Thơ thành viên » dangvanhoan » Trang thơ cá nhân » Việt Nam, tích sử bốn nghìn năm
Lời ca ngợi khắp bốn phương:
Lê Hoàn đánh giặc sáng gương Tiên rồng;
Lại lo xây dựng non sông,
Vì dân, vì nước, góp công, trổ tài...
Lê Long Đĩnh lắm trái sai;
Lòng dân ly tán, nhớ hoài Tiền Lê.
Lý Công Uẩn liệu vỗ về,
Mở đầu triều Lý, tính bề dựng xây;
Đô Hoa Lư chuyển về đây:
Thăng Long là đất rồng bay - Tuyệt vời!
Nước Đại Việt mãi rạng ngời...
Nhân Tông- bảy tuổi - nối ngôi(1) sau này;
Tống triều đợi mãi bấy nay,
Cơ hôị xâm lược giờ đây đã thành:
Hãy lo khuấy động chiến tranh
Tạo uy để đánh tan tành Hạ, Liêu(2)
Lại thêm của quý có nhiều;
Muốn vơ vét được, phải liều đánh sang.
Trước tiên, lập cứ vững vàng;
Ung, Khâm, Liêm đã sẵn sàng ra tay:
Quân, lương,vũ khí đủ đày;
Ba mũi dao nhọn đợi ngày đâm ta(3)
Lý triều đã sớm lo xa;
Giang sơn một mối, quốc gia hùng cường:
Tổ chức quy củ khác thường(4)
Vũ trang nhiều cấp, trăm phương diệt thù(5)
Vừa lo sản xuất thừa dư,
Vừa lo đánh giặc thật cừ, thật hay(6)
Đầu triều, giúp vua hàng ngày:
Đaọ Thành, Thường Kiệt,là bày tôi trung,
Vẹn toàn tài, trí anh hùng,
Vì dân, vì nước, lại cùng phò vua;
Quên đi vướng mắc khi xưa(7)
Đồng tâm diệt giặc, đã thừa tiếng khen.
Quyết không sống nhục, sống hèn;
Đánh cho giặc Tống một phen kinh hoàng.
“Tiễu trừ cọp, đến tận hang”
Lý Thường Kiệt đã họp bàn tỏ thông(8)
***
Đêm rằm tháng chín trăng trong,
Diệt binh Cổ Vạn, lập công trận đầu-
Thổ binh ta có kém đâu?-
Lại thêm một số trại, châu giặc hàng.
Đoàn thuyền Đại Việt hiên ngang;
Thành Khâm- Vĩnh Thái- cũng đành bó tay(9)
(Chủ quan, kiêu ngạo xưa nay
Là điều ngu muội của bày xâm lăng);
Kho lương, vũ khí... san bằng;
Quân ta thừa thắng, diệt phăng mấy đồn.
Ba ngày sau, Lỗ Khánh Tồn
Với Thành Liêm, cũng mồ chôn mất rồi.(10)
Thành Ung Châu, địch rối bời:
Quân ta từ khắp mọi nơi tiến vào;
Vừa nghi binh giấu cao trào,
Vừa ban “Lộ bố” xôn xao lòng người(11):
Tống dân hò hát, reo cười,
Trống chiêng, rượu thịt,... đón mời quân ta.
Bởi tầm nhìn rộng, trông xa;
Lý Thường Kiệt đã tạo đà, lập công.
Vòng vây khép kín đã xong;
Thành Ung quyết chiến (Dốc lòng hai bên):
-Ta: vì kế hoạch chưa quên
Phá tan sào huyệt vững bền đối phương.
- Địch: Kìm ta, để tìm đường
Cho quân đánh úp, cướp luôn đô thành(12)
Lệnh công kích đã truyền nhanh;
Kẻ thù chống đỡ, giao tranh điên cuồng.
