Thơ thành viên » dangvanhoan » Trang thơ cá nhân » Việt Nam, tích sử bốn nghìn năm
Quân ta đang lúc hiểm nghèo,
Vương hầu, một số, đã theo hàng thù;
Vết nhơ để lại nghìn thu(1)
Mà gương trung nghĩa vẫn như sao trời:
Quân dân Đại Việt khắp nơi
Kiên cường chiến đấu, không rời giặc Nguyên.
Giặc đang hùng mạnh, cuồng điên,
Vua Trần nhượng bộ, tạm yên đợi chờ:
Đem dâng công chúa An Tư(2)
Nhằm vơi tai nạn kẻ thù gây nên...
Khó khăn địch chịu dần thêm:
Cạn lương, mưa lũ triền miên tháng ngày,
Nắng hè oi bức, gắt gay,
Quân binh bạc nhược, lung lay tinh thần...
Hưng Đạo vương đưa đại quân
Tiến ra miền Bắc, quyết tâm ngút trời.
A Lỗ, Hàm Tử... mấy nơi
Quân ta đại thắng – Tin vui lan truyền.
“Tổng phản công!”, Lệnh ban liền;
Ba thứ quân khắp mọi miền đồng tâm(3)
Cứ như “Xuất quỷ, Nhập thần”,
Biết bao cách đánh, loạn tâm trí thù.
Làu thông yếu lược binh thư;
Chiến tranh du kích... thực hư bất ngờ.
Nơi trận nhỏ, lúc đánh to...
Chiến công dồn dập, bến bờ sạch bong;
Rửa thù Vạn Kiếp vừa xong,
Phủ Trường Yên lại nức lòng quân dân;
Chương Dương đại thắng vang ngần,
Thăng Long, giặc chạy, tàn quân bẽ bàng:
Tổng quản Trương Hiển đầu hàng,
Toa Đô bỏ mạng, chẳng oan ức gì,
Ô Mã Nhi vội trốn đi,
Ba vạn quân địch tức thì nộp thân.
Giặc Nguyên khốn quẫn toàn phần;
Hưng Đạo vương kíp đốc quân tiễu trừ;
Sông Như Nguyệt đỏ máu thù;
Gương Trần Quốc Toản nghìn thu không mờ:
Thiếu niên kiên dũng dựng cờ;
Cầm cam bóp nát bởi ngờ giặc Nguyên(4)
Vạn Kiếp: Xác giặc chồng lên:
Lý Hằng, đại tướng, trúng tên, toi đời;
Lý Quán sợ hãi, rối bời;
Thoát Hoan thoát chết nhờ chui ống đồng...
Lần hai đánh quân Nguyên Mông,
Năm mươi vạn địch đã không trở về.
Quân ta gian khổ bộn bề,
Hy sinh anh dũng, lời thề sắt son,
Đồng tâm “Sát Thát”, sống còn(5)
Toàn dân đoàn kết, nước non vẹn toàn.
***
Mùa xuân Đinh Hợi vừa sang
Nhà Nguyên tuyển chọn kỹ càng quân binh:
Phải quen sông nước địa hình,
Là người khoẻ mạnh, chiến chinh kiên cường...
Cho quân tiến theo ba đường;
Thoát Hoan đốc thúc chiến trường hung hăng(6)
Triều Trần bàn chuyện tuyển quân;
Hưng Đạo vương nói: “...Không cần quân đông!
Chỉ cần tướng sỹ đồng lòng,
Luyện quân tinh nhuệ, lập công tất thành!”
Giặc đang thế mạnh, tung hoành,
Đánh đâu, thắng đấy, ta đành tạm lui.
Bàng Hà, Ba Điểm,...mấy nơi
Đã đầu hàng địch, tự bôi nhọ mình.
Quân ta rời bỏ kinh thành,
Vườn không, nhà trống để dành thế ưu.
Thăng Long, địch phá tiêu điều;
Ô Mã Nhi quyết đuổi theo vua Trần;
Nhưng không đạt được dã tâm;
Về Long Hưng, mộ Tổ Trần quật lên,
Huỷ Thái ấp, phá chùa chiền,
Giết người, cướp của, khùng điên, bạo tàn.
Quân dân Đại Việt kiên gan
Chờ thời cơ đến, vững vàng phản công.
