Thơ thành viên » dangvanhoan » Trang thơ cá nhân » Việt Nam, tích sử bốn nghìn năm
Phùng An, con của Phùng Hưng
Yếu hèn, bất lực, không cùng trí cha,
Đã không giữ được sơn hà;
Nhà Đường lại cướp nước ta, trị vì;
Ba tên đô hộ đến, đi...
Dân ta bất khuất, ai quỳ mặc ai.
Lý Tượng Cổ được đặc sai(1)
Sang An Nam để quản cai tức thì;
Một nghìn bộ hạ cùng đi,
Hung hăng, nhưng lại ngu si, đáng cười:
“Cao tay”, bày chuyện kiềm người:
Dương Thanh - Hào trưởng- vẹn mười uy danh;
Cổ cho vời đến Tống Bình,
Cho làm nha tướng, để mình dễ sai;
Nhân khi có loạn bên ngoài;
Sai Dương Thanh kíp ra oai Đường triều(2)
Ba nghìn binh sỹ đem theo;
Buộc ông nhuốm máu, hết điều ngả ngiêng...
Ngờ đâu - Quả báo nhãn tiền-
Dương Thanh xuất trận, lại đem quân về
Đốc quân với thế chẻ tre;
Tống Bình rửa hận, bốn bề bủa vây;
Lý Tượng Cổ đã phơi thây,
Hơn nghìn bộ hạ hồn bay, xác chồng...
Vua Đường tức tối đầy lòng,
Vẫn làm ra bộ khoan dung, nhẹ nhàng;
Cử ông ra đảo Hải Nam;
Dương Thanh kháng lệnh, giữ an Tống Bình.
Vua Đường lại giả thuận tình,
Cử Quế Trọng Vũ thay mình liệu cơ
Sang làm đô hộ, đợi chờ...
Dùng mưu ly gián, bất ngờ ra tay.
Dương Thanh vốn tính thẳng ngay,
Bởi không cảnh giác, đến ngày hy sinh.
***
Lửa hờn trong đám Việt binh
Khiến quan đô hộ hãi kinh, kêu trời(3),
Nhằm Quảng Châu, chạy đứt hơi,
Lý Nguyên Gia suýt đi đời, làm ma.
Vũ Hồn mò sang nước ta(4),
Chưa ngồi ấm chỗ, cùng đà xéo ngay.
Đến khi Vương Thức sang thay
Lại lo mất mật, đêm ngày co ro.
Vua Đường ranh mãnh giở trò:
Cử thày địa lý sang lo yểm bùa
Cắt đứt long mạch “Đất vua”,
Còn đâu độc lập? Hãy chừa đấu tranh...
Dân ta, trong “Pháo đài xanh”
Kiên cường chống chọi, quyết dành tự do;
Giặc Nam Chiếu đã thua to;
Vua Đường thấy thế, lai ngờ “Phát vương”(5);
Sai Cao Biền gấp lên đường
Đánh tan Nam Chiếu, cướp luôn chốn này(6).
Vốn quen bịp bợm xưa nay,
Cao Biền khoác lác, tỏ bày tài cao:
- Một phát tên, hai chim nhào;
- Ngồi trên diều giấy, bay cao lưng trời;
- Yểm âm binh hại muôn người;
-Đi tìm huyệt ĐẾ vẹn mười thành công...
Những trò ma quỷ viển vông
Đủ điều mê hoặc, những hòng doạ dân.
Biền lo sát hại công thần,
Diệt trừ hào trưởng có tâm giúp đời;
Tống Bình, thành cũ, đắp bồi,
Mở mang, nay đổi tên rồi: Đại La!
Biết bao chước quỷ, mưu ma
Để lo phòng chống dân ta vẫy vùng.
