắc lại. Hôm nay nhân lần kỷ niệm 139 năm ngày hi sinh của ông, tôi chỉ muốn chép ra đây cái chết rất hiên ngang, khí phách của vị anh hùng này:
Ngày 27/10/1868, nhằm ngày 28 tháng 8 năm Mậu Thìn, Pháp đưa ông ra pháp trường tại chợ Rạch Giá để hành quyết.
Khi ấy, ông mới 31 tuổi.

(Ðịa điểm hành quyết ngay tại miếng đất đối diện ”chợ nhà lồng” Rạch Giá, lúc bấy giờ còn cây da cổ thụ.
Trên miếng đất thấm máu vị anh hùng, sau đó người Pháp xây lên Nhà Giây Thép, về sau là Ty Bưu Ðiện tỉnh lỵ. Riêng cây da cổ thụ đã bị đốn vào năm 1947.)

Sáng sớm hôm đó, đồng bào tỉnh nhà đã tề tựu đông đảo để chứng kiến giờ phút vĩnh biệt của người liệt sĩ. Cảm động nhất là bà con từ Tà Niên - nơi nổi tiếng về nghề dệt chiếu - đã mang tới những chiếc chiếu hoa cạp điều để trải một đoạn đường mà người anh hùng dân tộc tiến ra pháp trường để thọ án tử.

Tên đao phủ hôm ấy là một người Khơ-me, thường được dân Việt gọi là “bòn”Tưa, y được người Pháp trả công cho mỗi cái đầu chém rụng bằng một quan tiền.

Tương truyền rằng trước khi hành quyết, Pháp hỏi ông cần ân huệ cuối gì không thì ông chỉ xin uống một trái dừa tươi.
Uống xong, ông ngâm sang sảng một bài thơ tuyệt mệnh sau đây:

Thư kiếm tùng nhung từ thiếu niên
Yêu gian đảm khí hữu long tuyền
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa
Báo hận thâm cừu bất đới thiên.

Thi sĩ Ðông Hồ, một văn nhân nổi tiếng, sinh trưởng tại Hà Tiên đã dịch:

Theo việc binh nhung thuở trẻ trai
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài
Anh hùng gặp phải hồi không đất
Thù hận chang chang chẳng đội trời.

Rồi ông đứng lên vén tóc gáy, nghểnh cổ bảo tên đao phủ thủ hãy chém một nhát cho thật mạnh để đầu được đứt lìa.
Theo truyền thuyết, khi lưỡi đao hạ thủ, đầu lìa khỏi cổ, nhưng ông vẫn kịp đưa hai tay hứng lấy, đặt lại trên cổ rồi mới chịu ngã gục xuống nền đất.
Cái đởm khí ấy của ông khiến ai nấy chứng kiến thảy đều bàng hoàng và cảm phục.
Câu chuyện vừa kể tuy không rõ thực hư bao nhiêu phần, nhưng qua đó chúng ta cũng cảm nhận được tinh thần bất khuất của ông cùng tấm lòng yêu kính ông của người dân khắp mọi miền, nhất là bà con ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Cử nhân Huỳnh Mẫn Ðạt, người Rạch Giá, nguyên Tuần phủ Hà Tiên, một sĩ phu đứng về hàng ngũ chống xâm lăng lúc bấy giờ, đã khóc vị anh hùng bằng bài thơ chữ Hán như sau:

Ðiếu Nguyễn Trung Trực

Thắng phụ nhung trường bất túc luân
Ðồi ba chỉ trụ ức ngư dân
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa
Lưỡng toàn vô úy báo quân thân
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ
Tu sát đê đầu vị tử nhân.

Bản dịch của Thái Bạch:

Thắng bại chi bàn việc tướng quân
Người chài trụ đá khúc gian truân
Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần
Một sớm nhẹ mình nêu tiết nghĩa
Ðôi đường trọn chữ báo quân thân
Anh hùng cứng cổ danh thơm mãi
Lũ sống khom lưng chết thẹn dần.

