Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 16/06/2018 10:43, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 22/06/2018 10:17, số lượt xem: 487

Hoàng bào xếp lại, mặc cà sa
Lấy đức cai dân, lòng mẹ cha
Mở hội Bình Than,... lo giữ nước(1)
Kết thân Chiêm quốc, nới sơn hà(2)
Việt Nôm, quốc ngữ, luôn coi trọng(3)
Thiền phái Trúc Lâm, đã lập ra
Ngữ Lục, sách kinh, truyền hậu thế(4)
Trong ba việc nước, trội đều ba(5)

(1)- Trước hoạ giặc Nguyên - Mông đe doạ, năm 1282, ngài chủ trì hội nghị Bình Than, lấy ý kiến toàn dân về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Năm 1284, trước khi cuộc chiến xảy ra, ngài lại chủ trì hội nghị Diên Hồng, lấy ý kiến các vị bô lão, đứng đầu các bộ lạc có nên đánh lại quân Nguyên Mông hay không? Năm 1285, ngài lãnh đạo nhân dân chiến đấu thắng lợi quân Nguyên Mông lầ thứ nhất. Năm 1288, ngài lại chỉ huy chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ hai.
(2)- Năm 1301, sau khi đã xuất gia tu hành, tham thiền nhập định, ngài hạ sơn đi thăm Chiêm Thành, nghiên cứu tôn giáo, tạo lập mối quan hệ hợp tác,... Đến 1305, vua Chiêm Thành mang sính lễ cầu hôn cùng công chúa Huyền Trân, Ngài đồng ý gả con gái cho vua Chiêm. Vua Chiêm đã lấy 2 quận châu Ô, châu Ri tặng cho Đại Việt. Nước ta được mở rộng thêm về phương Nam bằng con đường hoà bình, hữu nghị.
(3)- Ngài là một trong những người đi tiên phong về việc sử dụng chữ quốc ngữ (chữ Nôm).
(4)- Sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là mặt nổi trội nhất trong sự nghiệp văn hoá của Trần Nhân Tông, đây là Thiền phái đầu tiên do một người Việt sáng lập ra. Ngài tập trung biên soạn kinh sách, Ngữ Lục, để lại cho hậu thế những tài liệu vô cùng quý giá.
(5)- Trần Nhân Tông là vị hoàng đế mà sự nghiệp nổi hẳn trên cả ba mặt là Giữ nước, Dựng nước và Mở nước.