Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 29/07/2019 14:52, số lượt xem: 507

Lần theo sách sử sang trang,
Đầu thế kỷ sáu huy hoàng, khó quên:
Nhà Tề đổ, Nhà Lương lên;
Dân ta nô lệ, càng thêm tủi hờn.
Hướng theo cờ nghĩa Lý Bôn,
Tinh Thiều, Triệu Túc,... bốn phương thề nguyền;
Anh hùng, hào kiệt kết liên
Từ Long Hưng đến các miền xung quanh;
Nghĩa quân rời tỉnh Thái Bình
Kéo về đánh chiếm châu thành Thăng Long(1);
Ngời ngời khí thế tiến công;
Chính quyền đô hộ đi tong, cúi đầu;
Bạo tàn như Vũ Văn Hầu
Cuống cuồng hoảng sợ, mau mau lẩn chuồn,
Tan tành giấc mộng! Giặc Lương
Tiếc mồi ngon, lại điên cuồng kéo sang;
Hai lần thảm bại, kinh hoàng(2)
Thua đau, Lương đế trị oan tướng tài.
Sau bao gian khổ dẻo dai,
Lý Bôn xưng ĐẾ, sánh vai Bắc triều-
Hiệu: Lý Nam Đế, đủ liều
Khiến Nhà Lương phải bớt điều cuồng ngông.
Xuân về, rạng rỡ non sông;
Vạn Xuân, tên nước, hợp lòng muôn dân.
Lý Bôn lo tổ chức quân;
Thuỷ binh thành lập, góp phần vẻ vang.
***
Năm sau, giặc Lương lại sang;(3)
Toàn quân thiện chiến, tướng hàng siêu nhiên,
Theo đường biển, hướng Long Biên...
Lý Nam Đế tới Chu Diên chặn đường;
Quân ta cản địch kiên cường;
Cậy đông, liều chết, giặc Lương phá thành;
Trải qua nhiều trận giao tranh,
Mấy lần, Lý đế phải đành lui binh;
Phạm Tu anh dũng hy sinh;
Quân ta cầm cự, Gia Ninh giữ bền(4).
Giặc Lương tiếp viện, đông thêm,
Vỗ mặt, tập hậu,...cuồng điên liều mình;
Nào kỳ binh, nào chính binh,
Dạn dày, kinh nghiệm chiến chinh, cáo già;
Tưởng hồ Điển Triệt giúp ta;
Nhưng rồi lợi thế lại là giặc Lương (5);
Lý Nam Đế đã cùng đường,
Gọi Triệu Quang Phục để nhường quyền binh,
Vào động Khuất Lão giữ mình,
Tìm ra kế sách chiến chinh lâu ngày;
Phép “Trì cửu chiến” là đây!
Tiếc rằng lại có kế hay muộn mằn(6).
***
Triệu Quang Phục lãnh đạo quân
Rút về Dạ Trạch-vùng đầm hoang vu(7)
Với bao lợi thế diệt thù:
Bùn lầy, rắn rết, sương mù cản ngăn...
Giặc Lương không thể tiến quân,
Lại lo nghĩa sĩ bất thần tiến ra;
Từng đoàn độc mộc xông pha...
Chiến tranh du kích hơn ba năm trời;
Lại thêm lực lượng nhiều nơi...
Khiến cho tướng giặc rối bời, hoang mang.
Nước Lương loạn lạc lan tràn;
Bá Tiên về nước, Dương Sàn lên thay...
Địch quân đột ngột lung lay;
Quân Triệu Quang Phục đến ngày phản công:
Đánh to, thắng lớn,...thoả lòng;
Muôn dân hồ hởi, cờ hồng tung bay;
Về Long Biên, cứ thẳng tay
Đánh đòn quyết định, giết ngay Dương Sàn.
Nước non trở lại bình an,
Giang sơn sạch bóng ngoại bang, trường tồn(8).
Làm nên chiến thắng vang giòn,
Vì dân, Quang Phục vẹn tròn tấm gương;
Lên ngôi, xưng Triệu Việt Vương;
Kế “Trì cửu chiến” soi đường dài lâu.

(1)- Lý Bôn, tức Lý Bí quê ở Long Hưng, Thái Bình, đầu xuân năm 542, phất cờ khởi nghĩa, kéo quân từ Thái Bình, đánh chiếm thành Thăng Long.
(2)- Một lần vào tháng 4 năm 542, lần sau vào đầu năm 543, giặc Lương đều nếm đòn thất bại, 10 phần, chết tới 7, 8. Lương Vũ ĐẾ kết tội chết hai tướng giỏi cầm quân bị bại trận.Lý Bôn xưng ĐẾ, gọi là Lý Việt Đế(Lý Nam Đế) đổi tên nước thành Vạn Xuân (Vào màu xuân năm 544)
(3)- Năm 545, quân Lương lại kéo sang với những tên tướng giỏi như Dương Phiêu, Trần Bá Tiên
(4) Thành Gia Minh vùng Việt Trì,quân ta cầm cự được khoảng 4-5 tháng;
(5) Tháng 10 năm 546, Lý Nam Đế kéo quân ra đóng ở hồ Điển Triệt (hồ tích Sơn, hay Đầm Vạc, Vĩnh Yên ngày nay). Do trong một đêm, một con nước nổi lên ở sông Hồng chảy mạnh vào trong hồ, nên giặc Lương đóng ở cửa sông đã đánh gấp vào, với lợi thế tiến công đã đánh tan quân Lý Nam Đế;
(6) “Trì cửu chiến” là kế đánh lâu dài theo lối đánh du kích: ngày ẩn náu, đêm bất ngờ tập kích tiêu hao dần sinh lực địch. Đợi thời cơ mới đánh lớn. Lý Nam Đế tìm ra kế “Trì cửu chiến” khi đã nhường binh quyền cho Triệu Quang Phục và sau đó ốm, chết ở động Khuất Lão vào tháng 4/548.
(7)- Đầm Dạ Trạch thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
(8)- Năm 550, Triệu Quang Phục dành độc lập, nước Vạn Xuân tồn tại hơn 60 năm.