Trên một thế kỷ nay, nhân dân Kiên Giang luôn tự hào một nhân cách lớn:"Sống làm Tướng và chết làm Thần !"của vị anh hùng dân chài áo vải đã dám sống chết vì quê hương mình. Nhiều nơi bà con tự nguyện quyên góp lập đền thờ ông, nhât là các làng xã thuộc hai tỉnh An Giang & Kiên Giang)
32.67
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

II. Lâm Quang Ky:

Nhân đây, người soạn thiết nghĩ cũng nên nhắc đến một vị phó tướng trẻ, nhưng cuộc đời cũng không hề thua kém phần oanh liệt; nhất là tấm gương trung nghĩa khi ông sẳn sàng đem thân thể để đổi lấy mạng sống cho vị chủ tướng.

Cảm thương cho tình cảnh nghiệt ngã của Nguyễn Trung Trực và mẫu thân, nhất là muốn vị chủ tướng tài ba phải sống để tiếp tục công cuộc chống giặc cứu nước; phó lãnh binh Lâm Quang Ky( chưa rõ năm sinh) đã quyết định hy sinh tấm thân mình.

Tương truyền hai ông vừa nói trên có ngoại hình khá giống nhau.
Ðến nay dân Kiên Giang tại vùng Tà Niên vẫn còn truyền khẩu câu chuyện:
Trước khi ra hàng Pháp, Lâm Quang Ky quỳ trước mặt cha là cụ Lâm Kim Diệu, dâng khay trầu rượu với chiếc khăn tang, bày tỏ với cha ý muốn đóng giả chủ tướng để nạp mình cho giặc và cũng xin cha bỏ qua tội vì chưa làm tròn chữ hiếu.

Cụ Lâm cầm chung rượu lên uống rồi nói: “Có thế mới đáng làm con dân nước Việt và làm con ta!”

Khi tới đầu thú Pháp, ông tự xưng là Nguyễn Trung Trực. Bọn Pháp cả tin, không một chút nghi ngờ. Nhưng rủi thay, hôm đó có tên Lượm, một tên lính đào ngũ sang đầu quân cho giặc.( Lượm có công làm tay sai, điềm chỉ bắt được nhiều nghĩa quân, nên thực dân thăng y tới chức ”đội”).Lượm mách cho giặc biết  người đầu thú là Lâm Quang Ky, không phải Nguyễn Trung Trực, nhưng viên phó tướng này cũng cực kỳ nguy hiểm!

Biết chuyện, bọn thực dân rất tức giận. Chúng ra lệnh đóng gông vào cổ ông, rồi sai người dẫn ra chợ Rạch Giá xử chém ngay.
Hôm ấy là ngày 1/7/1868, tức nhằm ngày 12 tháng 5 năm Mậu Thìn.

Theo một tư liệu khác( Làng Vĩnh Hòa Đông của Nguyễn Thị Diệp Mai) thì không phải ông đầu thú, mà là bị giặc bắt khi đang cầm chân bọn chúng, để chủ tướng chạy thoát:

Sau khi quân Nguyễn Trung Trực hạ thành Rạch Giá, quân Pháp điều quân từ Vĩnh Long xuống bao vây để chiếm lại thành. Nghĩa quân thế cô, lực ít không giữ thành được.

Trong tình thế hiểm nghèo, Lâm Quang Ky cùng một số nghĩa quân cảm tử tự nguyện ở lại cầm chân giặc để Nguyễn Trung Trực rút lực lượng chính về Hòn Chông.
Lâm Quang Ky mặc chiến bào của chủ tướng, cầm cờ lệnh cố tình chiến đầu kéo dài thời gian. Cuối cùng quân Pháp bắt được ông cùng sáu người khác.