Thuyền lương giặc ở trên sông:
Bảy mươi vạn thạch, thuận dòng theo sau;
Ô Mã Nhi mải tiến sâu,
Mặc Trương Văn Hổ giơ đầu đợi gươm;
Trần Khánh Dư kịp đón đường
Tiêu diệt toàn bộ nguồn lương kẻ thù.
Giặc Nguyên, tâm trí mịt mù,
Hoang mang, tan biến ý đồ xung phong.
Hưng Đạo hạ lệnh phản công;
Chọn nơi quyết chiến là sông Bạch Đằng.
Giặc Nguyên, đương lúc dung dằng;
Tiến lui chưa quyết, ăn nằm không yên;
Lại thêm một số chiến thuyền
Đang đậu, tự đắm, đột nhiên, lạ lùng...
(Bởi Yết Kiêu lặn dưới sông
Đục thuyền thủng đáy), rối lòng quân Nguyên;
Hè về, nóng nực bồi thêm;
Thoát Hoan truyền lệnh rút êm hai đường.
Khi vào: Hùng hổ, ngông cuồng;
Khi ra: Lủi thủi, chán chường, âu lo...
Hưng Đạo vương đã đợi chờ;
Bach Đằng trận thế đắn đo chu toàn:
Cửa sông, cọc cắm sẵn sàng
Giấu quân tập kích, đánh tan bất thần;
Nguyễn Khoái được lệnh kìm chân,
Chờ thuỷ triều xuống, dồn quân địch vào...
Hai mươi ngày quyết tâm cao,
Hàng nghìn cọc cắm, phải sao hoàn thành;
Thuyền khiêu chiến tiến lui nhanh;
Bè chứa chất cháy để dành hoả công...
Một vùng rộng lớn mênh mông,
Giữ sao bí mật? Địch không thể ngờ.
Chọn “Địa lợi”, hợp “thời cơ”,
Thêm “Nhân hoà” nữa, chỉ chờ vẻ vang...
Hành quân đường tắt vội vàng,
Sa lầy, voi quý thác oan giữa dòng.
Hưng Đạo vương chỉ xuống sông,
Thề: “Không thắng giặc, quyết không trở về!”
Biết bao hy vọng tràn trề;
Bạch Đằng cuộn sóng, tình quê dâng trào.
Đại binh xung trận, khát khao
Lập công diệt giặc, ghi vào sử xanh.
Đạo quân tinh nhuệ triều đình;
Hai vua Trần cũng thân chinh chiến trường(7)
Quân Thánh dực, quân địa phương,
Dân binh tình nguyện... sáng gương anh hùng;
Bà hàng nước bến đò Rừng
Tỏ tường con nước, hiến dâng gia tài;
Quân dân sát cánh, chung vai
Cộng đồng tác chiến, trổ tài lập công.
Mấy vạn quân địch tử vong,
Mấy trăm thuyền chiến trên sông tan tành;
Bốc mùi, xác giặc, hôi tanh;
Phạm Nhan, yêu tặc, cũng đành phơi thây.
Hàng vạn địch chịu trói tay,
Tướng tài địch cũng một dây thẫn thờ:
Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ
Đang cùng Phàn Tiếp đợi chờ tế lăng(8)
Chiến công vang vọng nghìn năm;
Tự hào lời phú Bạch Đằng còn nghe:
...“Sông Đằng một dải dài ghê
Luồng to, sóng lớn dồn về biển Đông
Trời Nam sinh kẻ anh hùng
Tăm kình yên lặng, non sông vững vàng...”
Cánh quân bộ của Thoát Hoan
Được tin đại bại, hoang mang, cuống cuồng;
Mỗi khi qua ải, mở đường:
Xương tan, thịt nát, chiến trường ngổn ngang.
Vùi thây đầy ải Nội Bàng,
Nữ Nhi, Khưu Cấp...kinh hoàng bao phen.
Bởi gây tội ác, phải đền:
Trương Ngọc, Bát Sích,..mấy tên toi đời;
Trịnh Đình Phi lọt lưới trời,
Thoát Hoan thoát chết, hết lời huênh hoang...
Mộng xâm lăng đã tiêu tan,
Nhà Nguyên chấp nhận hoàn toàn thua đau;
Đã từng ngang dọc Á, Âu...
