Trang trong tổng số 1 trang (3 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Tam Diệp Thảo

Ông đồ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay."

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?


Vũ Đình Liên, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1913 tại Hải Dương, mất ngày 18 tháng 11 năm 1996 tại Hà Nội. Bài thơ "Ông đồ" được Vũ Đình Liên sáng tác vào 1936 như một sự tưởng nhớ đến hình bóng ông đồ, đến cái hồn xưa cũ của văn hoá quê hương đang dần đổ bóng cùng thời gian. Ở đây, cái tài và cái tình của hồn thơ Vũ Đình Liên đã thể hiện rất đậm qua những hình ảnh được nhà thơ chọn lọc: "Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu. hay "Lá vàng rơi trên giấy" (không cần phải bàn cãi nhiều vì cũng đã tốn khá nhiều giấy mực của dư luận và phê bình). Thử hỏi ai không một lần xao xuyến khi lắng nghe hai nốt trầm vang-lặng cuối bài: "Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?"
Ông đồ của những năm 1936 là thế. Còn Ông đồ của những ngày sau 1936 thì sao? Những năm cuối đời mình, 1982, Vũ Đình Liên đã khai bút hoạ nốt "Bóng ông đồ", mà theo Báo Người Lao Động số ra ngày 29/01/2006 trong bài viết "Bài thơ khai bút Xuân Nhâm Tuất 1982 của "Ông đồ" Vũ Đình Liên" "là Ông đồ 2 - một sự tiếp nối hoàn hảo - mà nhà thơ đã âm thầm như một con tằm nhả tơ trong những năm tháng cuối của cuộc đời."

Bóng ông đồ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy bóng ông đồ
Bút nghiên và giấy đỏ
Ngồi đúng chỗ ngồi xưa

Ôi! Cái nghiệp nghiên bút
Tô điểm cho cuộc đời
Người chết nghiệp không chết
Nợ tiền kiếp luân hồi

Trải trăm ngàn dâu bể
Giấy mực màu không thay
Chữ Nhân và chữ Nghĩa
Vẫn những nét thẳng ngay

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Khăn áo bạc màu dưa
Nhắc cho người qua thấy
Lẽ Nhân đạo, Thiên cơ

Cách Mạng là nhân nghĩa
Ông đồ là thi thư
Chữ tuôn dòng Thiện Mỹ
Từ ngón tay ông đồ.


Xét về toàn diện, theo ý tôi, "bóng" rõ ràng là không thể hơn "hình", cả về vần điệu, hình ảnh, và... ý nghĩa. So sánh hai bài thơ, dễ dàng nhận thấy ngôn từ trong "Bóng ông đồ" thiếu cái hồn xưa và gần như quá dư vị đời, đặc biệt ở hai khổ thơ cuối "Nhắc cho người qua thấy/ Lẽ Nhân đạo, Thiên cơ/ Cách Mạng là nhân nghĩa/ Ông đồ là thi thư/...", hiện diện quá lộ liễu giọng điệu của thơ-ca-tranh-đấu sau những năm đầu độc lập. Hình như cái dư âm của "Nhân Văn-Giai Phẩm" vẫn kêu chan chát trong hồn thơ Vũ Đình Liên, đập vỡ tan cái nốt vang-lặng của "Ông đồ" những năm 1936. Vậy, đặt câu hỏi ở đây là những đánh giá "một sự tiếp nối hoàn hảo - mà nhà thơ đã âm thầm như một con tằm nhả tơ trong những năm tháng cuối của cuộc đời" liệu có chính xác cho cái "bóng" của "ông đồ"!?!
______________________________
":) Sẵn đây, ai có thông tin về "ông đồ" - một nét văn hoá cổ xưa của Việt Nam thì cho mình xin với. Sắp đến có chương trình giao lưu văn hoá các quốc gia, mình muốn giới thiệu hình ảnh "ông đồ Việt Nam" nhưng hiện đang khá thiếu thốn tư liệu. Cảm ơn!
"Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!"
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi.
(Olga F. Berggoltz)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

kyon91

Ồ bây giờ mình mới biết là còn có bài Ông Đồ 2 cơ đấy. Rõ ràng không hay bằng bài ông đồ 1.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Mối tình tri kỷ trong bài thơ  “Ông đồ”


Thu Phương

Mỗi năm khi hoa đào nở, tôi lại đến thăm nhà thơ trào phúng Tú Sót (tên thật là Chu Thành), một ông đồ trong CLB Cảo thơm thư hiên. Trong cái thanh tịnh của một sớm đầu Xuân Bính Tuất, nhà thơ Tú Sót kể lại cho tôi nghe buổi "hầu chuyện" thơ của ông với cụ Vũ Đình Liên cách đây vừa đúng 15 năm như một sự tri ân với tác giả bài thơ "Ông đồ".

