Wikipédia bản tiếng Việt (trở xuống viết tắt là Wikipédia) có nhiều mục từ tốt, nhất là về nước ngoài, nhưng về lịch sử và văn hoá Việt Nam thì phải thẳng thắn để nói rằng có khá nhiều mục từ rất ẹ. Bởi vì phần lớn những người biên soạn đều không phải là người nghiên cứu, lại càng ít người chuyên về một mảng vấn đề nào, không đủ kiến thức và kinh nghiệm để thẩm định các tư liệu thu thập được có khi theo kiểu may nhờ rủi chịu dưới tay. Cho nên nếu các tư liệu ấy sai thì họ cũng sai, và vì ai cũng tra cứu được nên những tư liệu tào lao ấy lại được tổng hợp và phát tán rộng rãi nhờ sức mạnh của Internet, gây ra những sai lầm dây chuyền mà nói chung những người biên soạn không phải chịu trách nhiệm gì cả. Một ví dụ: mục từ Phan Văn Trị trên Wikipédia hiện vẫn viết ông sinh năm 1830 và mất năm 1910, trong khi Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong in từ 1909 đã viết Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường “Đã lâu về cõi âm minh xa miền”. Nhưng dù sao thì trước nay Phan Văn Trị vẫn được đánh giá thống nhất nên cái sai ấy còn là chuyện nhỏ, nhưng có khi Wikipédia lại phát tán những thông tin và nhận định sai trái tới mức nguy hiểm, ví dụ trường hợp Nguyễn Liên Phong.

Về tiểu sử của Nguyễn Liên Phong

Mục từ Nguyễn Liên Phong hiện có trên Wikipédia gồm ba phần chính là Tiểu sử, Tác phẩm và Nhận xét. Phần Tiểu sử thì sai hoàn toàn, phần Tác phẩm cũng có chỗ chưa đúng (ví dụ Henri Cordier trong Bibliotheca Indosinca – Dictionnaire Bibliographique des ouvrages relatifs à la péninsule Indochinoise, Imprimerie Nationale, Paris, 1914 ghi rõ tên sách chữ Hán là Từ Dũ Hoàng Thái hậu truyện chứ không phải Từ Dũ Hoàng Thái hậu, ngoài ra còn ghi thêm “Nguyễn Liên Phong phụng lược dịch”, “Nguyễn Hữu Hạnh phụng kiểm tự” – rõ ràng đây là dịch từ Nghi thiên Chương hoàng hậu truyện trong Đại Nam Chính biên Liệt truyện Nhị tập của Quốc sử quán triều Nguyễn, là dịch phẩm chứ không phải là tác phẩm, người đương thời có khi gọi tắt là Truyện Đức Từ Dũ…). Phần Nhận xét thì ghi là “Chỉ để tham khảo, vì cần nghiên cứu thêm”, thận trọng như vậy là đúng vì các tác giả hai quyển Hào khí Đồng Nai và Sài Gòn Gia Định qua thơ văn xưa đều không nêu ra bằng chứng về việc Nguyễn Liên Phong “từng làm Tuần phủ, bị Pháp chiêu dụ đưa vào Nam” hay “Nguyễn Liên Phong viết tập thơ Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn caĐiếu cổ hạ kim là “nhằm đề cao công lao khai hoá của nước “Đại Pháp” và đề cao các nhân vật làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp” trong khi có nhiều bằng chứng cho thấy ngược lại. Tóm lại muốn hiểu đúng về Nguyễn Liên Phong thì phải tìm hiểu tiểu sử và văn nghiệp của ông một cách đầy đủ và chính xác, nếu chưa đầy đủ cũng không được sai lạc. Bài viết này là góp phần đính chính những sai lạc về tiểu sử Nguyễn Liên Phong và về cách hiểu quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca.

Trước hết, hãy nói về tiểu sử của Nguyễn Liên Phong được giới thiệu trên Wikipédia.

