Theo sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ thì bà là người huyện Kim Hoa, xứ Kinh Bắc ( nay là huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú) là vợ ông học sĩ Phù Thúc Hoành, người làng Phù Xá cùng huyện làm chức giáo thụ dạy Kinh Dịch ở Quốc tử giám, bà rất giỏi văn chương nên được Lê Thánh Tông cho vào cung dạy cung nữ. Bà mất năm bốn mươi tuổi.
Bài Tứ thời khúc ( Xuân từ, Hạ từ, Thu từ, Đông từ) chúng tôi chép dưới đây cũng là lấy ở sách Truyền kỳ mạn lục của ND ( Cuộc nói chuyện thơ ở Kim hoa). Song, cũng bởi tin chất “ truyền kỳ” của tập sách nên chúng tôi không dám quyết đoán rừng bài này do bà làm ra. Sách Thi văn Việt Nam của Hoàng Xuân Hãn cho rằng bài này là của bà, nhưng sách này lại chỉ chép bản thơ nôm ( Mà bản thơ nôm này lại dịch không đầy đủ và không trung thành với bản chữ Hán ( Bốn bài nôm này có chép trong Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên)
Trong lúc chưa có chứng cứ đầy đủ để xác định rõ bài này do ai sáng tác, chúng tôi hãy tạm xếp nó dưới Ngô Chi Lan và chờ sau này tham khảo thêm.
( Trích Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ X - thế kỷ XVII ).
HẠ TỪ
Ngô Lan Chi (1)
Phong xuy lựu hoa hồng phiến phiến
Giai nhân nhàn đả thu thiên viện
Thương xuân bội lập nhất hoàng oanh
Tích cảnh ai đề song tử yến
Đình châm vô ngữ thú mi đê
Quyện ỷ sa song mộng dục mê
Khước quái quyển liêm nhân hoán khởi
Hương hồn chung bất đáo Liêu Tây (2 )
Dịch nghĩa :
Gió thổi, từng cành hoa lựu đỏ rơi
Trong sân người đẹp nhàn rỗi, đưa mình trên đu
Con chim oanh ủ rũ, đậu quay lại, thương cho mùa xuân đã hết
Đôi chim én tía nỉ non, tiếc cho cảnh đẹp đã qua
Em dừng kim, nín lặng, chau đôi mày xanh
Mệt tựa song the, thiu thiu muốn thành giấc mộng
Nhưng bực cho người đến cuốn rèm gọi dậy
Khiến hồn em chẳng được mộng tới Liêu Tây (2)
Dịch thơ:
Gió lay từng cánh lựu rơi
Trước sân lả lướt bóng người mỹ nhân (3)
Oanh buồn ủ rũ tiếc xuân
Thương mùa đôi én lựa vần nỉ non
Dừng kim, chau nét mi hờn
Tựa song thưa giấc chẳng nên cơn mộng lành
Bực ai kia cuốn rèm nhanh
Để hồn chẳng tới được thành Liêu Tây
TVQ phỏng dịch
17-05-2008
(2) Liêu Tây : Tên một xứ ở phương Bắc, Trung Quốc, nay thuộc tỉnh Phụng Thiên và Hà Bắc. Hai câu cuối bài thơ này, tác giả mượn ý bài Y châu ca đời Đường : “Đả khởi hoành oanh nhi, mạc giao chi thượng đề, đề thì kinh thiếp mộng, bất đắc đáo Liêu Tây”. Nghĩa là : “Đuổi con chim hoàng oanh đi, đừng để nó kêu trên cành cây kia, nếu nó kêu sẽ làm thiếp tỉnh mộng không đến được Liêu Tây”. Bài này là lời người chinhp hụ muốn mộng tới Liêu Tây nơi chồng đi lính thú nhưng sợ tiếng oanh kêu làm tỉnh mộng mà không đến được.
(3) TVQ mượn toàn ý câu thơ của Ngô Văn Triện dịch.
Bất thị Tương Như năng phú khách
Tranh giao dung dị kiến Văn Quân