Quân ta dũng cảm, kiên cường,
Đổi thay chiến thuật, tìm phương công thành:
Khi máy bắn đá vận hành,
Mũi tên “Khai hoả” để dành thế công;
Đội quân cảm tử xung phong,
Vượt từơng, liều chết, quyết không chịu lùi;
Khi trong lòng đất luồn chui,
Đào hầm, khoét ngách, tiến lui bất ngờ;
Khi tên tẩm nhựa đốt kho;
Quân doanh cháy trụi, giặc lo cuống cuồng;
Lại thêm dịch bệnh, tai ương...
Địch chết vô số, hết đường huênh hoang;
Tô Giám vẫn không chịu hàng;
Ta cho đổ đất, đắp đường dần cao
Ngang tường thành để xông vào
Quần nhau với địch, gươm đao sáng loà;
Cổng thành cũng đã phá ra;
Kỵ binh giặc bị voi ta xéo giày;
Giặc hàng, Tô Giám trắng tay
Lao vào lửa, tự hoá thây, ngậm hờn(13).
Bốn hai ngày quyết sống còn,
Thành Ung thành chốn vùi chôn xác thù
(Mười vạn tên địch có dư),
Căn cứ xâm lược đã trừ diệt xong.(14)
***
Âm mưu đánh úp đi tong;
Giặc sang Đại Việt, khó mong đường về.
Thế nhưng: Cay cú, u mê,
Vua Tống ngoan cố, không nghe đại thần
(Bao người thành thật can ngăn);
Tống vương vẫn quyết xuất quân phục thù
(Một tên khát bạc đần ngu
Đợi chờ may rủi, vài xu cũng bòn);
Ba mươi vạn lính,cố gom,
Vài trăm thuyền chiến vốn non tay chèo...
Quách Quỳ, hàm chánh tướng đeo;
Triệu Tiết, phó tướng, đường đèo núi sang.
Quân ta chuẩn bị sẵn sàng:
“Thiên la, địa võng” vẫn đang đợi chờ;
Bám ráo riết, đánh bất ngờ...
Khiến quân địch phải lên bờ, xuống sông.
Điên cuồng, địch cậy quân đông;
Dần dà, chúng cũng chiếm xong mấy miền:
Khởi đầu, đánh chiếm Quảng Nguyên,
(Riêng địch bị bắt đã trên ba ngàn);
Chiếm Lạng Sơn, chiếm Quang Lang,
Qua ải Giáp Khẩu, muốn sang sông Cầu;
Ta ra đòn nhỏ nhưng đau
Khiến cho quân Tống bù đầu, hoang mang(15)...
Trên đường biển, giặc tiến sang:
“Thường sơn xà trận” (16) giăng hàng tiến lên.
Quân mai phục Lý Kế Nguyên
Đã dìm đáy biển trăm thuyền Tống binh;;
Giặc lo thu lại đội hình;
Mỗi lần tiến, lại hãi kinh đời đời;
Sau mười trận chiến tả tơi,
Mân, Tiên, hai tướng tìm nơi ẩn mình(17).
Quân dân Đại Việt thông minh,
Dựa vào lợi thế địa hình núi sông-
Như Nguyệt- chiến tuyến quốc phòng;
Tường thành cản địch, Thăng Long yên bình.
Quách Quỳ muốn đợi thuỷ binh;
Miêu Lý nuôi mộng, cố tình vượt sông:
Kết bè, ồ ạt tiến công;
Sông Cầu nhuộm máu, đỏ hồng trôi đi;
Kỵ binh, Vương Tiến chỉ huy;
Hoàng Kim (phản bội), dẫn đi hàng ngàn;
Bến đò Như Nguyệt giặc sang;
Quân ta núng thế, địch tràn đến đông(18);
Kỵ binh giặc nhằm Thăng Long;
Quân ta có viện, phản công tức thời:
Bến Như Nguyệt bụi mù trời;
Hai bên quyết tử, không rời đi đâu.
Kỵ binh “đơn độc tiến sâu”
Bị ta chặn đánh, đòn đau bất ngờ.
Vương Tiến đã hết mộng mơ:
Nghìn quân bị diệt, vội lo kế chuồn(19).
Canh ba, trời lạnh thấu xương;
Địch quân không ngủ, chán chường, âu lo...