Người đầu tiên nói Nguyễn Liên Phong tức Nguyễn Phong quê ở Nghệ An, sinh năm 1821, thi đỗ Cử nhân trường Nghệ An khoa Tự Đức Đinh mão 1867, làm quan tới chức Tri phủ, Tuần phủ bị cách vân vân mà Wikipédia đã chép lại là ông Nguyễn Q. Thắng (NQT), trong quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca do ông chú dịch và giới thiệu, Nxb. Văn học, 2002. Kết quả chú dịch và giới thiệu ấy đã nhận được phản hồi của một số người đọc, nhưng học vấn của ông NQT vốn đã hơn một lần làm xúc động dư luận, nên chuyện đó không có gì là lạ. Điều đáng nói là trong phạm vi tiểu sử Nguyễn Liên Phong, ông NQT đã dối trá mà bịa đặt một câu chuyện hoang đường.

Tiếc là ông NQT không biết chữ Hán đủ để đọc Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục, chứ nếu đọc nổi thì ông đã không ghép đầu trâu vào với mõm ngựa, gán cho Nguyễn Liên Phong cái tiểu sử của Nguyễn Phong. Thứ nhất, Nguyễn Phong ấy là 阮豐, không phải là Nguyễn Liên Phong 阮蓮峰, cho dù có lược đi chữ Liên thì vẫn là hai người khác nhau. Thứ hai, Nguyễn Liên Phong không phải là người Nghệ An, bằng chứng là trong quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca ông đã cho in bài thơ ngũ ngôn chữ Hán của Nguyễn Trại Lượng ca ngợi quyển sách với hai câu mở đầu là “Bình Định đa anh tuấn, Nguyễn Liên Phong dật tài” (Bình Định nhiều anh tuấn, Nguyễn Liên Phong dật tài), tức ít nhất thì chính ông đã tự nhận mình là người Bình Định. Thứ ba, nhân vật nói trên sinh năm 1821 thì qua đầu thế kỷ XX đã hơn 80 tuổi, không thể nào còn sức lực và tinh lực mà “Dạo Nam Kỳ sáu tỉnh sơn xuyên, Xem nhơn vật khắp miền mọi chỗ” để thu thập tài liệu viết quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca hơn 7.000 câu thơ. Có lẽ vì đâm lao thì phải theo lao, nên ông NQT đành “khảo chứng” một cách bậy bạ với chú thích (3) ở tr. 10 quyển sách “Trong bài Lời cảm tạ anh em in ở cuối sách (tập II) tác giả viết “Ơn quốc gia toan tính khó lường, Dư bốn chục năm trường giáo dưỡng”. Từ đó thấy tác giả có thể đến ngụ cư tại Sài Gòn các năm 1875, 1876 là chậm nhất, vì cả tập I, tập II in năm 1909, nhất là đến năm 1915 ông vẫn còn tại thế lúc in cuốn Điếu cổ Hạ kim thi tập, 1915 thì ít ra lúc ấy ông đã ngoài 90 tuổi (1821 – 1915). Đó là do sự khảo chứng niên đại của chúng tôi, chứ thật ra không có tài liệu văn học nào ghi rõ ngày mất của ông!”. Quả thật ông NQT có một thứ logic làm người ta phát sợ!

Thứ nhất, hai câu “Ơn quốc gia toan tính khó lường, Dư bốn chục năm trường giáo dưỡng” nói trên được in năm 1909, nếu tính ngược lại hơn 40 năm là chỉ thời gian từ 1862 (tức năm triều đình nhà Nguyễn ký Hoà ước nhường cho thực dân Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ) hoặc 1867 (tức năm quân Pháp đánh chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ) đến 1909, vốn không dính líu gì tới lai lịch của Nguyễn Liên Phong, nhưng ông NQT lại xuyên tạc thơ văn, nhập nhằng niên đại lấy thời điểm 1915 của Điếu cổ Hạ kim thi tập trừ đi hơn 40 năm để có bằng được chi tiết Nguyễn Liên Phong tới sống ở Sài Gòn “các năm 1875, 1876”! Thứ hai, ông NQT chưa thấy được các tài liệu viết về ngày mất của Nguyễn Liên Phong không phải là sự lỗi lầm, nhưng lại lấy kiến văn của mình làm thước đo mà khẳng định “không có tài liệu văn học (sic) nào ghi rõ ngày mất của ông” thì đúng là muốn to gan qua mặt người thiên hạ. Ở đây xin giới thiệu hai tư liệu nhỏ để người đọc thấy rõ hơn sự can đảm tỷ lệ nghịch với học vấn ấy của ông (chúng tôi có điều chỉnh về chính tả).