Khi ấy,chúng đinh ninh ông là Nguyễn Trung Trực nên không truy đuổi nữa. Qua ngày hôm sau, tên cai đội Lượm vì biết rõ mặt Lâm Quang Ky nên y bẩm báo cho quân Pháp.
Tên chỉ huy giặc rất tức giận, đem ông và sáu người kia ra chém chết tại chợ Rạch Giá mà không cần xét xử.

Hiện nay dòng họ Lâm ở Vĩnh Hòa Đông vẫn còn tôn thờ một mảnh vải mà theo lời kể của người giữ di vật: đó là vạt áo của Lâm Quang Ky do chính tay ông cắt đứt, khi người vợ trẻ níu áo van xin ông đừng đi nhận cái chết thay cho chủ tướng!...

Sau này khi Nguyễn Trung Trực bị bắt và cũng bị xử chém tại Rạch Giá, người dân Tà Niên đã bí mật thờ hai ông ở đình thờ Cá Ông ( Nam Hải đại vương, tức ngôi đình linh thiêng, đẹp đẽ hôm nay)

Ðọc lại sử Việt: Lê Lai liều thân cứu chúa Lê Lợi và Lâm Quang Ky xin chết thay chủ tướng họ Nguyễn. Tuy việc lớn của người sau không thành công trọn vẹn vì Nguyễn Trung Trực cũng bị giết hại & cuộc nghĩa mau chóng bị phá tan, nhưng ý nghĩa cao cả và mục đích hy sinh của cả hai vị anh hùng không có gì khác biệt.

Ngày nay, Lâm Quang Ky cùng nhiều liệt sĩ khác đã có công trong công cuộc kháng Pháp buổi ấy, đều đã được thờ chung trong ngôi đình  mang tên vị chủ tướng anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Thành phố Rạch Giá.
Và tên ông cũng như tên Nguyễn Trung Trực đều được chọn để đặt tên cho hai con đường phố lớn, cho hai ngôi trường học khang trang & tiếng tăm của tỉnh này.
Ở làng Vĩnh Hòa Đông thuộc tổng Kiên Định, huyện Kiên Giang vốn là thôn Vĩnh Hòa Đông xưa, hiện còn mộ phần của ông.

III. Lời cuối bài:
Không biết tôi đã đọc ở đây đó, nhưng tình ý đại khái như thế này:
Đối với mỗi con người, dù làm quan, làm tướng, hay làm gì đi nữa… Thiển nghĩ, phẩm chất con người mới là bất tử.

Bởi vậy, đừng vì lợi ích trước mắt mà làm tổn hại hay quên đi đất nước, quên đi bao người đang no đói cạnh mình.
Lịch sử sẽ luôn là người phán xét công minh nhất.
Như ai đó đã nói:

Người tốt kẻ xấu đều không thể trường sinh; đẹp đẽ nhất là biết sống thế nào cho đời luôn ghi nhớ mình là người tốt…

Thụy Đào Nguyên, biên soạn

Long xuyên, 7/10/2007
Viết thêm:

Bức chân dung này (ảnh 2)được thờ chính thức tại đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá. Tôi không biết ảnh có được từ nguồn nào, nhưng mỗi lần tôi đến nguyện hương tại đấy, lòng tôi không sao nguôi điều thắc mắc là hình người trong ảnh khá già so với tuổi 31 khi Nguyễn Trung Trực bị thọ hình.Chẳng hiểu có phải vì chiến đấu gian khổ mà ông có diện mạo như thế chăng?...BTDN


Tài liệu dùng để tra cứu:
-www.hdvietnam.net/vanhoa
-Làng Vĩnh Hòa Đông của Nguyễn Thị Diệp Mai
Ảnh: Tượng đài Nguyễn Trung Trực tại công viên trung tâm Tp Rạch Giá


http://img233.i...ucnhonhoiw7.jpg
http://img115.i...ndungnttcd6.jpg
41.50
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

:..Lãng tử cô đơn..:

Thật cảm động trước câu chuyện về 2 vị tướng lĩnh oai hùng này. Cám ơn bạn đã post bài này nhé ...
11.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài viết)
[1]