Trong cấu tạo nhan đề của thơ văn Hán Nôm, ở dạng danh ngữ, có hai hình thức thường gặp: danh từ trung tâm biểu thị thể loại (như: Hịch tướng sĩ văn - Trần Quốc Tuấn, Ngọc tỉnh liên phú - Mạc Đĩnh Chi, Thượng kinh kí sự - Lê Hữu Trác, Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái, Hạ Châu tạp thi - Cao Bá Quát...); và danh từ trung tâm biểu thị (ấy là) bài hát, lời ca (về...) (như: Long Thành cầm giả ca - Nguyễn Du, Cung oán ngâm - Nguyễn Gia Thiều, Dương phụ hành - Cao Bá Quát, Hoán tỉnh châu dân từ - khuyết danh, Tự tình khúc - Cao Bá Nhạ...). Có thể do cùng cách cấu trúc hoặc ranh giới giữa một số thể loại với ca, ngâm, hành, từ, khúc trong nhan đề thơ văn cổ chưa phân định, nên đã có sự nhầm lẫn, hoặc cho tất cả đều thuộc thể loại, hoặc chú thích nghĩa nhóm sau thiếu chính xác.
Bài viết này tách Ca, Ngâm, Hành, Từ, Khúc ra để xem xét, vừa nhằm để hiểu các từ này, đồng thời, cũng là một mặt của vấn đề, sẽ giúp nhận diện mặt thể loại dễ dàng hơn.
1 Ca, Ngâm, Hành, Từ, Khúc (trong nhan đề tác phẩm) được sử dụng phổ biến trong văn học cổ Trung Quốc và Việt Nam (riêng Từ, người Việt ít dùng hơn); và chỉ sử dụng trong lĩnh vực thơ ca. Sách Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh; Nxb. Tp Hồ Chí Minh, 1994) đã định nghĩa: Ca [歌]: “bài hát” (tr.77-I); Ngâm [吟]: “đọc tiếng dài” (tr.21-II); Từ [詞]: “một thể văn Tàu” (tr.333-II); Khúc [曲] : “một bài hát” (tr.470-I). Sách Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Nxb. KHXH - Trung tâm Từ điển học, 1994), định nghĩa: Ca: bài văn vần ngắn, thường dùng để hát hoặc ngâm” (tr.93); Từ: “thể thơ, thường dùng làm lời cho các khúc nhạc, không hạn định số chữ số câu, câu ngắn xen lẫn với câu dài tùy theo tiết tấu, và vần thường ở cuối câu” (tr.1035). Sách Thơ Đường (nhiều người dịch, 2 tập, Nxb. Văn học, 1987) định nghĩa Hành [行]: “tên một điệu ca khúc thời xưa” (tr.69-I). Sách Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. KHXH, 1982) định nghĩa Hành: “một thể thơ nhạc phủ trong Cổ phong biến ra, như bài Cổ bách hành của Đỗ Phủ, hay bài Tràng Can hành của Lý Bạch (tr.60).
Dù khi dùng Ca, Ngâm, Hành, Từ, Khúc để đặt tên tác phẩm, ý nghĩa có thể biến đổi so với các kết hợp khác của chúng, những cách hiểu vừa nêu có chỗ không phù hợp lắm khi dịch nhan đề. Cách dịch phổ biến là bài há t (Hành, Ca); khúc hát (Khúc); khúc ngâm (Ngâm); bài thơ, bài hát, lời ca, lời (Từ); ví dụ: Lũng Tây hành: “Bài hát Lũng Tây” (Trần Đào), Long Thành cầm giả ca: “Bài ca về người đánh đàn cầm ở Long Thành” (Nguyễn Du), Bạch đầu ngâm: “Khúc ngâm đầu bạc” (Lý Bạch), Hậu cung từ: “Lời trong hậu cung” (Bạch Cư Dị)... Trần Trọng Kim ở tập sách Đường thi (Nxb. Tân Việt, Sài Gòn, 1950) đã dịch nhan đề của 33 bài có Ca, Ngâm, Hành, Từ, Khúc là “bài (khúc) hát” chỉ có 2/7 bài Từ là dịch hơi khác (Oán từ: “Lời oán giận”, Diễm nữ từ:
“Lời ca người đẹp”). Các dịch giả sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Nxb. Văn học, 1988), đã giữ nguyên, không chuyển Hành thành “bài hát” như ở Thơ Đường và Đường thi, cả bốn bài trong tập sách (ví dụ: Sở kiến hành: “Bài hành về những điều trông thấy”;...). Cũng bài Sở kiến hành này, sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX) (Huỳnh Lý chủ biên; Nxb. Văn học, 1987) dịch là “Những điều trông thấy”...
