TỰA(Của tác giả khi in lần in thứ hai. NXB Văn học 1961)
Mười sáu năm đã đi qua trên bản thơ này, dường như đã bao bọc bản thơ trong một áng sương kỷ niệm. Tác giả có thể nào không cảm ơn cái duyên của văn tự đó rút bài thơ mình từ chỗ cũ đưa sang chỗ hiện giờ...
Các em hiện nay mười sáu tuổi có thể tưởng tượng được không, mối tình đầu với cách mạng thành công, với chính quyền nhân dân ở tại “thành Hoàng Diệu” tức thủ đô Hà Nội, tháng tám 1945, Việt Nam dân chủ cộng hoà năm thứ nhất?
Lòng tiết trinh vui trong tiệc sáng loà
Tình nguyên thuỷ vẫn hãy còn run rẩy...
Ai đã sống những ngày ấy sẽ không bao giờ quên.
Bài thơ Ngọn quốc kỳ đã được làm ra, trong những ngày say sưa tắm ánh sáng thần tiên của cách mạng thành công ấy. Những ngày thứ nhất ấy, tất cả tươi mới trong lòng người, trên đất nước như tập trung hiện bật lên trên lá cờ đỏ sao vàng; chúng ta đã say ngọn quốc kỳ độc lập, tự do như say men rượu! Những buổi thượng cờ, kéo cờ, treo cờ, chào cờ, những khi phất cao ngọn cờ... ngọn quốc kỳ như một mặt trời đỏ mọc giậy trên biển xanh, như một ngôi sao vàng mới chọc thủng trời biếc; ngọn quốc kỳ quấn lấy tâm hồn mọi người, cuốn đưa lên lồng lộng cao xa!
Tôi còn nhớ cái trụ sở của Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam lúc đó, trước cách mạng là nhà của Hội khai trí tiến đức, (hiện nay là câu lạc bộ Thống nhất) hãy còn những trang điểm bằng vôi, bằng gỗ hình con dơi, hình những đồng tiền, y như một cái nhà quan lớn. Trong cái vỏ chưa kịp cải tạo ấy, là toà soạn những số đầu tạp chí Tiền phong báo La République (Dân chủ cộng hoà), là ban biên tập những sách của Văn hoá Cứu quốc. Ở đó, khoảng tháng 10, 11 - 1945, anh Nguyễn Huy Tưởng, lúc ấy cùng với anh Nguyễn Đình Thi là những đồng chí phụ trách chính trong Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam. Anh Tưởng đã gợi ý đầu tiên cho tôi viết một bài thơ ca ngợi Cờ đỏ sao vàng. Hoàn cảnh lúc đó là: ở Nam bộ, ngọn quốc kỳ đang xông pha khói lửa, anh dũng, gay go, kháng chiến đầu tiên chống bọn xâm lược Pháp; cả nước một lòng tập hợp dưới ngọn quốc kỳ; nhưng ở Hà Nội thủ đô, cuộc đấu tranh chống những lực lượng chính trị phản động đang diễn ra gay gắt: nấp bóng bọn quân đội quốc dân đảng Trung Quốc đang đóng ở miền Bắc nước ta, những đảng phái phản động trương những lá cờ sao trắng, cờ ba gạch, không công nhận cương vị quốc kỳ của cờ đỏ sao vàng, tức nghĩa là không công nhận chính quyền nhân dân mà Đảng của giai cấp công nhân là người xây dựng và lãnh đạo. Hàng ngày, ở mấy khu phố, chúng phát thanh những luận điệu chống Chính phủ lâm thời cách mạng; chúng tiến hành những việc bắt cóc người, khiêu khích, phá rối; chúng bày trò biểu tình chống cuộc tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946) của nhân dân ta... Đồng chí Nguyễn Huy Tưởng đã “đặt hàng xã hội” cho tôi dùng thơ phất cao Ngọn quốc kỳ, có nghĩa là đánh vào bọn phản động. Nguyễn Huy Tưởng đã cho tôi cái ý tứ đầu tiên, từ đó nảy ra bản thơ Ngọn quốc kỳ.
