(NCTG) “Em là hoa huệ trắng - Nở trong trái tim Anh - Em là ngàn tia nắng - Soi đời Anh ngọt lành...”, những câu thơ rất quen thuộc xưa nay vẫn được cho là của thi hào Đức Heinrich Heine (1787-1856), nhưng theo một phát hiện mới, lạ lùng thay, thực ra nó là của một tác giả Việt Nam, viết cách đây gần năm thập niên. Bài viết của Thymianka Thảo Nguyên từ Berlin, CHLB Đức.

Sáng qua, không hiểu có điều gì xôn xao mà tôi mua cho mình một bó hoa huệ trắng. Huệ ở trời Tây là thứ hoa kiêu kỳ phù phiếm vì nó vừa thơm, vừa hiếm, lại mau tàn và cũng… không hề rẻ. Tôi ít mua huệ cho riêng mình vì mùi thơm của nó thường là nỗi ám ảnh rất sâu. Nhưng nó còn ám ảnh hơn nữa khi chiều nay, một cô bạn thân run run gọi điện, báo tin, bài thơ “Em là hoa huệ trắng” mà tôi và nàng cùng yêu thích bấy lâu nay hoá ra lại là của Vũ Lương, một người bạn, người anh vô cùng gần gũi và thân thiết với chúng tôi.

Thế là cả tối nay, mặc dù rất bận cho ngày lễ của những đôi nhân tình (14-2), tôi cũng dán mắt vào cái máy tính, hết chat cho người này lại gọi điện cho người kia như con thoi để nghe chuyện, hỏi han, ghi chép... Câu chuyện về bài thơ và hành trình 45 năm lưu lạc đầy thú vị và cảm động đến nỗi, tôi biết, cả mấy anh em đêm nay đều rất khó ngủ. Sài Gòn thì đã rạng sáng mà Berlin thì cũng đã quá nửa đêm lúc nào không hay.

Sau đây là một phần những chia sẻ của anh Vũ Lương:

Tiến sĩ Tô Văn Trường, một cây bút viết phản biện nổi tiếng, nguyên Viên trưởng Viện Quy hoạch Thuỷ lợi Nam Bộ, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người rất yêu thơ. Cách đây nửa năm, anh gửi cho tôi qua mail mấy bài thơ mà anh ấy yêu thích. Trong đó, có bài “Em là...”, và đề tên tác giả được đề là Heinrich Heine, thi hào người Đức.

Vừa vui, vừa ngạc nhiên, tôi viết lại cho anh Trường, nói rằng, ông Heinrich Heine không viết bài này. Vì tác giả là... tôi, Vũ Lương.
Từ Sài Gòn, Vũ Lương đã thức trắng đêm để kể lại cho tôi câu chuyện về bài thơ và hành trình của nó. Tại sao, từ “Em là...” của Vũ Lương, một chàng sinh viên Việt Nam, lại biến thành bài “Em là hoa huệ trắng” của Heinrich Heine tận nước Đức xa xôi?

Tôi học Đai học Giao thông Vận tải, khoá 6.

Năm 1965, sơ tán lên vùng Mai Sưu, huyện Lục Nam, Hà Bắc. Hồi ấy, chúng tôi phải vào rừng chặt tre, nứa, cắt cỏ gianh về dựng lán, làm lớp học, đào giếng... Giảng đường gần những khu rừng dẻ, có suối chảy quanh, nên trong thơ tôi viết, thường có hình ảnh đồi dẻ, dòng suối....

Bài thơ “Em là...” được viết năm 1967, vào cuối năm thứ hai, và viết cho chính mình, theo cảm xúc của một thanh niên mới lớn. Khi ấy, chưa có bạn gái, càng chưa biết yêu, chiến tranh mà. Hồi ấy tôi làm nhiều thơ lắm. Nhưng cũng không tặng ai, chỉ cho chính mình và bạn bè đọc thôi.

Một lần, khi ấy là khoảng tháng 12-1969, trong đợt đi thực tập ở Hải Phòng tôi gặp chị Đào Thuý Lan, vừa là hàng xóm, vừa là chị gái của một người bạn. Chị Lan cũng đi thực tập chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Thương Nghiệp.

Tuổi trẻ thời ấy thiếu thốn đủ thứ, nhất là các món ăn tinh thần. Nhưng sinh viên hầu như ai cũng có một cuốn sổ chép đủ thứ từ thơ, đến danh ngôn và nhiều thứ linh tinh, riêng tư khác. Chị Lan cũng có một cuốn sổ như thế và chị đã nhờ tôi chép mấy bài thơ vào đó cho chị. Trong đó có bài “Em là...”

Bài thơ này, cũng như những bài khác, mới chỉ đăng trên bích báo của lớp Đại học Giao thông Vận tải hồi đó và cũng chỉ một lần, duy nhất, tôi viết vào sổ tay thơ của chị Đào Thuý Lan. Rồi sau đó, cuộc sống ồn ào với nhiều thay đổi đã kéo tôi đi. Tôi cũng ít khi còn nhớ tới bài thơ cùng số phận của nó suốt bao nhiêu năm trời.