Đây cũng là buổi "hầu chuyện" cuối cùng của Tú Sót với tác giả  Ông đồ  vì sau đó vài năm, thi sĩ tài hoa này đã về nơi vĩnh hằng. Thật ra ý định ghi lại xuất xứ bài thơ  Ông đồ  đã được ông Tú ấp ủ từ năm 1989, nhưng rồi cứ nấn ná vì lý do này nọ mà chưa thực hiện được. Và ngày 24/10/1991, một buổi chiều thu nhạt nắng, sau khi thắp hương viếng phần mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà thơ Tú Sót đã mời nhà thơ Vũ Đình Liên lại nhà mình để được "hầu chuyện".
Kể lại kỷ niệm này, ông rưng rưng: "Rất ít người biết rằng, bài thơ  Ông đồ  và nhiều bài thơ khác của cụ Vũ Đình Liên còn nặng kỷ niệm về người vợ tảo tần của nhà thơ. Cụ gọi đó là cái tình tri âm, tri kỷ đã theo cụ trọn cuộc đời. Bà chẳng làm nghề gì cao sang, chỉ là cô hàng xén ở phố Hàng Bồ. Cụ Liên khi đó là anh chàng thư sinh học trường Bưởi, ngày nào cũng đi qua con phố có cô hàng xén dễ thương đó và chẳng biết tự bao giờ, chàng trai trẻ thi sĩ này đã phải lòng. Phải lòng gánh hàng chỉ có kim, chỉ, đèn dầu, phải lòng người bán hàng nhu mì, đôi má ửng hồng e thẹn, nhưng chàng thanh niên Vũ Đình Liên còn phải lòng cả cái khung cảnh bình dị mà chỉ có trái tim thi sĩ mới rung lên được sợi tơ tình cảm đó: bên cạnh cô hàng xén còn có một ông đồ già ngồi viết chữ. Họ ngồi cạnh nhau nhiều tháng trên hè phố cùng kiếm sống nhưng cũng không bị "Pu-lít" (cảnh sát) đuổi phạt bao giờ.
Thời đó, kẻ sĩ nước mình có mấy ai giàu. Ông đồ nghèo đến nỗi không có nhà phải ngồi ở vỉa hè để bán chữ, mà còn không có cả tiền mua giấy nên phải ngồi bên cô hàng xén. Để khi có khách đến thuê viết, ông đồ chỉ cần với tay về phía cô hàng xén: "Này, này, cô cho tôi nhờ tờ giấy, nhờ cái bút", vậy là được cả đôi bên! Họ cứ dung dị sống, dung dị gắn bó mưu sinh với nhau trên một góc vỉa hè chật chội mà đâu có biết rằng, có một anh chàng thư sinh nho nhã đã khắc ghi hình ảnh đó trong lòng.
Cụ Tú Sót chậm rãi: "Thơ không phải lúc nào muốn là bật ra được, nó phải là những cảm xúc căng chật trong lòng, là những nỗi buồn khắc khoải mà không viết ra anh không thể hóa giải nỗi lòng mình được". Ban đầu, cụ Vũ Đình Liên khắc họa hình ảnh  Ông đồ chỉ bằng một câu vè: "Hàng Bạc đi lên Hàng Bồ. Trên đường đi học, ông đồ buồn thiu". Nhưng rồi, có một ngày xuân, nhà thơ đi qua con phố thân thuộc đó, bỗng thấy trống vắng, chỉ còn những bậc thềm hoang lạnh vì không thấy ông đồ đâu nữa. Nhìn phố xá và dòng người thờ ơ vô tình đang thưởng ngoạn vui xuân, nhà thơ đã đau đớn nhận ra vì sao ông đồ đã rời bỏ nơi này. Người đời lãng quên ông đồ, lãng quên luôn một nét văn hóa truyền thống. Chỉ kịp nghĩ đến đó, trái tim đa cảm của nhà thơ bỗng bật lên một tiếng nấc thương xót kẻ "hàn nho mãi tự": "Năm nay đào lại nở. Không thấy ông đồ xưa. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?!".
Sau này, khi bài thơ  Ông đồ  đã trở thành một tác phẩm văn học đỉnh cao về niềm hoài cổ thì có người cho rằng, nếu Vũ Trọng Phụng là ông "vua cười", cười bật máu ra đầu ngòi bút thì nhà thơ Vũ Đình Liên phải là ông "vua khóc", khóc tuôn ra đầu ngòi bút những dòng nước mắt, tiếng khóc lay động cả những tâm hồn vô cảm nhất. Tâm sự lại điều này với người bạn thơ già Tú Sót, cụ Vũ Đình Liên hài hước mà mắt ngấn nước: "Điều này, tôi phải giành giải nhất, tôi chẳng nhường cho bất cứ ai. Nhưng bạn ạ, có lúc tôi cảm giác bài thơ  Ông đồ  hình như không phải của mình mà là tiếng nói từ ngàn xưa vọng lại"...
Câu chuyện xúc động này được nhà thơ Tú Sót ghi lại vào một chiếc băng cassette cũ kỹ, thi thoảng, nhớ bạn nhớ cảnh, nhớ tình, ông lại mang ra nghe để ngâm ngợi, đủ thấy mối thâm tình của hai tâm hồn hoài cổ đồng điệu.
Tôi chợt nhớ tới mấy vần thơ cuối trong bài thơ "Gửi tác giả bài thơ Ông đồ" của nhà thơ Tú Sót: "Ông đồ sống lại khóc nhà thơ. Hay là xót mới với thương xưa. Tiếng nấc nối liền bao thế kỷ. Nhà thơ nay lại hóa thành thơ". Những ông đồ hiện đại dù không khăn xếp, áo the nhưng có lẽ sự hướng thiện thành tâm với văn hóa cổ trong họ sẽ là một cầu nối thực tại với quá khứ, để mỗi cái Tết vẫn lưu giữ được hương vị truyền thống ngày xưa.

Nguồn: Công an nhân dân
(ĐN s.t và giới thiệu)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài viết)
[1]