“Chút thu” mà hai nửa cuộc đời
Nguyễn Đình Xuân
Nhà thơ Vũ Đình Văn đã từng viết “Nếu phải chia cho người yêu một nửa/Thì em ơi, nhận lấy khoảng đời đầu/Cái khoảng đời vời vợi nhìn nhau/Đằm thắm thời gian không mùa ranh giới”. Cùng thế hệ với Vũ Đình Văn, anh Nguyễn Chu Nhạc – hiện đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cũng chia cuộc - đời - thơ của mình làm hai nửa, một nửa đằm thắm niềm yêu và một nửa của miền ký ức. Đấy là tôi muốn nói đến tập thơ “Chút thu” của anh mới được NXB Văn học ấn hành quý 4 năm 2011.
“Chút thu” được nhà thơ Trần Đăng Khoa, cũng là một người cùng thế hệ với Nguyễn Chu Nhạc viết lời giới thiệu. Trong “Mấy lời mở sách”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: “Chút thu” có thể xem như tuyển tập thơ của cả một đời Nguyễn Chu Nhạc. Đọc thơ anh, tôi luôn thấy thấp thoáng sau những con chữ là bóng của một ông đồ. Không phải ông đồ khăn xếp áo the với cây bút lông xưa cũ trong thơ Vũ Đình Liên, mà rất hiện đại với com-lê, cà-vạt và cả dàn vi tính trong tay. Trần Đăng Khoa cho rằng, thơ Nguyễn Chu Nhạc chỉn chu, mực thước, thâm thúy, mơ mộng nhưng vẫn tỉnh táo. Tóm lại là thơ anh đa dạng, biến hóa và “không biết đó là ánh sáng hắt xuống từ trời mây, hay tỏa lên từ sông nước, hoa cỏ”.
“Chút thu” chia cuộc đời thơ Nguyễn Chu Nhạc làm hai nửa, hai con người. Con người thi sĩ lãng mạn đi suốt hành trình thơ của mình và con người của miền ký ức anh đã trải qua với trách nhiệm công dân để nhìn nhận hiện tại và tương lai. Theo năm tháng hành trình trên đường công tác, anh dành trọn niềm yêu cho người thân và cho người mình yêu: “Bài thơ viết ra hành trình mải miết/ Xui những tâm hồn đồng điều đến tìm nhau” (Có một ngôi sao). Sự lãng mạn của anh, chỉ người trẻ tuổi mới có: “Không hiểu vì sao tôi cứ tin/em là nàng công chúa ngủ mê trong lâu đài cổ/tôi là chàng hoàng tử hôn lên đôi môi hé mở/mình dắt tay nhau đi thức cả xứ Hoa hồng”. (Không hiểu vì sao tôi cứ tin). Bài thơ viết khi anh ở tuổi đôi mươi, chứ ở tuổi “tri thiên mệnh” bây giờ thì sao anh có thể viết với cảm xúc trong trẻo, dạt dào được như thế?
Con người lãng mạn Nguyễn Chu Nhạc bộc lộ ở từng cử chỉ, từng trạng thái, “Anh xa vào lúc cuối thu” thì nhớ đã đành, ở gần cũng nhớ: “Sáng sớm, em ra đi/Anh mở cửa ra,/căn phòng tràn trề nhịp trái tim rạo rực/nên tiếng đàn bồi hồi, thổn thức/trước sự sinh sôi” (Sáng sớm, em ra đi). Bài thơ phản ánh cuộc sống sinh hoạt thường ngày, em đi làm mỗi sáng, thế mà anh vẫn nhớ. Hóa ra ngày dài là bởi nhớ, bởi yêu tha thiết quá.
Nguyễn Chu Nhạc có trái tim đa cảm. Những thứ bất chợt hoặc rất bình thường xung quanh, anh cũng rung động thành thơ, huống chi những “Mưa ngâu”, “Nắng thu”, “Rét nàng Bân”, “Rét muộn”, nơi có “em váy ngắn chân trần len giữa phố đông”, để “ta tần ngần/đắm vào ánh chiều thăm thẳm”. Bằng trái tim đa cảm, Nguyễn Chu Nhạc viết nên những câu thơ tinh tế: “Đêm nao buồn vẳng câu chèo/Cầu sông ai tắm trăng neo giữa dòng” (Nỗi quê); “Lá thuyền dán xuống mặt sông/Vết chân quết vạt cỏ đồng phù sa” (Đồng tháng sáu); “Quê nhà, ổi thơm cuối vụ/kịp về chắc hẳn còn sen?” (Bất chợt)...
Từng làm kỹ sư canh nông, rồi làm báo, Nguyễn Chu Nhạc đi đến nhiều nơi, nhiều vùng đất, từ đồng bằng châu thổ sông Hồng, đến đồng bằng sông Cửu Long, qua dằng dặc khúc ruột miền Trung, đến Viên Chăn đất Lào... Dù miền đất quen, hay vùng quê xa ngái, đến đâu anh cũng có thơ. Đọc “Chút thu” để biết mưa miền Trung, mưa Huế, đến được Cửa Tùng, đi xe ngựa Bảy Núi, ngược lên Tây Bắc đến Điện Biên, dự chợ phiên Cán Cấu, qua Xi-ma-cai rồi ngược nguồn sông Mã... Không chỉ cảm cái đẹp của từng vùng đất, mà ở đó, Nguyễn Chu Nhạc còn khẳng định trách nhiệm công dân của mình, gửi những ước vọng, mong mỏi từng địa phương phát huy thế mạnh du lịch, đặc sản vùng, để nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân.
Ở tuổi vào thu, Nguyễn Chu Nhạc lấy cảm hứng thơ từ sự trải nghiệm cuộc đời, để đánh giá những được mất một thời đã qua. Đầu tiên là anh trở về miền ký ức tuổi thơ, về làng quê và những con phố anh đã từng sống, qua đó để thấy sự đổi thay “một đi không trở lại”. Niềm yêu của anh ở “khoảng sau cuộc đời” cũng khác, cái nhìn đã khác “Xưa còn nước chảy chân cầu/Nay thì chỉ thấy một màu hoang vu” (Nắng lắm thì lại mưa nhiều); “len lén thở dài nhịp tâm thiếu phụ/tỉnh giấc đêm muông chợt tiếc xuân thì” (Thu). Những thi ảnh mùa thu, với những tâm trạng khác nhau, từ cảm hứng thu, ngỡ thu đến nắng thu, cuối thu, rồi thu vớt, chút thu... cho thấy Nguyễn Chu Nhạc trải lòng đau đáu với số phận con người. Cảm hứng mang âm hưởng sử thi, trường ca qua các bài thơ “Chút thu”, “Con sông tuổi thơ”, “Nơi ngọn nguồn sông Mã”, “Tây bắc thương nhớ” của Nguyễn Chu Nhạc rất đáng chú ý. Đó là sự trải nghiệm qua thăng trầm đời người, đi từ cái cụ thể đến sự khái quát, từ một làng quê đến một vùng đất, từ sông ra biển, từ một cuộc đời đến những cuộc đời. Triết lý nhân sinh trong sự biến thiên thời gian cuối cùng còn lại, theo Nguyễn Chu Nhạc là cái bản ngã sâu thẳm của con người, bên trong con người. Đấy là lý do để anh viết:“Một chút / anh / một chút / em / thêm phố xá / là thành / nỗi nhớ / thêm / nỗi nhớ / nữa / thành ngọn lửa / cháy / bập bùng / soi / dọc thời gian”...
Hà Nội 2012
Nhathoquandoi