Nhưng từ cuốn sổ tay của chị, bài thơ đã được truyền tay nhau, có một đời sống không ngừng nghỉ, qua rất nhiều thế hệ sinh viên.

Lá thư tôi viết cho tiến sĩ Tô Văn Trường cũng chỉ dừng lại ở đó nếu như ngày 11-2-2014, tôi không vào Google. Gõ dòng chữ: “Em là hoa huệ trắng, nở trong...” và thấy có rất nhiều kết quả. Thật ngỡ ngàng, bài thơ được chọn là một trong những bài thơ tình hay nhất, nổi tiếng nhất...

Tất nhiên, tôi rất xúc động vì không thể ngờ tới sức lan toả của bài thơ. Gần nửa thế kỷ trôi qua, biết bao nhiêu người đã đoc và ghi chép, truyền tay nhau qua nhiều thế hệ. Đó là điều vượt quá sức tưởng tượng của người làm ra nó.

Tôi nghĩ, có thể một phần do người đời đã gán tên Heine cho nó nên sức hấp dẫn được tăng lên.

Điều sung sướng, là khi đọc vài cảm nghĩ của người đọc, họ còn nhầm tác giả là một nhà thơ Nga, do anh Thuý Toàn dich... Và cha của chàng trai ấy, khi còn trẻ, đã chép bài này trong sổ tay. Theo anh, nhờ bài thơ, mà cha đã “cua” được... má của chàng!

Khi viết thư cho tiến sĩ Tô Văn Trường, tôi cũng phân tích vài chi tiết trong bài thơ.

Nhất là, câu: “Em là bông lan đá/ Hương toả ngát núi rừng”. Khi ấy, mình có nhìn thấy bông lan đá bao giờ đâu. Đấy là tôi nhớ tới lời bài hát trong khi tham gia dàn hợp xướng của trường cấp ba Đoàn Kêt, năm học lớp 10, niên khoá 1964. Bài hát “Câu chuyện một đêm xuống núi” của nhạc sĩ Hồng Đăng, nói về chiến tranh chống Pháp ở khu vực Núi Voi, Hải Phòng.

Lời bài hát:

“Đứng trên đỉnh núi ta thề
Không giết được giặc không về núi Voi
Núi ơi nhớ chăng ngày xưa, lời thề một đêm xuống núi, nhìn quê hương mà lòng ngậm ngùi”.

...và:

“Nhìn bông lan đá đang mùa nở hoa
Núi là Mẹ hiền yêu dấu, đã từng cùng ta chiến đấu, che chở cho ta mỗi lần giặc vây”

Chi tiết “bông lan đá...” là như vậy.

Thêm một chi tiết nữa, là trong bài thơ gốc chép ở cuốn sổ, có xoá một dòng. Lúc đầu, ở khổ 4 tôi viết:

“Em là cây tùng xanh
Vươn cao trong bão táp
Em là chim mùa xuân
Sải rộng đôi cánh đẹp”

Nhưng khi viết vào sổ, tôi chữa lại là:

“Em là cây tùng xanh
Vươn cao trong bão tố
Em là chim mùa xuân
Bay vờn trên biển cả”

Nên ở khổ bốn, có 5 dòng. Dòng thứ 4 chính là dòng xoá.

Ngoài ra, nguyên bản một câu là:

“Em là đồi cây dẻ/Trăng vàng ôm mông mênh”. Còn bản lưu truyền bây giờ là: “Trăng sáng ôm mênh mông”

May mà chị Lan còn giữ cuốn sổ dù đã qua nửa thế kỷ. Và vẫn gối đầu giường bởi nó lưu giữ những tháng năm tuổi trẻ của chị. Ngày hôm qua, 12-2-2014, sau một cuộc điện thoại, tôi đã gặp chị và cầm lại trên tay cuốn sổ ố vàng sau gần nửa thế kỷ.

Nhìn màu giấy, nét chữ, cùng những hình vẽ và bài thơ do chính tay mình viết, tôi không sao ngăn được cảm xúc. Phải là một cơ duyên may mắn đến nhường nào, mới có thể gặp lại đứa con lưu lạc sau ngần ấy thời gian. Nhất là, đứa con ấy, đã được sống một đời sống hết sức kỳ lạ và sôi động trong lòng người yêu thơ.
Thay lời kết:

Chị Đào Thuý Lan hiện giờ 75 tuổi, đã nghỉ hưu hơn chục năm. Sống ở khu dân cư Trường Đại học Quốc gia Thủ Đức.

Tác giả, nhà báo, nhà thơ Vũ Lương, hiện sống tại Sài Gòn. Anh sẽ có mặt ở Berlin trong vòng một tuần nữa cùng cuốn sổ vô giá của chị Lan. Và câu chuyện thú vị đầy lãng mạn về bài thơ hoa huệ của anh, sẽ còn nhiều bất ngờ nữa.


14/02/2014
Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.