2 Để tìm hiểu ý nghĩa của Ca, Ngâm, Hành, Từ, Khúc trong nhan đề thơ cổ, người viết phối hợp cả hai tập sách Đường thi (sách này giới thiệu 336 bài) và Thơ Đường (hai tập của sách này gi ới thiệu 256 bài) đã dẫn, để chọn ra 57 bài có cấu trúc nhan đề chứa chúng như đã nêu, rồi xem xét phạm vi của đối tượng được đề cập là chung hay riêng, đặc điểm của đối tượng được đề cập là quen thuộc hay mới lạ, tâm trạng của chủ thể trữ tình là hào sảng hay sầu thương và cách thể hiện là kể hay tả; đồng thời, cũng xét mặt thể thơ được sử dụng. Sở dĩ chọn thơ Đường để xem xét, về hai lý do:
a. Ca, Ngâm, Hành, Từ, Khúc xuất phát từ văn chương Trung Quốc cổ; mà thơ Đường có mức thể hiện đáng chú ý.
b. Thơ Đường có ảnh hưởng lớn đối với các nhà thơ Việt Nam xưa.
Có mấy nhận xét bước đầu:
+ Về phạm vi đối tượng được đề cập, Ca và Hành thiên về cái chung, cái lớn lao của tự nhiên, cộng đồng,...
+ Về đặc điểm của đối tượng được đề cập, Ngâm, Từ, Khúc mạnh về các vấn đề, cảnh huống quen thuộc, trong lúc Hành lại ngả về sự kiện mới lạ,...
+ Về tâm trạng chủ thể trữ tình, số lượng Ca và Từ có giọng hào sảng khá lớn, ít ra cũng nổi trội so với Hành.
+ Về cách thể hiện đối tượng, Ca và Hành được kể nhiều hơn tả, trong lúc Ngâm thường theo cách kết hợp.
+ Về thể thơ, Ngâm dùng Cổ phong; Ca và Hành cũng dùng Cổ phong khá phổ biến (riêng Hành, số lượng bài Cổ phong có dung lượng lớn cao hơn Ca); Từ, Khúc lại có vẻ thích hợp với thể thất ngôn tứ tuyệt. Và thể thất ngôn bát cú thì vắng bóng.
Các nhà thơ Việt Nam ít dùng Từ để đặt tên bài thơ của mình, Khúc cũng không nhiều (lại có thể hiểu như ngâm khúc). Riêng Ngâm, chúng ta có hai tác phẩm lớn (Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, 470 dòng thơ Cổ phong; Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, 356 dòng thơ thể song thất lục bát), trong lúc bốn bài ngâm ở thơ Đường (Giang thượng ngâm, Bạch đầu ngâm - Lý Bạch; Tiết phụ ngâm - Trương Tịch; Du tử ngâm - Mạch Giao) cộng lại chỉ 58 dòng thơ. Trong lúc đó, Ca và Hành được dùng nhiều hơn. Riêng Cao Bá Quát, trong số 29 bài thơ được tuyển vào tập Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (sđd), có 4 bài Ca, 1 bài Hành; Nguyễn Du, trong Bắc hành tạp lục (tập Thơ chữ Hán Nguyễn Du, sđd), có 2 bài Ca, 4 bài Hành, trừ một bài (Thương Ngô trúc chi ca, gồm 15 đơn vị, viết bằng thể thất ngôn tứ tuyệt, của Nguyễn Du). Tất cả số Ca, Hành này đều theo thể Cổ phong; có đối tượng được đề cập là những sự kiện, vấn đề gây cảm xúc mạnh, và khó phân biệt giữa chúng. Chẳng hạn, trong chuyến sang Inđônêxia cùng phái đoàn ngoại giao nước ta, Cao Bá Quát đã lần đầu tiên trông thấy tàu thủy chạy bằng hơi nước, ông viết:
“Guồng quay, sóng tung tóe ầm ầm như sấm ran
Có lúc đi ngang, chạy ngược, nhanh như ngựa phi
Không buồm, không chèo, cũng không người đẩy...
