Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 26/06/2018 20:30, số lượt xem: 522

Vĩ đại nhất nhì bậc đế vương
Kinh bang tế thế, thật phi thường
Nam chinh, nới rộng thêm sông núi(1)
Bắc phạt, răn đe, chặn đối phương(2)
Xây dựng non sông thành cực thịnh(3)
Minh oan Nguyễn Trãi để ngời gương(4)
Văn hay, võ giỏi, mà ham học(5)
Hồng Đức - Luật hình - Toả ánh dương (6)

(1)- Lê Thánh Tông (Tức Lê Tư Thành, hay Lê Hậu), con vua Lê Thái Tông, và bà Ngô Thị Ngọc Dao, sinh ngày 20-7 Nhâm Tuất (1442), là vua thứ 4 của triều Hậu Lê, là ông vua ở ngôi lâu nhất trong LS VN(38 năm).Ông tiến hành mở mang Đại Việt về phía Nam bằng hình thức chinh phục Chiêm Thành.
(2)- Có một số lần, Lê Thánh Tông cho quân Bắc phạt, không phải để xâm chiếm đất đai, mà là hình thức răn đe, làm nhụt tham vọng của ngoại bang.
(3)- Gần 40 năm làm vua, ông đã đưa triều Lê phát triển đến đỉnh cao về mọi mặt: chính trị, xã hội, kinh tế, an ninh quốc phòng,... Khi lên ngôi, việc đầu tiên ông quan tâm nhất là nội trị, an dân, chấm dứt tình trạng phe phái trong cung đình, tổ chức đất nước với tinh thần cải cách mạnh mẽ, táo bạo. Ông tiến hành cải tổ cơ chế nhà nước, chú ý biện pháp phát triển kinh tế, sửa đổi thuế khoá, điền địa, khẩn hoang, mở mang đường xá, chợ búa,...
(4)- Năm 1464, ông đã minh oan cho Nguyễn Trãi, cho tạc bia về Nguyễn Trãi, sưu tầm sách vở, tác phẩm của Nguyễn Trãi để lưu giữ.
(5)- Ông là vị vua toàn tài, võ giỏi, văn hay, đã để lại 9 tập thơ chữ Hán, hàng trăm bài thơ Nôm và văn xuôi,...Văn thơ của ông hay hơn cả các quan văn học. Ngay cả khi lên ngôi, phải lo toan nhiều vấn đề đai sự quốc gia, nhà vua vẫn không ngừng học tập. (Như ông đã viết: “Trống dời canh còn đọc sách - Chiều xế bóng chửa thôi chầu”)
(6)- Bộ luật Hồng Đức là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của sự nghiệp Lê Thánh Tông, đánh dấu trình độ văn minh cao của XH VN thế kỷ XV. Ông còn sáng tạo thành lập hội Tao Đàn Nhị thập bát tú gồm 28 học giả giỏi nhất Đại Việt thời ấy. Bộ Đại Việt Sử ký Toàn thư do sử quan Ngô Sỹ Liên biên soạn năm Kỷ Hợi (1479) cũng do sự chỉ đạo của Lê Thánh Tông.