Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 18/08/2019 08:44, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 24/08/2019 20:56, số lượt xem: 250

Việt Nam dân chủ khai sinh;
Tự do, hạnh phúc dân mình là đây.(20)
Việc đầu tiên phải nghĩ ngay:
Giặc đói, giặc dốt với bầy ngoại xâm;
Hội nghị đoàn kết toàn dân;
“Lấy dân làm gốc” - phương châm lâu dài...
Dã tâm xâm lược lần hai,
Bọn thực dân Pháp đánh bài bây cưa.
Quyết tâm chiến đấu có thừa;
Trường kỳ kháng chiến đã đưa luận bàn.
Chín năm kháng chiến gian nan,
Trải nhiều chiến dịch đánh tan giặc thù:
Bảo toàn Việt Bắc - chiến khu;
Giải phóng Biên Giới - Mây mù dần quang,...
Hàng loạt chiến công huy hoàng;
Tướng Na Va cũng phải sang chịu đòn.
Đông Xuân, chiến thắng vang giòn;
Lang Sa bạt vía, kinh hồn triền miên. (21)
Na Va hốt hoảng, khùng điên;
Cho quân nhảy xuống Điện Biên, giở trò -
Những mong lập lại thế cờ...
Hay đâu: ý chí đến giờ cáo chung.
Biết bao tướng giỏi, binh hùng,
Giơ tay nộp mạng, đường cùng thua đau.
Giơ ne.. hiệp định tiếp sau,
Thực dân ký kết: cúi đầu hồi hương.
Hàng loạt thuộc địa noi gương,
Nối nhau bước tới chặng đường tự do.(22)
Năm châu như tỉnh cơn mơ:
ĐIỆN BIÊN, NƯỚC VIỆT, CỤ HỒ CHÍ MINH!
Biết bao mất mát, hy sinh?
Càng nhiều hiểm ác, nghĩa tình càng sâu.
Chiến tranh vệ quốc nhiệm mầu:
Toàn dân đoàn kết, nghèo giàu đồng tâm...

Cải cách ruộng đất - Sai lầm -
Bạn thù lẫn lộn, nghĩa ân chôn vùi...
Sửa sai, tìm đến đường lui;
Nhỏ dòng nước mắt ngậm ngùi, xót xa:
Bao người tan cửa, nát nhà,
Chết trong tức tưởi, khó mà cảm thông(23).

