Đăng bởi Vanachi vào 09/05/2006 07:31
Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
Ông không muốn run người ra tiếng địch,
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.
Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng,
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.
Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.
Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.
Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng...
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Vanachi ngày 07/01/2019 22:43
Trong nền Thơ Mới, bài thơ này cùng với một số bài của Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên – tất cả đều thuộc trường thơ Bình Định – hình thành một tốp đứng chót vót trên đầu của một cực đoan thơ, cái cực của bút pháp ấn tượng thuần tuý, chỉ cách siêu thực và trừu tượng có một sợi chỉ. Sợi chỉ đó là một số hình ảnh, từ ngữ chưa mất hết gốc thực, nhưng chúng chỉ được xuất hiện rời rạc, thưa thoáng như những cái đinh vẫn thường đóng trên những bức tường trần tục mà giờ đây chỉ còn tình cờ sót lại khi bức tường xưa đã hoá thành mây khói phía chân trời. Đừng nhọc lòng đi tìm những mối liên hệ rõ ràng của thế giới trong thơ với thế giới thực ngoài đời. Bến My Lăng ở đâu ư? Hình như có lần những người thân của nhà thơ Yến Lan đã chỉ ngay ra cái bến đò ở đâu gần nhà thi sĩ và bảo: nó đấy. Giá như trong trường hợp khác, một cách giải thích như vậy rất có thể đã làm tổn hại đến ấn tượng của người đọc đối với bài thơ. Nhưng Bến My Lăng đủ sức vượt lên mọi sự dung tục hoá dù vô tình hay cố ý, với ác ý hay thiện tâm. Bởi tất cả chất liệu làm nên Bến My Lăng dù có bắt nguồn từ một gốc thực nào đó thì dễ thường khoảng cách giữa chúng còn xa vời hơn cả khoảng cách từ giọt nước ngoài biển đến đám mây trên trời. Ta đã từng nói tới sự ít chuyện, ít ý trong một bài như Tống biệt hành chẳng hạn, nhưng Bến My Lăng còn cực đoan hơn nhiều – nó không có chuyện và cũng không có ý. Nó chỉ có cảnh. Và những trạng thái tâm hồn, những trạng thái lan man, rối rắm rất khó nắm bắt và gọi thành lời. Nếu cố lắm ta cũng chỉ thấy được ở đây một nỗi gì đó xao xác, bất an, một tâm thế cô độc và rợn ngợp của con người trước sự đìu hiu của cõi thế, sự mênh mông choáng ngợp của đất trời. Cái đìu hiu, cái mênh mông và choáng ngợp đó trải ra trên bến sông, con đò, trên vòm trời và những vì sao, nhưng nhiều nhất và ấn tượng nhất, hầu như tràn ngập cả bài thơ là cái ánh trăng ma quái, cái ánh trăng thoắt ẩn thoắt hiện, muôn hình vạn trạng chi phối hết mọi cảm xúc của người thơ. Bài thơ có năm khổ rưỡi thì có đến chín lần xuất hiện từ trăng:
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách…cho đến tận câu kết vẫn là:
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao…
Tơ vương trời nhưng chỉ rải trăng trăng…
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách…
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.Có thể nói, trăng chính là nhân vật chính của bài thơ. Nếu ta mạo muội đổi tên bài thơ thành “Bến trăng” chẳng hạn thì chưa chắc đã không được người đời chấp nhận. Nhưng nói vui thế thôi, cái danh từ riêng “My Lăng” có một vị thế thật kỳ lạ, nó huyễn hoặc như có như không, nó vừa Tây vừa Ta, vừa tân kỳ vừa cổ điển, hình như nó nằm ngoài các biên giới không gian và thời gian, nó mang trong mình ý nghĩa tự thân của một thanh âm dịu dàng và mơ mộng như Lá diêu bông của Hoàng Cầm sau này chẳng hạn – và ở đây cũng tựa hồ như cách các bậc bố mẹ đặt tên con cái, có những cái tên “chữ”, bao hàm nghĩa lý hẳn hoi, nhưng cũng có những cái tên người ta chọn đặt vì đơn giản đọc lên chúng dịu dàng êm ái, hoặc gân guốc rắn rỏi…, thế thôi.