Cái hăng tuổi trẻ của lúc ấy còn đọc thấy được trong những bài thơ ứng chiến lời văn hãy còn như một quả xanh mới ương. Tôi xin chép lại đây một “nụ cười dân Việt” đăng trên báo hồi ấy, không phải vì giá trị văn học, mà để gợi lại cái không khí đánh nhau lúc bấy giờ:
VỊNH CÁI CỜ
Cũng xanh, cũng đỏ, cũng thì cờ!
Nấp bóng cờ ai, ngó mập mờ?
Thẹn với gió sương, bay lấp ló,
Hổ cùng non nước, phất bơ vơ.
Đỏ này vốn thiệt pha bằng gấc,
Nhuộm thắm phẩm tàu, xinh đẹp thật.
Không dùng tranh đấu, chỉ dùng treo,
Chẳng phải gió thơm, mà cũng phất!
Đỏ cùng xanh trắng, trông na ná...
Đánh lộn con đen, nghe cũng khá!
Song song ba cái sọc ngang ngang
Trông giống quẻ ly khi trước quá.
Chửi hoài xấu miệng, có ai mê?
Chỉ bọn chuyên môn bán nước nghe!
Đứng dưới cờ này, quân loạn đảo
Tiến từ ba gạch đến... ba que!
Cờ này để ngắm khi buồn khóc,
Khi kéo đoàn quân đi... bắt cóc.
Cờ này để phất ở sau lưng,
Xưng bá xưng hùng trong một góc.
Tổ tiên khi trước giống oai linh,
Sao chúng mầy nay chẳng biết vinh?
Thà chết chứ không đi liếm gót,
Lỹ bay chớ để chó gà khinh!
Than ôi là cờ, than ôi cờ!
Năm, sáu, bảy, tám, chín, mười cờ!
Có vải, ai may mà chẳng được!
Khó chăng: tranh đấu từ ngày xưa.
Song le dân Việt bảo con em:
- Khôn khéo cũng không qua lẽ phải.
Máu dân có nhuộm, mới nên cờ;
Không máu: chung qui là miếng vải!
13-12-1945
Mười sáu năm đã qua trên bản thơ hiện nay được in lại. Người ta bao giờ cũng nhớ lại mối tình đầu với một niềm hoan hỉ rưng rưng. Ngọn quốc kỳ là sự sống lại của người dân Việt Nam ở trong tôi, là mối tình đầu của tôi với những ngày đầu của chính quyền nhân dân cách mạng. Vì vậy, tôi xin phép được viết mấy lời.
Hà Nội, ngày 1 tháng 8 năm 1961
XUÂN DIỆU
TỰA(Của tác giả khi in lần in thứ hai. NXB Văn học 1961)
Mười sáu năm đã đi qua trên bản thơ này, dường như đã bao bọc bản thơ trong một áng sương kỷ niệm. Tác giả có thể nào không cảm ơn cái duyên của văn tự đó rút bài thơ mình từ chỗ cũ đưa sang chỗ hiện giờ...
Các em hiện nay mười sáu tuổi có thể tưởng tượng được không, mối tình đầu với cách mạng thành công, với chính quyền nhân dân ở tại “thành Hoàng Diệu” tức thủ đô Hà Nội, tháng tám 1945, Việt Nam dân chủ cộng hoà năm thứ nhất?
Lòng tiết trinh vui trong tiệc sáng loà
Tình nguyên thuỷ vẫn hãy còn run rẩy...
Ai đã sống những ngày ấy sẽ không bao giờ quên.
Bài thơ Ngọn quốc kỳ đã được làm ra, trong những ngày say sưa tắm ánh sáng thần tiên của cách mạng thành công ấy. Những ngày thứ nhất ấy, tất cả tươi mới…