Bến Như Nguyệt lặng như tờ;
Bỗng nhiên vang vọng lời thơ tự cường;
Hai thần yêu nước họ Trương
Khiến quân Tống phải u buồn, hãi kinh
Trách vua quan Tống hại mình:
Chỉ còn đường chết, chiến chinh làm gì?(20)
Quân ta phấn chấn lạ kỳ,
Xông lên giáp chiến, tỏ uy anh hùng.
Quách Quỳ đầu óc rối tung,
Chuyển sang cố thủ- Đường cùng giữ quân.
Giặc đang yếu thế dần dần...
Chủ trương - Thường Kiệt- toàn quân đánh dồn.
Quách Quỳ bạt vía, xiêu hồn
Âm mưu “giăng bẫy” trả đòn quân ta;
Giả vờ; Khao Túc lơ là,
Dụ quân ta đến, sẽ ra tay liền.
Năm nghìn kỵ binh dùng thêm;
Phen này ăn chắc sẽ lên cơ đồ.
Cầm quân, nắm vững thế cờ;
Lý Thường Kiệt biết thời cơ đến rồi.
Lệnh phản công truyền khắp nơi;
Mấy trăm thuyền chiến ta rời Vạn Xuân,
Hoàng tử Chiêu Văn, Hoằng Chân,
Tiến lên Khao Túc, buồm giăng rợp trời;
Trên bờ Bắc, giặc tơi bời:
Quân ta đổ bộ để rồi tiến sâu.
Quách Quỳ điều quân Đáp Cầu
Đến đây “Giương bẫy”, từ lâu đợi chờ;
Hai bên phản kích giằng co
Địch tung quân cứu, lại nhờ kỵ binh...
Hai hoàng tử đã hy sinh,
Khá nhiều thuyền đắm, quân mình tổn hao;
Tống quân thiệt hại cũng cao:
Riêng kỵ binh chết (ít sao?): Năm nghìn!
Taọ ra sơ hở - Khó tin-
Đáp Cầu, Như Nguyệt lặng im chết người:
Vượt sông, ta tiến tận nơi
Nhất tề công kích, toi đời ngoại bang;
Kỵ binh giặc đương mơ màng;
Đao kề tận cổ, còn làm được chi?...
Sau trận đánh úp lạ kỳ,
Địch mười phần, đã mất đi sáu phần;
Quân ta phấn chấn tinh thần,
Muốn mau diệt nốt lũ quân bạo tàn:
Gươm mài, giáo dũa...sáng choang;
Chăm voi, dưỡng sức,... sẵn sàng tiến quân...
Gánh gồng gạo, thịt, rượu tăm...
Động viên binh sỹ, muôn dân nức lòng.
Quyết làm rạng rỡ non sông,
Đánh cho giặc Tống hết mong đường về.
Quân ta thế mạnh chẻ tre;
Mười phần chắc thắng! Bỗng nghe tin đồn:
-“Bàn hoà!”, cho giặc bảo tồn,
Rút quân về nước vẹn tròn, y nguyên.
Cốt sao: Đất nước bình yên
Mà ta vẫn giữ chủ quyền dài lâu(21).
Kẻ thù đã thấm đòn đau;
Dân ta nhân đạo, ân sâu, nghĩa bền...
Ngàn năm sau, mãi lưu truyền
Chiến công diệt Tống, giữ yên sơn hà!
(1)- Triều Tiền Lê bắt đầu từ Lê Đại Hành(Lê Hoàn)có nhiều cống hiến trong sự nghiệp đánh quân Tống xâm lược và xây dựng đất nước. Đến Lê Long Đĩnh lại bạo tàn, lòng dân ly tán. Lê Long Đĩnh chết, triều đình đưa Lý Công Uẩn lê ngôi vua, bắt đầu triều Lý (Năm 1009); Đến năm 1010, Lý Thái Tổ (Tức Lý Công Uẩn) rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, năm 1054, đổi tên nước là Đại Việt. Năm 1072, Lý Thánh Tông từ trần, Lý Nhân Tông mới bảy tuổi lên nối ngôi.
