Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 17/11/2023 10:30, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Admin vào 02/12/2023 14:01, số lượt xem: 337

“Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra!”
Xét trong sử tích gần, xa;
Tấm gương hiếu nghĩa như hoa bốn mùa:
Ngất trời quyền lực, là vua,
Dâng roi tạ tội! Có thừa hiếu nhân;
Tấm gương chói lọi muôn xuân:
Tự Đức nghe mẹ xét phân, chịu đòn (1)
Anh Tông giữ đạo làm con:
Vâng lời cha dậy, vẹn tròn ngôi cao:
Buông ngay chén rượu ngọt ngào,
Vì dân, vì nước! Thuộc vào minh vương. (2)
Trọn trung, vẹn hiếu, khác thường;
Vâng lời cha dậy, tỏ tường chí trai:
Bao năm nếm mật, nằm gai;
Phò Lê, Nguyễn Trãi tỏ tài vì dân (3)
Đồng Tử chôn khố, ở trần,
Để cha nhắm mắt, bớt phần tang thương (4).
“Quạt nồng ấm lạnh” – Hoàng Hương-
Trẻ thơ hiếu thuận! Tấm gương muôn đời (5).
Tào Nga chết vẫn rạng ngời:
Giữa dòng nước xiết, không rời xác cha. (6)
Đề Oanh dâng thư, lệ nhoà,
Nguyện làm hầu gái, chuộc cha tử tù. (7)
Lý Kỳ, danh để nghìn thu:
Bán mình, phụng dưỡng, đền bù song thân. (8)
Thay cha – phận gái – tòng quân;
Mộc Lan, Hoa tướng bội phần vinh quang (9).
................
Bao người thành đạt, giỏi giang;
Chữ nhân, chữ hiếu,.. vẹn toàn, lưu danh?
Hiếu tâm! Cảm động Trời xanh;
Tạo nên phúc ấm, duyên lành dài lâu.
Hiếu nhân! Phẩm hạnh đứng đầu!
Công cha, nghĩa mẹ! Dám đâu tách rời?
“Dậy con, con nhớ lấy lời:
Trọng cha, kính mẹ! Suốt đời, chớ quên.”

1. Vua Tự Đức; là ông vua duy nhất bị mẹ đánh đòn trong lịch sử. Năm đó, vua đi săn, gặp lụt bất ngờ, không kịp về lo liệu ngày kỵ của cha là Tiên hoàng Thiệu Trị.Nhà vua hiếu thuận, vội đội mưa đến quỳ tạ tội với mẹ là thái hậu Từ Dũ. Ông còn chủ động dâng roi mây, nằm xuống chịu đòn.
2. Vua Trần Anh Tông: Vốn ham rượu, một lần vì say rượu, vua lỡ buổi chầu, bị Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông trách phạt. Vua quỳ gối, dâng biểu tạ tội mới được tha lỗi. Từ đó, vua không uống rượu nữa. Dù ở ngôi cao, nhà vua vẫn tôn trọng đạo hiếu, cẩn tuân lời dậy bảo của cha.
3. Nguyễn Trãi: Khi cha là Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt, Nguyễn Trãi đi theo cha đến ải Nam Quan. Nguyễn Phi Khanh khuyên con trở về mưu nghiệp lớn đánh đuổi giặc Minh. Nguyễn Trãi nghe lời cha, đã theo phò Lê Lợi, nếm mật, nằm gai, bầy mưu tính kế, góp phần quan trọng giúp nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi.
4. Chử Đồng Tử: sinh ra trong nghèo khó, cả hai cha con chỉ có một chiếc khố dùng chung. Khi cha – Chử Cù Vân – sắp mất, có dặn: Con giữ lại cái khố để dùng! Nhưng Chử Đồng Tử không nỡ để cha ở trần hạ táng nên đã chôn chiếc khố theo cha. Còn mình hàng ngày ngâm mình dưới nước để câu cá hoặc giao tiếp với người ngoài.
5. Hoàng Hương: Thời Hậu Hán, ở Trung Quốc, khi 9 tuổi mồ côi mẹ, một mực hiếu thuận với cha. Khi trời nóng nực, cậu quạt chăn màn trước rồi mới mời cha đi ngủ cho khỏi bị nóng. Khi trời lạnh, cậu nằm ủ chăn cho ấm lên, để cha không bị lạnh. Câu chuyên: “Quạt nồng ấm lạnh” Là một tấm gương cho đời nay về ý thức chăm sóc tỉ mỉ đối với cha mẹ già.
6. Tào Nga: đời Hán, năm cô 14 tuổi, cha say rượu, rơi xuống sông. Tào Nga thương cha, chạy dọc bờ sông suốt 7 ngày để tìm xác cha, nhưng không được. Cô buồn bã, nhảy xuống sông tự tử. 5 ngày sau, người ta thấy xác cô đội xác cha cùng nổi lên. Thật là kỳ diệu.
7. Đề Oanh: Người đời Hán, khi cha là Thuần Vu Ý phạm tội bị hạ ngục ở Tràng An, chờ ngày hành hình, Đề Oanh dâng thư lên vua Văn Đế, xin làm hầu gái cho nhà quan để chuộc tội cho cha, Văn Đế cảm động xuống chiếu tha cho cha nàng.
8. Lý Kỳ: Đời Đường, nhà nghèo, tự nguyện bán mình cho người làng đem dâng cúng thần rắn, để lấy tiền nuôi dưỡng song thân. Về sau, nàng chém chết rắn thần, rồi làm vợ vua Việt vương.
9. Hoa Mộc Lan: thời Bắc Nguỵ, ở Trung Quốc, mồ côi mẹ, sống với cha. Khi giặc xâm phạm biên giới, cha nàng bị điều đi lính. Vì không muốn cha chịu khổ, nàng đã âm thầm tòng quân thay cha. Về sau trở thành danh tướng, lập nhiều chiến công hiển hách.