(20)- Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Người rời cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang) sau sự kiện liên Xô tuyên chiến với Nhật, Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hirosima và Nagadaki, phe đồng minh gửi công hàm yêu cầu Nhật đầu hàng. Ngày 19-8-1945, Người và ban thường vụ TƯ Đảng quyết định tổng khởi nghĩa vũ trang cả nước. Hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào 13-8-1945 quyết định tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945 Quốc dân đại hội Tân Trào nhất trí chủ trương khởi nghĩa của Đảng, bầu UB giải phóng dân tộc VN (Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh nước VNDCCH, nay là CHXHCN VN
(21)- Phiên họp đầu tiên của chính phủ lâm thời (3-9-1945) đề ra nhiệm vụ cấp bách là động viên toàn dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Người quan tâm hàng đầu tới chính sách đại đoàn kết dân tộc. Sáng 20-12-1946, Người cùng TƯ Đảng kêu gọi toàn dân cứu nước vì thực dân Pháp đang có dã tâm quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, với nhiều chiến dịch diễn ra liên tiếp, quân dân ta đã khiến thực dân Pháp đảo điên vì thất bại: Chiến dịch Việt Bắc (7-10-1947 đến 22-12-1947) ta đã bảo toàn căn cứ chiến khu, buộc địch phải chuyển hướng chiến lược từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang đánh lâu dài, thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Chiến dịch Biên Giới (6-1950 đến 14-10-1950), ta giải phóng từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), buộc Pháp phải đổi tướng cầm đầu, xin Mỹ viện trợ. Một loạt chiến dịch tiếp theo: Chiến dịch Trần Hưng Đạo (12-1950 đến 2-1951) ở Bắc Giang, Việt Trì; Chiến dịch Quang Trung (5,6-1951) ở Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; Chiến dịch Lý Thường Kiệt (9,10-1951) ở Nghĩa Lộ; Chiến dịch Hoà Bình 12-1951 đến 2-1952); Chiến dịch Tây Bắc(10-1951 đến 2-1952) - Do đó, đến 3-1953, tướng Pháp Na va phải sang làm tổng chỉ huy quân đội, đề ra kế hoạch mới, hòng trong 18 tháng lập chiến công dọn đường tháo lui cho quân đội Lang Sa (Tức quân Pháp). Ta mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, gồm nhiều chiến dịch trên một số hướng chiến lược.Ta mở chiến dịch Tây Bắc - Thượng Lào, chiến dịch Bắc Tây Nguyên, các chiến dịch Đồng bằng Bắc bộ, Bình Trị Tiên, cực Nam Trung bộ, Nam Bộ.
(22)- Địch cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ta chuyển từ chủ trương tiến công ào ạt, đánh nhanh thắng nhanh sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Chiều 13-3-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Sau 3 đợt tiến công, 55 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quyết liệt, mưu trí, sáng tạo, cuối ngày 7-5-1954, ta giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ, tiêu diệt, bắt sống toàn bộ quân địch gồm 16200 tên, trong đó có tướng Đờ Cát Tơ ri, làm phá sản kế hoạch Na Va, làm sụp đổ ý chí xâm lược của Thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký hiệp định Giơ Ne vơ kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa Thực dân cũ trên toàn thế giới. Đây là trận đầu tiên mà quân đội một nước thuộc địa châu Á đánh thắng một cường quốc châu Âu, là một thảm hoạ bất ngờ đối với Thực dân Pháp, cổ vũ mạnh mẽ các thuộc địa của Pháp ở châu Phi đồng loạt nổi dậy (Chỉ riêng 1960, đã có 17 nước châu Phi nổi dậy giành được độc lập).
(23)- Cuộc CCRĐ tiến hành từ 1953 đến 1956, chia thành 5 đợt thực hiện ở các địa phương. Do việc đặt chỉ tiêu là phải tìm cho ra tỷ lệ 5% địa chủ, Việt gian, do không được kiểm soát chặt chẽ, mặc cho các cơ sở tự quyền quyết định, quyền sinh quyền sát, bất chấp luật pháp (Luật CCRĐ ban hành ngày 19-12-1953), do chịu áp lực từ TQ,... nên cuộc CCRĐ đã diễn ra quá khích, quy oan, giết hại nhiều người, kể cả những người có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến đánh Pháp xâm lược, những người là đảng viên trung kiên, cả những lãnh đạo cấp TƯ của Đảng. Như bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Hanh Long (HN), mẹ nuôi của Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, có con trai một là trung đoàn trưởng một trung đoàn QĐND VN, người đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập bị kết án xử tử; Phó bảng Đặng Văn Hướng, bộ trưởng phụ trách Thanh- nghệ - Tĩnh của chính phủ, khi về quê, bị địa phương đấu tố, sau đó ốm chết tại quê nhà Diễn Châu; Thiếu tướng Vương Thừa Vũ tư lệnh đại đoàn 308, nguyên tư lệnh mặt trận HN năm 1946, chủ tịch UB quân quản HN đã bị dân ngoại thành HN bắt...
Hội nghị TƯ 9 _2-1956) đã ra lệnh đình chỉ cuộc CCRĐ. Những người trực tiếp chỉ đạo CCRĐ đều bị xử lý: Trường Chinh (Trưởng ban chỉ đạo) phải từ chức tổng bí thư Đảng; giám đốc trực tiếp điều hành Hồ Viết Thắng bị loại khỏi BCH TƯ Đảng, Hoàng Quốc Việt ra khỏi bộ chính trị, Lê Văn Lương rút uỷ viên dự khuyết bộ chính tri. Tại kỳ họp 6 quốc hội khoá I (12-1956), Hồ Chủ tịch thay mặt chính phủ nhận khuyết điểm đã khóc trước các đại biểu.