(2)- Hai nước Hạ, Liêu ở phía Bắc luôn uy hiếp, quấy nhiễu khiến quân Tống thảm bại, phải cắt đất cho hai nước đó. Vua Tống và Vương An Thạch định đánh nước ta để tạo uy thế, đánh lại hai nước Hạ và Liêu này.
(3)- Quân Tống tích trữ lương thực, vũ khí, tập trung binh lực vào ba thành Ung, Khâm, Liêm(chủ yếu là thành Ung) để làm bàn đạp tấn công nước ta.
(4)- Lý Thái Tổ phân chia các khu vực hành chính: Từ Lộ, đến Phủ, đến Huyện, rồi Hương, Giáp hoặc châu, Trại (Nếu ở miền núi), phong tước vương cho các hoàng tử để trấn trị các nơi trọng yếu, gả các công chúa cho các tù trưởng ở miền núi để thắt chặt quan hệ với các nơi hẻo lánh
(5)- Tổ chức lực lượng vũ trang nhiều cấp: Cấp trung ương có quân Cấm Vệ, ít, nhưng tinh, là quân thường trực triều đình; Quân các Lộ cũng thuộc trung ương, nhưng ở các Lộ, Phủ, Châu,là lực lượng đông đảo nhất, cơ động từ nơi này đến nơi khác; Ở hương, Giáp có Hương binh, miền núi có Thổ binh tác chiến tại chỗ; Ngoài ra còn có quân riêng của các vương hầu, tù trưởng cũng cơ đông như quân các lộ...Địch đến đâu, cũng bị đánh; Đánh đêm, đánh ngày, đánh to, đánh nhỏ, chặn trước, thọc sườn, đánh thốc sau lưng...
(6)- Thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông”(Gửi quân lính ở nhà nông), vừa đảm bảo yêu cầu quốc phòng, vừa duy trì lực lượng cần cho sản xuất, phát triển kinh tế.
(7)- Thái uý Lý Thường Kiệt (Tức Ngô Tuấn) và Thái sư Lý Đạo Thành vốn có hiềm khích riêng; Nhưng khi giặc Tống có ý định xâm lược nước ta, thì hai ông đã xoá bỏ hờn oán, kết hợp với nhau để giúp dân đánh giặc, cứu nước.
(8)- Lý Thường Kiệt chủ trương “Ngồi yên đợi địch không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc”. Cuộc “Đại triều bất thường” họp tại Thăng Long vào ngày đầu xuân năm Ất Mão(1075) bàn thực hiện ý định của ông.
(9)- Tướng Tống là Trần Vĩnh Thái tổng quản Thành Khâm chủ quan, kiêu ngạo mở tiệc chè chén, khi quân ta ập đến đã không kịp chống đỡ phải đầu hàng ngay.
(10)- Chiến thắng ở Thành Khâm, quân ta san bằng các kho lương thực, vũ khí đầy ắp của địch, đồng thời đánh úp các trại Như Hồng, Như Tích, Đề Trạo(cũng thuộc Thành Khâm). Ba ngày sau Thành Liêm lại lọt vào tay ta; Chủ tướng giặc là Lỗ Khánh Tồn tử trận.
(11)- Ta cử một bộ phận tiến về châu Duy, châu Bạch để thực hiện đòn nghi binh bằng cách hư trương thanh thế khiến địch lầm tưởng ta đánh theo hướng đó và giấu ý định đánh Ung Châu. Đồng thời, ta ban: Lộ bố” vạch tôi ác của địch, và nói rõ ý đồ phá vỡ kế hoạch xâm lược của địch để cứu vớt nhân dân khỏi lầm than do chiến tranh gây nên.
(12)- Quân ta quyết phá tan thành Ung để thực hiện kế hoạch san bằng căn cứ xâm lược của địch. Quân địch quyết giữ vững thành Ung để kìm chân 10 vạn quân của ta hòng đem quân đánh úp chiếm nước ta rồi sau đó tiêu diệt cả 10 vạn quân ta đang còn bị kìm ở Ung Châu.