Dân Nam sáng tạo, anh hùng,
Biết bao truyền thống kiên trung lưu truyền:
- Bà hàng nước xỏ Cao Biền;
Âm binh “dậy sớm” hoá viên đất tròn(7)
- Thành Đại La, sợ mất hồn:
Bởi thần Long Đỗ nổi cơn tam bành
Khiến cho tượng sắt tan tành;
Cao Biền hoảng hốt, thất kinh phải chuồn(8)
Dựng lên truyền thuyết lạ thường,
Cũng là tỏ trí kiên cường, thông minh;
Đấu tranh không sợ hy sinh,
Quyết tâm, bền bỉ, nghĩa tình sắt son;
Tự tôn, tự trọng... vẹn tròn;
Khát khao độc lập, sống còn vẻ vang.
***
Thế kỷ mười sắp sang trang;
Nhà Đường mục nát, xẻ đoàn cắn nhau;
Dân lành nổi dậy đối đầu;
Đường triều lay động, Hoàng Sào khởi binh...(9)
Bên ta, cũng chẳng yên bình,
Chính quyền đô hộ: Nội tình rối ren...
Khúc Thừa Dụ đã đứng lên(10)
Tiến quân đánh chiếm, dẹp yên Tống Bình;
Đường triều đang lúc loạn binh
Phải đành công nhận sự tình đã qua;
Tước phong Thừa Dụ ban ra:
“Đổng bình chưởng sự”- Chỉ là hư danh-
Bởi quyền tự chủ đã giành;
Nước non mình, lại do mình dựng xây...
Nhà Đường đổ, Hậu Lương thay(11)
Cùng năm Thừa Dụ xuôi tay, từ trần;
Khúc Thừa Hạo lên quản dân,
Xưng Tiết Độ sứ, cách tân nghiệp nhà:
Giữ quyền tự chủ như cha;
Cải cách chính sự, nhà nhà yên vui.
Lại là một việc đã rồi:
Hậu Lương buộc phải nhận lời ban phong(12)
Để rồi, sau đó đổi lòng;
Nhà Lương giở mặt, đã không giữ lời;
Chúng cho Lưu Ẩn đến nơi
Làm Tiết độ sứ đất trời An Nam(13)
Khúc Hạo lập trường vững vàng,
Kháng cự quyết liệt, sẵn sàng ra tay;
Nhà Lương lại co vòi ngay...
Vài năm sau- Đã đổi thay rất nhiều-
Lưu Nham lập Nam Hán triều;
Khi cha (Lưu Ẩn) hồn xiêu, phách rời.
Khúc Thừa Hạo cũng qua đời;
Khúc Thừa Mỹ lại vẫn noi cha già:
Xưng “Tiết độ sứ” nước ta(14)
Chăm lo xây dựng sơn hà phồn vinh.
Mộng bành trướng vốn đầy mình,
Chúa Nam Hán đã xuất binh bạo tàn,
Đánh xong Bắc, lại xuống Nam;
Bắt Khúc Thừa Mỹ, phá tan Tống Bình;
Nhằm châu Hoan, Ái tiến binh...
Cơ nghiệp họ Khúc: Thôi đành dở dang;
Thế nhưng trong thiên sử vàng
Chiến công giữ nước ngân vang đời đời.
(1)- Năm 819, vua Đường chọn tên tay sai tin cẩn, nổi tiếng “Khắc nghiệt, hung bạo” đem theo một nghìn bộ hạ sang cai trị đất An Nam
(2)- Dương Thanh được Nhà Đường phong thứ sử châu Hoan;Nhưng chúng rất sợ ông. Lý Tượng Cổ vời ông về Tống Bình để dễ kiềm chế.
Nhân Quảng Tây có loạn dân Tày, Nùng, Mán nổi lên chống lại Nhà ĐƯỜNG; Lý Tượng Cổ sai Dương Thanh đem 3000 quân đi dẹp loạn.
(3)-Quan đô hộ sau Quế Trọng Vũ là Lý Nguyên Giáp phaỉ kêu rằng dân ta “hay sinh lòng làm phản” (Vì đám binh sỹ người Việt nổi dậy đánh đuổi chúng.