1. Toàn văn bài Ai tín trên Nông cổ mín đàm số ra ngày 7.6.1917 đưa tin về cái chết của Nguyễn Liên Phong, có kèm bài thơ điếu của Nguyễn Hữu Hạnh cựu Chủ bút tờ Lục tỉnh tân văn:

Bổn quán hết lòng bi thảm mà cho chư văn hữu hay rằng Nam Kỳ ta mới mất một người danh sĩ là ông Nguyễn Liên Phong đã tỵ trần hôm tuần rồi đây. Khi bổn quán hay đặng thì nhựt báo đã lên bản, vậy để kỳ sau bổn quán sẽ nói hết lý lịch của người cho chư khán quan tường tất.

Luôn dịp bổn quán xin đăng bài thi điếu Nguyễn Liên Phong tiên sanh của M. Nguyễn Hữu Hạnh là cựu chủ bút Nhựt báo tỉnh cho chư khán quan lãm dượt.
NCMĐ.

Ông Nguyễn Liên Phong nhắm mắt rồi,
Giang hồ hết thấy Lão sư ôi.
Tang thương năm trước bao nhiêu cuộc?
Kim cổ ngày nay có mấy hồi!
Tuổi chất càng cao càng lắm nỗi,
Nợ đời dứt rảnh dứt thì thôi.
Nôm na tỏ chút tình ai điếu,
Ông Nguyễn Liên Phong nhắm mắt rồi.
Nguyễn Hữu Hạnh
2. Toàn văn bài Ai tín trên Nam Trung nhựt báo số ra ngày 12.6.1917 đưa tin về cái chết của Nguyễn Liên Phong, có kèm bài thơ của Bồng Dinh hoạ lại bài thơ điếu Nguyễn Liên Phong của Nguyễn Hữu Hạnh:

Bổn quán mới hay tin buồn thảm ông Nguyễn Liên Phong đã thệ thế hôm ngày mùng mười tháng tư An Nam năm nay, ở tại đường Vassoigne, Tân Định, Sài Gòn.

Trải mấy chục năm, ông Liên Phong đi châu lưu trong khắp sáu tỉnh Nam Kỳ, hạt nào lại chẳng có người quyến thức.

Người nho văn, sức học thức cũng có, lại thêm rộng thấy xa nghe, cũng nhờ bởi giao du nhiều chỗ, ổng thường xưng mình là Giang hồ Lão sư, hưởng thọ trên bảy mươi, tuổi chừng đó cũng vừa nhắm mắt.

Tuy là nhiều lo bề sanh nhai với đời, chớ khi rảnh được lúc nào thì cũng đặt sách này truyện kia, cũng là công ích chút đỉnh với đời. Mấy quyển sách ông làm ra như là: Nam Kỳ nhơn vật phong tục diễn ca, Điếu cổ Hạ kim, Truyện Đức Từ Dũ, tuồng Thiên đình đối án và nhiều bài ca khác, so bề văn chương cũng nên cho là một ông danh sĩ. Đến nay ông đã lìa cõi trần rồi, cầu xin cho linh hồn ông sanh thuận tử an, đặng tiêu diêu nơi miền cực lạc.

Nhơn dịp thầy Nguyễn Hữu Hạnh, là cựu chủ bút tờ Nhựt báo tỉnh có làm một bài ai điếu ông Liên Phong như vầy (tạm lược vì đã có ở trên):
….
Hoà nguyên vận (của Bồng Dinh):
Túi sách ông Phong đất dập rồi,
Hưởng dư bảy kỷ mấy người ôi.
Vãi chài thao lược đâu nhiều kẻ,
Tột đáy văn chương cũng một hồi.
Lúc nhóm đờn ca buồn chả xiết,
Khi đàm thi phú tiếc thì thôi.
Cả pho Điếu cổ còn tên tuổi,
Túi sách ông Phong đất dập rồi.
Bài Ai tín trên đây cho biết Nguyễn Liên Phong mất ngày 10 tháng 4 âm lịch (năm Đinh tỵ 1917) tức 30. 5. 1917, rất phù hợp với lời trần tình của báo Nông cổ mín đàm số ra ngày 7. 6. 1917, vì rõ ràng số ra ngày 31. 5. 1917 không kịp đưa tin.

