Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 27/06/2018 20:40, số lượt xem: 1158

Mang gươm mở cõi hướng trời Nam
Thu phục nhân tâm - Chúa Nguyễn Hoàng
Chiêu mộ anh hùng, khơi nghiệp lớn
Rộng ban ân đức, giữ dân an(1)
Lập đô trị quốc, thần nhân giúp(2)
Nới rộng giao thương, sắc lệnh ban(3)
Điềm báo - Tốt lành - Sau được nước(4)
Cháu con nối chí, mở giang san(5)

(1)- Nguyễn Hoàng còn gọi Nguyễn Thái Tổ, hay Chúa Tiên (28-8-1525 đến 20-7-1613), vị chúa đầu tiên, đặt nền móng cho vương triều Nguyễn (Từ 1558 đến 1945), quê ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hàng Tông, xứ Thanh Hoá. Năm Mậu Ngọ (1558), chúa đưa gia đình, thân tín vượt núi Hoành Sơn về phương Nam tấn nhậm. Ông dừng chân ở Ái Tử, huyện Đăng Xương, nay là huyện Triệu Phong, Quảng Trị, thu phục nhân tâm, rộng ban ân đức, chiêu mộ anh hùng, hào kiệt khắp nơi kéo về hội tụ, họ Nguyễn bắt đầu khởi nghiệp, bành trướng ở Đàng Trong. Ông gắn bó với Quảng Trị từ khi khởi nghiệp đến cuối đời (1613).
(2)- Tương truyền: Một hôm, chúa Nguyễn đi kinh lý qua ngọn đồi Hà Khê, gặp một cụ bà áo đỏ, tay cầm nắm nhang đang cháy, chỉ đường cho ông tìm đến vùng đất có nhiều sinh khí. Sau này, chúa Nguyễn chọn nơi đó làm kinh đô Phú Xuân (Huế). Để ghi nhớ công ơn Tiên bà chỉ đường, chúa cho xây dựng trên đồi Hà Khê ngôi chùa, đặt tên là chùa Thiên Mụ.
(3)-Chúa Nguyễn Hoàng đã vượt qua tư tưởng “Trọng nông ức thương”, mở mang ngoại thương, hướng tầm nhìn ra biển, cho thuyền buôn các nước đến buôn bán. Ông nhận một thương gia Nhật Bản làm con nuôi, xây dựng cảng Hội An thành cảng lớn nhất Đông Nam Á thời ấy.
Khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm, các bô lão ở mảnh đất Ái Tử đã dâng lên chúa 7 vò nước mát. Giữa sứ sở được vinh danh là “Ô châu ác địa”, nổi tiếng khô khát, nóng nôi, người dân dâng nước cho chúa là một việc rất thực tế. Nhưng quan Thái phó của ông là Nguyễn Ư Dĩ đã nhân chuyện dân dâng nước mà nói: “Trời ban cho tất cả là điềm báo, nay quan tổng trấn mới đến mà dân đem nước hiến, đó là điềm lành báo được Nước”.
(5)- Bản thân Nguyễn Hoàng đã có công lớn trong việc mở mang nước về phía Nam: - Năm 1597, Lương Văn Chính, tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên nhận sắc lệnh của chúa, đưa 4000 dân vào khai khẩn đất phía Nam, lập ấp, tạo nên làng mạc đầu tiên.
- Năm 1611, quân Chăm Pa tiếp tục quấy phá biên giới, Nguyễn Hoàng sai Văn Phong đi dẹp, vua Chăm Pa phải rút quân xuống phía Nam đèo Cả, và giang sơn nhà Nguyễn lại được nới rộng.
- Hai gia tướng người Việt, gốc Chăm của ông là Vũ Thì An, Vũ Thì Trung đã giúp Nguyễn Hoàng chiếm được Bãi Cát Vàng vô chủ, không ai tranh chấp...
- Khi bệnh nặng, chúa gọi con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên từ Quảng Nam về, dặn rằng: “Nếu Bắc tiến được thì tốt nhất, bằng không thì giữ vững đất Thuận Quảng, và mở mang bờ cõi về phía Nam... đó là đất của người anh hùng dụng võ. Vậy con phải biết thương yêu dân, luyện tập binh sỹ để xây dựng cơ nghiệp muôn đời.” Đồng thời ông dặn các cận thần trong triều phò trợ con ông cho thành đại sự. Sau này, Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi cha, là người có công lớn nhất trong việc mở rộng bờ cõi ra biển đảo bằng con đường khai khẩn, thực thi chủ quyền ở hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lập ra hải đội Hoàng Sa...
Chính nhờ công lao Nguyễn triều mà non sông VN mới trải dài theo hình chữ S hiện nay.