Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 15/06/2018 10:05, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 21/06/2018 10:10, số lượt xem: 1281

Dạ Trạch, đầm hoang, thắng giặc Lương
Cả tin, mang hoạ, nỗi đau thương
Dương Sàn núng thế, cho toi mạng(1)
Lý Phật... mưu gian đã chặn đường(2)
Bài học Mỵ Châu, sao chẳng nhớ
Người hiền trong mộng mãi làm gương(3)
Anh hùng đãng trí, thua mưu giặc
Sự nghiệp thôi rồi! Triệu Việt vương

(1)- Triệu Quang Phục vốn cùng cha là Triệu Túc tham gia cuộc khởi nghĩa chống nhà Lương xâm lược của Lý Nam đế. Khi Lý Bí thắng lợi, đặt tên nước là Vạn Xuân, lên ngôi hoáng đế, gọi là Lý Nam đế. Nhưng chỉ được một năm, quân Lương lại phản công chinh phục. Tướng nhà Lương là Trần Bá Tiên, huy động lực lượng lớn, với tài cầm quân dày dạn kinh nghiệm, y quyết diệt bằng được nước Vạn Xuân non trẻ. Lý Bí phải rút quân về động Khuất Lão, trao quyền cầm quân cho Triệu Quang Phục. Quang Phục lui quân về đầm Dạ Trạch (Bãi Màn Trò, Khoái Châu, Hưng Yên), sử dụng lối đánh du kích, tiêu hao lực lượng địch, khiến quân Lương suy yếu dần, quân ta ngày càng mạnh. Khi đó, Bá Tiên được lệnh về nước dẹp loạn trong nước, trao quyền cho tỳ tướng là Dương Sàn. Triệu Quang Phục nhân đó từ Dạ Trạch, tấn công quân Lương, giết chết Dương Sàn, quân Lương đại bại. Đất nước được giải phóng.
(2)- Khi Trần Bá Tiên phản công dữ dội, một tướng quân của Lý Nam đế là Lý Thiên Bảo, đem quân chạy về Cửu Chân (Thanh Hoá), rồi chạy lên vùng thượng du miền Tây Thanh Hoá, đóng đo tai Dã Năng, tự xưng là Đào Lang vương, năm 555, Lý Thiên Bảo qua đời, Lý Phật Tử (Một người có họ với Lý Bí) lên ngôi. Năm 557, Lý Phật tử từ Đa Năng kéo quân về gây chiến với Triệu Quang Phục. Sau nhiều trận, không phân thắng bại, hai phe giảng hoà, chia đất cai quản. Lý phật tử chủ động xin kết thông gia với Triệu Quang Phục. Quang Phục nghĩ rằng Lý Phật tử là người có họ với Lý Nam đế, nên tin tưởng, không nỡ từ chối và cho con gái mình là Cảo Nương kết hôn với con trai Lý Phật tử là Nhã Lang, cho Nhã Lang ở rể. Nhã Lang đã lừa vợ, khám phá được bí mật quân sự của Triệu Quang Phục, lấy cớ về thăm cha mẹ và bàn với Lý Phật Tử đem quân đánh, Triệu Quang Phục bị bất ngờ nên thua trận, chạy về phía Nam, khi đến biển Đại Nha (Nay là cửa Liêu, thuộc Nghĩa Hưng, Nam Định), Triêu Việt Vương đã chém chết con gái rồi nhảy xuống biển tự vẫn. (Sự kiện lặp lại như quan hệ giữa Triệu Đà và An Dương vương, mối nhân duyên giữa Mỵ Châu và Trọng Thuỷ).
(3)- Tương truyền, khi Triệu Việt vương quét sạch giặc ngoại xâm, đã đi thăm một số vùng để tìm hiểu dân sinh. Khi đến huyện Đường Hào, nghỉ đêm, nằm mơ thấy có hai anh em ruột đến gặp,xin giúp nước. Anh là Chiêu Công, em gái là Ngọc Nương, người quê Bảo Đài. Sáng hôm sau, trong đám dân chúng địa phương đông đúc đang chào đón mình, Triệu Việt vương nhìn thấy một cô gái đúng như đã gặp trong mộng, liền cho gọi lại, hỏi tên. Cô gái nói tên đúng như người trong mộng. Ong hỏi thêm về anh em của cô gái, liền biết cô gái còn có anh trai tên là Chiêu Công. Vua đòi gặp và nhận ra người anh đã gặp trong mộng. Vua đưa hai anh em họ về triều, phong cho người anh là Quản lĩnh Thuỷ bộ tướng quân, phong em gái là Đệ Tứ Cung phi. Mấy năm sau, giặc Lương lại xâm lấn biên cương. Chiêu Công được cử, đem quân đánh tan quân xâm lược, chém hơn 10 tướng giặc và tiêu diệt hàng nghìn quân địch. Còn Ngọc Nương vừa hầu vua, vừa động viên thanh niên ở Đặng Xá nhập quân giúp nước. Ngoại xâm bị dẹp chưa lâu thì nội chiến nổ ra: Lý Phật Tử đem quân đánh Triệu Quang Phục, nhưng nhờ có quân hùng, tướng tài như Chiêu Công, Trương Hống, Trương Hát,... lại có móng rồng thần diệu nên chiếm ưu thế. Lý Phật Tử không đánh được Triệu Quang Phục liền chủ động giảng hoà và xin kết thông gia. Các tướng lĩnh, trong đó có Chiêu Công can vua không nên tin đi. Nhưng Triệu Quang Phục không nghe. Chiêu Công buồn phiền bèn cáo quan, xin về chăm sóc cha mẹ. Còn Ngọc Nương sống với vua hơn 10 năm, vẫn không có con nên xin xuất gia tu Phật. Khi Chiêu Công nghe tin vua thua Lý Phật tử, liền đem 2000 quân cứu giá, nhưng không kịp vì vua đã tự vẫn chết, đồng thời lại bị quân Lý Phật tử cậy đông bao vây, Chiêu Công gieo mình xuống sông Hồng tuẫn tiết. Còn Mỵ Nương, tuy ở trong chùa, lánh xa Trần thế, nhưng nghe tin vua và anh trai đã chết, bà đã tắm gội sạch sẽ, tụng kinh niệm Phật, rồi uống thuốc độc tự vẫn.