Chỉ búng ngón tay đã vượt qua những đợt sóng kinh người”.
Cũng là lần đầu thấy người phụ nữ phương Tây, ông miêu tả:
“Người thiếu phụ Tây dương áo trắng như tuyết...
Kéo áo nói rì rầm với chồng...
Một cốc sữa hững hờ trên tay...
Nghiêng mình đòi chồng nâng dậy...”
Cả hai hình ảnh đều mới lạ, tạo ấn tượng, cảm xúc mạnh, nhưng hình ảnh đầu thuộc bài Ca (Hồng mao hỏa thuyền ca), hình ảnh sau thuộc bài Hành (Dương phụ hành). Và cũng không hẳn chuyện tác động hẹp thuộc về Hành, chuyện ảnh hưởng rộng lớn thuộc về Ca. Vì như Nguyễn Du lúc đi sứ sang Trung Quốc, giữa đường bị binh biến chặn lại, hoặc khi dùng thuyền vượt thác mà không được, cố gắng và lo sợ đến mức “người trẻ trong thuyền đều thành bạc đầu cả”; nhưng nhà thơ không dùng Ca, mà dùng Hành (đó là hai bài Trở binh hành và Bất tiến hành)... Như vậy, cách sử dụng Ca, Hành của các nhà thơ Việt Nam không khác mấy so với các nhà thơ Trung Quốc (qua thơ Đường).
3. Đến đây, đã có thể nêu ý nghĩa của Ca, Ngâm, Hành, Từ, Khúc trong cấu tạo nhan đề của thơ cổ:
-
Ca: bài thơ (có thể dùng để hát), thường đề cập đến những vấn đề lớn lao của tự nhiên, cộng đồng, cuộc sống...; tác giả thường dùng cách kể với tâm trạng hào sảng, cảm xúc mạnh mẽ và thể thơ Cổ phong khoáng đạt.
-
Ngâm và Khúc được dùng tương đương về nghĩa, hoặc theo cách kết hợp: Ngâm khúc. Ngâm khúc: tác phẩm bằng văn vần, thường để bày tỏ niềm riêng, nỗi đau buồn về một số vấn đề bức xúc trong cuộc sống; thể thơ Cổ phong, thơ song thất lục bát với dung lượng đáng kể, được sử dụng để chuyển tải nỗi niềm ấy (phân biệt với cách hiểu Ngâm, Khúc ở thơ Đường qua bảng trên).
-
Hành: bài thơ, thường đề cập đến những vấn đề chung, những sự kiện mới lạ, bất ngờ hay những đồng cảm tạo ấn tượng mạnh mẽ; chủ thể trữ tình thường kể lại sự việc với tâm trạng bức xúc, có thể bày tỏ thái độ, chính kiến, thể thơ Cổ phong thường được sử dụng để biểu đạt không bị gò bó, ràng buộc.
-
Từ: ít sử dụng (theo cách đặt nhan đề) trong thơ Việt Nam cổ. Với thơ Đường, thì Từ là bài thơ thường đề cập đến những vấn đề gần gũi, có tính chất cộng đồng, chủ thể trữ tình thường thiên về tả với tâm trạng hào sảng, do đối tượng được đề cập chỉ cần phác họa vài nét cần thiết, nên Từ thường sử dụng các thể thơ ngắn (như tứ tuyệt).
Những cách hiểu này dựa trên sự phân tích, xem xét, thống kê như đã trình bày. Chúng có thể góp phần giúp vào việc nghiên cứu, giảng dạy, thưởng thức thơ cổ thấu đáo hơn.
Nguồn:
http://www.hann...0202v.htm#trn51Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)