Gặp dân Nam, phải cúi đầu xin tha!
Danh thơm khắp chốn gần xa:
Trần triều hùng mạnh, dân ta kiên cường;
Thiên tài, Hưng Đạo Đại vương (9)
Thác đi, là Thánh, bốn phương phụng thờ.
(1)-Cảng Chiêm Thành tức Quy Nhơn. Toa Đô nằm co ở đây chờ đợi, tạo ra mũi tiến công làm thành gọng kìm kẹp chặt vương triều Trần. Toa Đô tới Nghệ An, đánh thắng Trần Nhật Duật và Trịnh Đình Toản, chiếm Nghệ An, tiến ra Bắc. Một số vương hầu giao động, hàng địch như Trần Kiện, Lê Trắc, Đặng Long, Trần Tú Hoãn, Trần Ích Tắc, Phạm Cự Địa. Chúng được giặc đưa về nước Nguyên. Nhưng qua Lạng Sơn, bị Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh đem quân Tày, Nùng chặn đánh, sau đó bị Nguyễn Địa Lô(Gia tướng của Hưng Đạo) truy kích bắn chết Trần Kiện
(2)- Công chúa An Tư là con út của Thánh Tông đem dâng cho Thoát Hoan nhằm giảm bớt tai nạn cho đất nước.
(3)- Ba thứ quân gồm: Quân triều đình, quân các vương hầu, và Hương binh
(4)- Trong hội nghị Bình Than(Bến sông xã Trần Xá, huyện Chí Linh) bàn kế sách đánh giặc;
Trần Quốc Toản nhỏ tuổi, không được dự họp., đứng ngoài uất ức, chỉ muốn tham gia đánh giặc, đã bóp nát quả cam mà vua trao cho. Về sau Quốc Toản dựng cờ hiệu “Phá cường đich, báo hoàng ân”, tuyển mộ quân sỹ tham gia đánh giặc Nguyên, lập nhiều công tích.
(5)-Hai chữ “Sát Thát” được mọi tướng lĩnh, quân nhân Nhà trần thích vào cánh tay để tỏ ý quyết tâm đánh đuổi, diệt trừ giặc Nguyên.
(6)-Mùa xuân 1287, Nhà Nguyên xuất quân xâm lược nước ta lần thứ ba. Thoát Hoan làm tổng chỉ huy, chia quân tiến theo ba đường. Thoát Hoan trực tiếp chỉ đạo đường từ Quảng Tây vào Lạng Sơn; Áo Sích Lỗ phụ trách quân từ Vân Nam theo sông Hồng xuống; Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đem 600 chiến thuyền từ Quảng Đông vào vịnh Hạ Long, theo sông Bạch Đằng tiến vào, hẹn hội quân ở Vạn Kiếp.
(7)- Hai vua: Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông
(8)- Các mũi tiến công làm hàng trăm thuyền chiến, hàng vạn quân địch bị tiêu diệt. Vua Trần và các tướng lĩnh phản công áp đảo địch khiến 600 chiến thuyền cùng hàng vạn quân Nguyên bị giết, bị bắt.Số địch sống sót chạy lên Yên Hưng lại bị quân mai phục bồi thêm đòn chí tử. Chính Hưng Đạo vương ở tả ngạn sông Bạch Đằng trực tiếp chỉ huy truy kích địch, khiến hàng vạn quân bị tiêu diệt, trong đó có tên có yêu thuật là Phạm Nhan.Thây giặc ngổn ngang khắp nơi. Kết thúc chiến thắng Bạch Đằng, ta thu 400 chiến thuyền, bắt sống hàng vạn đich, trong đó có các tướng tài như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ (Bọn này đưa về làm lễ tế Chiêu Lăng, dâng lên Tổ phụ Nhà Trần
(9)- Đánh tan quân Nguyên ở lần thứ ba, triều đình xét công lao dẹp giặc, phong Hưng Đạo vương làm đại vương bởi vương công cao bậc nhất,phong con trưởng của ông là Hưng Võ vương làm Khai quốc công, phong con thứ Hưng Nhượng vương làm Tiết Độ sứ, cùngcác tướng lĩnh khác đều được phong thưởng theo công trạng.