Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 26/07/2019 05:05, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 04/08/2019 17:27, số lượt xem: 243

Mẹ con vương tử về xuôi;
Càng gần An Lạc, niềm vui càng đầy.
Yên Sinh vương đã ở đây(1)
Vẫn đang nhức nhối những ngày buồn đau:
Phu nhân, vương tử ở đâu?
Mà nguồn tin vẫn bấy lâu mịt mờ.
Ngày đêm trằn trọc đợi chờ;
Chi bằng: Các nẻo lại lo đi tìm?
Bỗng nghe náo nức ngoài hiên,
Tiếng hò reo cứ rộ lên tràn trề:
- “Phu nhân, Trọng tử đã về!”
Bà con cô bác thôn quê đón mừng.
Cả nhà nhộn nhịp, tưng bừng;
Trần Liễu bối rối, tưởng chừng đang mơ.
Phu nhân lẳng lặng, thẫn thờ
Đến bên Vú Mỹ, bất ngờ khóc vang;
Vương nhi cử chỉ nhẹ nhàng,
Giơ tay vuốt mái tóc vàng Yết Kiêu.(2)
Nhận ra thân phụ kính yêu,
Vương nhi quỳ xuống, nói điều trong tâm:
- “Vì con làm khổ phụ thân!”
Ôm con, Trần Liễu cười ầm, nói ngay:
- “Con ta khôn lớn nhường này;
Thảo nào Thống Quốc bó tay thiệt người!”
Ngoài sân ngợp ánh mặt trời;
Con vàng, con ngựa, con voi nô đùa.(3)
Làng quê thoang thoảng hương đưa;
Đồng xanh hẹn một vụ mùa bội thu.
Đoàn viên, trút bỏ ưu tư,
Vài tuần trăng sáng, đã thư nỗi niềm.
Hôm nay, Quốc Tuấn thưa lên:
- “Theo lời sư phụ Tản Viên hôm nào,
Con đi một chuyến xem sao?
Địa hình Đại Việt, thấp cao tỏ tường;
Xong rồi ngược Tản Viên sơn,
Thăm mồ Lão Bộc, thắp hương viếng thày;
Xuống Thăng Long ở ít ngay
Bái yết Thánh thượng, đó đây họ hàng!”
Sau hồi suy nghĩ miên man,
Phụ thân cho phép lên đàng hôm sau.
Đến Thăng Long chưa bao lâu,
Đi thăm Thống Quốc, lên chầu Nhà vua;
Đàng hoàng, lễ phép chào thưa,
Nói năng khúc chiết - Tuổi chưa đến mười,
Mà sao thông tuệ tuyệt vời?
Giải trình kế sách dùng người, dưỡng dân
Nghe xong, Thủ Độ ôm chầm,
Tay xoa đầu cháu, có phần ngất ngây:
- “Giang sơn, xã tắc sau này
Trông nhờ ở cháu ta đây cả rồi!”

Những trang lịch sử rạng ngời:
Cả ba lần đánh tơi bời Nguyên Mông(4)
Quân dân, tướng sỹ đồng lòng;
Muôn đời vọng lại chiến công huy hoàng.
Sống là tướng giỏi Trần gian;
Thác đi là Thánh dẫn đàng cho đân.
Kế bền thắng giặc ngoại xâm
Là lo “Khoan thứ sức dân” diêt thù.
Sử vàng lưu giữ nghìn thu;
Tài thơ không đáng nửa xu, vẫn liều!

(1) Khi vua Trần Cảnh gặp huynh trưởng Trần Liễu ở Yên Tử, đã ban cho Trần Liễu đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang làm đất thang mộc và ban tên hiệu là Yên Sinh Vương.
(2) Yết Kiêu (Con Chu Sỹ và Vú Mỹ), Dã Tượng (Con Nguyễn Vũ và A Thu) sau này là những hổ tướng thân cận của Đức Thánh Trần trong suốt những năm kháng chiến chống quân Nguyên Mông ở thế kỷ 13.
(3) Con voi thân thiết này đã đưa Đức Thánh Trần qua bao nhiêu trận mạc. Khi vượt sông Hoá, ngăn giặc bảo vệ Nhà vua, voi bị sa lầy, chìm xuống. Ngậm ngùi từ biệt con voi thân yêu, Đức Thánh Trần rút kiếm chỉ lên Trời xanh thề: - Trận này không phá xong giặc Nguyên, thề không về đến sông này nữa.
(4) Năm 1283 (Thiệu Bảo thứ 5), nhận sắc phong Quốc công Tiết chế nhân vũ Hưng Đạo Đại vương trực tiếp chỉ huy quân Đại Việt chống quân Nguyên lần thứ hai rồi lần thứ ba (Lần thứ nhất, ngài tham gia đánh quân Nguyên Mông với tư cách chỉ huy một cánh quân). Ngài về Trời năm 1300.
Yên Sinh Vương Trần Liễu tạ thế năm 1251, thọ 41 tuổi, được truy phong Khâm Minh Đại vương.
Yên Sinh Vương Phu nhân Trần Thị Nguyệt nhận sắc phong từ Thiên Đạo phu nhân lên hàng Thiên Đạo Quốc mẫu (Ngang hàng với bà Trần Thị Dung, phu nhân của Trần Thủ Độ).