Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại

Đăng bởi Nguyễn Dũng vào 11/07/2009 12:12

(Ghi trong nạn lụt năm Kỷ Hợi 1971)

Mặt đê

Trên đê nhìn về làng
Cbưa bao giờ tôi nhìn quê tôi như chiều nay
Nước vỗ chấm ngọn cây
Lờ lờ mái rạ
Bốn phía trắng một màu trắng xoá
Con đê dài hóa phố chon von

Chưa bao giờ tôi hiểu hết bà con
Như hôm nay giữa lều  rạ lều rơm
Cái keo cái cột
Tình thôn xóm tự nghìn  xưa đùm bọc.
Bây giờ bên nhau.
Người làng ra cây thóc lúa bò trâu
Người dưới bãi: cả cối xay cái giã
Cái cơ nghiệp suốt một đời gắn bó
Bây giờ cùng lên đê...

Có phải chăng chính những túp lều kia
Đã đứng vậy qua bao đời trong gió
Lúc chập lại thành làng, khi dân ra thành phố
Một sức bền như đất gắn bên nhau.

Làng

Ngày thứ ba điền thanh héo lá
Ngày thứ tư cây mít úa vàng
Đêm chợp mắt nằm mơ thấy lúa
Hạt thóc dài như cái thuyền nan.

Chúng tôi về giữa nước mênh mang
Quờ sào tre tìm con đường cũ
Còn xanh được là những cây cổ thụ
Những bờ tre nghìn đời.

Chúng tôi vào từng xóm, từng thôn
Neo lại chiếc bàn trôi cho các em về học
Lặn xuống làn nước đục
Vớt lên từng cân thóc, cân ngô
Mò cái ấm, cải thau còn chưa mang đi được
Đôi lúc một chiếc xe lội nước
Vượt qua bè chúng tôi
Các anh cũng áo quần ướt sũng
Trên nóc xe gà lợn xoong nồi,
Trẻ em đã được đưa ra hết
Các anh thức cho bao đêm rồi
Mắt quầng thâm, làn da bợt nước
Thu xếp cho từng xóm, từng nhà.
Đất nước còn nhiều vất vả
Mồ  hôi nước mắt bà con ta.

Nhà hộ sinh

Tăng oa! tăng oa !
Tiếng khóc sơ sinh lúc này nghe bỗng lạ
Sức nước chạy hung hăng tàn phá
Tiếng trẻ thơ lọt lòng
Bàn đẻ kê trên một dàn gỗ bắc
Nước đang còn dâng lên
Người mẹ quặn mình nghe nước réo
Chị hộ sinh đầm nước dõi tim thai
Bàn đẻ khênh lên vai
Vịn bắc tiếp lên lả ngang sát mái.
Cái trạm xá như một cù lao nổi
Người làng ta ra đời:

Lên đường

Không có sân mít tinh
Cũng chẳng kịp liên hoan văn nghệ
Cả làng đứng trên một đê nóng vỗ
Tiễn cháu con mình đi
Nước chưa lui, công việc bộn bề
Làng tôi vẫn san người đi đánh giặc
Những đôi vai hôm qua vác lên đê hòn đất
Bây giờ vác súng ra đi.
Những người con trai nhìn quê
Chưa bao giờ thấy nhớ sức tương của mình đến thế
Cả làng đứng nghe lòng mình sóng vỗ
Vẫy theo đoàn quân đi.

Hàn khẩu

Công trường này không ranh giới ngày đêm
Một công trường thấm mồ hôi cả nước:
Đá hộc của Tràng Kênh, Lạng Giai. Lạng Nắc
Rọ thép đan từ Hà Nội. Hà Tây
Hải Phòng gửi lên đi lan cần trục
Lán dân công trải dài trên đê
Đèn chỉ huy thức suốt đêm khuya
Ý kiến nhiều không thể ghi hết được:
Có lão nông đi bộ từ huyện khác
Đến góp vào cách cứu dê xưa
Anh kỹ sư đêm ngày như mê
Cuốn sổ nhỏ ghi hàng trang chữ số
Đá hộc đổ đầy các rọ
Nặng trĩu lên sà lan.
Nắng tháng tám chang chang
Hầm hập mồ hôi trong các lều bạt hẹp
Nước ngoài sông sủi bọt
Vèo véo củi mục, bèo tây trôi.

Lũ năm nay lớn hơn hết mọi thời
Người lên đê còn lớn hơn dòng lũ
Sức nước dữ nhưng lòng dân kết tụ
Và hai đầu đê vỡ đã giao nhau.

Trở về

Nước còn ngập bụng chân
Bà con đã về dọn nhà dọn cửa.
Qua bao nhiêu nỗi nhớ
Nỗi nhớ về hòn đất gớm ghê sao

Đất ngoài vườn còn lõng bõng như ao
Việc đầu tiên là cắm cây rau  xuống
Rồi mới cọ sân, cọ nhà,

Các em học sinh cấp hai, cấp ba
Tự tay sửa lại trường, quét vôi lại lớp.
Ổ gà ấp hôm nao chạy lụt
Nay gà con xuống chuồng,
Tiếng lịch tích mỏng manh thân thuộc
Nghe có gì thấm - thía quê - hương.
Và như điều sâu thẫm yêu thương
Cứ lớn mãi trong lòng tôi từng buổi
Khi tôi ngồi đầu nồi cơm tôi xới
Cho các em tôi ăn
Những bát cơm có bạt gạo trắng ngần
Của bà con Thái Bình gửi tới
Những tấm bánh của phố phường Hà Nội
Tấm chăn, thước vải các miền xa.
Thuốc men cho người ốm người già
Đến chiếc tã cho cháu nào mới nở...
Năm đất nước nhọc nhằn vất vả
Càng mặn nồng tình nghĩa Việt Nam ta.

Làng xanh rồi, ruộng ăm ắp phù sa
Nhà dựng lại, cây trong vườn trĩu quả
Vượt lên hết mọi thiên tai địch hoạ
Xanh nghìn đời, bờ tre xanh quê ơi!


Làng lụt Hà Bắc 8/1971
Làng sơ tán Hà Tây 4/1972