(4)- Kinh lược sứ Vũ Hồn sang nước ta năm 841 đã phải chạy ngay về Quảng Châu vì binh lính ở phủ đô hộ khởi loạn. Năm 858, kinh lược sứ Vương Thức lại bị mất mật khi đang nằm co ro trong thành có hào sâu, lại trồng cây táo gai dày đặc làm chiến luỹ.
(5)-Sau những luỹ tre làng (Những pháo đài xanh”, dân ta kiên trì đánh giặc Nam Chiếu(từ Vân Nam xuống), trong khi bọn đô hộ Nhà Đường (Cả những tên tướng giỏi, thầy phù thuỷ, thầy địa lý...) đều ôm đầu chạy hết. Quân ta thắng lợi giòn giã, khiến vua Đường sợ nước ta lại phát đế vương nên sai Cao Biền sang tiếp đòn đánh quân Nam Chiếu và dựng lại ách thống trị Nhà Đường ở nước ta.
(6)- Năm 866, vua Đường phong Cao Biền chức Tiết độ sứ (Từ đây, không còn gọi là đô hộ sứ nữa), sang cai trị nước ta
(7)- Cao Biền giao cho bà hàng nước ở gần nơi Cao Biền nuôi âm binh 100 thẻ hương và bảo bà mỗi ngày thắp một thẻ, đủ 100 ngày hàng nước sẽ phát tài. Nhưng bà chỉ đốt có ít ngày, rồi đem đốt hết nên âm binh đã “dậy non”, run lẩy bẩy và hoá ra đất hết. Do đó có câu: “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”
(8)-Cao Biền đắp xong thành Đại La, khi dạo chơi ở cửa Đông thành thì trời nổi cơn mưa to, gió lớn, Thần Long Đỗ hiện ra trong đám mây ngũ sắc. Cao Biền sợ hãi, định lập đàn cúng yểm. Đến đêm, nằm mơ thấy thần Long Đỗ, Cao Biền bèn họp chư tướng, kể lại và nghe theo lời bàn: Dùng 1000 cân sắt đúc tượng thần để làm bùa yểm. Vừa lập đàn, Cao Biền đọc thần chú thì giông gió đùng đùng nổi lên, đất trời mù mịt, tượng sắt ngàn cân tan vụn ra, bay lên không trung; Cao Biền sợ hẫi than:” Xứ này có thần kinh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ, ta phải về Bắc mất thôi” Sau đó Cao Biền phải cuốn gói bỏ đi.
(9)- Ở Trung quốc, cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào (874- 884)làm lung lay đến tận gốc rễ nền thống trị Nhà Đường
(10)- Khúc Thừa Dụ là một hào trưởng từ đất Hồng Châu (Ninh Giang, Hải Hưng) lãnh đạo nhân dân đánh thành Tống Bình và xưng tiết độ sứ năm 905
(11)- Năm 907, ở TQ: Chu Ôn lật đổ Nhà Đường, lập ra nhà Hậu Lương
(12)- Khúc Thừa Hạo (Con của Khúc Thừa Dụ)thực hiện cải cách hành chính, quân sự, thực hiện” Bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ kê khai hộ khẩu..., chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui” Nhà Hậu Lương buộc phải công nhận chức Tiết độ sứ của Khúc Hạo.
(13)- Nhà Hậu Lương thừa nhận Khúc Hạo làm Tiết độ sứ; Nhưng chỉ năm sau(908) đã trở mặt bằng cách cho Lưu Ẩn(Tiết độ sứ của Nhà Đường) kiêm chức “Tinh hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ”; Nhưng Khúc Thừa Hạo kháng cự quyết liệt và chuẩn bị đối phó khiến nhà Hậu Lương co vòi lại
(14)- Khi Lưu Ẩn chết, con là Lưu Nham lên thay, chiếm cứ cả vùng Quảng Châu, lập ra nước Nam Hán (917), một trong mười nước ở TQ bấy giờ. Cũng năm đó, Khúc Thừa Hao chết, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay, vẫn xưng là Tiết độ sứ.