(13)- Ngày 01- 3 - 1076(23 tháng giêng âm), ta công kích; Đắp đất thành đường lớn, cao dần đến ngang tường thành để xông lên, đánh giáp lá cà, đồng thời dùng các cây gỗ lớn phá cổng thành, ùa vào, chia nhiều mũi bao vây, cắt nhỏ đich ra để đánh. Tô Giám tung con bài cuối cùng là kỵ binh nhưng cũng bị bộ binh và voi chiến của ta tiêu diệt. Địch xin hàng, Tô Giám lao vào lửa tự vẫn.
(14)- Cuộc tiến công thành Ung kết thúc vào tháng 3 năm Bính Thìn, ta tiêu diệt chục vạn địch, các căn cứ xâm lược của địch bị phá tan; Đòn đau đó ngấm mãi vào lục phủ, ngũ tạng của triều đình Nhà Tống.
(15)- Ngày 21 tháng chạp Đinh Tỵ (18 -01 - 1077) địch tới bờ sông Cầu. Dân ta thực hiện “vườn không, nhà trống’, địch luôn bị nếm các đòn nhỏ mà đau: Địch bị bắt, bị chết từng ít một, nhất là quân tải lương của địch, luôn bị ta đánh phá. Thổ binh, Hương binh của ta khiến địch lao đao, khốn đốn. Nhất là ở Lạng Sơn, Quang Lang, quân áo chàm của phò mã Thân Cảnh Phúc ẩn hiện bất ngờ, khiến địch tổn thất rất lớn.
(16)- Đây là một thế trận của thuỷ quân
(17)- Hai tướng Hoà Mân và Dương Tùng Tiên cầm quân đường thuỷ sang đánh nước ta. Sau 10 trận giao chiến lớn nhỏ, bị thua, đã phải thu thập tàn quân trốn vào cửa Đông Kênh ẩn nấp và nằm lỳ ở đó cho đến hết chiến tranh
(18)- Trên chiến tuyến Như Nguyệt, Dọc bờ sông Cầu tướng giặc Miêu Lý chỉ huy, cho chặt tre, gỗ, đóng bè mảng, lợi dụng đêm tối, bí mật làm cầu phao để mờ sáng tiến quân sang. Hai bên kịch chiến, giáp lá cà, trong khi đó, hàng nghìn kỵ binh giặc do Vương Tiến chỉ huy cũng xông sang (Có tên phản bội Hoàng Kim dẫn đường). Giặc chiếm được bến đò Như Nguyệt
(19)- Kỵ binh do Vương Tiến chỉ huy ra roi thúc ngựa tiến về Thăng Long, Khi cách Thăng Long 15 dặm, thì bất ngờ bị ta chặn đánh, bao vây. Sau một hồi kịch chiến, gần 1000 kỵ binh địch bị tiêu diệt, Vương Tiến cùng mấy chục tên liều chêt phá vây, ngược về bến Như Nguyệt.
(20)- Hai vị thần Trương Hống và Trương Hát là hai anh em làm tướng của Triệu Quang Phục, có công giết giặc cứu nước, được tôn làm thần.Giữa đêm khuya, ở bến đò Như Nguyệt vang lên giọng nói sang sảng:” Bớ giặc Tống! Hai thần họ Trương bảo cho lũ bay biết: “Nam quốc sơn hà nam đế cư - Tiệt nhiên định phận tại thiên thư - Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm - Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
(21)- Khi diệt được đại bộ phận quân địch, khiến bọn còn lại lâm vào thế “Hàng thì sống, chống thì chết”, ta đã tha chết cho chúng về nước để “Khỏi nhọc lòng tướng tá, khỏi tốn xương máu mà vẫn bảo toàn được tôn miếu”, non sông trở lại thanh bình, đất nước ta vẫn người Nam ở, chủ quyền vẫn người Nam giữ, đó chẳng phải là điều quý báu, tốt đẹp nhất hay sao?