Hai bài báo trên đây do người đương thời viết và được người đương thời kiểm chứng, cho dù không thật chính xác về chi tiết cũng không thể sai về ngày mất và độ tuổi của Nguyễn Liên Phong. Cho nên theo các tư liệu hiện có, chỉ có thể nói chắc Nguyễn Liên Phong tự nhận là người Bình Định, giỏi cổ nhạc và thơ văn, có lẽ từng tham gia phong trào Nghĩa hội ở miền Trung, khi phong trào này bị đàn áp thì lánh vào Nam Kỳ (trong bài Một bài thi của Đồ Chiểu trên tạp chí Tri Tân số ra ngày 23.3.1944 Phan Văn Hùm có viết “Nghe đâu ông là một người Trung Kỳ can án quốc sự phạm mà bị đày vào Nam Kỳ”, nhưng Nguyễn Liên Phong được đi lại khắp nơi chứ không bị quản thúc chặt chẽ như các chí sĩ Nguyễn Quyền, Võ Hoành nên chi tiết này cần được tìm hiểu nhiều hơn). Cũng chưa rõ Nguyễn Liên Phong có phải là tên thật của ông hay không, nhưng ông còn có biệt hiệu là Giang hồ Lão sư (Ông thầy già trên giang hồ). Trong Điếu cổ thi tập ông cho biết từng gặp Trần Bá Hựu ở Long Thành Biên Hoà, theo đó thì ông đã vào Nam Kỳ trước khi Trần Bá Hựu bị nghĩa quân giết chết năm 1885, có lẽ khoảng trước sau Hoà ước Patenôtre tháng 6. 1884. Tờ tâu ngày 27 tháng 6 nhuận năm Duy Tân thứ 5 (22. 8. 1911) của Phủ Phụ chính triều Nguyễn nhắc tới việc tặng thưởng kim khánh hạng ba cho Nguyễn Liên Phong năm 1909 có nói ông là người Trung Kỳ vào cư ngụ ở hạt Bến Tre đã lâu, còn trong lời Kỉnh khải cuối phần Điếu cổ quyển Điếu cổ Hạ kim thi tập Nguyễn Liên Phong cho biết ông ngụ ở nhà số 11 đường Vassoinge, Tân Định – Sài Gòn, và ít nhất ông đã cư trú ở đó từ 1909. Sau khi vào sống ở Nam Kỳ, ông đi khắp nơi dạy đàn, làm thuốc, dạy chữ nho, viết văn bia, đặt câu đối kiếm sống, khoảng 1906 – 1907 là cộng tác viên của báo Nông cổ mín đàm, ngoài ra có cộng tác với Nguyễn An Cư (em Nguyễn An Khương, chú Nguyễn An Ninh) dịch Tam quốc diễn nghĩa. Nếu hiểu chi tiết “hưởng thọ trên bảy mươi” trong Nam Trung nhựt báo là từ 71 đến 75 và theo cách tính “tuổi ta” thì có thể xác quyết Nguyễn Liên Phong sinh khoảng 1843 – 1847 và mất ngày 30. 5. 1917, thọ hơn 70 tuổi. Dĩ nhiên cái tiểu sử này còn phải bổ sung rất nhiều, nhưng chắc chắn đã đủ để phủ nhận toàn bộ cái tiểu sử Nguyễn Liên Phong mà ông NQT bịa đặt và Wikipédia chép theo.

Cao Tự Thanh

Tháng 10. 2013

* Bài này còn một phần Về cách hiểu quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca nói về sự ngu của hai gã ngu lên mặt “lập trường” chửi Nguyễn Liên Phong theo Pháp này nọ, nhưng không cần post ở đây, để báo chí đăng là đủ.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]